Nội san

Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vòng phường Hạ Đình, Hà Nội trong không gian đô thị hoá - Vấn đề và giải pháp

14 Tháng Tám 2018

Lê Minh Thành [*]

Nằm dọc phía hữu ngạn sông Tô Lịch, làng Hạ Đình từ xưa đã nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn bó chặt chẽ với Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đình Vòng là ngôi đình cổ có hàng trăm năm tuổi của làng Hạ Đình từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của nhân dân địa phương. Với những giá đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, đình Vòng đã được cấp giấy chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa ngày 18/1/1993. Ngày nay, trước sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hoá, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vòng cần có những thay đổi trong giải pháp và cách thức để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

1. Một số vấn đề đặt ra trong quản lý di tích đình Vòng hiện nay

1.1.Quản lý nhà nước về di sản văn hóa

Những cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa (LSVH) đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò, giá trị của di tích LSVH. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích LSVH nói chung vẫn còn những hạn chế, cụ thể như: Trên cùng một địa bàn, có những quan niệm khác nhau về các di tích của cơ quan quản lý hay việc đầu tư, bảo vệ, giữ gìn các di tích LSVH cũng hết sức khác nhau. Trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các di tích chưa được phân công rõ ràng và thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng khai thác không được kiểm soát dẫn đến việc di tích xuống cấp. Vẫn còn tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm trong quản lý, giao khoán cho các cơ sở tín ngưỡng thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo làm mất đi vẻ đẹp ban đầu của các di tích.

1.2. Tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa đối với quản lí di tích lịch sử văn hóa đình Vòng

Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến sự biến đổi về kinh tế trên nhiều phương diện khác nhau. Trước đây, ở Hạ Đình nghề nông nghiệp giữ vị trí chủ đạo thì ngày nay phần lớn đất ruộng nhường chỗ cho các tòa chung cư cao tầng và các khu đô thị. Người dân chuyển từ nghề nông sang làm thủ công nghiệp, làm công nhân hoặc kinh doanh dịch vụ. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó đã làm ngôi đình mất đi vị trí quan trọng trong đời sống và trở thành một biểu tượng gắn với tín ngưỡng hơn là với nếp sống thường nhật.

Công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra nhanh chóng đã làm mô hình làng xã truyền thồng bị thay đổi nhiều, ngôi đình giờ nằm lọt giữa những khu nhà cao tầng mọc san sát, làng biến thành phố với dân cư đông đúc, diện tích khuôn viên của đình Vòng ngày càng bị thu hẹp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan mà dường như tính tính thiêng của di tích cũng bị giảm đi ít nhiều.

Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá còn dẫn đến những biến đổi trong đạo đức lối sống của người dân, nhất là trong giới trẻ. Thực tế cho thấy, có những giá trị trước đây luôn được trân trọng thì nay đã khác. Người dân quan niệm rằng, hoạt động bảo tồn gìn giữ di tích là việc làm của các cơ quan chức năng và là trách nhiệm của ban quản lý do một số cụ cao tuổi về hưu đảm nhiệm.

Các yếu tố trên đã ảnh hưởng rất lớn đến định hướng và nhiệm vụ của hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vòng. Do đó, cần có những giải pháp và định hướng cũng như các ứng xử thích hợp với những biến đổi nhanh chóng của tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích đình Vòng

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di tích đình Vòng

Để nâng cao hiệu quả quản lý di tích đình Vòng, cần có sự vào cuộc và quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền cùng các cơ quan liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống trong các trường học thông qua các hoạt động ngoại khoá; tập trung phát triển kinh tế địa phương, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và văn hóa tinh thần của nhân dân.

Chỉ đạo UBND phường thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, các nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho các hoạt động này hiện đang hạn hẹp, vì vậy cần xem xét điều chỉnh đầu tư nguồn vốn trọng tâm, trọng điểm đối với các di tích hiện đang cần được trùng tu, tôn tạo, tránh tình trạng dàn trải dẫn đến lãng phí và thiếu hiệu quả. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có chính sách thu hút những nguồn lực khác như kêu gọi vốn tài trợ, đóng góp từ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng thêm sức mạnh tài chính để công tác quản lý và bảo tồn di tích đạt hiệu quả.

2.2. Tăng cường công tác tuyên truyền về việc bảo vệ di tích đình Vòng

Duy trì thường xuyên, liên tục công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ giá trị của di tích, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân. Việc tuyên truyền phải thực hiện với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng và hấp dẫn, nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác của các tầng lớp nhân dân địa phương trong việc gìn giữ di tích LSVH.

Thực hiện gắn kết hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa với giáo dục học đường: Phổ biến kiến thức sâu rộng trong các trường phổ thông với đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh về giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, của cha ông hàm chứa trong các di tích LSVH.

Để việc tổ chức tuyên truyền có hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng vào thời gian thu hút người dân đến với di tích như ngày Rằm, mồng Một, ngày giỗ của Thành hoàng làng, ngày lễ Phật Đản, ngày tết cổ truyền và thời gian lễ hội diễn ra tại đình Vòng. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân ở phường Hạ đình có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ, gìn giữ di tích, tạo động lực để người dân tiếp tục đóng góp sức mình vào việc bảo vệ và giữ gìn di tích.

2.3. Phát huy vai trò của cộng đồng

Vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động quản lý di tích tại địa phương, bởi di tích được tạo ra từ cộng đồng và cũng chính cộng đồng sử dụng di tích đó. Do vậy, việc hướng cộng đồng cư dân địa phương tham gia vào quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là rất quan trọng, nếu làm tốt vấn đề này thì hiện tượng vi phạm di tích sẽ được giảm đi rất nhiều, di tích sẽ được bảo vệ và phát huy tốt hơn.

Việc tuyên truyền và vận động thực người dân để Luật di sản văn hoá đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu được giá trị của di tích để từ đó sẽ có cách ứng xử với di tích tích cực hơn, tránh được tình trạng do không hiểu luật mà vi phạm, đồng thời ngăn chặn những hành vi xâm hại tới di tích.

2.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di tích

Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi đánh giá kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là phối hợp liên ngành trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại việc xử lý dây dưa, kéo dài.

Thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các di tích trên địa bàn phường, trong đó có di tích đình Vòng để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các hành vi lấn chiếm, kinh doanh trong phạm vi của di tích, phá hoại cảnh quan gây ô nhiễm môi trường của di tích cũng như các hiện tượng hành nghề mê tín dị đoan gây ảnh hưởng xấu tới di tích cần có các hình thức xử phạt nghiêm minh, đúng người, đúng đối tượng.

Công tác thanh tra, kiểm tra cần thực hiện đồng bộ các nội dung sau: biểu dương và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm có những đóng góp tích cực trong việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa. Hoạt động này phải đảm bảo công khai, công bằng và dân chủ. Việc khen thưởng cần đáp ứng cả về tinh thần và vật chất, qua đó động viên khích lệ cán bộ văn hóa cũng như người dân phát huy tài năng và trí tuệ nhằm mang lại hiệu quả tốt cho hoạt động quản lý di tích trên địa bàn.  

2.5. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý di tích LSVH

Thực tế hiện nay, nhà nước đã và đang khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể v.v... Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế. Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nội dung xã hội hóa theo từng giai đoạn và bao gồm nhiều vấn đề như: xã hội hóa về bảo vệ di tích nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ di tích tiến tới xóa bỏ được tình trạng xâm phạm, lấn chiếm di tích; xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo để huy động nhân dân đóng góp ủng hộ công sức, tiền của cho việc tôn tạo di tích; xã hội hóa về tuyên truyền, giới thiệu di tích để người dân thấy rằng việc tuyên truyền về di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, mà là trách nhiệm của toàn dân.

Kết luận

Qua kết quả nghiên cứu và khảo sát thực trạng về công tác tổ chức và quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vòng phường Hạ Đình cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục. Những giải pháp cụ thể đã góp phần giảm đi những mặt còn hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đình Vòng. Đồng thời, những giải pháp đó sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích này trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài (2006) Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, Tạp chí Di sản văn hóa, số 15, tr 10-16, Hà Nội.

2. Lê Ngọc Dũng (2005), Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích  và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb VHTT, Hà Nội.

3.   Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - Ban Quản lý Di tích Danh Thắng Hà Nội (2011), Giá trị lịch sử đình Vòng, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân - Hà Nội, kỷ yếu hội thảo khoa học.

4. Ban chấp hành Đảng bộ phường Hạ Đình (2016), Lịch sử cách mạng phường Hạ Đình.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa