Nội san

Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh trường trung học cơ sở Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội

18 Tháng Chín 2018

Nguyễn Thị Châm [*]

 

Từ bao đời nay, hát Chầu văn luôn được coi là một trong những thể loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống đặc sắc, mang những đặc trưng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Hát văn còn gọi là Chầu văn (miền Bắc) hay hát bóng rỗi (miền Nam), nằm trong nghệ thuật ca hát cổ truyền của người Việt, do tộc người Kinh sống ở vùng châu thổ Bắc Bộ sáng tạo và nuôi dưỡng. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát Chầu văn là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ năm 1954, hát Chầu văn dần mai một vì hầu đồng trong đó có hát văn bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, nhờ có nghị quyết TW5 của Đảng về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hát Chầu văn được phục hồi và phát triển [2; tr75-76]. Như vậy có thể thấy hát Chầu văn là một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, là một phần quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của văn hóa Việt Nam.

Theo dòng lịch sử của thời gian nghệ thuật, hát Chầu văn vẫn tồn tại và giữ được chức năng thực hành xã hội mặc dù nó đã được đưa lên sân khấu biểu diễn với những biến tấu trong ca từ. Hát văn có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Nó đã góp phần giúp cho hoạt động hầu đồng có sự thăng hoa, là những giao cảm giữa cô đồng, cậu đồng với thế giới thần linh. Nhưng để định hình như một thành tố đóng vai trò chính yếu trong tín ngưỡng với trữ lượng lớn cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật như hát Chầu văn thì không phải loại hình nghệ thuật âm nhạc nào cũng làm được. Có thể thấy hiện nay âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo vệ và phát triển một cách toàn diện từ thế hệ trẻ. Rất nhiều những thể loại, loại hình âm nhạc cổ nói chung và hát Chầu văn nói riêng có lẽ đang dần bị mai một.

Việc đưa hát Chầu văn vào hoạt động ngoại khóa một mặt sẽ lưu giữ và phát triển thể loại nghệ thuật này, mặt khác sẽ giúp học sinh có thêm những trải nghiệm mới trong mỗi tiết học ngoại khóa. Hiện nay, trường THCS Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngoài giờ học âm nhạc chính khóa trên lớp, học sinh không có điều kiện tham gia học ngoại khóa âm nhạc, trong đó các em chưa được tiếp cận nhiều tới Chầu văn. Từ khảo sát học sinh khi thực hiện đề tài đã cho thấy rõ thực trạng này. Qua kết quả khảo sát về nhận thức cũng như nhu cầu, mong muốn của học sinh về hát Chầu văn, cho thấy tuy nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế nhưng mức độ quan tâm lại khá nhiều. Điều này có thể dễ hiểu khi nhìn nhận vào thực tiễn, các bạn còn quá trẻ, mà ngày nay xã hội đang ngày càng phát triển, đặc biệt là khoa học công nghệ, vì vậy các bạn có nhiều mối quan tâm hơn. Nhưng với kết quả trên cũng là đáng mừng đối với tác giả, đối với hoạt động thực nghiệm của đề tài. Chính vì vậy, để đưa hát Chầu văn vào những tiết học ngoại khóa hiệu quả nhất cần có những nghiên cứu và trải nghiệm thực tế.

Chầu văn có những đặc trưng riêng có về cấu trúc, giai điệu, trang phục, không gian,… cung văn là một phần rất quan trọng trong một buổi thực hiện hoạt động hầu đồng. Từ giai điệu, ca từ trong các bài văn rất chân thực, nó miêu tả khá rõ ràng về tích các vị thánh, về các địa điểm, hoạt động, tính cách của chư vị thánh thần. Hiện nay, hát Chầu văn còn rất xa lạ đối với giới trẻ đặc biệt là học sinh THCS. Các em là lứa tuổi mới lớn, đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể về tâm sinh lý, hoàn thiện nhân cách. Lứa tuổi học sinh THCS bao gồm những em từ 11 đến 15 tuổi, đa dạng theo lớp học từ lớp 6 đến lớp 9. Đây là thời kì phức tạp và quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Thời kì này có một vị trí đặc biệt, vì nó là thời kì chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Sự chuyển tiếp tạo nên nội dung cơ bản và sự khác biệt đặc thù ở thời kì này. Sự chuyển tiếp đã làm hình thành những cấu tạo mới về chất trong tất cả mọi mặt. Sự biến đổi của cơ thể, của tự ý thức, của kiểu quan hệ với người lớn và với bạn cùng tuổi, của hoạt động học tập, hoạt động xã hội… đã làm xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành [3; tr.26].

Các hoạt động ngoại khóa tại trường chưa đưa loại hình nghệ thuật này vào, vì vậy cần có những giải pháp phù hợp giúp cho các em có thể tiếp cận được với Chầu văn, giúp các em hình thành niềm yêu thích và có những nhận thức về việc bảo vệ phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Trong hát Chầu văn nói riêng và các loại hình nghệ thuật âm nhạc khác nói chung thường có những làn điệu đặc trưng với nhiều nét độc đáo, phong phú. Để khắc họa chân dung, công lao cũng như tính cách của các vị thánh, hát văn hầu bóng đã vận dụng một hệ thống làn điệu phong phú. Có rất nhiều cách chia, cách sử dụng các làn điệu khác nhau. Nhưng tựu chung lại, trong hát văn hầu bóng các làn điệu được chia thành bốn nhóm làn điệu chính. Thứ nhất đó là nhóm làn điệu dọc, có tính chất âm nhạc khúc chiết, kết cấu rõ ràng. Về cấu trúc âm nhạc, thường thì các điệu dọc bao gồm hai câu, một câu đóng vai trò như một câu hỏi, câu hai như một câu đáp. Làn điệu này thể hiện sự phóng khoáng đĩnh đạc và giàu chất thơ. Âm vực vừa phải, không quá rộng, phù hợp với nhiều loại giọng. Các làn điệu dọc thường được hát với nhịp độ vừa phải. Sau mỗi khổ hát dọc là một đoạn nhạc lưu không (lưu không thường không được dài quá hai lần khổ hát). Làn điệu dọc thường sử dụng tiết tấu đảo phách, âm hình đơn giản: đen, đơn, kép,… [6; tr.23-25]. Thứ hai là nhóm làn điệu Cờn, làn điệu Cờn là một trong nhóm làn điệu xuất hiện khá nhiều trong hát văn, đặc biệt là văn hầu bóng. Làn điệu Cờn mang tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, với giai điệu mượt mà dễ đi vào lòng người. Có thể thấy làn điệu Cờn có nét duyên dáng hơn, uyển chuyển hơn, nhưng ca từ lời thơ cũng chứa đầy ý nghĩa. Tuy nhiên lời thơ và âm nhạc trong làn điệu Cờn thường không kết hẳn mà mang cấu trúc mở và nó có thể kéo dài liên tục. Nhóm làn điệu Cờn được diễn tấu trên nhịp đôi biểu hiện tính chất duyên dáng, đượm vẻ man mác buồn, thích hợp với các giá Thánh nữ miền xuôi [1; tr.40]. Trong nhóm làn điệu Cờn được chia thành nhiều loại khác nhau với những nét khác nhau như Cờn (Cờn bắc), Cờn xuân, Cờn oán, Cờn Nam Huế (Cờn nam), Cờn Luyện. Tiếp theo là nhóm làn điệu Phú, Phú nói là làn điệu được dùng nhiều nhất, thường dùng trong các giá hàng Quan, hàng ông Hoàng. Phú nói trong hát văn chịu ảnh hưởng từ điệu hát nói của ca Trù [1; tr.42]. Phú nói mang tính chất trang trọng, cao sang, khoan thai, đĩnh đạc phù hợp với các tính cách chững chạc, điềm đạm của các vị Thánh nam thần. Phú nói được thể hiện trên nhịp ba, đàn nguyệt lên dây bằng, tốc độ chậm rãi, khoan thai. Cuối cùng là nhóm làn điệu Xá, nếu làn điệu Phú được hát chủ yếu trên nhịp ba, các làn điệu Dọc, Cờn trên nhịp đôi thì Xá được hát trên nhịp một [1; tr.44]. Có thể thấy làn điệu này thường có tiết tấu nhanh, vui tươi mang tính chất trữ tình với nhịp điệu tự do hay thay đổi và có sự đảo phách về tiết tấu. Đặc trưng của làn điệu Xá là cum từ “ a…a…”, tạo người nghe cảm giác thoải mái. Làn điệu Xá cũng có nhiều điệu khác nhau như Xá cờn, Xá thượng, Xá hạ, Xá quảng, Xá lửng. Ngoài ra cũng có những cung văn gọi theo cách lên dây đàn Nguyệt như Xá dây bằng, Xá dây lệch, Xá dây Tố Lan. Ngoài ra trong hát văn trong các giá hầu còn có một số làn điệu như Kiều bóng, Kiều dương, Lưu không, Bỉ, bài Sai, Chèo đò, Lý thiên thai…

 Từ khi xuất hiện tới nay, các làn điệu này đã có sự biến đổi, tuy nhiên những làn điệu gốc, tiêu biểu hiện vẫn được nhiều nghệ nhân giữ nguyên giá trị. Hệ thống làn điệu hát văn được hình thành trên thang âm điệu thức khác nhau, mỗi làn điệu có nét đặc trưng riêng mang những ý nghĩa riêng. Từ đó đã góp thêm những nét vẽ đặc sắc cho bức tranh về làn điệu hát chầu văn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một số làn điệu được sử dụng nhiều trong hát chầu văn như làn điệu Dọc, Xá, Cờn, Phú, Kiều Thỉnh,... Mỗi giá hầu sẽ có những làn điệu đặc trưng, điều này có thể giúp người nghe biết đó là giá hầu vị thánh nào, thuộc miền nào,… Ví dụ như Hò Huế được dùng trong giá văn Ông Mười, Chèo đò được dùng trong giá văn Chầu Đệ Tam, giá Cô Bơ, Lý thiên thai giá ông Hoàng Bảy,….

Vấn đề gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt ở đây là hát Chầu văn không chỉ là việc của riêng cá nhân nào hay là việc của những người có niềm tin vào tín ngưỡng thờ Mẫu mà đây còn là việc của tất cả mọi người cần làm. Đảng và nhà nước ta đã và đang có những đường lối, chính sách góp phần bảo vệ phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và Hát văn nói riêng. Tuy nhiên, cần có những chính sách cụ thể hơn gắn với thực tiễn hơn để giúp người dân có thể biết đến và bảo vệ phát huy nó. Các địa phương cần tích cực triển khai tuyên truyền bảo vệ. Đối với các nhà truyền thông, cần thực hiện nhiều tin bài, đưa nhiều tin tức về vấn đề này, đặc biệt cần truyền thông cho nhóm đối tượng là giới trẻ. Đối với các nhà trường, cần tạo điều kiện để giúp các em học sinh biết đến hát văn. Trước hết đối với trường THCS Thanh Mai, lãnh đạo nhà trường cần tạo điều kiện để đưa đề tài vào hoạt động chính thức trong tổ chức hoạt động ngoại khóa đưa hát văn vào chương trình âm nhạc tại trường. Đối với gia đình, các em cần có nhận thức rõ ràng về hát văn hầu đồng là loại hình nghệ thuật truyền thống chứ không phải mê tín dị đoan, từ đó tạo điều kiện cho con em mình có thể tiếp cận với loại hình nghệ thuật này nhiều hơn. Các em học sinh cần có nhận thức rõ ràng và chủ động hơn trong việc tìm hiểu học tập về hát văn, góp phần nhỏ vào việc bảo vệ gìn giữ nó.

Như vậy có thể thấy hoạt động đưa hát Chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh trường trung học cơ sở nói chung và tại trường THCS Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội nói riêng là hoạt động thiết thực và có tính khả thi. Qua đây học sinh THCS có thể biết đến và được trải nghiệm tuy không nhiều nhưng cũng đủ để khơi dậy trong con người các em niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Ngọc Dung (2001), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Hà Thị Hoa (2014), Nhập môn âm nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc.

3. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Giáo Dục.

4. Cồ Huy Hùng (2014), Bài viết “Trình bày một cách khái quát về hệ thống làn điệu hát văn và cách sử dụng các ngón đàn nguyệt khi diễn tấu những làn điệu này”, Viện âm nhạc.

5. Bùi Đình Thảo (1998), Hát Chầu văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Đinh Công Tú (2014), “Đưa một số làn điệu Chầu văn vào chương trình đào tạo cho giáo sinh Âm nhạc trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định”, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc