Nội san

Biện pháp xây dựng chương trình hoạt động Âm nhạc ngoại khóa cho học sinh khối 9, Trường Trung học cơ sở Đống Đa, Hà Nội

25 Tháng Chín 2018

Đinh Phú Đức [*]

Trong thời gian vừa qua, qua việc tìm hiểu thực tế và nghiên cứu việc giảng dạy và học tập bộ môn âm nhạc tại trường THCS Đống Đa và một số trường THCS trong quận Đống Đa - Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy, ngoài việc đảm bảo tốt nội dung chương trình giáo dục âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các trường còn quan tâm đến phong trào văn hoá văn nghệ, tuy nhiên lại không có khung chương trình ngoại khoá một cách quy mô bài bản mà phụ thuộc vào tâm huyết và sự sáng tạo của giáo viên. Vì vậy, việc nghiên cứu các biện pháp xây dựng chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khoá nhằm giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho học sinh khối lớp 9, trường Trung học Cơ sở Đống Đa là điều cần thiết.

Giáo dục là một hoạt động có ý thức của con người nhằm vào mục đích phát triển con người và phát triển xã hội. Môn âm nhạc ở trường THCS gồm nhiều phân môn như: Âm nhạc thường thức, Học hát, Tập đọc nhạc. Mỗi phân môn có một vai trò nhất định. Ví dụ, với phân môn Học hát: Hoạt động ca hát có vị trí quan trọng trong đời sống con người; bài hát phản ánh một cách hình tượng những khái niệm sâu sắc về cuộc sống, thiên nhiên, con người và tất cả các mối quan hệ, tư tưởng, tình cảm. Hoạt động ca hát ảnh hưởng trực tiếp đến con người bằng tác động của âm nhạc và lời ca. Giọng hát không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc suy nghĩ của người hát mà còn khơi dậy ở người nghe những cảm xúc tương ứng, những hiểu biết nhất định đem lại sảng khoái thẩm mĩ; sức diễn cảm của giọng hát cùng những cử chỉ, thái độ, nét mặt phù hợp rất thu hút học sinh. Nó khơi dậy ở học sinh những cảm xúc hướng tới chân - thiện - mỹ. Dạy học âm nhạc là quá trình phát triển nhận thức và các năng lực âm nhạc của học sinh và tạo cho các em một trình độ về văn hoá âm nhạc nhất định, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Âm nhạc là một bộ môn được xây dựng, lấy tác động hình thành nhân cách sinh viên theo hướng chủ yếu: trực tiếp từ tình cảm đến trí tuệ, tạo ra một sự kết hợp hài hòa. Do đó, nó là môn học không thể thiếu được trong hệ thống giáo dục.

Hoạt động âm nhạc ngoại khóa cũng hình thành ở học sinh khả năng thể hiện âm nhạc một cách độc lập và sáng tạo. Các em biết thể hiện một cách diễn cảm các hoạt động âm nhạc, có yếu tố sáng tạo trong các hoạt động biểu diễn âm nhạc và biết đánh giá chất lượng biểu diễn của nghệ sỹ. Đó chính là sự phát triển có hệ thống những khả năng nghệ thuật nảy sinh, những biểu hiện ban đầu của cách nhận biết và đánh giá nghệ thuật. Có thể nói, mức độ phát triển khả năng âm nhạc ở học sinh cũng đồng thời với mức độ hình thành ở các em quan hệ thẩm mỹ với âm nhạc; giáo dục tình cảm thẩm mỹ trong các em, giúp các em phân biệt được cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác, sự giả dối, chân thực; hình thành ở các em ý thức thẩm mỹ; bồi dưỡng, vun đắp trong các em những tình cảm cao thượng của con người. Nếu ở học sinh, sự hứng thú, say mê hoạt động âm nhạc ngoại khóa tức là đã giải quyết được nhiệm vụ cơ bản của giáo dục thẩm mỹ.

Kết quả điều tra khẳng định trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc luôn được học sinh ưa thích và lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, mỗi thể loại âm nhạc lại chiếm lĩnh mối quan tâm của từng loại đối tượng nhất định. Thể loại hấp dẫn thu hút được nhiều đối tượng các em học sinh nhất vẫn là nhạc trẻ, mặc dù mỗi người có một cách nghe và thời gian nghe khác nhau như: phục vụ nhu cầu giải trí, giảm stress sau những giờ học căng thẳng; bắt kịp xu hướng hiện tại… và với nhiều lý do khác nhau như: dễ nghe, phù hợp với lứa tuổi, phong cách; phù hợp với tâm lý, tình cảm của học sinh. Do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, việc lựa chọn nhạc trẻ là đối tượng mong muốn được thỏa mãn nhất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của học sinh hiện nay. Với giai điệu, lời ca dễ hát, dễ nhớ lại được đăng tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng sự phong phú đa dạng của nó nên nhạc trẻ trở thành đối tượng thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của sinh viên hiện nay là điều dễ hiểu.

Tại trường THCS Đống Đa, việc giáo dục âm nhạc cho học sinh không chỉ thông qua các tiết học chính khoá mà còn có cả các hoạt động  ngoại khoá âm nhạc. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu thực tiễn các hoạt động âm nhạc ngoại khoá tại một số trường THCS tại quận Đống Đa cho thấy, do các nội dung hoạt động được tổ chức chưa chặt chẽ, chưa có một chương trình mang tính hệ thống và khai thác từ chính những yếu tố cơ bản, cấu thành của nghệ thuật âm nhạc nên hiệu quả giáo dục chưa cao. Nếu hoạt động âm nhạc ngoại khoá tại trường THCS Đống Đa được tổ chức, sắp xếp lại và xây dựng thành một chương trình có hệ thống, qua sự điều hành, hướng dẫn của người giáo viên âm nhạc, có sự bố trí phòng học và thời gian thích đáng của nhà trường thì các em học sinh sẽ có được nhiều hiểu biết hơn về cái hay, cái đẹp của âm nhạc, từ đó gợi ở các em sự hứng thú và yêu thích đối với âm nhạc, giúp cho quá trình học âm nhạc của các em thêm hào hứng và là tiền đề đắc lực cho công tác thúc đẩy các môn học văn hoá tốt hơn. Do đó, cần thiết phải xây dựng một chương trình âm nhạc ngoại khoá thường xuyên cho học sinh tại trường THCS Đống Đa sao cho phù hợp với hứng thú, đặc điểm và khả năng thực hành âm nhạc của học sinh THCS cùng những điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Chúng tôi xác định xây dựng một chương trình ngoại khóa âm nhạc theo một số chủ đề của năm học để góp phần đạt được mục tiêu chung của môn học âm nhạc tại trường THCS Đống Đa. Chúng tôi dự định sẽ lựa chọn những ngày lễ, ngày truyền thống sau đây để làm chủ đề chính cho hoạt động âm nhạc ngoại khóa:

Ngày                        Tên chủ đề

 5-9                 Hát mừng năm học mới

10-10              Cả nước hướng về thủ đô

20-11              Nhớ ơn thầy cô

3-2                 Em là mầm non của Đảng

26-3               Tiến lên Đoàn viên

30-4                Đất nước trọn niềm vui

19-5                Hoa thơm dâng Bác

Như vậy, khi lựa chọn tác phẩm dù ở quy mô nào hay sử dụng với mục đích gì cũng phải đảm bảo đến tính nghệ thuật của các tác phẩm được sử dụng trong chương trình. Bài hát hay và có tính nghệ thuật ngoài ý nghĩa về nội dung thì vẻ đẹp của giai điệu, hòa âm... cũng giữ một vị trí quan trọng nhằm tạo nên những cảm xúc mang tính thẩm mỹ cao. Tất nhiên ngoài vẻ đẹp về tư tưởng, thẩm mỹ âm nhạc của tác phẩm, chúng ta cũng phải kể đến khả năng thể hiện và sự đóng góp của đội ngũ các diễn viên và người dàn dựng chương trình.

Một bài hát bảo đảm được tính nghệ thuật khi có những giá trị thẩm mỹ trong cả âm nhạc (giai điệu) cũng như trong ca từ. Sự thành công của người nhạc sĩ chính là sự kết hợp những yếu tố về âm nhạc và lời ca nhằm tạo nên một giá trị nghệ thuật cao.

Với những ca khúc đã nêu ở trên kết hợp với các chủ điểm, chắc chắn sẽ giúp các em nhận thức về giá trị cùa cuộc sống, đạo đức, cũng như nâng cao giá trị thẩm mỹ bằng cách bồi đắp tình yêu thương con người, quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Ngoài kể chuyện các tác giả tác phẩm, giáo viên có thể đưa thêm vào phần này những câu chuyện về vai trò của âm nhạc đối với đời sống con người. Như bài đọc thêm trong sách giáo khoa âm nhạc lớp 8: “Cây cối với âm nhạc”, “Câu chuyện Trâu nghe hò”, hoặc “Cá heo với âm nhạc”… Hoạt động trao đổi, mạn đàm trong câu lạc bộ âm nhạc. Sau khi nghe kể chuyện và học hát tập thể, cần phải tổ chức các buổi trao đổi mạn đàm. Mục tiêu là giúp học sinh thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc của mình với những gì các em đã được nghe và được học; giải đáp cho học sinh những vấn đề vướng mắc sau khi đã được nghe kể chuyện, học hát tập thể, từ đó giúp các em hiểu rõ hơn và có cái nhìn sâu hơn về âm nhạc.

Thông qua các cuộc trao đổi mạn đàm sẽ giúp các em nâng cao tinh thần tự giác, sự mạnh dạn thể hiện chính kiến của bản thân, cũng như nâng cao tình thần đoàn kết của không chỉ các bạn trong lớp mà còn cả các bạn ngoài lớp; Tăng thêm sự hiểu biết về nghệ thuật âm nhạc, về  những nhạc sĩ nổi tiếng và những cố gắng, niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc như thế nào để có được sự thành công của họ.

Sự sáng tạo và khả năng tương tác giữa các bạn học sinh sẽ được nâng cao trong những buổi học hát, tập luyện và biểu diễn hát tập thể sẽ giúp các em thêm sự tự tin và mạnh dạn hơn trong cuộc sống, trong giao tiếp. Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho các em trong những buổi hát tập thể là giúp các em hiểu hơn về những tác phẩm âm nhạc có tính nghệ thuật cao, thông qua đó giúp các em sàng lọc những tác phẩm âm nhạc ít tính nghệ thuật hiện nay, có cái nhìn bao quát về thị trường âm nhạc, từ đó các em sẽ tự định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của mình đến với những giá trị đúng đắn, những cái đẹp thực sự trong âm nhạc.

Việc xây dựng nội dung và thử nghiệm chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khóa ở các trường thuộc địa bàn nghiên cứu của đề tài đã dựa trên việc tìm hiểu thực trạng hoạt động giáo dục âm nhạc và khả năng thực hành âm nhạc của học sinh THCS. Hoạt động thực nghiệm triển khai đúng theo các kế hoạch, mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Với nội dung phong phú được xây dựng dựa trên hệ thống kiến thức, kĩ năng âm nhạc quy định trong chương trình giáo dục âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khóa cho học sinh lớp 6,7,8,9 tại trường THCS Đống Đa - thành phố Hà Nội không chỉ góp phần củng cố, rèn luyện các kiến thức âm nhạc trong chương trình mà còn cung cấp cho học sinh những trải nghiệm, cảm nhận để nâng cao khả năng cảm thụ, ghi nhớ và thực hành âm nhạc; phát triển năng khiếu âm nhạc cho các cá nhân.

Bước đầu thử nghiệm chương trình âm nhạc ngoại khóa 9 tại trường THCS Đống Đa - thành phố Hà Nội, với nhiều hoạt động âm nhạc lý thú và hấp dẫn, do đó có tác dụng thiết thực tới việc giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mỹ âm nhạc và phát triển nhân cách cho học sinh. Bên cạnh đó cũng góp phần làm phong phú thêm chương trình giảng dạy âm nhạc, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của môn âm nhạc và mục tiêu giáo dục của bậc học THCS hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Trọng Toàn (2009), Vài nét về giáo dục thẩm mỹ âm nhạc với sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay , Tạp chí Giáo dục, số 255, Bộ Giáo dục & Đào tạo.
  2. A. Xôkhốp (Vũ Tự Lân dịch - 1976), Vai trò giáo dục âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Dương Anh Đức (2014), Xây dựng chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khoá tại một số trường THCS của quận Đống Đa – Thành phố Hà Nội, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  4. Nguyễn Minh Hạnh (2014), Thị hiếu âm nhạc của sinh viên đại học thành phố Hà Nội hiện nay, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  5. Thế Hùng (2009), Mỹ học, Nxb Văn hóa – Thông tin.
  6. Vĩnh Quang Lê (1999), Về giáo dục thẩm mỹ ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K4 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc