Nội san

Bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo lễ hội chợ đình Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

15 Tháng Tám 2018

Hồ Ngọc Thiên [*]

Lễ hội chợ đình Bích La nằm ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Đây là một làng văn hoá cổ truyền của người Việt, cách trung tâm huyện 5km về phía Đông, có diện tích tự nhiên 250 ha. Lễ hội chợ đình Bích La được xem là một phiên chợ đặc biệt, chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ một giờ đến sáng ngày mồng ba Tết âm lịch hàng năm.

1. Lịch sử và lễ hội chợ đình Bích La  

Lễ hội chợ đình Bích La gắn liến với quá trình hình thành khu Đình, Miếu làng Bích La. Đình làng Bích La được xây dựng từ rất sớm trên vùng đất Quảng Trị. Năm 1527 cụ Lê Mậu Doãn (chính là Ngài Bổn thổ khai khẩn Lê Mậu Tài, chức tước Doãn Lộc Hầu...) đã lập nên đình làng trên một vùng đất đầy linh khí sơn thủy hữu tình.

Nguồn gốc chợ đình Bích La được hình thành cũng tương đối đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Vào dịp đầu năm mới, các cụ bô lão, chức sắc của làng thường tập trung về đình làng để hội họp đầu xuân, sau khi bàn bạc việc làng, việc nước xong, các cụ thường đàm đạo thơ văn, đối, phú, ngâm thơ, chơi cờ… dần dần thu hút thêm các tầng lớp nhân dân tham gia, lâu dần mở rộng thêm các trò chơi dân gian như bài chòi, thi thổi tu huýt (được làm bằng những con gà đất)… Những hoạt động đó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, là dịp để giao lưu, gặp mặt chúc nhau ngày Tết và trở thành ngày “hội làng”. Về sau nhân dân trong làng bày bán thêm các mặt hàng cau trầu, muối, nhánh chè xanh… những mặt hàng tuy đơn giản nhưng theo quan niệm của người dân từ bao đời nay nên mua trước tiên/mua “mày xưa” khi tham gia phiên chợ đầu năm mới để cầu mong một năm đầy may mắn, phát lộc, phát tài, tình cảm mặn nồng như “muối mặn”… Dần dần về sau, khi “hội làng” Bích La càng phát triển, thu hút nhân dân tham gia ngày càng đông, không chỉ ở địa phương mà còn lan tỏa ra các vùng lân cận thì người dân bắt đầu mở rộng bán thêm nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công do chính mình làm ra nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu trao đổi, giao lưu đầu năm chứ không nặng về yếu tố kinh tế. Người mua - bán cũng chỉ là đi chợ để mua - bán “mày xưa” lấy “cái hên”, “cái lộc” đầu năm cốt lõi là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chúc tết, thăm hỏi nhau.       

Trong truyền thống văn hóa Việt, những phiên chợ tổ chức ở trước khu vực cửa đình, cửa chùa vào những dịp giao thời được coi là “chợ âm dương”. Trong phiên chợ này, sự giao hòa âm - dương được thực hiện thông qua kẻ bán - người mua (cái may mắn, tốt lành), giao lưu, hoán đổi cho nhau. Đây cũng là nơi diễn ra sự giao linh Người - Thần nơi cửa Thần cửa Phật. Thời gian chợ thường diễn ra vào dịp nửa đêm về sáng, lúc giao hòa giữa tối và sáng, giữa ngày và đêm… Tất cả nói lên việc tổ chức hội chợ chính là hình thức biểu đạt “hội chợ cầu may”: bỏ lại những gì xấu xa, kém may mắn của năm cũ, mở ra một năm mới may mắn, tốt lành.

Như vậy, chợ đình Bích La được hình thành từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đầu năm mới của cư dân Bích La nhằm để cố kết cộng đồng làng xã. Chính từ sự hội ngộ đầu năm đông đúc và mong ước mua lộc, cầu tài nên dần dần hình thành phiên chợ đình Bích La. Cứ như thế, từ bao đời nay từ đêm mồng 2 đến rạng sáng mồng 3 Tết, dân làng Bích La và du khách thập phương lại nô nức tập trung về đình làng Bích La hòa chung vào lễ hội, cùng thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa và cùng nhau hướng về cội nguồn. Chợ đêm và lễ hội đã trở thành truyền thống văn hoá của làng trong những ngày xuân. Ngày nay quy mô lễ hội đã được nâng lên do có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Phiên chợ đình Bích La không chỉ đặc sắc với những nét văn hoá truyền thống mà trong đó còn nổi bật bởi lễ cầu thần Kim Quy. Nếu như đêm chợ Đình mang ý nghĩa cầu may và giao đãi giữa chủ với khách, thể hiện cuộc sống cộng đồng sung túc và tri ân, báo hiếu tổ tiên gia tộc thì lễ cầu Rùa lại mang màu sắc của sắc thái tín ngưỡng thờ thần được thể hiện rất đậm nét của người Bích La xưa. Cầu Rùa/Thần Kim quy, tức là cầu thần linh để mong mưa thuận gió hòa, mong mùa màng bội thu cho cuộc sống dân làng được no đủ, dư dật. Lễ cầu may, cầu thần Kim Quy về bản chất là lối tư duy biện chứng nói chung của cộng đồng cư dân gắn liền với văn hóa lúa nước, đó còn là hàng trăm năm vật lộn, chế ngự thiên nhiên để bảo tồn nòi giống và duy trì cuộc sống của người dân Bích La.

Nói đến chợ là người ta thường nghĩ ngay đến chuyện giao thương, mua bán. Nhưng với chợ đình Bích La lại thoát ra khỏi yếu tố thông thường đó, ở đây chủ yếu trao đổi hàng hóa không nhằm mục đích kinh tế là chính mà nhằm cầu lộc cầu tài đầu năm. Phiên chợ này chính là nơi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi, chúc phúc nhau ngày xuân và trao đổi một số mặt hàng nông sản “cây nhà lá vườn”; các mặt hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mang đến đa phần từ người dân trong làng, trong vùng làm ra rất bình dị như: các loại cây trái, hoa quả trong vườn nhà, mớ rau tươi, mớ cá, hay đơn giản là những buồng cau cùng với mấy tệp trầu, nhánh chè xanh, cành cây phát lộc, cây mía, con tu huýt bằng đất sét… Do với tính chất cầu may nên ở phiên chợ này có tục “người bán không nói thách, người mua không trả giá” thậm chí có khi còn đặt thấp giá trị thực để người mua không mặc cả, người mua và người bán đều vui vẻ - đây là nét đẹp đáng yêu của phiên chợ đình Bích La. Hình như “sự bán, sự mua” ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về sau buổi dự lễ cầu may cầu lộc, cầu cho năm mới yên bình.

Trong lễ hội thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, đập om, bịt mắt bắt dê, bài chòi… Các làn điệu hò giã gạo, hát bả trạo được tập luyện để biểu diễn tại lễ hội. Đặc biệt là hoạt động viết chữ thư pháp, với những câu đối, câu châm ngôn tạo ra một nét văn hóa trong giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống cho con người, đã được đông đảo con cháu hưởng ứng.

Lễ hội chợ đình Bích La là sản phẩm độc đáo, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, mang đến cho du khách không khí vui tươi, linh thiêng của ngày lễ hội làm cho mỗi người trút bỏ được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống đời thường, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống nhân ái và yêu thương nhau hơn. Du khách sau khi dự hội sẽ mang tâm thức vui tươi, phấn khởi, đầy niềm tin về một năm mới mạnh khỏe, may mắn hanh thông, làm ăn phát tài, phát lộc. Tất cả niềm tin ấy sẽ đem vào cuộc sống sản xuất kinh doanh một sức sống mới; tự tin đầu tư, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh tạo cho kinh tế địa phương phát triển. Sức mạnh niềm tin, sức mạnh tinh thần sẽ làm nên sức mạnh vật chất cụ thể.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội chợ đình Bích La găn với phát triển du lịch

Để làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội chợ đình Bích La gắn với phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Trị với Uỷ ban Nhân dân huyện Triệu Phong và các sở, ngành liên quan trong tỉnh, để thường xuyên chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện việc bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị của các di tích gắn liền với lễ hội chợ đình Bích La. Phát huy và nâng cao vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, hướng dẫn và điều hành các hoạt động tại lễ hội. 

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức quản lý lễ hội chợ đình Bích La, bằng các chính sách xã hội hóa văn hóa thích hợp, để huy động sức người, sức của trong dân, trong việc tổ chức, quản lý và giám sát các công đoạn tổ chức lễ hội, để giá trị di sản văn hóa lễ hội ngày càng phát triển lành mạnh và bền vững.

Phải phục hồi bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các trò chơi dân gian như: bài chòi, cờ chòi, thổi gà, thổi tu huýt, đẩy gậy, đập om giúp mọi người có thể cùng nhau thi tài để rèn luyện sức khỏe, rèn luyện sự khôn khéo; đồng thời, qua đó truyền dạy cho thế hệ trẻ gìn giữ, bảo lưu được nét văn hóa tốt đẹp của quê hương. Tổ chức các trò chơi dân gian làm sao phải hấp dẫn, thu hút được du khách tham gia, tạo cảm hứng cho du khách trong lễ hội và du xuân.

Tài liệu tham khảo

  1. Dương Văn An (2009), Ô châu cận lục, Văn Thanh và Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
  2. Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
  3.  Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
  4. Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà nội.
  5. Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội.

      -----------------------------------------------------

     [*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa