Nội san

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VĂN HÓA TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA - THÔNG TIN QUẬN NGÔ QUYỀN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

10 Tháng Mười 2018

Đỗ Khắc Bẩy[*]

Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ngô Quyền được tách ra từ Phòng Văn hóa và Thông tin cuối năm 2008 theo quyết định của Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền. Sau 10 năm hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ngô Quyền đã có những bước phát triển vững chắc. Trong 10 năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ngô Quyền đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật của cán bộ và nhân dân địa phương. Căn cứ vào những hoạt động và kết quả đạt được, nhiều năm liền Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ngô Quyền được Bộ Văn hóa thông tin tặng cờ; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng bằng khen, giấy khen, cờ thi đua cho tập thể và các cá nhân xuất sắc.

Mặc dù trong những  năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận đã được Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy bân nhân dân quận quan tâm tạo điều kiện về trang bị một số cơ sở vật chất nhưng vẫn thiếu mặt bằng công sở, cơ sở vật chất tối thiểu để tổ chức các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp để hoạt động quá hạn hẹp, không đủ để đáp ứng cho hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động trực quan cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng như các hội thi, hội diễn, liên hoan ca múa nhạc và hoạt động thư viện.

Hiện nay, trong bối cảnh thành phố và quận đang triển khai xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, công tác quản lý văn hóa trên địa bàn quận được xác định phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Đổi mới cơ chế, chính sách và tập trung cao cho đầu tư lĩnh vực văn hóa cả về công tác chỉ đạo, lãnh đạo, công tác quản lý, công tác cán bộ và nguồn ngân sách…để sự nghiệp văn hóa của quận có những chuyển biễn rõ nét. Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm Văn hóa – Thông tin quận cần triển khai những nhiệm vụ quan trọng, đó là:

- Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, xây dựng quận Ngô Quyền là quận dẫn đầu của thành phố trong các hoạt động văn hoá.

- Đa dạng hoá các hoạt động văn hoá, xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hoá, nâng cao hiệu quả của các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá.

- Đẩy nhanh việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành văn hoá thông tin về số lượng, cũng như chất lượng, hình thành ổn định một đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá thông tin có trình độ khoa học, chuyên môn theo kịp và thích ứng với sự phát triển của đất nước.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa để duy trì và phát triển đời sống văn hóa quần chúng, văn hóa ở cơ sở trên địa bàn quận.

- Tăng cường quản lý để phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa.

- Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về văn hóa thông tin quận, phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao và chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vu văn hóa ở cơ sở.

- Xây dựng phương án cải tiến mô hình tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa tại quận.

Để triển khai được các nhiệm vụ trên, Trung tâm Văn hóa – Thông tin cần có các biện pháp cụ thể như sau:

Một là, cần đổi mới cơ chế quản lý: Tham mưu với UBND quận chỉ đạo Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện việc công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” gắn với thực tế, đảm bảo có tính  khách quan, chính xác và góp phần phát triển, nâng cao phong trào văn hóa của địa phương. Tuyên truyền phổ biến về nội dung, ý nghĩa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để có những hành động tích cực vào sự phát triển văn hóa theo mục đích quản lý nhà nước. Xây dựng phương án cải tiến mô hình tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa phải gắn liền với cải cách hành chính nhà nước để làm tăng hiệu quả quản lý văn hóa, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai hiện nay.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, sử dụng cán bộ quản lý: Một trong những hạn chế trong công tác quản lý có nguyên nhân từ đội ngũ cán bộ. Trong sự phát triển nhanh, phức tạp của đời sống văn hóa hiện nay, nhiểu cán bộ quản lý còn chưa nắm bắt để giải quyết kịp thời những phát sinh sao cho hợp lý. Chính vì vậy, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. Việc triển khai công tác bồi dưỡng, đào tạo cần thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, có chương trình, nội dung cụ thể, bài bản cho từng đối tượng độ tuổi nhằm tạo điều kiện cho cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công tác. Cần triển khai thành nhiều đợt, nhiều lớp tập huấn phù hợp cho cán bộ văn hóa thông tin cấp quận, công chức văn hóa – xã hội của UBND các phường để tăng cường chất lượng công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩng vực hoạt động văn hoá: Xã hội hoá hoạt động văn hoá là sự vận động và tổ chức nhằm thu hút toàn xã hội, mọi lực lượng trong nước và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hoá, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, phong phú và nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá. Xã hội hoá hoạt động văn hoá là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế xã hội thuận lợi cho sự phát triển văn hoá, trên cơ sở đó nâng cao quyền tổ chức và điều hành các hoạt động văn hoá theo hướng đa dạng chủ thể hoạt động, tổ chức và quản lý văn hoá. Nêu cao tính cộng đồng, trách nhiệm của các chủ thể chỉ ra nhu cầu về quyền được tổ chức, quản lý của các chủ thể đối với các loại hình hoạt động văn hoá cụ thể, về yêu cầu đa dạng chủ thể này như là một hệ quả tất yếu của quá trình xã hội hoá hoạt động văn hoá.

Xã hội hoá hoạt động văn hoá là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tại lực trong toàn xã hội, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân để phát triển sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Khai thác tiềm năng toàn diện trong xã hội, trong nhân dân, có nghĩa bao gồm cả trí tuệ, năng lực sáng tạo, lực lượng tham gia văn hoá và cả vật lực, tài lực, tuyệt đối không chỉ dừng lại ở việc khai thác tiền của, vật chất, coi đó chính là xã hội hoá hoạt động văn hoá, biến công việc vốn đòi hỏi sự sáng tạo, tính toàn diện và mang giá trị tinh thần tự nguyện này thành đơn thuần việc góp tiền, thành gánh nặng vật chất với nhân dân.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, lấy lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan thông tin đại chúng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên địa bàn mình quản lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá thông tin của quận cần được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tập trung điều chỉnh các vấn đề bức xúc, mới phát sinh trên lĩnh vực hoạt động quản lý văn hoá, góp phần ngăn chặn các tiêu cực và định hướng cho các dịch vụ văn hoá Quận phát triển đúng hướng. Kết hợp tốt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên với đột xuất, đẩy mạnh vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, nâng cao tính tự giác của các chủ thể hoạt động trên lĩnh vực văn hoá.

Việc thanh tra, kiểm tra phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng Văn hoá thông tin Quận với Uỷ ban nhân dân các phường để đảm bảo tính khách quan cũng như sự thống nhất về nguyên tắc trong quá trình quản lý đối với các hoạt động văn hoá nói chung hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá nói riêng.

Năm là, tăng cường công tác thi đua khen thưởng: Công tác thi đua khen thưởng là cũng một trong những công tác quan trọng của quản lý văn hoá. Vì vậy, các cơ quan quản lý văn hoá ở Quận phải xây dựng được các phong trào thi đua trong hoạt động văn hoá góp phần xây dựng môi trường văn hoá tinh thần lành mạnh trong nhân dân. Vai trò của phòng Văn hoá thông tin- thể dục thể thao quận, cũng như vai trò của cán bộ văn hoá thông tin ở cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm cần phải được nâng cao và thể hiện một cách rõ ràng nhất và hiệu quả nhất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng (2015), Lịch sử Đảng bộ quận Ngô Quyền, Nxb Hải Phòng.

2. Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2005), Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BVHTTDL-BNV về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ,       quyềnhạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin ở địa phương.

3. Nguyễn Lâm Bằng (2004), Nhóm Sở thích - Câu lạc bộ, tài liệu nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin cơ sở, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa (2009), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Đinh Gia Khánh (1995), Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt - thể loại và hình thức, Nxb Âm nhạc, Hà  Nội.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa