Nội san

Công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình

20 Tháng Chín 2018

Đào  Sỹ Vinh [*]

Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế - xã hội có những biến đổi sâu sắc: Kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày một cải thiện và ấm no, hạnh phúc, nhiều cơ hội, vận hội mới… Tuy nhiên, trước nhiều biến đổi, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào mà chúng ta đạt được trong công cuộc đổi mới vừa qua, thực trạng đời sống văn hóa cơ sở còn nhiều hạn chế bất cập. Sự gia tăng của các loại hình tội phạm mới, khiến lối sống của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ, dẫn đến hệ lụy tiêu cực, dần mất đi những giá trị truyền thống văn hóa quý báu của địa phương và của cả dân tộc. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có ý nghĩa thực tiễn hết sức cấp bách.

Xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cũng như nhiều xã khác trong toàn tỉnh đã và đang triển khai việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đạt được nhiều thành tựu nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố. Xã Ninh Nhất là khu vực thuộc trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Ninh Bình. Hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn xã Ninh nhất đã đạt những kết quả sau:

 Trong công tác triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về xây dựng đời sống văn hóa:

Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính xã hội sâu sắc. Thành uỷ, UBND thành phố Ninh Bình, Ban Chỉ đạo phong trào thành phố luôn căn cứ vào các Chỉ thị, Nghị quyết, Hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để chỉ đạo phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó Thành uỷ, UBND thành phố Ninh Bình hàng năm luôn xây dựng các văn bản chỉ đạo phong trào đến cấp xã, phường. Ban Chỉ đạo cấp xã là sự thống nhất gồm các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã thực hiện phong trào có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cao. Các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan trong xã hoạt động tích cực, không ngừng thúc đẩy phong trào phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng đến tận 10 thôn trong toàn xã. Việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về xây dựng đời sống văn hóa được tiến hành ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo nhằm giúp các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân trong toàn xã nhanh chóng nắm bắt kế hoạch, kịp thời tiến hành triển khai hoạt động. Có thể thấy rằng, việc triển khai và lập kế hoạch để xây dựng đời sống văn hóa là một trong những khâu quan trọng của quá trình thực hiện. Kế hoạch được lập cụ thể, rõ ràng theo từng giai đoạn đã giúp cho việc thực hiện được tiến hành nghiêm túc, đem lại kết quả cao trong cộng đồng dân cư.

Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa: Thời gian qua, Phòng Văn hóa Thông tin, thành phố Ninh Bình thường xuyên phối hợp với UBND xã Ninh Nhất phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tương tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể thấy rằng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa là hoạt động cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa.

 Xây dựng các thiết chế văn hóa: Thiết chế văn hóa thông tin là công cụ trực tiếp của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thiết chế này cung cấp thông tin chính thống, tổ chức những hoạt động văn hóa lành mạnh mà cấp ủy, chính quyền định hướng, khuyến khích phát triển. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt động đồng trong toàn xã, góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Đến nay đã có 10/10 thôn trong toàn xã đã được xây dựng nhà văn hoá đạt chuẩn. Tổng kinh phí xây dựng các nhà văn hoá thôn là trên 20 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước trên 17 tỷ  đồng, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp đóng góp, tài trợ. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa thể thao của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Ninh Nhất.

Công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn xã Ninh Nhất được các cấp quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện khá tích cực, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương xây dựng nông thôn mới, quan tâm bố trí quỹ đất, đầu tư kinh phí và cơ chế thuận lợi xây dựng các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn. Tất cả các thôn đều tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động của cơ sở mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tập trung nâng cao chất lượng các thiết chế và hoạt động văn hóa thông tin cơ sở, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân; đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng đời sống văn hóa.

Tổ chức các phong trào văn hóa:

Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trên địa bàn xã Ninh Nhất luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Do đó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã. Cùng với cả nước tích cực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, nhìn lại 5 năm qua (2013-2017) triển khai và thực hiện xã Ninh Nhất đã chứng tỏ là một trong những xã thành công trong công tác này ở lĩnh vực thể thao quần chúng.

Xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hoá là hoạt động có vai trò nòng cốt khi thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Với gần 20 năm triển khai thực hiện phong trào, xã Ninh Nhất đã thực hiện tốt phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hoá theo chủ trương đường lối của Đảng và những định hướng phát triển cụ thể của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình.

Ninh Nhất là một xã bán thành thị nằm ở ven thành phố Ninh Bình nên trong giai đoạn đầu khi toàn tỉnh bước vào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hoá thì xã Ninh Nhất đã sớm khẳng định là một trong những điểm sáng với nhiều làng văn hóa, khu phố văn hoá tiêu biểu, thể hiện nét đặc trưng vùng trọng điểm của thành phố Ninh Bình. Trong 5 năm trở lại đây, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hoá có những khởi sắc mới khi địa phương chỉ đạo gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, trở thành phong trào rộng khắp, huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, Phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại một số thôn phát triển vẫn chưa đồng đều. Chất lượng, hiệu quả phong trào có chiều hướng chững lại, thậm chí giảm sút ở nhiều nơi. Chất lượng phong trào tại một số nơi chưa được chú trọng duy trì, vẫn còn hiện tượng dễ dãi, hình thức, chạy theo thành tích, chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng của các tiêu chí gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Việc tổ chức đăng ký, bình xét, khen thưởng ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa kịp thời hoặc đã làm nhưng còn thiếu nghiêm túc, mang tính ước lệ như: Không tổ chức đăng ký, số lượng người tham gia họp bình xét không đảm bảo theo quy định. Một số nơi chưa có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, chưa tạo được động lực hấp dẫn phong trào để cuốn hút mọi tầng lớp xã hội tham gia thực hiện. Trong thực hiện nếp sống văn minh đối với việc tang vẫn còn những hạn chế như tổ chức tang lễ ở một số hộ gia đình còn lãng phí, để xảy ra việc dựng lán, nhà bạt, sử dụng loa đài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Một số nơi vẫn còn đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã trên đường đưa tang, để thi hài người quá cố tại gia đình quá thời gian quy định, xây dựng lăng mộ phô trương. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; còn dự tiệc cưới trong giờ hành chính…

Trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã có những tác động đến xây dựng đời sống văn hóa ở xã Ninh Nhất trong giai đoạn hiện nay. Từ thực trạng diễn ra trên địa bàn nghiên cứu và bối cảnh tác động đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở xã Ninh Nhất, tác giả nhận thấy quá trình xây dựng đời sống văn hóa là một quá trình lâu dài, cần phải tính toán thận trọng trong từng bước đi, tạo những nền tảng cơ bản về tinh thần cũng như nền tảng vật chất trong mỗi người dân. Để phát động phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình một cách sâu rộng và toàn diện, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó tập trung phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Các văn bản của Đảng và nhà nước về nếp sống văn hóa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Văn hóa cơ sở (1999), Hỏi đáp về xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa và tổ chức lễ hội truyền thống, Nxb văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Đinh Thị Vân Chi (2015), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  4. Cục Văn hóa cơ sở (2008), Văn bản của Đảng và Nhà nước về nếp sống văn hóa, Nxb Hà Nội.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2014), Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh về việc thành lập BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH trên cơ sở hợp nhất BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH và Ban vận động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tỉnh.
  6. Ủy ban nhân dân xã Ninh Nhất (2015), Báo báo kết quả 15 năm thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã Ninh Giang.

-------------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa