Tin tức – Sự kiện

Cần phải luật hóa tự chủ giáo dục đại học

17 Tháng Tám 2018

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2018: Giáo dục đại học – chuẩn hóa và hội nhập, diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.

Giáo dục, trong đó có giáo dục đại học không thể đứng ngoài thế giới, nên bắt buộc chúng ta phải hội nhập... Trong đó, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và giải trình là quan trọng nhất - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Giáo dục 2018: Giáo dục đại học – chuẩn hóa và hội nhập, diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.

Giải đáp băn khoăn khi thực hiện tự chủ đại học

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã nói đến tự chủ đại học từ khi thành lập ĐHQG, nhưng đến năm 2014, qua các cuộc cọ sát rất mạnh mẽ, chúng ta mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế.

Lý do có từ 3 phía: Từ cơ quan quản lý nhà nước; từ chính các trường đại vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp; và một phần từ người học và xã hội. Cả 3 lý do đó cộng hưởng lại nên vô cùng khó khăn.

Thực hiện tự chủ đại học có thể nói là bước chuyển có tính chất lịch sử. Hiện hầu như các trường đều mong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành thật sớm để chính thức hóa việc này.

Đưa ra 2 băn khoăn lớn nhất khi thực hiện tự chủ đại học: Cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học có điều kiện khó khăn được học trường chất lượng tốt; phần tài sản, đất đai… của trường đại học sẽ bị thao túng… - Phó Thủ tướng cho rằng, những khó khăn này không phải không có hướng giải quyết và trên thực tế thế giới đã có hướng giải quyết điều này.

Theo đó, liên quan đến tự chủ đại học, tự chủ tài chính, chúng ta một mặt có cơ chế học bổng, từ người có khả năng, mong muốn đóng góp nhiều hơn để có chất lượng tốt hơn lập quỹ học bổng cho đối tượng diện chính sách và con nhà nghèo. Mặt khác, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng kinh phí từ ngân sách để đặt hàng đào tạo.

Còn cơ chế đảm bảo tài sản, theo Phó Thủ tướng, chúng ta có hội đồng trường gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch.

Hiểu đúng về tự chủ đại học

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần hiểu cho đúng về tự chủ đại học. Trường đại học có nhiều sứ mệnh, một trong số đó là sáng tạo ra tri thức, nên trường đại học cần tự chủ về chuyên môn, từ đó khơi dậy sáng tạo cho từng thành viên trong nhà trường. Đó là tự chủ căn bản nhất.

Để có quyền tự chủ đó, trường đại học phải được tự quản về tổ chức và tự chủ về tài chính. Tự chủ tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Thu có nhiều phần: từ học phí, khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh và quan trọng là thu từ tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng; đặc biệt từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học chưa được tự chủ chi cái này, tiền thậm chí không phải của nhà nước nhưng muốn làm cái gì đều phải xin phép.

Khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu, là yêu cầu, đòi hỏi chúng ta phải làm, phải luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tới đây; trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay và hệ thống các luật khác có liên quan, Phó Thủ tướng thể hiện tin tưởng vào việc thực hiện tự chủ đại học; đồng thời mong mỏi, hội thảo lần này, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp có tiếng nói để Luật Giáo dục đại học lần này được sửa một cách căn bản nhất.

“Có nhiều việc chúng ta đã làm, đã chuẩn bị, nhưng khi Luật chưa sửa thì có nhiều điều chưa thực hiện được” – Phó Thủ tướng chia sẻ.

(Nguồn: Hiếu Nguyễn - https://giaoducthoidai.vn)