Nội san

Một số vấn đề trong phương pháp dạy học Piano cho học sinh hệ trung cấp Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long

13 Tháng Tám 2018

Nguyễn Bá Quyền [*]

Qua tìm hiểu thực tế về tình hình dạy học Piano cho học sinh hệ trung cấp Thanh nhạc (TCTN) trường Đại học Hạ Long, chúng tôi nhận thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phương pháp giảng dạy của giáo viên, như: trình độ giáo viên không đồng đều; giáo viên dạy Piano cho học sinh hệ TCTN theo kiểu hàn lâm, quá đặt nặng vấn đề kỹ thuật, bài tập luyện gam, etude, tác phẩm cổ điển; giáo viên chỉ tập trung dạy vỡ bài mà không liên hệ hoặc không cung cấp kiến thưc liên quan như phân tích tác phẩm, nhạc lý, xướng âm; hình thức kiểm tra đánh giá chưa minh bạch, sát sao, nghiêm túc; một số giáo viên không quan tâm đến việc tự học của học sinh;… Tất cả những nguyên nhân trên khiến việc dạy và học bộ môn Piano hệ Trung cấp Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long chưa thực sự đạt được hiệu quả cao.

Để có thể khắc phục được những hạn chế đó, giáo viên cần có những thay đổi trong phương pháp giảng dạy. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thường thì giáo viên chủ yếu chỉ tập trung cho việc dạy đàn về mặt kỹ thuật, vỡ bài,… mà không trực tiếp truyền dạy các kiến thức về lý thuyết âm nhạc, phân tích tác phẩm hay xướng âm. Điều này về mặt cơ bản và bản chất bộ môn thì các giáo viên không sai, vì khi các em học chuyên ngành sẽ có các phân môn riêng về lý thuyết, phân tích, hòa thanh,…Tuy nhiên, đứng trên phương diện tiến trình dạy học ta có thể nhận thấy rằng, các môn học đó không song song và đúng với tiến trình dạy học Piano. Ngay khi vào học năm nhất hệ TCTN các em đã phải tiếp xúc với phân môn Thanh nhạc hay Piano mà chưa có bất cứ kiến thức âm nhạc cơ bản hoặc kiến thức còn rất hạn chế. Điều này, đòi hỏi giáo viên thanh nhạc và piano cần phải có những linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, chủ động bổ sung, dạy trước các kiến thức cần thiết để các em có thể hiểu và thực hành được trong quá trình học tập.

Thứ hai, trước khi giảng dạy bất cứ một tác phẩm nào dù là cổ điển, đệm hát, các bài đệm hát được chuyển soạn cho Piano độc tấu thì giáo viên cũng cần rèn luyện cho các em học sinh kỹ năng nhận xét tổng thể về tác phẩm: về hình thức, nội dung, cách diễn tấu, hay mở rộng hơn là tìm hiểu về tác giả, nhạc sĩ sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, cách sử dụng hòa thanh và âm hình đệm (đối với các dạng bài biên soạn đệm độc tấu trên đàn Piano hoặc những bài phối cho đệm hát),… Việc nhìn tổng thể một tác phẩm có thể thông qua nhiều cách: Với những học sinh năm nhất thì giáo viên có thể chơi mẫu hoặc nghe qua băng, đĩa nhạc; yêu cầu các em chia câu đoạn; tìm những chỗ giống nhau hoặc gần giống nhau (nếu có) trong bài; tìm hiểu các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong bài, các thủ pháp phát triển, tính chất âm nhạc; cách đặt ngón để chơi tác phẩm hiệu quả, thuận lợi nhất,… Tùy thuộc vào lượng kiến thức học sinh đã biết để linh hoạt yêu cầu các em tìm hiểu về tác phẩm đó. Khi đạt được những điều nêu trên học sinh sẽ dần hình thành được kỹ năng, thói quen phân tích tác phẩm, giúp các em nắm được các chỗ dễ, chỗ khó trong bài để tập trung nhiều thời gian hơn cho việc luyện tập chỗ khó. Việc tìm ra quy luật về hòa thanh, tiết điệu trong quá trình phân tích tác phẩm cũng phần nào giúp các em nâng cao kiến thức về những mặt này, trực tiếp phục vụ cho quá trình học đệm hát và vỡ các tác phẩm khác.

Thứ ba, tuân thủ đúng số ngón trong tất cả các nội dung học: các mẫu luyện thanh, etude, tác phẩm,… Khi học sinh chơi đúng ngón, sẽ thuận lợi hơn cho việc vỡ bài, tạo thành một thói quen tốt giúp các em sau này tự biết xếp ngón. Thực trạng tập sai ngón ở học sinh trước đây rất nhiều dẫn tới hỏng kỹ thuật, tạo tính ẩu, không nghiêm khắc trong học tập.

Để hướng dẫn đúng ngón, giáo viên cần giải thích những ích lợi kể trên cho học sinh và lấy một vài ví dụ cụ thể về việc xếp sai ngón dẫn tới việc khó khăn khi chơi các câu nhạc tiếp theo trên đàn. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngón không đồng nhất (mỗi lần chơi một kiểu ngón khác nhau) gây khó khăn cho việc ghi nhớ bản nhạc. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt vẫn có thể linh hoạt xếp ngón.

Tóm lại, thói quen xếp ngón là điều mà giáo viên cần đặc biệt lưu ý, hướng dẫn, chỉnh sửa chi tiết cho học sinh ở giai đoạn đầu khi các em mới tiếp xúc với bộ môn Piano.

Thứ tư, cần kích thích sự đam mê và sáng tạo của học sinh.

Muốn kích thích học sinh niềm yêu thích, đam mê với bộ môn đàn Piano, trước hết, giáo viên cần phải có năng lực về đàn. Học sinh theo học tại khoa Nghệ thuật chủ yếu nằm trong độ tuổi trung học cơ sở, đây là độ tuổi tò mò, thích tìm hiểu và thường đã biết nhận xét, đánh giá năng lực giáo viên, vì thế một giáo viên có năng lực cả về đàn và phương pháp sư phạm sẽ được các em yêu mến và thích học hỏi hơn.

Giáo viên cần phải có những đánh giá cụ thể về năng lực của từng học sinh để giao bài tập phù hợp với từng em, đưa ra những bài tập thiết thực với nội dung mà Thanh nhạc cần sử dụng để các em có thể ứng dụng chúng cho chuyên ngành của mình.

Giáo viên có phương pháp dạy học phù hợp (giao bài, khen chê đánh giá nhận xét…), nghiêm khắc và mềm dẻo trong kiểm tra đánh giá.

Thứ năm, vấn đề tự học. Với bộ môn Piano thì việc tự học là vô cùng quan trọng và quyết định đến năng lực của học sinh. Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình tự tập luyện của học sinh từ yếu tố khách quan là về cơ sở vật chất và yếu tố chủ quan niềm yêu thích với bộ môn khác nhau của từng em đã dẫn tới sự khác biệt lớn đến năng lực học kể cả đối với những em có xuất phát điểm như nhau khi mới vào trường. Để giải quyết vấn đề này giáo viên cần có những phương pháp như: kết hợp với giáo viên Thanh nhạc yêu cầu các em đảm nhiệm phần đệm luyện thanh, đệm hát cho các bạn trong quá trình học tập, tổ chức thêm các tiết tự học ở trường theo các nhóm, cho thuê phòng học, giao bài cụ thể và yêu cầu học sinh hoàn thành đúng tiến độ, có thưởng, phạt rõ ràng.

Bên cạnh đó, giáo viên cần phải có những bài tập yêu cầu cụ thể, rõ ràng, gây sức ép về điểm số một khéo léo, vừa phải, để các em có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc luyện tập ở nhà.

Giáo viên cần nắm bắt được nguyên nhân với các em thường xuyên không hoàn thành được các nhiệm vụ tự học, thầy cùng trò tìm ra phương án giải quyết một cách tối ưu nhất, tránh tình trạng phê bình nhiều lần khiến các em mặc cảm, tự ti, thậm chí là chống đối vì những học sinh ở độ tuổi theo học đều là trẻ mới lớn, có những biến đổi lớn trong tâm lý và khó tự kiểm soát được hành vi của mình.

Thứ sáu, giáo viên cần có kỹ năng giám sát, đánh giá tốt để theo dõi tiến trình học, sự tiến bộ của từng học sinh, sẵn sàng hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn trong quá trình luyện tập. Việc này muốn đảm bảo đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng sư phạm, biết giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của từng học sinh, cần luôn động viên, khuyến khích học sinh, giúp các em tin rằng mình có thể đạt được những yêu cầu do giáo viên đề ra và không nản lòng khi chưa làm được những mục tiêu ban đầu. Khi giáo viên hiểu rõ được học sinh về trình độ kiến thức, kỹ năng, thậm chí là cả tâm lý (vì những học sinh theo học hệ TCTN thường nằm trong độ tuổi trung học cơ sở có những biến đổi lớn về tâm sinh lý) thì sẽ có những kế hoạch giảng dạy, phương pháp giảng dạy thích hợp, nhằm phát huy năng lực của mỗi học sinh.

Ví dụ: Một học sinh rất thích các bài nhạc nhẹ, nhưng giáo viên lại liên tục giao các bài đệm hát nhạc truyền thống, cổ điển, sẽ khiến các em có tâm lý không muốn tập, không muốn tìm hiểu, thậm chí là chống đối.

Ngoài ra, để cho giờ lên lớp mang tính đặc thù môn học, phù hợp với chuyên ngành thanh nhạc, giảng viên nên hướng dẫn các em tập “lấy hơi” sau mỗi câu nhạc; trong Piano điều này được hiểu là sau mỗi câu nhạc chơi liền mạch, học sinh cần nhấc tay khỏi đàn để tạo độ ngắt (non legato) và chuẩn bị về lực đánh, số ngón cho câu nhạc tiếp theo giống như động tác lấy hơi trong thanh nhạc. Đặc biệt, khi hoàn thành xong tác phẩm, các em cần đưa cảm nhận của mình để xử lý từng câu nhạc, liên tưởng với hát để phát âm tiếng đàn Piano đẹp và biểu cảm giống như khi hát. Làm được vậy sẽ khiến hiệu quả giờ lên lớp cao hơn và giúp bộ môn Piano gắn liền với bộ môn mà các em đang theo học là thanh nhạc.

Thứ bảy, kiểm tra đánh giá. Kiểm tra và đánh giá có vai trò rất quan trọng, là một động lực thúc đẩy quá trình học tập. Dù là chương trình cũ hay mới, sau mỗi lần kiểm tra, giáo viên và học sinh đều phải tự rút ra cho mình những điểm mạnh, điểm yếu, tự điều chỉnh, bổ sung hay cắt bớt nội dung giảng dạy, học tập nhằm tiến đến một nội dung hoàn thiện hơn, phù hợp với đa số học sinh. Đối với học sinh thì cần rút ra kinh nghiệm, những kỹ thuật chưa tốt cần dành nhiều thời gian hơn cho luyện tập.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cần đáp ứng được những yêu cầu sau:

Thực hiện nghiêm túc quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh đảm bảo tính chính xác, khách quan và chân thực; Việc kiểm tra không nên chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện tri thức, lặp lại các kỹ năng đã học mà nên chú trọng đến năng lực chủ động, sáng tạo, năng lực tự học của học sinh.

Với tiêu chí này, ngoài các bài các em đã được học và chuẩn bị ở lớp, có thể yêu cầu các em chơi các mẫu luyện thanh cho bạn hát ngay trong phòng thi, hoặc dựa vào âm đệm và hòa thanh, tiến hành đệm tại chỗ một bài bốc thăm bất kỳ. Sử dụng các hình thức kiểm tra cuối kỳ, kiểm tra tiến độ học tập giữa kỳ.

Để có thể nâng cao được chất lượng dạy học cho bộ môn Piano cho học sinh TCTN thì phương pháp giảng dạy của giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, mỗi giáo viên cần phải có những tìm tòi, sáng tạo các phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả với đối tượng học sinh, kích thích sáng tạo, giúp các em có niềm đam mê vào chuyên ngành mà mình theo đuổi cũng như những bộ môn có tính ứng dụng sát với chuyên ngành Thanh nhạc như Piano.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thanh Bình (2006), Lý luận giáo dục học Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội.
  3. Nguyễn Trung Kiên (2014), Những vấn đề sư phạm Thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

4. Thái Thị Liên (chủ biên) (2004), Phương pháp học đàn piano, Nxb Âm nhạc,Hà Nội.

5. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Vũ Thị Phương Mai (2003), Một số vấn đề trong việc giảng dạy học sinh Piano nhỏ tuổi ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

________________________

[*] Lớp Cao học k6 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạcnghệ  trình nghghệ thuật