Nội san

Hoa sen mỹ thuật Lý - Trần lưu giữ hương sắc trong tâm thức dân tộc

07 Tháng Năm 2008

                                                            ThS Triệu Thế Hùng

Khoa QLVH-NT

   

        Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình. Hầu như  ở thời nào đề tài này cũng có trong các đồ án trang trí nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hoá cộng đồng. Họa tiết hoa sen được khai thác, thể hiện dưới  nhiều bố cục khác nhau góp phần tạo nên sự đa dạng, đẹp đẽ và cao quý cho các đồ án trang trí.  Nó xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử mỹ thuật ở những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin đưa ra một vài nhận xét mang tính nghiên cứu của mình về hoạ tiết hoa sen trong Mỹ thuật Việt thuộc giai đoạn đầu của thời độc lập quân chủ  Lý – Trần.

 

   MỘT SỐ HỌA TIẾT HOA SEN TIÊU BIỂU TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRUYỀN THỐNG THỜI LÝ- TRẦN

1. Họa tiết hoa sen ở bệ đỡ chân cột để bảo vệ chân cột gỗ khỏi bị ẩm thấp và chống mối mọt ở các chùa cổ Việt Nam.

            Thời Lý hoa sen được bố cục các cánh thành một vòng tròn theo kiểu nhìn chính diện từ trên xuống. Hoa bao gồm 16 cánh chính và 16 cánh phụ ở dưới. Đáng chú ý nữa là lòng của các cánh sen thời Lý được chạm thêm đôi rồng dâng chầu ngọc quý. Nét chạm tỉ mỉ tinh tế, tôn vẻ cao quý của cánh sen. Các nghệ nhân đã trang trí các cánh sen viền quanh, tạo cảm giác như toàn bộ ngôi chùa được dựng trên các đoá hoa sen.

 

Tác giả bên bệ đỡ chân cột  thời Lý ở

chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, Hậu Lộc - Thanh Hoá

 

 Họa tiết  hoa sen đỡ chân cột thời Trần  có nhiều trên các tảng đá kê chân cột như  ở thời Lý. Số lượng cánh và bố cục giống thời Lý. Nhưng các họa tiết trong lòng các cánh sen thời Lý thường có các hình rồng, còn thời Trần thì hoàn toàn không có. Người thợ chạm bệ đá thời Trần thường chỉ đục thêm một đường gờ chìm viền theo các cánh sen

2. Họa tiết hoa sen đỡ các vật thiêng

            Thời Lý họa tiết này thường đỡ chân chim phượng, trong các đồ án phượng múa ở các thành bậc chùa Bà Tấm, chùa Lạng hoặc phượng chầu ở trán bia chùa Diên Phúc (Hưng Yên). Các vật thiêng có hình lá đề trong các đồ án về dàn nhạc các tiên nữ, và  rồng chầu ở chùa Phật Tích và chùa Chương Sơn v.v...Họa tiết này được thể hiện theo lối nhìn nghiêng, tức là hoa sen được bổ dọc nên tạo thành một đài sen dẹt, gồm hai lớp với nhiều cánh, xuất phát từ giữa và choãi đần dần ra hai bên. Lớp trên thể hiện các cánh mới nở ôm lấy đài gương khuất ở trong. Lớp dưới là các cánh sen đã tàn, đổ dài ra hai bên.

 

Hoa sen đỡ chân Phượng, Chùa Bà Tấm, Gia lâm - Hà Nội

 

            Sang thời Trần họa tiết này vẫn được các nghệ nhân vận dụng để trang trí làm bệ đỡ cho các vật thiêng như thời Lý như đồ án trán bia chùa Tổng, hoặc đỡ ngọc báu đang toả sáng hình lá đề trong đồ án ở chùa Thái Lạc, chùa Dâu ( phỏng theo Lục tự chú Phật giáo: Úm Ma Ni Bát Mê Hum). Trên các chân cột trốn của vì nóc, vì kèo chùa Thái Lạc cũng thấy có chạm đài sen đỡ phía dưới.  Nói chung nó vẫn giữ  bố cục kiểu có từ thời Lý. Nghĩa là vẫn hai lớp cánh sen được dàn mỏng theo hai hướng trên dưới chạy dài từ giữa ra hai phía. Bởi vậy các nhà nghiên cứu quen gọi loai này là “cánh sen dẹo”.

 

Sen cánh “dẹo”, Bệ tháp Phổ Minh - Nam Định

 

3. Họa tiết hoa sen kết hợp hoa cúc của  thời Lý mà nay còn thấy ở hai di tích chùa      Long Đọi và tháp Chương Sơn .. Sắp xếp thay đổi cứ một hoa sen lại đến một hoa cúc trong những vòng tròn của hoa dây. Những vòng tròn này gần như tiếp tuyến nhau và chỗ gặp nhau là hình các thiên thần nhỏ bé đang trong động tác múa hoặc nhào lộn. Đồ án này cách điệu khá cao và có bố cục rất đẹp.

 Đến thời Trần, họa tiết  hoa sen được cách điệu thành hoa dây lúc thì thành băng dài chạy phía dưới đôi rồng đang trịnh trọng dâng chầu ngọc báu lúc lại uốn lượn phía trên các tầng mây, nơi có hình các tiên nữ đầu người mình chim đang vừa múa vừa dâng hoa cho Phật. Họa tiết này được bố cục từ một sợi dây được uốn lượn thành sóng hình sin và giữa các quãng trống người ta lại thể hiện một bông hoa sen cách điệu cao. Các cánh sen thể hiện như những dấu ngoắc, từng đôi đăng đối nhau, theo lối nhìn nghiêng, đơn giản và rành mạch. Mỗi bông hoa chỉ có 6 cánh sen và một chút nhuỵ hương.

 Loại họa tiết này ở thời Trần còn lại nhiều ở các di tích: Bệ tháp Phổ Minh, Bệ chùa Dương Liễu,  chùa Côn Sơn, chùa Nhạn Tháp, chùa Ngọc Khánh, Bằng đất nung chùa Hang, chùa Thái Lạc.

4. Họa tiết hoa sen quanh các bệ tượng Phật.

            Các bệ tượng Phật của thời Lý - Trần đều chạm thành những đài sen lớn.. Cánh sen ở đây có 2 hoặc 3 lớp, xen kẽ nhau, thể hiện thành những khối nổi, không còn là họa tiết nữa.. Họa tiết ở đây là các cánh sen được chạm nối tiếp nhau vòng quanh bệ. Trong lòng các cánh sen thường chạm thêm những hình hoa lửa.  Sang thời Trần thì sự tinh xảo của kỹ thuật đục chạm giảm đi thay vào đó là cách diễn tả khối chắc khỏe, những cánh sen chen khít nhau dăng thành hàng dài theo chiều hơi xen chéo.

 

Bệ tượng Tam thế Phật ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, Hậu Lộc-Thanh Hoá

 

5. Hoa tiết hoa sen trên đồ gốm Lý –Trần

            Họa tiết hoa sen trên men ngọc thời Lý được thể hiện bố cục theo lối nhìn nghiêng mặt trong của lòng bát (Bảo tàng Lịch sử Hà Nội). Cuống hoa quay vào tâm vòng tròn của lòng bát. Cứ một bông hoa sen lại một bông hoa cúc. Chúng được bố cục hoàn toàn độc lập với nhau. Tổng cộng mô típ có 3 hoa sen và 3 hoa cúc. Sen ở đây là nhiều cánh chưa nở, quây kín lấy gương sen và hai cánh ngoài cùng nở rộng ra 2 phía. Họa tiết sen ở đây được bố cục theo sự cân xứng,đăng đối từng hoa và toàn bộ đồ án và được khắc chìm vào xương đất, sau đó tráng men để đem nung. Đây cũng là đặc trưng kỹ thuật đồ gốm men ngọc thời Lý.

 

Bát men ngọc có hoạ tiết hoa sen, Bảo tàng lịch sử –Hà Nội

 

            Họa tiết hoa sen trên gốm hoa nâu thời Trần thường được chia thành ô hoặc thành băng để trang trí. Họa tiết ở đây cũng được dùng bút vẽ lên xương đất sau khi đã tráng men và kẻ vạch rồi mới đem nung. Đề tài trang trí gồm nhiều loại mà trong đó họa tiết hoa sen chiếm số lượng lớn. Họa tiết hoa sen ở đây có loại đơn giản chỉ vẽ vạch mấy nét mà thành. Tuy nhiên phần lớn ở đây là loại hoa sen được vẽ theo lối nhìn nghiêng... Từ một cuống hoa ở dưới vươn lên rồi tiếp đến là các cánh hoa đổ ra hai phía bọc quanh một đài gương ở giữa. Hai cánh trên cùng đang ôm lấy gương sen, hai cánh tiếp đã nở vươn rộng ra hai bên và hai cánh dưới cùng thì đã đổ xuống phía dưới sắp tàn héo. Đơn giản như vậy nhưng vì các cánh sen ở đây không gò bó trong một khuôn mẫu đăng đối nào nên trông rất sinh động. Khi nhìn nhấn mạnh tạo một mảng đậm cho một cánh sen, lúc lại nâng cao lướt nhẹ mô tả một chi tiết của cuống hoa hay của búp sen. Mỗi ô một hoa, mỗi hoa một kiểu dáng, thường đứng riêng lẻ một mình hoặc kết hợp với một vài cây cỏ và búp sen. Đặc biệt có đồ án trên một thạp gốm thuộc Bảo tàng Hải Dương, nghệ nhân còn vẽ thêm nhiều búp sen và lá sen. Lá sen ở đây có nhiều kiểu dáng. Có lá bố cục theo lối nhìn chính diện từ trên xuống thành cả mảng tròn to thấy rõ cả chi tiết các gân lá. Có lá bố cục theo kiểu nhìn nghiêng viền của lá uốn lượng sóng. Có lá toàn bộ đã uốn cong xuống phía dưới báo hiệu sắp héo tàn... trông sinh động và hấp dẫn bởi bút pháp có xu hướng trở về hiện thực.

 

Bình gốm hoa nâu,  trưng bày tại bảo tàng Lịch sử – Hà Nội.

 

HỌA TIẾT HOA SEN TRUYỀN THỐNG LƯU GIỮ SẮC HƯƠNG CHO NGÀY HÔM NAY

             Họa tiết hoa sen xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc trên những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ. Chúng lưu giữ  sắc hương giá trị dân tộc cho ngày hôm nay và mai sau.

 Hoa sen trong trang trí mỹ thuật thời Lý. Đây là thời kỳ thái bình thịnh trị. Khi đó, Phật giáo phát triển, chùa Phật được xây dựng rất nhiều. Chính vì vậy họa tiết hoa sen được ứng dụng làm mô típ trang trí rất nhiều. Có những kiến trúc hình bông hoa sen như chùa Một Cột. Hoa sen được sử dụng ở những tảng đá kê chân cột cho đến diềm cửa võng và các đồ mỹ nghệ truyền thống. Với sự tinh tế trong bố cục, khéo léo trong kỹ thuật. giản dị trong thể hiện nhưng lại rất “bác học” trong sự lựa chọn đề tài. Tất cả những điều đó đã tạo nên một mỹ thuật thời Lý đánh dấu cho đỉnh cao trong lịch sử mỹ thuật nước nhà. Trong vườn hoa đó họa tiết hoa sen đã khoe sắc như một sự kết tinh giữa nghệ thuật và tâm thức của người Việt

         Hoa sen trong trang trí mỹ thuật thời  Trần được kế thừa những thành tựu của thời Lý nhưng chúng lại có những đặc điểm riêng biệt, độc đáo đánh dấu tính chất thời đại. Đó là phong cách hiện thực sinh động hơn, mạnh mẽ hơn được ảnh hưởng từ niềm vui, tinh thần tự hào dân tộc với ba lần đánh tan giặc Mông Nguyên. Tô đậm thêm trang sử vẻ vang và sức mạnh của dân tộc bằng ngôn ngữ  tạo hình.

Họa tiết trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt không chỉ nhằm mục đích đơn thuần để trang trí cho kiến trúc hoặc các hiện vật nào đó mà chúng là sự kết tinh những tầng bậc ý nghĩa “muôn đời” của dân tộc. Chúng gắn với cuộc sống thường ngày của con người trong việc ứng xử với cái đẹp. Chúng là những “chữ  viết” chân thực về lịch sử, xã hội, là lời nhắn nhủ đầy tính mỹ triết  của tổ tiên, là tiếng nói của tâm hồn, là ý niệm của cuộc sống, là khát vọng của muôn người, muôn đời...Vì thế, tiếp cận với họa tiết trong mỹ thuật là tiếp cận một khía cạnh cốt lõi về bản sắc văn hoá Việt Nam.  

        Cung cấp cho sinh viên tư liệu về các đồ án trang trí của hoa sen vì họa tiết này khá điển hình trong kho tàng vốn cổ của dân tộc. Qua đó, các em được biết thêm phương pháp nghiên cứu ở bài chép vốn cổ dân tộc và áp dụng vào các bài học trang trí như : trang trí bìa sách, truyện tranh, truyện lịch sử, Tranh cổ động, Bản trích, vẽ biểu trưng, tranh tường, v.v.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử . Nxb Văn hóa dân tộc, 2003. 

[2].  Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, NXB Mỹ thuật, 2002.

[3].  Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam , Viện NT - Bộ văn hóa, 1975.

[4]. Thích Chân Quang, Lotus - ý nghĩa của hoa sen. NXB Tôn giáo 2004.

[5]. Thích Thanh Từ, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh. NXB Tôn giáo, 1999.