Đổi mới giáo dục đại học

Tư duy phản biện và lớp học đảo ngược điểm mới trong dạy học Mỹ thuật

24 Tháng Bảy 2018

ThS. Đào Thị Thúy Anh [*]

Sự hiểu biết của con người là không giới hạn, nhu cầu học tập, sáng tạo đòi hỏi phải có sự tư duy thực sự. Tư duy phản biện không tách rời khỏi các mục tiêu quan trọng trong giáo dục hiện đại nói chung và giáo dục mỹ thuật hiện đại nói riêng song nó lại là điểm mấu chốt của vấn đề đảo ngược tình huống, đảo ngược lời giải và phát huy tiềm năng trí tuệ của con người.

Trong thế kỷ XXI tại sao lại cần có giảng viên, người dạy khi ai ai cũng có thể truy cập công nghệ thông tin (CNTT), tiếp nhận các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và thậm chí ngồi ở bất cứ đâu cũng biết cả thế giới… Google có thể thay đổi bản thân tôi không? Có lẽ là câu hỏi đặt ra của khá nhiều người trong xã hội hiện đại.

Tài liệu Flipped Classroom trong Chương trình tập huấn ETEP về lớp học đảo ngược do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã cung cấp về cơ sở các môn học chính cũng như chủ đề của thế kỷ XXI bao gồm:

Trước các môn học đa dạng và các chủ đề được đặt ra như vậy cho con người ở thế kỷ XXI thì đâu là kỹ năng về học tập và đổi mới trong học tập. Sự giao tiếp và hợp tác, sự sáng tạo và đổi mới có đòi hỏi sự cần thiết Tư duy phản biện và Giải quyết vấn đề?

Sự hiểu biết về CNTT, về Truyền thông hay nói một cách dễ hiểu là kỹ năng về thông tin và truyền thông công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho người học. Song điều cốt yếu của xã hội ngày nay là việc sử dụng tối đa Tư duy phản biện. Sinh viên chính là người thầy, họ có quyền được tiếp nhận thông tin. Việc dạy và học đại học đặc biệt là dạy và học Mỹ thuật cần phải có sự bình đẳng, công bằng giữa thầy và trò, cần phát huy khả năng sáng tạo trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và phát huy ưu điểm của “đối tác”.

Trong công tác giảng dạy đại học nói chung và giảng dạy các môn Lý luận và phương pháp dạy học nói riêng ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thiết nghĩ “Học thuyết Phát triển xã hội Vygotsky” có ý nghĩa khá quan trọng. Trên tinh thần của học thuyết thì: Tư duy phản biện không tự diễn ra mà nó xuất hiện trong chính cộng đồng người học (chắc chắn có sự tương tác giao thoa giữa người học với người học, giữa người học với người thầy và ngược lại). Học thuyết phát triển xã hội của Vygotsky đã đề cập sự Tương tác xã hội. Nhóm người hiểu biết hơn (MKO), vùng phát triển gần (ZPD); Với các câu hỏi đặt ra bắt đầu từ Why (tại sao) mà không bắt đầu từ When (khi nào).

Học thuyết này khuyến khích mô hình học tập mà ở đó người học đóng vai trò chủ động, người dạy phối hợp với học viên, sinh viên, đặt nền tảng xây dựng kiến thức cho sinh viên, học viên… Sự phát triển của người học có khả năng tư duy phản biện được hình thành dựa trên việc họ tự tin khi đặt các câu hỏi cho nhau và cho chính người dạy (thầy giáo).

Hỏi, hỏi nữa và hỏi mãi. Hỏi ở đây không phải là sự hoài nghi hoặc sự ấu trĩ trong suy nghĩ rồi bột phát bằng ngôn tự, mà hỏi là kết quả của sự tư duy và tự tư duy, kích thích hoạt động não bộ trước vấn đề từ đó giúp ích cho người học khả năng giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, hỏi không hề dễ trong quá trình dạy - học. Hỏi là cần phải khám phá các ý tưởng, tìm ra bản chất, mở khóa, phân tích, phân biệt hoặc là sự điều hướng thảo luận trong lớp học.

Socrates được coi là nhà hiền triết, một công dân mẫu mực của thành Athena, Hy Lạp cổ đại. Ông là nhà tư tưởng nằm giữa giai đoạn bóng tối và giai đoạn ánh sáng của nền triết học Hy Lạp cổ đại. Socrates còn được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: “Hãy tự biết lấy chính mình”, ông là một triết gia được mệnh danh là bậc thầy của sự truy vấn. Phương pháp đặt câu hỏi Socrates được áp dụng từ rất lâu trong lịch sử giáo dục nhiều quốc gia song vấn đề khai thác tính tích cực của phương pháp thì không hẳn nơi đâu, quốc gia nào và lĩnh vực nào cũng đạt được sự thành công mong đợi.

Bức tượng “Socrates đang suy nghĩ” tại học viện Athens
(Nguồn: Kiến thức - Kinh nghiệm - Hỏi đáp Mai Nguyên chia sẻ)

“Cái chết của Socrates”Tranh sơn dầu của họa sĩ tân cổ điển: Jacques - Louis David 1787
(Nguồn: https://nguyendinhdang.wordpress.com/2012/12/03/cai-chet-cua-socrates/)

Trong 24 câu nói thông tuệ của triết gia Socrates, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những câu nói hữu ích thực sự cho người dạy người học và nói chung là con người chúng ta ngày nay cần suy ngẫm:

“Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả”.

“Một cuộc sống mà không có thử thách là một cuộc sống không đáng để sống”.

“Tôi không thể dạy ai một thứ gì. Tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ”

“Những bộ óc lớn thảo luận về những ý tưởng, bộ óc trung bình bàn luận về những sự kiện còn những bộ óc non yếu chỉ nói chuyện về con người”.

“Trí tuệ bắt nguồn từ những điều kì diệu”.

“Để tìm thấy chính mình, hãy biết cách suy nghĩ độc lập”.

“Giáo dục nhen nhóm ngọn lửa chứ không phải chỉ đổ đầy con tàu”.

“Hãy tự hiểu chính mình”

“Bí mật của sự thay đổi là tập trung tất cả năng lượng của bạn, không phải để chiến đấu với cái cũ mà là xây dựng nên cái mới”

“Hiểu được câu hỏi là đã tìm ra được một nửa đáp án”

“Khôn ngoan thực sự là khi nhận thức được kiến thức ít ỏi mà chúng ta có về cuộc sống, về bản thân chúng ta và về thế giới xung quanh chúng ta”…

Để thực hiện hiệu quả việc dạy - học trong tình hình mới, vận dụng hệ thống câu hỏi Socrate, thiết nghĩ người thầy cần vận dụng linh hoạt thang cấp độ tư duy, góp phần thúc đẩy Tư duy phản biện của người học và tham gia tích cực vào lớp học Đảo ngược.

Thang cấp độ tư duy Bloom (1956)

Thang cấp độ Anderson and Krathwohl (2001)

 

Thế nào là lớp học đảo ngược? Hẳn có rất nhiều ý tưởng xoay quanh nó nhưng nên hiểu một cách đơn giản đó là sự đảo ngược tư duy theo thang Bloom, là sự đảo ngược vị trí đối tượng và đảo ngược những cái cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người để lật xới nên vấn đề nhằm giải quyết nó, tìm ra cái mới.

Tư duy phản biện trong lớp học đảo ngược hay là lớp học đảo ngược phát huy khả năng Tư duy phản biện trên tinh thần lợi ích thảo luận nhóm sẽ tạo tiền đề cho lớp học sôi nổi, giờ học bổ ích và hiệu quả.

Thay vì lựa chọn phương pháp thuyết trình từ đầu buổi tới cuối giờ và thầy dạy là trung tâm thì đảo ngược lại với vị trí trung tâm là các nhóm thảo luận với giờ học lý thuyết, thay thế dữ liệu thông tin cung cấp cho người học bằng hệ thống câu hỏi Socrates:

- Làm rõ nghĩa : tại sao nói vậy?

- Thử thách: Liệu có đúng như vậy không?

- Bằng chứng: điều gì có thể chúng minh?

- Hệ quả: bạn có ý kiến nào khác không?

- Câu hỏi: tại sao câu hỏi này là quan trọng?

Học tập qua “truy vấn”, “tư duy phản biện, “sự sáng tạo” thông qua thảo luận nhóm góp phần phát huy kỹ năng tư duy của người học; bằng những trải nghiệm thực tế người học phát huy được tiềm năng trí tuệ, hình thành tư duy phản biện mà người thầy sẽ đóng vai trò dẫn dắt người học trên cơ sở các cấp độ tư duy:

Cấp độ 1: nghe, nói, đọc, viết

 Cấp độ 2: kỹ năng lý luận

Cấp độ 3: kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề

Đối với môn Lịch sử Mỹ thuật thay vì thống kê các trường phái xu hướng, tác giả, tác phẩm; giảng viên có thể đưa những phiên bản tranh, tượng sinh động nhất, yêu cầu sinh viên tự thống kê danh mục nhóm tác phẩm, nhóm thể loại và nhóm phong cách.

Sinh viên sẽ tự đặt ra các câu hỏi như: Ai? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Chẳng hạn khi đưa ra một loạt các bức họa phương Tây. Người học quan sát, tư duy và trao đổi chéo các câu hỏi giữa các nhóm. Họ tự đặt các câu hỏi: Tranh của ai? Tác phẩm sáng tác khi nào (thời điểm nào trong lịch sử Hội họa), tranh vẽ về địa danh nào? Tranh vẽ về thời khắc nào trong ngày (ví dụ tranh Ấn tượng vẽ sáng, trưa, chiều, tối với các cung bậc cảm xúc khác nhau)? Tại sao tác giả lại vẽ về nhân vật hoặc về bối cảnh đó? Tại sao tác giả lại diễn tả ánh sáng đối lập - tương phản… Với những câu hỏi tương tự như vậy người học tự hâm nóng cảm xúc của mình trước đối tượng. Thay vì người dạy đặt câu hỏi dù câu hỏi đóng hay câu hỏi mở thì thầy vẫn là trung tâm; Ngược lại người học hỏi, người hỏi học sẽ tạo nên tư duy hai chiều từ cả phía người dạy và người học với nhiều tình huống sinh động; người học sẽ là trung tâm với phương châm “tâm hồn làm trọng tâm”.

Với môn Phương pháp dạy học Mỹ thuật, thông thường giảng viên cung cấp hệ thống cơ sở lý luận, cung cấp các khái niệm cũng như đặc điểm hệ thống phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Thực hành rất nhiều nhưng tại sao người học vẫn chưa thực sự chủ động trong phương pháp dạy học thực tiễn.

Lớp học đảo ngược sẽ trả lời câu hỏi này vì nếu chưa có sự thay thế trung tâm giữa đối tượng người học và người dạy thì phương pháp dẫu có mới thế nào chăng nữa vẫn chưa “cù” được vùng cảm thức của người học.Với môn Phương pháp dạy học Mỹ thuật, thông thường giảng viên cung cấp hệ thống cơ sở lý luận, cung cấp các khái niệm cũng như đặc điểm hệ thống phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Thực hành rất nhiều nhưng tại sao người học vẫn chưa thực sự chủ động trong phương pháp dạy học thực tiễn. Lớp học đảo ngược sẽ trả lời câu hỏi này vì nếu chưa có sự thay thế trung tâm giữa đối tượng người học và người dạy thì phương pháp dẫu có mới thế nào chăng nữa vẫn chưa “cù” được vùng cảm thức của người học.

Chúng tôi thực sự khâm phục tư duy sáng tạo của các họa sĩ Lập thể, họ đã thay đổi được cấu trúc hình thể không chỉ là hình thức bên ngoài mà cả cấu trúc bên trong của đối tượng. Với Lập thể Phân tích, Lập thể Tổng hợp, Lập thể Trữ tình các họa sĩ đương thời thế kỷ XX đã làm thay đổi cả mỹ cảm của thế giới.

Trong dạy - học Mỹ thuật, việc đặt ra một tình huống > kích thích quan sát, trí tưởng tượng và tư duy trái chiều của người học (tư duy phản biện), chính là vấn đề liên kết các kỹ năng kiến thức liên ngành.

Tiếp cận và triển khai (áp dụng) kỹ năng xuyên suốt:

+ Giải quyết vấn đề

+ Sáng tạo

+ Hợp tác

Có thể nói, vấn đề tư duy phản biện không mới nhưng điểm cốt lõi là làm mới vấn đề từ phía các chuyên gia về tư duy người dạy, người học và sự “đảo ngược” tư duy truyền thống, phát huy trí tuệ tiềm ẩn của con người trong thế kỷ XXI. Học để hỏi, hỏi để học là việc kích thích tư duy phản biện của người học song cần phải chấp nhận cái “sai” nếu trước đó chưa biết sự thật. Và thực tế một cộng một không phải bằng hai, có thể bằng “vô cùng”. Đối với giáo dục Mỹ thuật không có đúng và sai tuyệt đối chỉ có phương thức tạo nên sự thuyết phục mới kích thích nhận thức thẩm mỹ cũng như vùng “não giữa” của con người thay cho chỉ số EQ thông thường… để học tập chính là quá trình sáng tạo suốt đời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. National Geographic learning (2017), Mô-đun tư duy phản biện, chương trình tập huấn ETep.

2. National Geographic learning (2017), Lớp học đảo ngược, chương trình tập huấn Etep.

3. Ngô Hiểu Huy (2015), Phương pháp giáo dục Montessori,  Nxb Văn hóa thông tin, tr. 12.

--------------------------------

[*] Giảng viên Khoa Mỹ thuật Cơ sở - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW