Nội san

Đôi nét về tình hình hoạt động quảng cáo và công tác quản lý quảng cáo nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (từ năm 2013 đến năm 2017)

25 Tháng Chín 2018

Hoàng Thị Huyền [*]

Ninh Bình là tỉnh hội tụ các điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa và con người, thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội, và văn hóa. Trong mấy năm gần đây, sự ra đời các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại tỉnh Ninh Bình với nhiều hình thức, phương tiện hoạt động phong phú tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt và sôi động trên thị trường. Quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay đang triển khai hai loại hình là quảng cáo tầm thấp và quảng cáo tầm cao. Các hoạt động quảng cáo này đều hoạt động và định hướng theo đúng khuôn khổ của pháp luật, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế, xã hội của tỉnh.

1. Khái quát công tác quản lý nhà nước và hoạt động quảng cáo tại địa phương

1.1. Việc tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo, số liệu về hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý, thời gian trả lời tổ chức, cá nhân

Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực hoạt động quảng cáo, trong những năm qua đã thực hiện tốt quy trình, thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo theo đúng quy định tại Luật Quảng cáo và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Từ ngày 01/01/2013 đến 01/5/2017, Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình đã cấp 364 văn bản cho phép quảng cáo trên phương tiện bảng quảng cáo, băng rôn.

1.2. Hoạt động quảng cáo trên các phương tiện khác: Báo chí, sản phẩm in, phương tiện giao thông...

Hoạt động quảng cáo trên phương tiện báo chí, sản phẩm in, trang thông tin điện tử.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 cơ quan báo in đó là Báo Ninh Bình và Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có báo điện tử, có 1.640 trang thông tin điện tử có chủ sở hữu là người Ninh Bình. Trong đó có 68 trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Hàng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát hoạt động của các trang thông tin điện tử này và xây dựng báo cáo định kỳ gửi UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông:

Việc thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông được thực hiện theo quy định tại Điều 32 và Điều 36 của Luật Quảng cáo, nên hoạt động quảng cáo trên phương tiện giao thông tại Ninh Bình trong những năm qua đã đi vào nề nếp. Đa số các đơn vị, cá nhân treo, gắn đề can quảng cáo trên xe đã chấp hành tốt các quy định như: không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện, sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo.

1.3. Công tác chấn chỉnh biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh

Căn cứ quy định cụ thể của Điều 18 và Điều 34 của Luật Quảng cáo về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo phòng Quản lý Văn hóa, Thanh tra Sở, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với các ngành liên quan tiến tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, rà soát biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm đối với các trường hợp viết, đặt, treo, gắn biển hiệu không đúng quy định của pháp luật; gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường và trật tự an toàn giao thông.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh nhận thức rõ trách nhiệm, tuân thủ quy định của pháp luật. Tăng cường sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của quần chúng nhân dân trong sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của các cơ sở kinh doanh.

2. Công tác phổ biến, triển khai thực hiện Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn

Tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố; các phòng chuyên môn và các đơn vị thuộc Sở phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống Đài Truyền thanh ba cấp, lồng ghép vào các hội nghị, các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở để tuyên truyền.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai Luật Quảng cáo tới các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân thường xuyên có hoạt động quảng cáo để mọi người dân được biết và thực hiện nghiêm các nội dung của Luật Quảng cáo.  

3. Công tác xây dựng Quy hoạch quảng cáo

Căn cứ Điều 37, 38 của Luật Quảng cáo; Điều 16, 17, 18, 19 của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời; các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hướng dẫn số 3873/HD - BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn xây dựng quy hoạch quảng cáo. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng xong Dự thảo đề cương Quy hoạch tuyên truyền quảng cáo ngoài trời tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012 – 2020 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí thực hiện Quy hoạch (nay điều chỉnh thời gian từ 2017 - 2025)

4. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động quảng cáo hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tồn tại những mặt trái như: Quảng cáo không xin phép hoặc quảng cáo sai với nội dung xin phép; có những biển hiệu chỉ sử dụng tiếng nước ngoài mà không có chữ tiếng Việt hoặc kích thước chữ nước ngoài bằng, lớn hơn chữ tiếng Việt; hoạt động quảng cáo rao vặt, bảng, biển quảng cáo của các cơ sở, nhà hàng, dịch vụ treo mắc lộn xộn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, làm xấu cảnh quan đô thị.

Năm 2013 kiểm tra 05 cơ sở, năm 2014 kiểm tra 04 cơ sở, năm 2015 kiểm tra 38 cơ sở, năm 2016 kiểm tra 21 cơ sở. Xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo: Lập biên bản kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo và đã có kết luận về ưu điểm và hạn chế tồn tại, chỉ rõ trách nhiệm của cơ sở, nhắc nhở và gia hạn khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo đúng quy định về giấy tờ liên quan đến hoạt động quảng cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.

Như vậy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt Quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng kể. Những hạn chế của hoạt động quảng cáo đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện. Hoạt động quản lý góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo mỹ quan đô thị và giúp các hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, phục vụ tốt nhiệm vụ kinh tế chính trị xã hội của tỉnh.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 thông qua ngày 21/06/2012.
  2. Chính phủ (2013),  Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của quy định tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
  3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình (2015), Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình (2016), Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
  5. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình (2017), Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
  6. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình (2018), Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa