Nội san

Vai trò của cộng đồng tự quản trong lễ hội làng Duyên Phúc xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

21 Tháng Tám 2018

Phạm Đăng Khoa [*]

Làng Duyên Phúc thuộc xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Làng có 3 xóm, có một chi bộ Đảng lãnh đạo, 5 tổ chức đoàn thể, 351 hộ dân, tổng số nhân khẩu là 1115. Diện tích đất canh tác là 40 ha, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng có 01 chùa, 03 đền và có 05 dòng họ chính cùng hàng chục các nhà thờ họ lớn, nhỏ. Đặc biệt, làng có lễ hội được tổ chức thường niên vào đầu tháng Ba âm lịch hàng năm nhân dân thường gọi là lễ hội làng Duyên Phúc.

 Lễ hội làng Duyên Phúc từ lâu có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, được cộng đồng gìn giữ và lưu truyền trong. Trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, do điều kiện chiến tranh nên lễ hội có thời gian bị gián đoạn. Sau khi đất nước thống nhất, kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, lễ hội làng Duyên Phúc được phục hồi và duy trì đến ngày nay. Thông qua lễ hội, đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân được thể hiện đa dạng, phong phú. Những tâm tư tình cảm, mơ ước, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động đã được gửi gắm vào lễ hội.

Vai trò của cộng đồng và sự tham gia quản lý, tổ chức lễ hội đã được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động trong lễ hội, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ với sự quản lý của nhà nước. Làng đã xây dựng bản hương ước chung, quy định việc phát huy các phong tục cổ truyền, xây dựng ban khánh tiết, bảo vệ các di sản của làng trong đó có lễ hội với tinh thần ý thức và trách nhiệm cao của cả cộng đồng. Qua mỗi kỳ tổ chức lễ hội, tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết của cộng đồng được thể hiện thông qua công tác tổ chức, các hoạt động của làng. Ban khánh tiết được làng tín nhiệm bầu ra đại diện cho làng để phân công, điều hành từ việc trông coi bảo tồn, tôn tạo, tu sửa và duy trì các hoạt động tại các di sản văn hóa, trên nguyên tắc đã được thống nhất cao trong hương ước.

Bản hương ước còn nêu rõ các nhiệm vụ của Ban khánh tiết của làng đó là ngoài các công việc chăm lo bảo vệ tôn tạo các di tích đồng thời cũng luôn chăm lo việc giữ gìn phong tục cổ truyềncác nghi lễ đặc biệt là trong việc tổ chức lễ hội cần có sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng. Ban khánh tiết luôn quan tâm tới công tác tổ chức, công tác chuẩn bị, các bước tiến hành lễ hội, bố trí thời gian họp triển khai để phân công công việc cho các xóm, các thành viên trong ban và các hội đồng quan, nhân dân trong làng trên tinh thần dân chủ, xây dựng... Từng xóm được làng phân công, với vị trí vai trò của mình chọn lựa nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất với tinh thần trách nhiệm cao. Việc thực hiện các nghi lễ trong suốt quá trình diễn ra lễ hội do các cụ trong Ban khánh tiết của làng phụ trách và phân công cho các bộ phận đảm nhiệm. Những bài tế, sướng tế được bộ phận hành lễ ghi chép cụ thể tỉ mỉ, mỗi năm Ban khánh tiết chọn lựa một số người vào đội hành lễ để làm quen dần với các công việc trong đội tế, các nghi thức tế sau vài năm có thể thành thục các công việc về thực hiện nghi thức tế, lễ và có thể đảm nhiệm vị trí chủ tế thay cho những người tuổi cao sức yếu. Chủ tế trong mỗi kỳ tổ chức lễ hội là người có gia đình đề huề, con cái trưởng thành có tín nhiệm trong cộng đồng, được cử đại diện cho làng mời, báo cáo với thần linh thông qua việc thực hiện nghi lễ trong lễ hội.

Lễ hội làng Duyên Phúc được tổ chức luôn trong sự chờ đón và háo hức của cả cộng đồng qua mỗi kỳ tổ chức, trong không gian thiêng của làng như ở đền, chùa, phủ... Các hoạt động giữa lễ và hội được hoà quyện vào nhau  như các hoạt động múa rồng, múa lân đặc biệt là màn kéo chữ với các em thiếu niên trong trang phục truyền thống được thể hiện sinh động, đẹp mắt và thể hiện lòng thành kính với các vị thần, thánh của làng với nghi lễ trang trọng trước sân phủ, sân đền trong ngày khai mạc, ngày kết thúc, lễ hội thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tới dự và thưởng thức màn kéo chữ đẹp mắt và đặc sắc, các hoạt động trò chơi dân gian cổ truyền như múa rồng, múa lân, chơi tổ tôm điếm… luôn có đông đảo người chơi người xem hòa quyện với nghi lễ thiêng của lễ hội. Làng, xóm luôn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tổ chức lễ hội cũng là dịp để thể hiện sức mạnh cộng đồng, thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động nghi lễ, các trò chơi, trò diễn do cộng đồng thực hiện và phục vụ lại cho chính họ, đồng thời bảo lưu các phong tục truyền thống tốt đẹp.

Tuy nhiên công tác quản lí các cấp trong những năm gần đây đóng vai trò hết sức quan trọng đặc biệt là cấp trực tiếp quản lí và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Ủy ban nhân dân xã Khánh Hồng là đơn vị trực tiếp quản lí các lễ hội đã có những việc làm, hành động thiết thực để các lễ hội được tổ chức thành công tốt đẹp, để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Qua thực tế đã đặt ra nhiều vấn đề, nội dung quản lý cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuyên truyền vận động cho cộng đồng hiểu và thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, phát huy vai trò trách nhiệm, sự tích cực của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện, hạn chế tồn tại.

Lễ hội truyền thống làng Duyên Phúc là một lễ hội mang đậm bản văn hóa dân tộc, xuất phát từ tâm niệm của người dân nơi đây tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị anh hùng và các vị thần, thành hoàng làng và tổ tiên ông bà, luôn cầu mong cho sự che chở, phù hộ của các thần linh cho dân làng được bình yên ấm no, nhân khang vật thịnh, công việc được suôn sẻ thuận hòa, luôn cầu mong cho mùa màng tươi tốt, đơm hoa kết trái được mùa, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Mỗi kỳ lễ hội được tổ chức thành công luôn tạo thêm khí thế, động lực mới, sức sống mới, một năm hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp trong công việc và đời sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng.

Lễ hội làng Duyên Phúc đã đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng, xã nơi đây, có vai trò quan trọng trong việc hình thành tập quán tốt đẹp, tinh thần đoàn kết của cộng đồng đang được các thế hệ kế thừa, giữ gìn và phát triển một cách bền vững qua nhiều năm tháng cho tới ngày nay. Lễ hội làng Duyên Phúc còn tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian phong phú như: Kéo chữ, múa rồng, múa lân, tổ tôm điếm, bịt mắt đút bột, bịt mắt mặc váy... tạo không khí vui tươi phấn khởi thể hiện sức mạnh đoàn kết, ca ngợi những nét đẹp truyền thống, ý chí quật cường của dân tộc, gửi gắm những ước mơ của dân làng về cuộc sống ấm no hạnh phúc...

Lễ hội làng Duyên Phúc là tổng hợp các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo được thể hiện trong cả phần lễ và phần hội như thơ ca, âm nhạc, văn học, múa... tạo nên màu sắc riêng cho lễ hội, xem hội, tham gia hội con người được vui chơi giải trí, được hòa cùng không khí vui vầy đầm ấm, quên đi lo toan thường nhật được sống trong không khí của lễ hội, của cộng đồng.

Qua lễ hội, giáo dục ý thức của mỗi người về vai trò trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Chính bởi tính nhân văn cao cả đó mà lễ hội là kết tinh những tinh hoa văn hóa của cộng đồng làng xóm. Lễ hội là bảo tàng sống động để cho tinh hoa văn hóa được sống và tồn tại.

Công tác quản lí và tổ chức lễ hội làng Duyên Phúc với mô hình tổ chức quản lí của chính quyền kết hợp với cộng đồng tự quản đã và đang từng bước vào nề nếp bằng việc thực hiện vận dụng các văn bản của nhà nước. Xuất phát từ thực tế để đề ra các biện pháp quản lý phù hợp vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa đồng thời thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội.

Để nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội làng Duyên Phúc, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh hiện nay, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách thiết thực cụ thể. Trước tiên nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân khi tham gia lễ hội, coi đây là di sản vô giá mà đã được cộng đồng duy trì tồn tại từ bao đời nay. Nhận thức đúng đắn về giá trị của lễ hội thông qua các nguồn tư liệu có cơ sở khoa học, truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được cộng đồng gìn giữ và lưu truyền. Biên tập các ấn phẩm về lễ hội, về truyền thống của làng, ngắn gọn dễ nhớ, dễ hiểu. Lập hồ sơ khoa học: Ghi chép, lưu trữ các thông tin, tài liệu, hồi cố về lễ hội trước kia và ngày nay, bằng sách, ảnh, băng đĩa… Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lễ hội, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa ủng hộ của các cá nhân, tập thể về kinh phí, nhân lực từng bước nâng cấp cơ sở vật chất. Đặc biệt là nâng cao vai trò tự quản, sức mạnh của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện những quy định, hương ước, quy ước của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, khơi dậy truyền thống, lòng tự hào của dân tộc, quê hương đất nước, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, đi trái với nguyện vọng chính đáng của cả cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc tổ chức, quản lý lễ hội hiệu quả, thiết thực.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Hồng Chương (2012), “Công tác quản lý nhà nước đối với các lễ hội”, Tạp chí Công tác tôn giáo, (10).
  2. Hồng Chương (2016), “Lễ hội và các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý lễ hội”, Tạp chí Công tác tôn giáo, (7).
  3. Đinh Thị Dung (2014), “Lễ hội Việt Nam từ góc nhìn thích ứng và hội nhập văn hóa”, Tạp chí Văn hóa, (366).
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên), (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Hải Hà (2016), “Lễ hội và Du lịch tâm linh trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Văn hóa, (380).
  7. Vũ Công Hội (2015), “Phát huy giá trị giá trị văn hóa truyền thống lễ hội                xuân”, Tạp chí Tuyên giáo, (3).
  8. Lê Anh Huy (2016), “Quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội dân gian trên địa  bàn thành phố Nha Trang”, Tạp chí Quản lý nhà nước, (242).
  9. Nhiều tác giả (2002), Báo cáo kết quả thực hiện đề tài điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử về hai triều Đinh - Tiền Lê ở Ninh Bình, Sở Văn hóa Thông tin Ninh Bình.

------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa