Nội san

Giới thiệu nhạc cụ tre nứa Việt Nam và INĐÔNÊXIA trong văn hóa Đông Nam Á

29 Tháng Giêng 2008

 

GIỚI THIỆU NHẠC CỤ TRE NỨA  VIỆT NAM VÀ INĐÔNÊXIA

TRONG  VĂN HOÁ ĐÔNG NAM Á

 

ThS. Trịnh Hoài Thu

Trưởng phòng QLKH và HTQT

 


 

      1. Vài nét khái quát về Đông Nam Á

Đông Nam Á là tên gọi chung của các nước nằm ở khu vực giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (giữa các vĩ độ 28 độ Bắc và 10 độ Nam). Đông Nam Á như là chiếc cầu nối giữa châu Á và châu Đại Dương, cùng nằm trên đường giao thông hàng hải giữa châu Á và châu Âu. Phần lục địa là một bán đảo lớn mang tên bán đảo Trung- Ấn gồm có các nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Mianma, Thái Lan. Phần hải đảo gọi chung là quần đảo Mã Lai gồm các nước: Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Singapo, Brunây.

Cụm từ Đông Nam Á (South East Asia) được xuất hiện vào khoảng cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai. Từ đó tới nay, khu vực này đã liên kết thành hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN (Association of Southeast Asian Nations). Đây là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong khu vực. Tổ chức này được thành lập để tỏ rõ tình đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn định tại những nước thành viên.

Văn hoá Đông Nam Á là một chỉnh thể thống nhất và đa dạng. Theo sự tổng kết của GS. Phạm Đức Dương trong cuốn “Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á” (NXB Khoa học xã hội năm 2000), thì nền văn hoá Đông Nam Á có cội nguồn và bản sắc riêng, đã phát triển liên tục trong lịch sử. Đó là một phức thể văn hoá của các cư dân thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với ba yếu tố: Văn hoá núi, văn hoá đồng bằng và văn hoá biển. Trong đó văn hoá đồng bằng tuy có sau nhưng lại đóng vai trò chủ đạo. Văn minh Đông Nam Á là một nền văn minh thuần về nông nghiệp do điều kiện môi trường và sự lựa chọn của cư dân ở đây. Chính vì vậy, nghề trồng lúa nước kết hợp với chăn nuôi, làm vườn, đi biển đánh cá là một đặc điểm tiêu biểu của người dân Đông Nam Á. Thành phần tôn giáo ở Đông Nam Á cũng rất phong phú. Chủ yếu người Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và một phần người Việt Nam theo đạo Phật Nam Tông (phái Tiểu thừa), còn đạo Phật Bắc Tông (phái Đại thừa) đa phần là người Việt Nam; đạo Hồi (đạo Islam) được xem là đạo chính ở Malaixia, Inđônêxia, Brunây; còn người Philippin đa số theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, hầu như nước nào ở Đông Nam Á cũng có tất cả các tôn giáo trên, chỉ khác ở số lượng người theo nhiều hay ít mà thôi. Hầu hết các dân tộc ở Đông Nam Á đều có truyền thống tôn trọng tổ tiên nên thường thờ cúng tổ tiên, ông bà, trời đất. Thế giới tâm linh của cư dân Đông Nam Á được xây dựng trên quan niệm “vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn, như con người). Những linh hồn này tạo thành thế giới thần linh. Thế giới thần linh ở Đông Nam Á có hai loại: Tự nhiên thần và nhân thần. Con người cầu xin các thần linh bảo trợ cho cuộc sống của họ mà điển hình là mạng sống của con người và việc kiếm ăn của họ. Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng chung của các cư dân nông nghiệp, nhưng ở Đông Nam Á nó biểu hiện khá phong phú trong đời sống và lễ hội. Tư duy âm-dương tương hợp được hình thành trước sự sinh sôi nảy nở của con người và muôn vật thông qua sự giao phối giữa đực-cái, đàn ông-đàn bà…

Về mặt khí hậu, Đông Nam Á chủ yếu có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Về mặt nhân chủng, Đông Nam Á được coi là một trong những cái nôi của nhân loại góp phần vào sự hình thành tổ tiên của loài người. Cách đây 4 vạn năm, Đông Nam Á là nơi chứng kiến bước nhảy vọt từ người vượn (Home Erestus) đến người khôn ngoan (Homosapiens). Đồng thời, nơi đây đã diễn ra sự giao hoà giữa hai đại chủng Australoide và Mongoloide dẫn tới sự hình thành nhiều loại hình nhân chủng khác nhau, đó chính là cơ sở để hình thành các bộ tộc với nhiều dáng vẻ phong phú đa dạng nhưng cũng đồng nhất về nhân chủng và ngôn ngữ. Các nước Đông Nam Á sử dụng 4 ngữ hệ cơ bản là: Ngữ hệ Hán-Tạng, Ngữ hệ Thái, ngữ hệ Austro Asia, ngữ hệ Austro Nesia. Trong đó ngữ hệ Austro Asia và ngữ hệ Austro Nesia là phổ biến hơn cả. (các nước sử dụng ngữ hệ Austro Asia là: Việt Nam, Campuchia; các nước sử dụng ngữ hệ Austro Nesia là: Malaixia, Brunây, Inđônêxia, Phipippin; các nước sử dụng ngữ hệ Hán-Tạng là: Singapo, Mianma; Các nước sử dụng ngữ hệ Thái là: Thái Lan, Lào).

Có thể nói, trải dài theo diễn trình lịch sử, Đông Nam Á là một khu vực có bản sắc văn hoá độc lập mang tính bản địa. Các quốc gia ở Đông Nam Á vừa tiếp tục bảo tồn và kế thừa bản sắc văn hoá của dân tộc mình, vừa tiếp biến giao lưu với các luồng văn hoá khác trên thế giới nhằm góp phần phát triển văn hoá khu vực Đông Nam Á.

 

2. Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam và Inđônêxia

Khi nghiên cứu về nền văn hoá khu vực Đông Nam Á, một lĩnh vực khá được quan tâm phải kể đến đó là nghệ thuật âm nhạc. Bởi vì âm nhạc liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội con người. Tuy nhiên, theo những tài liệu ghi chép lại thì lịch sử âm nhạc Đông Nam Á cổ xưa thì gần như không có. Nhưng dựa vào những tư liệu khảo cổ học, sử học… người ta có thể phần nào thấy được những dấu tích của âm nhạc Đông Nam Á. Theo dòng thời gian, âm nhạc Đông Nam Á tồn tại và phát triển ngày càng phong phú muôn hình muôn vẻ. Tách riêng về nhạc cụ của Đông Nam Á, chúng ta cũng thấy được một số lượng lớn nhạc cụ với nhiều dạng cấu tạo và diễn tấu khác nhau. Điều đó chứng tỏ nhạc cụ truyền thống của khu vực này đa dạng cả về số lượng và chủng loại. Nổi bật là các nhạc cụ được chế tác bằng tre nứa và bằng đồng. Đó chính là các nhạc cụ đặc trưng của khu vực này, nó gắn liền với văn hoá của cuộc sống cư dân nơi đây. Ngoài các nhạc cụ bản địa, ở Đông Nam Á còn có những nhạc cụ khác do những cuộc tiếp biến giao lưu văn hoá với các nước không cùng khu vực mà có như: đàn Thập lục (Tranh), đàn Tam thập lục ở Việt Nam.v.v.. có ảnh hưởng từ nhạc cụ Trung Quốc; kèn Hnê ở Mianma; kèn Slaray ở Campuchia, kèn Sharanai ở Chăm Pa, kèn Saroenai ở Malaixia, kèn Saroene ở Inđônêxia.v.v đều có ảnh hưởng từ kèn Zurna của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các loại nhạc cụ ở Đông Nam Á, nhạc cụ làm bằng tre nứa khá phổ biến. Do điều kiện tự nhiên nơi đây nên tre nứa là những loại cây mọc khá nhiều. Cư dân Đông Nam Á đã biết sử dụng những chất liệu xung quanh mình để làm ra nhạc cụ. Đó chính là yếu tố mang tính văn hoá truyền thống. Con người đã chung sống, hoà nhập cùng thiên nhiên và sáng tạo từ thiên nhiên để tạo nên văn hoá đặc trưng của khu vực.

 

2.1. Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc). Việt Nam cũng là nơi hội tụ đủ các bộ tộc thuộc tất cả các dòng ngôn ngữ của Đông Nam Á. Địa hình Việt Nam trải dài trên bán đảo Đông Dương nên một bên là biển, một bên là núi và giữa là đồng bằng châu thổ. Vì vậy, nước ta chính là một Đông Nam Á thu nhỏ, rất đúng với câu nói “thống nhất trong đa dạng” của người Inđônêxia.

Ở Việt Nam cây tre đã đi vào lịch sử, huyền thoại. Hầu như dân tộc nào trên dải đất Việt Nam cũng biết sử dụng tre nứa trong đời sống sinh hoạt, đồng thời nhiều dân tộc đã sử dụng tre nứa với tư cách là một nhạc cụ. Theo GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh thì hệ thống nhạc cụ Việt Nam được chia thành ba tầng văn hoá. Trong đó cổ xưa nhất là tầng văn hoá tiền Đông Sơn với các nhạc cụ làm từ tre nứa.

Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam gồm có các loại như sau:

- Sử dụng tre nứa làm nhạc cụ hơi thổi gồm có: Sáo trúc (còn gọi là sáo ngang), Tiêu (sáo dọc) của người Kinh; Sáo H’mông (sáo Mèo), Kềnh (khèn Mèo) của người H’mông; Đinh Năm của người Tây Nguyên; Khèn Bè của người Thái, Chiêng, Gié…

- Nhạc cụ hơi lùa tiêu biểu có K’lông Put của người Tây nguyên.

- Nhạc cụ hơi vỗ có Tăng-bu của người Thái, người Kh’mú ở Tây Bắc; Tăng bản của người Xá Tây Bắc; Chàm ống (đâm ống) của người Mường; ống Cắc Cùng (ống Bương hay ống Cắc) của người Cao Lan…

- Nhạc cụ gõ tre nứa tiêu biểu là đàn T’rưng của Tây Nguyên; đàn Đé (Deh) của người Ba Na, Ka Doong; Sứa của người Việt ở miền Trung.

Ngoài ra còn có nhạc cụ tạo ra âm thanh nhờ sức gió thổi như Ching Kial của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai. Nhạc cụ nhờ sức nước như Khinh Khung của người Ba Na, Gia Rai.v.v.

Nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam ngoài chức năng là một nhạc cụ để diễn tấu độc lập nó còn được sử dụng kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như kết hợp với múa, kết hợp với hát; hay để phục vụ việc trồng trọt xua đuổi thú dữ …

 

2.2. Nhạc cụ tre nứa ở Inđônêxia

Inđônêxia (tên cũ gọi là Nam Dương) là một quốc gia ở Đông Nam Á. Đây là đất nước của những hòn đảo - có trên 17.000 đảo trong đó hơn 6.000 đảo đã có người sinh sống. Những đảo này trải dài như một chuỗi trang sức ngang qua xích đạo, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối hai lục địa châu Á và châu Đại Dương. Những đảo chính của Inđônêxia là Jawa, Sumatra, Kalimantan, Sulawesi, Irian Jaya và Bali. Inđônêxia có khí hậu nhiệt đới, nóng (trừ vùng núi) với hai mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng Mười một đến tháng Tư) và mùa khô (từ tháng Năm đến tháng Mười). Do khí hậu như vậy nên ở Inđônêxia các loại tre nứa cũng rất phát triển, nhất là ở vùng núi Bandung. Inđônêxia là quốc gia đông dân đứng thứ tư trên thế giới với trên 200 triệu người. Đồng thời ở Inđônêxia cũng có nhiều tộc người cùng sinh sống. Trong đó các chủng tộc Mã Lai chiếm đa số: người Jawa, người Sunda, người Mã Lai, người Madura và các chủng tộc khác. Ở Inđônêxia có rất nhiều loại hình văn hoá và ngôn ngữ khác nhau, tuy vậy ngôn ngữ sử dụng chính của nước này là tiếng Bahasa Inđônêxia, một thứ tiếng địa phương được chuẩn hoá từ ngôn ngữ Malay.

Nhạc cụ tre nứa ở Inđônêxia cũng rất phát triển. Giống như ở Việt Nam, tre nứa chính là tầng văn hoá đầu tiên của nơi đây. Nhạc cụ tre nứa của Inđônêxia khá phong phú với các loại chính là nhạc cụ hơi và nhạc gõ như:

- Nhạc cụ hơi thổi có Suling (sáo dọc), tương tự như Tiêu của Việt Nam.

- Nhạc cụ gõ có Gambang (tương tự như Xylophone), Bass Pukul.

- Nhạc cụ ống tre lắc có Angklung, Calung (xem ví dụ ở phần phụ lục).

            So với các nhạc cụ tre nứa của Việt Nam thì nhạc cụ tre nứa của Inđônêxia mỏng hơn về số lượng. Tuy nhiên về cách trình diễn chúng thì hết sức phong phú. Đặc biệt nhạc cụ Angklung của Inđônêxia là một nhạc cụ rất tiêu biểu cho nghệ thuật âm nhạc tre nứa của khu vực Đông Nam Á.

            Trên đây chỉ là một vài phác thảo về nhạc cụ tre nứa của Việt Nam và Inđônêxia trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á nói chung. Điều mà người viết muốn đề cập đến chính là việc chúng ta cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá riêng của mỗi dân tộc. Bởi mỗi nhạc cụ dân tộc cũng như mỗi con người đều có sự lôi cuốn và có sức sống riêng của nó.

   

PHỤ LỤC

 

Hình 1: Làm đàn Angklung ở Saung Angklung Udjo,

Bandung Indonesia năm 2004

 

Hình 2: Dàn nhạc Arumba (dàn nhạc tre nứa của Saung Angklung Udjo gồm có: Đàn Angklung, trống Kendang, Mõ tre, xanh ban và Gambang). Lớp học viên khoá học bổng 'Văn hoá Nghệ thuật Indonesia' tại Bandung, năm 2004.

 

Hình 3: Đàn Angklung Indonesia

 

Hình 4: Đàn T'rưng Việt Nam

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải, Nhạc cụ gõ cổ truyền Việt Nam, Viện Văn hoá Dân gian, 1989.

2.   Phạm Đức Dương, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

3.   Nguyễn Bình Định, Giáo trình lịch sử âm nhạc Phương Đông phần Đông Nam Á, Nhạc viên Hà Nội, 2004.

4.   Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian,NXB khoa học xã hội, 1989.

5.   Kos Warnika, Seri Karawitan Gamelan Pelog-Salendro, Permanta Mega 74, Bandung, 2003.

6.   Nguyễn Thuỵ Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1993.

 7. Deparment of foreign affairs Republic of Indonesia,Guide Book 2004 Indonesian art and culture scholarship for southwest Pacific dialogue and ASEAN, Jakarta, September 2004.

8.   National information agency Republic of Indonesia, Indonesia 2003 an official handbook, 2003.