Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp dạy học Violoncello cho học sinh trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

05 Tháng Mười 2018

Lê Thị Quỳnh [*]

Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như năng lực hoạt động âm nhạc của học sinh, cần thiết phải có cải tiến với những giải pháp nhằm rèn luyện, nâng cao kỹ thuật và cảm xúc âm nhạc cho học sinh. Trong dạy học âm nhạc nói chung, dạy học đàn Violoncelle nói riêng, cần có những yêu cầu cụ thể về cách tổ chức dạy học, về phương pháp giảng dạy, nhằm đem lại những tiết học hiệu quả, các kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

            1. Tìm hiều tác phẩm viết cho đàn Violoncelle

Để thể hiện tốt các tác phẩm âm nhạc nói chung và tác phẩm viết cho đàn Violoncelle nói riêng, bên cạnh kỹ thuật tốt, các em còn phải thể hiện đúng tình cảm, sắc thái của tác phẩm. Vì vậy, trước khi luyện tập, học sinh phải có hiểu biết nhất định về đặc điểm âm nhạc trong tác phẩm đó.

Học sinh chuyên ngành Violoncelle tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi tập luyện thường chú ý nhiều vào kỹ thuật và tốc độ mà ít chú ý đến đặc điểm âm nhạc trong tác phẩm. Khi xử lý sắc thái, tình cảm còn thiếu độ sâu sắc. Đây là một điểm cần đổi mới, nếu hiểu biết về tác phẩm, chắc chắn việc thể hiện sẽ sâu sắc, tinh tế hơn. Trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, học sinh cần nghiên cứu các vấn đề liên quan như: tác giả, xuất xứ và nội dung tư tưởng của tác phẩm, giai điệu và một số đặc điểm âm nhạc của tác phẩm: hình thức tác phẩm, thang âm - điệu thức, kỹ thuật diễn tấu… nhằm giúp cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản để hướng tới rèn luyện tác phẩm tốt hơn.

            2. Rèn luyện kỹ thuật

Các tác phẩm viết cho đàn Violoncelle dù ở thể loại độc tấu hay hòa tấu cũng đã vận dụng, khai thác hợp lý những kỹ thuật cơ bản của cây đàn nhằm diễn tả sâu sắc nhất những nội dung, tư tưởng nghệ thuật trong tác phẩm. Vì vậy, việc luyện tập kỹ thuật trên cây đàn đối với người học là rất cần thiết và yêu cầu được luyện tập thường xuyên.

Để sử dụng thành thạo Violoncelle, người học cần có sự đầu tư về thời gian để luyện tập cũng như có phương pháp tập luyện khoa học. Quan trọng hơn, các em phải có được một nền tảng cơ bản đúng, chính xác thì mới có thể phát triển tốt chuyên môn của mình. Xây dựng nền tảng cơ bản là xây dựng các vấn đề tư thế cầm đàn, tư thế của hai tay, cách thả lỏng cơ thể… Mỗi động tác, mỗi kỹ thuật cơ bản đầu tiên nếu thực hiện đúng, các em không còn gặp khó khăn trong xử lý tác phẩm. Do đó, trong mỗi giờ lên lớp ngoài việc hướng dẫn, giảng giải cho học sinh thực hiện đúng những bài học cơ bản, giảng viên cũng cần chú ý quan sát và tìm ra nguyên nhân gây ra những lỗi sai cơ bản của học sinh để giúp các em khắc phục những lỗi sai đó. Ngoài ra, học sinh cũng phải có một thái độ học tập nghiêm túc, tự giác trong việc tập luyện thì mới đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập của mình.

            2.1. Cách sử dụng vĩ (archet) trong tác phẩm

Tay phải là tay cầm vĩ, liên quan đến cách phân câu và cách kéo vĩ, tạo nên tính chất cơ bản của âm vang. Khi tập, tùy thuộc vào kỹ thuật kéo vĩ để tạo ra những âm sắc khác nhau. Có hai kỹ thuật dùng vĩ cơ bản nhất: đẩy vĩ lên từ gốc đến ngọn, kéo vĩ xuống từ ngọn xuống gốc.

Đẩy achet từ gốc đến ngọn hoặc từ ngọn vào gốc, là kĩ năng rất quan trọng khi học đàn dây. Để xử lí tốt được kĩ năng này, người chơi đàn phải chọn cho mình một chiếc acchet phù hợp với bản thân về độ nặng, chất liệu gỗ cũng như chất liệu crank.

Với cả hai kĩ năng trên, cần hướng dẫn học sinh thực hành luyện tập với dây buông cho đến khi chọn được tiếng đàn chuẩn về âm thanh khi kéo từ gốc lên ngọn hay ngược lại cùng một âm thanh không đổi. Muốn làm được điều này, học sinh cần được nghe và nhìn cách xử lí achet trực tiếp từ giảng viên hướng dẫn.

            2.2 Luyện gam

Luyện gam liền bậc

Gam là hệ thống gồm 7 bậc âm tự nhiên được sắp xếp liền bậc trong một quãng 8 của điệu thức (từ chủ âm đến chủ âm). Gam là những âm thanh chuẩn được xác định, có cấu trúc đơn giản, dễ nhớ. Luyện tập gam góp phần phát triển kỹ năng diễn tấu trên đàn, tạo điều kiện vận động của hai tay và hoàn thiện những phương tiện biểu hiện như kéo, bấm ngón, chuyển thế… Luyện tập gam hàng ngày là con đường phát triển kỹ năng diễn tấu đúng nhất, ngắn nhất và thuận tiện nhất. Đi cùng với việc luyện tập các tác phẩm Việt Nam, luyện tập điệu thức là bài tập không thể thiếu đối với người chơi nhạc. Khi tập bài tập này cần chú ý vào chất lượng tiếng, hướng đi của archet…

Luyện hợp âm rải cơ bản

Hợp âm là chồng âm được sắp xếp theo một quy luật nhất định. Trong các dạng hợp âm, cách sắp xếp các âm thanh theo quãng ba là hợp âm phổ biến nhất. Có các dạng hợp âm ba là: Hợp âm ba trưởng, hợp âm ba thứ, hợp âm ba tăng, hợp âm ba giảm,... Với học sinh trung cấp Violoncello, cần hướng dẫn cho các em kỹ năng luyện tập các hợp âm ba trưởng và thứ, được thành lập từ âm bậc I, bậc IV và bậc V của gam.

Khi hướng dẫn học tác phẩm Violoncello, tùy thuộc vào tác phẩm đó được viết ở điệu thức nào, giáo viên sẽ hướng dẫn các em luyện hợp âm của điệu thức đó. Khi thực hiện hợp âm rải phải áp dụng kỹ thuật giãn ngón tay tương ứng với những nốt có trong hợp âm. Các ngón tay phải tuân thủ theo quy luật nhất định, trên cơ sở 1 nốt, 3 nốt, 6 nốt, 9 nốt với tốc độ tăng dần, như vậy sẽ làm cho ngón tay quen dần với cách dãn ngón cách bậc trên phím đàn. Đây là một trong những cơ sở vững vàng để có thể ứng dụng lên tác phẩm Violoncello nói chung. Để ngón tay linh hoạt hơn, giảng viên cần hướng dẫn các em tập các kỹ thuật cơ bản trong quá trình luyện hợp âm rải.

            2.3. Luyện quãng

Khi chơi Violoncello, cần tìm hiểu về các thế bấm của ngón tay trên phím đàn. Lấy ngón cái làm trụ, đặt phần tiếp xúc giữa tay với phím đàn và đầu ngón tay cần chắc chắn để tiếng đàn được khỏe và rõ nét.

Luyện quãng để nâng cao khả năng chơi đàn, và ứng dụng hiệu quả vào tác phẩm. Mỗi ngón tay có đặc điểm riêng nên khi luyện quãng cần lưu ý phát triển về độ nhấn của từng ngón. Với quãng, sẽ sử dụng các ngón thay đổi theo độ dài của quãng. Với quãng 3, quãng 5, quãng 6 phải dùng ngón 1 và ngón quãng 4; với quãng 8, sẽ dùng dây buông hoặc ngón cái kết hợp với các ngón khác. Khi luyện tập, sẽ tập riêng từng quãng, nốt dưới sẽ đánh trước, nốt trên sẽ đánh sau và sử dụng luyến 1 nốt sau đó tăng dần đến 2 nốt, 4 nốt trên một acher.

Cùng với việc hướng dẫn luyện tập gam, hợp âm rải và quãng, giảng viên cần giúp cho học sinh nhận thức được tầm quan trọng trong việc luyện tập này, giúp cho học sinh hiểu, quan tâm và dành thời gian luyện tập đủ và đúng. Mục đích rèn luyện kỹ thuật diễn tấu sẽ được ứng dụng trong các tác phẩm trong quá trình dạy học.

            3. Cách chuyển thế bấm và xử lý hợp âm

Chuyển thế bấm là một trong những kỹ thuật đặc trưng của đàn Violoncelle, được dùng liên tục trong tác phẩm. Khi dạy học sinh, giảng viên cần hướng dẫn các em luyện tập kỹ thuật này một cách nhuần nhuyễn để tạo nên tiếng đàn chuẩn xác về cao độ.

Để chơi tốt các tác phẩm Violoncelle, học sinh cần rèn luyện nhuần nhuyễn kỹ thuật này. Có chuyển từ thế 4 sang thế ngón cái (chuyển các thế cao) hoặc với chuyển thế cao, phải dùng đến ngón cái chặn dây bằng cách tỳ chắc ngón vào dây bấm để tránh âm thanh bị mờ.

Cũng như Violon, đàn Violoncelle có thể chơi các hợp âm hai nốt, ba nốt, bốn nốt. Với hợp âm hai nốt có thể thực hiện cùng một lúc. Hợp âm hai nốt thường giới hạn trong một quãng 8, trên hai dây cạnh nhau. Kết hợp hai nốt trong trường hợp có một dây buông sẽ dễ thực hiện hơn cả hai nốt đều bấm. Nếu ở thế bấm khó, thường được thực hiện ở tốc độ vừa phải.

Đánh hợp âm 2 dây, kết hợp chắc tay archet tránh không đều, mờ nốt và tay bấm bổ ngón chắc, tránh bị phô và lập bập vì giữ nốt không chắc.

Với hợp âm ba nốt, 4 nốt không thực hiện được cùng một lúc do cấu tạo cần đàn có hình cong. Do đó, tác phẩm Violoncelle thường kết hợp hợp âm 3 nốt, 4 nốt ở những chỗ hợp âm có độ vang ngắn bằng cách rải hoặc kèm theo các nốt nhỏ. Kết hợp 2, 3, 4 nốt trên Violoncelle sẽ tạo nên âm vang hùng mạnh.

            4. Cách sử dụng kỹ thuật tay trái

Tay trái thực hiện các kỹ thuật tạo nên hiệu quả âm thanh đặc trưng của cây đàn Violoncelle. Do đó, cần có sự chuyển động linh hoạt của ngón tay khi thực hiện từng động tác kỹ thuật.

Rung: Kỹ thuật rung cần có sự kết hợp của bàn tay và cánh tay trái. Để tạo nên hiệu quả âm thanh trầm ấm, sâu lắng, giảng viên có thể hướng dẫn tập kỹ thuật rung bằng cách cho học sinh khum bàn tay trái theo thế bấm di chuyển từ chậm đến nhanh trên cần đàn để lấy cảm giác của cánh tay, sau đó vẫn làm như vậy nhưng dừng lại ở một điểm cố định. Ngón thực hiện hiệu quả nhất theo thứ tự thường là ngón 2 - 1 - 4 -3.

Pizzicato: Kĩ thuật gẩy trên dây đàn được gọi là pizzicato hoặc pizz. Tay phải giữ chắc vĩ và gẩy bằng ngón trỏ. Pizzicato được tạo ra bởi cách gảy ngón của tay phải hoặc búng bằng ngón tay của tay trái. Tùy thuộc vào điểm chơi của dây đàn, Pizzicato cho hiệu quả khác nhau về âm thanh. Pizzicato ở âm khu cao, tạo nên tiếng rời, ngắt, ở âm khu thấp, tạo tiếng vang dài. Nhìn chung, Pizzicato hạn chế về âm vang và tốc độ chuyển động nên thường được dùng để trang trí màu sắc phong phú trong tác phẩm. Để thực hiện kỹ thuật này, giảng viên có thể hướng dẫn các em búng trên dây ở khoảng 1/3 cuối cần đàn, gần vị trí dùng vĩ để tạo hiệu quả pizz.

Bồi âm: Bồi âm là âm giả, âm giả có thể đánh được khi giữ một nốt ở ngón cái hoặc giữ hờ ngón bấm trên dây. Bồi âm có thể là một nốt hay hợp âm, những thay đổi cách đánh tuỳ theo tính chất âm nhạc hoặc cách xử lý của người chơi. Khi dây chia đôi sẽ phát ra bồi âm ở quãng 8, chia 3 phát ra bồi âm quãng 5; chia 4 phát ra bồi âm quãng 4; chia 5 phát ra bồi âm quãng 3.

            5. Cách sử dụng kỹ thuật tay phải

Legato: Legato là kéo liền tiếng đàn, ký hiệu vòng cung nối giữa các nốt.
Để tiếng đàn được liền tiếng như kỹ thuật legato, khi gặp ký hiệu dấu luyến, dấu nối, đều được biểu hiện bằng một động tác vĩ, khi đổi dấu nối, hướng chuyển động của vĩ mới được đổi để tránh tiếng đàn bị ngắt, không liền mạch. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách tiến hành giai điệu, giảng viên cần hướng dẫn học sinh cách sử dụng vĩ phù hợp, tùy thuộc vào đường nét giai điệu để sử dụng legato ngắn hay dài, cần có sự kết hợp uyển chuyển giữa đẩy lên và kéo xuống nhịp nhàng archet.

Non legato: Non legato là kỹ thuật đánh rời tiếng, là sự tách rời nhau giữa các âm. Với đàn Violoncelle, thường xuất hiện ở những motiv nhỏ mà trước đó là legato, tạo nên âm thanh nặng nề nên phải sử dụng archet một cách linh hoạt. Đây là một trong kỹ thuật khó nên giảng viên cần làm mẫu cho học sinh quan sát về cách sử dụng archet, đồng thời giúp các em cảm nhận về âm thanh khi chuyển tiếp giữa hai kỹ thuật này. 

Staccato: Staccato tạo âm thanh sắc, gọn, có ý hiệu dấu chấm trên nốt. Để tạo nên âm nẩy sắc nhọn, nên để thực hiện kỹ thuật này, người chơi phải sử dụng linh hoạt vĩ, tránh để cho âm thanh trở nên nặng nề. Động tác vĩ cần mạnh, dứt khoát, nhấn mạnh vĩ vào đầu nốt nhạc và dừng ngay. Thực hiện động tác này, mỗi âm sẽ tương ứng với một động tác đánh vĩ.

Những biện pháp dạy học trên đây là cơ bản, thiết thực đối với học sinh trung cấp chuyên ngành Violoncelle tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, để việc dạy và học đạt hiệu quả, cần có sự nỗ lực dạy học của giảng viên và luyện tập của học sinh, sao cho các em đạt kết quả tốt nhất trong học tập, có thể thể hiện được tốt những kỹ thuật đặc trưng, những kỹ xảo trình diễn cũng như tạo nên âm thanh đẹp, những sắc thái tình cảm trong tác phẩm Violoncelle.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Dương (chủ biên) (2002), Tân nhạc Hà Nội từ đầu thế kỷ XX đến 1945 - Hình thành và phát triển - Hội âm nhạc Việt Nam, Hà Nội.

2. Hồng Đăng (1999), Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Nhung (2001), âm nhạc thính phòng và giao hưởng Việt Nam, Viện âm nhạc, Hà Nội.

4. Nhóm tác giả Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000), Nền âm nhạc mới Việt Nam, tiến trình và thành tựu,Viện âm nhạc, Hà Nội.

5. Minh Tâm (1990 - 1975), Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc