Nội san

Khởi đầu một khoa học

14 Tháng Hai 2008

KHỞI ĐẦU MỘT KHOA HỌC

 

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Khoa Quản lý VH - NT

  


 

Hiếm có ngành khoa học xã hội nào lại có một tốc độ phát triển nhanh như xã hội học trong những năm gần đây ở nước ta. Mới cách đây không lâu, cái tên “xã hội học” còn rất mới mẻ trong đời sống xã hội. Ngày nay, xã hội học đã xuất hiện ngày càng nhiều trên diễn đàn học thuật và phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các công trình nghiên cứu khoa học. Phương pháp nghiên cứu xã hội học được nhắc đến thường xuyên hơn trong các nghiên cứu khoa học xã hội. Và không mấy ai còn ngạc nhiên nữa khi bắt gặp ngày càng nhiều số liệu xã hội học phức tạp trên những tài liệu khoa học. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh của xã hội học đã để lại phía sau con đường đi lên của nó nhiều khoảng trống không nhỏ mà một trong những khoảng trống đó là sự thiếu hụt những kiến thức thực sự đầy đủ về xã hội học như là một môn khoa học1.

Đối với nhiều người Việt Nam, xã hội học còn là một môn khoa học mới mẻ, khó hiểu và nhiều thuật ngữ chuyên môn. Vì vậy, khi tiếp cận xã hội học lần đầu tiên – ở bất kỳ trình độ nghiên cứu nào, với các lý do khác nhau, điều quan trọng là phải tách được lối diễn đạt khoa trương ra khỏi thực tế, phải nhìn nhận được ý nghĩa và giá trị khoa học khách quan của một cách tiếp cận nghiên cứu khoa học xã hội mới mẻ, của một chuyên ngành khoa học đang là thời thượng của thời đại ngày nay.

Vậy xã hội học là gì? Câu trả lời đầy đủ và chi tiết đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ quá trình lịch sử ra đời và phát triển của xã hội học với một hệ thống phức tạp các thành phần tri thức của nó.

1.      Sự ra đời và phát triển của xã hội học.

Thế kỷ XVIII, châu Âu đã xảy ra những thay đổi quan trọng trong đời sống xã hội. Sự biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu vào thế kỷ 18 nhất là đầu thế kỷ 19 đã đặt ra nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội. Trước hết, là sự biến đổi trong đời sống kinh tế. Chủ nghĩa tư bản phát triển tạo điều kiện tự do hoá thương mại, tự do hoá sản xuất và đặc biệt là tự do hoá lao động. Sự biến đổi của xã hội phương Tây gắn với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng thương mại và công nghệ cuối thế kỷ 18, điển hình là cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh, sau đó lan tràn khắp châu Âu. Kết quả là, xã hội phương Tây từ một hệ thống xã hội nông nghiệp truyền thống chuyển sang một xã hội công nghiệp hiện đại: hàng loạt nhà máy, xí nghiệp và các tập đoàn kinh tế đã ra đời thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành phố làm thuê tạo nên sự dịch chuyển dân cư lớn.

Sự biến đổi kinh kế kéo theo sự biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội. Nền công nghiệp quy mô lớn đã đẩy nhanh quá trình đô thị hoá cùng với sự tích tụ tập trung dân cư, xuất hiện các tầng lớp dân cư mới (công nhân, tư sản, trí thức, thương mại, buôn bán...). Quan hệ xã hội mới xuất hiện đòi hỏi phải có các bộ máy điều hành, quản lý kinh tế - xã hội theo mô hình tư bản chủ nghĩa ra đời, hệ thống luật pháp, thiết chế xã hội và các tổ chức hành chính phải thay đổi theo hướng thị dân hoá và công dân hoá. Nông dân rời bỏ nông trại, đồng áng để ra thành phố sinh sống, trở thành người làm thuê bán sức lao động cho giới chủ và nhà tư bản làm cho cơ cấu gia đình thay đổi, tình cảm gia đình bị rạn nứt. Hệ thống giá trị, chuẩn mực, đạo đức, văn hoá, lối sống theo kiểu truyền thống cũng bị thay đổi, các cá nhân bị lôi kéo, cuốn hút lao vào hoạt động kinh tế và lối sống cạnh tranh, vụ lợi.

Có thể nói, sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến, gây ra những xáo trộn và biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của các tầng lớp, giai cấp và các nhóm xã hội. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn phải lập lại trật tự, ổn định xã hội và nhu cầu nhận thức để giải quyết những vấn đề mới mẻ từ cuộc sống đang biến động đó. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội như vậy đòi hỏi xã hội học phải ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nhận thức các biến đổi xã hội.

Từ biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội đã kéo theo sự thay đổi căn bản thể chế chính trị, tư tưởng ở châu Âu thế kỷ XVIII, sự thay đổi này gắn liền với sự kiện lịch sử chính trị quan trọng: cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Cuộc cách mạng này mở đầu cho thời kỳ tan rã chế độ phong kiến, nhà nước quân chủ, thay thế trật tự chính trị xã hội mới bằng nhà nước tư sản và cũng là sự khởi đầu cho nhiều cuộc cách mạng về chính trị trong suốt thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX.

Cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để nhất, mục đích tập trung đánh đổ giai cấp phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản. Điều này cũng có nghĩa quyền lực chính trị rơi vào tay giai cấp tư sản và một số người nắm tư liệu sản xuất. Kết quả là cuộc cách mạng tư sản Pháp đã để lại trong lòng xã hội Pháp 2 hướng tư tưởng:

+ Hướng 1: chấp nhận phương pháp bạo lực để làm cách mạng, làm cho xã hội biến đổi theo hướng tiến lên (cấp tiến).

+ Hướng 2: là hướng bảo thủ, không ủng hộ cuộc cách mạng và họ cho rằng không nên làm như vậy cứ để cho xã hội ổn định, biến đổi chậm trễ và còn muốn quay trở về xã hội thời kỳ trung cổ.

Từ 2 hướng tư tưởng này là nhân tố quan trọng tác động tới sự ra đời của xã hội học.

Cùng với các cuộc cách mạng nổ ra ở Pháp và một số nước khác vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX (đặc biệt ở tại nước Pháp) vào thời kỳ này đã xuất hiện nhiều nhà tư tưởng và trí thức mới, sách báo, các ấn phẩm được xuất bản nhiều, sự trao đổi tư tưởng được rộng rãi hơn. Các nhà tư tưởng nổi bật nhất là nhà triết học Charles Montesquieu (1689 - 1755); Jacques Rousseau (1717 - 1778)... Thực chất, các nhà tư tưởng ở thế kỷ Ánh sáng cũng mới chỉ vạch ra được đường lối và đặt ra được câu hỏi tại sao chứ chưa giải quyết được. Nhiều người có cách nhìn xã hội đương thời một cách phê phán, nhiều nhà triết học đã đặt ra câu hỏi: 'Tại sao con người lại làm như vậy ?', 'Tại sao trong xã hội có hiện tượng kẻ giàu người nghèo, có hiện tượng bất bình đẳng?...'.

 Trước thế kỷ Ánh sáng (18), mọi người đều cho rằng con người do thượng đế sinh ra nhưng bị tha hoá. Có sự can thiệp của thượng đế nên có người tốt, có người xấu, sự giàu nghèo trong xã hội là do thượng đế thực hiện sự công bằng, họ lấy tôn giáo để giải thích những vấn đề xã hội. Bước sang thế kỷ Ánh sáng, sự nhìn nhận đã có thay đổi: họ đã có cách nhìn khoa học về xã hội. Người ta đã bắt đầu dùng lý trí và khoa học để giải thích xã hội chứ không giải thích bằng tôn giáo như trước kia: vua chúa và thượng đế tạo ra xã hội.

Họ cho rằng con người không còn thụ động như trước kia mà họ vừa là người chủ động sáng tạo ra xã hội, là sản phẩm của xã hội và chịu ảnh hưởng của xã hội (con người tốt thì xã hội sẽ tốt và ngược lại). Nếu con người hiểu được cái xã hội của mình đang sống thì con người sẽ có thể làm thay đổi xã hội. Chính tư tưởng này đã làm cho xã hội học phát triển ở giai đoạn sau.

Mặt khác, cũng trong giai đoạn này nhiều nhà tư tưởng đã bắt đầu có suy nghĩ về bản chất xã hội. Họ đã nhận thấy xã hội lớn hơn giai cấp cầm quyền; phân biệt được thế nào là nhà nước và thế nào là xã hội. Con người và xã hội chủ yếu bị chi phối bởi điều kiện và hoàn cảnh xã hội của họ: con người có quyền tự do nhất định mà các thể chế trong xã hội đang vi phạm.

Vì vậy, cần phải có một khoa học mới là xã hội học ra đời để giải thích xã hội bằng tri thức khoa học nhằm chỉ ra con đường và biện pháp để lập lại trật tự và duy trì sự tiến bộ xã hội. Xã hội học có nhiệm vụ phát hiện và sử dụng các quy luật tổ chức xã hội để góp phần tạo ra trật tự và tiến bộ xã hội.

Cũng vào đầu thế kỷ XIX, các cuộc cách mạng khoa học phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khoa học tự nhiên, làm xuất hiện hàng loạt các phát minh vĩ đại về cấu trúc tế bào sinh vật; quy luật bảo tồn và chuyển hoá năng lượng; học thuyết tiến hoá của Dawin về sự phát triển của thế giới hữu cơ... Các khoa học tự nhiên như vật lý học, hoá học, sinh vật học... đã phát hiện ra các 'quy luật tự nhiên' để giải thích thế giới. Còn khoa học xã hội khác như sử học, kinh tế chính trị cũng thu nhận được một số thành tựu mới.

Cuộc cách mạng khoa học đã làm thay đổi căn bản thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học của nhân loại, thế giới hiện thực được xem như một thể thống nhất có trật tự, có quy luật và ta có thể hiểu được, giải thích được bằng các khái niệm, phạm trù và phương pháp nghiên cứu khoa học.

Cùng với khoa học tự nhiên, các nhà tư tưởng xã hội tin rằng có thể sử dụng các quy luật tự nhiên làm công cụ để xây dựng trật tự xã hội. Người tiên phong trên con đường khoa học này là A. Comte. Ông cho rằng xã hội học cũng như vật lý học, hoá học và sinh vật học trong việc vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của khoa học tự nhiên để giải thích những vấn đề xã hội. Với những đóng góp về mặt lý luận và phương pháp luận của Comte, xã hội học đã xuất hiện với tư cách là một khoa học.

2. Xã hội học và đối tượng nghiên cứu của xã hội học.

Cho đến nay, trên thế giới các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội học. Một số tác giả như August Comte thì định nghĩa xã hội học là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành về đời sống xã hội của con người. Một số tác giả khác như Marx thì cho rằng xã hội học là lĩnh vực nghiên cứu con người trong xã hội và xã hội trong con người. Một số tác giả khác nữa như Max Weber coi xã hội học là khoa học về các hệ thống xã hội, thiết chế xã hội, cấu trúc xã hội và tổ chức xã hội.

Còn ở Việt Nam, theo PGS-TS Phạm Tất Dong và TS. Lê Ngọc Hùng: 'Xã hội học là khoa học nghiên cứu qui luật của sự nảy sinh, biến đổi và phát triển mối quan hệ giữa con người và xã hội.'

Như vậy, xã hội học nghiên cứu con người tác động và cải biến thực tại xã hội như thế nào. Đồng thời xã hội học nghiên cứu xã hội ảnh hưởng và biến đổi con người ra sao. Khi xem xét mối tương tác, mối quan hệ song trùng đó, xã hội học giúp ta hiểu rõ hơn về bản chất của con người và bản chất của xã hội.

 

Nghệ nhân đánh trống Papua New Guinea.

Nghệ nhân đánh trống Papua New Guinea.

 

Người Miêu (Trung Quốc) đang chơi nhạc khí thổi truyền thống.

Người Miêu (Trung Quốc) đang chơi nhạc khí thổi truyền thống.

 

Ví dụ, hình trên là cảnh người Miêu ở Trung Quốc đang chơi nhạc khí thổi truyền thống và các nghệ nhân đánh trống Papua New Guinea đang mặc bộ y phục cổ truyền. Đối mặt với sự kiện này, các nhà xã hội học sẽ xem xét chuyện chọn lựa nhạc cụ và cung cách thể hiện âm điệu cũng như tiết tấu của hai nền văn hoá này. Họ sẽ hỏi: Cái gì ảnh hưởng đến sự lựa chọn này? Những hình thái âm nhạc khác nhau đó có hiệu quả gì đối với người nghe? Âm nhạc trong những xã hội đó được dùng với mục đích gì?

Hoặc ví dụ về chuyện thất nghiệp, chắc chắn đó là sự khó khăn của cá nhân nam hay nữ đang bị không có việc làm. Nhưng qua đó, các nhà xã hội học phải nhìn nhận đó không chỉ là vấn nạn xã hội mà còn cần đặt dấu hỏi về tổ chức và kết cấu của xã hội đó. Tương tự như vậy, xã hội học nhìn việc ly dị không đơn thuần chỉ là bài toán cá nhân của một người nam hay người nữ đặc thù nào đó, mà là một vấn nạn xã hội, vì đơn giản điều đó là hệ quả của không chỉ một cuộc hôn nhân.

Như vậy, đối tượng nghiên cứu của Xã hội học là mối quan hệ hai mặt: một mặt con người tác động như thế nào tới xã hội? Hai là, xã hội tác động như thế nào tới con người?

Cụ thể hơn, xã hội học luôn quan tâm nghiên cứu nhằm trả lời các câu hỏi, ví dụ như: Cái gì gắn kết cá nhân lại với nhau thành nhóm, thành xã hội? Tại sao cá nhân hành động theo kiểu này mà không phải theo kiểu khác? Tại sao xã hội lại có kẻ giàu người nghèo? Tại sao nhóm người này lại thuộc tầng lớp xã hội cao hơn nhóm người khác? Tại sao nhóm người này lại mâu thuẫn, thậm chí xung đột với nhóm người kia? Điều gì làm cho xã hội tồn tại một cách ổn định, trật tự?, v.v..

Xã hội học đã xuất hiện để phát hiện ra những vấn đề như vậy và hướng vào tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như vậy. Xã hội học đã ra đời phát triển thành một hệ thống gồm các tri thức khoa học và các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giải đáp những câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và xã hội.

3.      Kết luận

Nhìn chung ở Việt Nam, xã hội học còn là một khoa học mới mẻ, đang trong giai đoạn phát triển, song chính cuộc sống và sự nghiệp đổi mới ngày càng khẳng định vai trò thực tế và khả năng tiềm tàng của xã hội học. Những năm gần đây, số lượng những cuộc điều tra xã hội học gia tăng, hơn 80% đề tài của các ngành khoa học xã hội đã sử dụng phương pháp xã hội học trong nghiên cứu.

Xã hội học ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy vai trò trong việc bảo đảm về mặt khoa học cho công cuộc đổi mới các phương pháp tổ chức và quản lý xã hội. Nó đã trở thành phương tiện nhận thức không thể thay thế của xã hội đang trong quá trình đổi mới, công cụ dự báo, mô hình hóa các quá trình cải tạo xã hội2.

Nhiều cuộc điều tra xã hội học đã được thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề xã hội như: gia đình, mức sống dân cư, đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo, sự biến đổi định hướng giá trị, văn hóa, giáo dục... Có thể nói, sự phát triển của khoa học nói chung và xã hội học nói riêng luôn gắn liền với sự biến đổi xã hội và hướng vào phục vụ sự tiến bộ xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Chung Á - Nguyễn Đình Tấn. Nghiên cứu Xã hội hội học. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1997.

2.    Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng. Xã hội học. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 1999.

3.    GS. Phạm Tất Dong - TS. Lê Ngọc Hùng. Xã hội học. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2002.

4.    TS. Vũ Quang Hà (Chủ biên) - Xã hội học đại cương. Nxb Đại học quốc gia. Hà Nội. 2003.

5.    Lê Ngọc Hùng. Lịch sử & Lý thuyết xã hội học. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội. 2002.

6.    Lê Ngọc Hùng. Xã hội học giáo dục. Nxb Lý luận Chính trị. Hà Nội, 2006.

7.    Phạm Văn Quyết - Nguyễn Quý Thanh. Phương pháp nghiên cứu Xã hội học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 2001.

8.    Hàn Lâm Hợp. Max Weber. Nxb Thuận Hóa - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội. 2004.

9.    L. Therese Baker – Dịch: Tô Văn, Hồng Quang – Lê Mai. Thực hành nghiên cứu xã hội. Nxb Chính trị quốc gia. 1998.

10.  John f. Macionis. Xã hội học. Nxb Thống kê. 2004.

11.  Richard T.schaefer- Dịch: Nguyễn Văn Thanh. Xã hội học. Nxb Thống kê. 2003.

12.  GS Joachim Mathes - trường ĐH Erlangen - Nurnberg Cộng hòa liên bang Đức. Một số vấn đề Lý luận và Phương pháp nghiên cứu con người và xã hội (Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX-07. Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1994.

13.  Warren Kidd, Mark Kirby, John Barter, Tanya Hope, Alison Kirton, Nick Madry, Paul Manning, Karen Triggs, Francine Koubel – Dịch: TS. Nguyễn Kiên Tr­ường. Những bài giảng về xã hội học. Nxb Thống kê. 2006.

14.  Tony Bilton, Kenvin Bonnett, Phillip Jones, Michelle stanworth, Ken Sheart và             Andrew Webster. Nhập môn Xã hội học. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1993.

15. Nguyễn Minh Hoà dịch. Xã hội hội học nhập môn. Nxb Giáo Dục. Hà Nội. 1995.

16. J Fichter (Trần Văn Đĩnh dịch). Xã hội học nhập môn. Sài Gòn. 1971.

17. Leonard Brôm. Xã hội học- Giảng luận và dẫn chứng. Trung tâm nghiên cứu Việt Nam (dịch).

18. Herman Korte. Nhập môn lịch sử Xã hội học. (Nguyễn Liên Hương dịch). Nxb Thế giới. Hà Nội. 1997.

 

__________________________________

 

[1] Đặng Cảnh Khanh. Nhập môn lịch sử Xã hội học. Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr 7.

2 Vũ Quang Hà (chủ biên). Xã hội học đại cương. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.  2003.