Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng

22 Tháng Mười 2018

Phạm Thị Liên[*]

Di tích đình Vĩnh Khê thuộc làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, là nơi thờ ba vị phúc thần Vũ Giao, Vũ Trọng và Đại Vương Tứ Dương Hầu - Phạm Tử Nghi. Hai anh em Vũ Giao và Vũ Trọng là người làng Vĩnh Khê, năm 1396 khi quân Chiêm Thành tấn công Đại Việt, hai anh em đã cùng gia binh lên đường đánh quân Chiêm bảo vệ kinh thành và nhân dân. Để ghi nhớ công lao của hai ông, vua Trần Nghệ Tông đã ban sắc phong tặng và gia phong tên hiệu đẹp, một vị là Trung Thánh Đại Vương, một vị là Hùng Võ Đại Vương và ban cho ba trăm quan tiền đồng sai dân Lưu Khê rước sắc về bản trang dựng miếu thờ.

Đình Vĩnh Khê được xây dựng toàn bộ bằng khung gỗ vào năm 1923, là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ có quy mô khá lớn nguyên vẹn và chắc khỏe. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ Công gồm: 5 bái đường, 2 gian nhà cầu, 3 gian hậu cung. Mặt chính ngôi đình hướng Nam, nơi có dòng sông Lạch Tray uốn khúc qua địa phận Kiến An, An Lão. Nét trang trí, chạm khắc được các nghệ nhân thể hiện khá sáng tạo, uyển chuyển trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng; và các lọai hoa thơm, quả lạ, ẩn chứa bao khát vọng sống thanh bình nơi làng xóm. Qua thời gian dài tồn tại, di tích đình Vĩnh Khê vẫn bảo lưu được một bộ di vật đồ sộ về số lượng, phong phú về chủng loại và có giá trị văn hoá, lịch sử cao. Lễ hội đình Vĩnh Khê mở hàng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng, kỷ niệm ngày sinh của hai vị thành hoàng họ Vũ. Hội làng gắn liền với hội thi đấu vật, chỉ diễn ra một ngày nhưng cũng thu hút nhiều đô vật của nhiều lò vật nổi tiếng ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng tới so tài. Đình Vĩnh Khê được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1994 và lễ hội Vật làng Vĩnh Khê được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

1. Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê

Di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành đặc biệt là ngành Văn hóa của thành phố Hải Phòng nói chung, của huyện An Dương và xã An Đồng nói riêng. Công tác tổ chức và quản lý di tích lịch sử - văn hóa đình đảm bảo quy chế quản lý di sản văn hóa của nhà nước, đảm bảo các yếu tố: tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tổ chức lễ hội đảm bảo tính trang nghiêm, tiết kiệm, an ninh trật tự - an toàn xã hội, thu hút được nhiều người tham gia hòa mình vào không khí chung của lễ hội, tạo nên động lực tinh thần to lớn và khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước qua các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu khảo sát công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê trên thực tế cho thấy một số hạn chế cần được khắc phục. Sự tác động của thời gian, thời tiết, khí hậu và môi trường đã và đang làm cho hệ thống các di vật, cổ vật, cảnh quan của di tích đình Vĩnh Khê xuống cấp. Bộ máy quản lý di tích đình Vĩnh Khê hiện hầu hết là những người lớn tuổi, được dân làng tín nhiệm và tự nguyện trông coi bảo vệ di tích, không có trình độ chuyên môn về công tác chuyên ngành. Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật di sản văn hóa cho cộng đồng chưa có kế hoạch cụ thể, chưa tiến hành thường xuyên, mới chỉ tập trung vào Ban quản lý di tích còn đối với cộng đồng địa phương nơi có di tích thì chưa được quan tâm, dẫn tới nhận thức của cộng đồng về di tích còn sơ sài, nhiều hành động đơn giản nhưng lại ảnh hưởng xấu tới di tích. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan công an, Ban Văn hóa, Thanh tra văn hóa trong việc kiểm tra, trông coi và xử lý vi phạm về các hoạt động dịch vụ diễn ra tại đình. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý còn mỏng, còn thiếu chuyên môn, không được đào tạo đúng chuyên ngành nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý.

Với những hạn chế trên, việc đề xuất những giải pháp trong công tác quản lý di tích đình Vĩnh Khê là công việc cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê

Thứ nhất, trên cơ sở những nghị định, quy chế của Nhà nước về di sản văn hóa, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản trong công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố, thực hiện một cách nghiêm túc, bám sát Luật di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả sự đóng góp trí tuệ và vật chất của toàn xã hội cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng chính sách quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước; Vốn liên doanh, liên kết; Vốn do nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại di tích, từ khoản phí và lệ phí được đầu tư trở lại cho di tích; Vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp; Vốn tư nhân. Có chính sách trợ cấp cho người trực tiếp trông coi, quản lý di tích, tôn vinh, ưu đãi những người có công bảo vệ, truyền dạy và phát huy giá trị của di tích.

Thứ hai, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các công ty lữ hành du lịch dựa trên nền tảng di sản văn hóa, các doanh nghiệp đầu tư các dự án liên quan tới di sản văn hóa, cộng đồng dân cư địa phương và các nhà nghiên cứu khoa học. Các thành viên trong Ban quản lý di tích đình Vĩnh Khê và các thủ nhang, thủ từ, sư trụ trì, người trông coi di tích phải phối hợp với các cấp chính quyền và tổ chức xã hội ở địa phương thảo luận với cộng đồng xung quanh di tích để xây dựng ý thức tự quản; Chủ động thường xuyên tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị của di tích, lễ hội và nếp sống văn minh tại di tích để khi tham gia vào hoạt động lễ hội và tín ngưỡng tại di tích, các đệ tử và khách thập phương sẽ nghiêm túc thực hiện.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy quản lý. Cần lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý di tích lịch sử - văn hóa. Đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có trình độ chuyên môn sâu để nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích theo đúng khoa học chuyên ngành. Đồng thời, cử cán bộ đi học các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tham quan nghiên cứu kinh nghiệm quản lý và giao lưu giữa các địa phương với nhau, tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ có điều kiện tiếp xúc giao lưu, trao đổi kỹ thuật hiện đại trong công tác bảo tồn di tích.

              Thứ tư, di tích đình Vĩnh Khê là công trình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tồn tại hơn 700 năm, là công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của làng xã, do nhân dân trong làng Vĩnh Khê xây dựng và giữ gìn để phục vụ nhu cầu của cộng đồng làng xã. Do đó, cần chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ các hiện vật trong di tích di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý di tích. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành có liên quan, giữa các cấp trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích cũng như ngăn chặn, giải quyết vi phạm di tích. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát hai chiều, cơ quan quản lý di tích, phòng văn hóa thông tin huyện An Dương có chức năng, nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị của di tích, lễ hội. Nâng cao vai trò tự giác của người dân, của cộng đồng dân cư trong việc giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa.

Thứ sáu, cần tăng cường đầu tư kinh phí gắn với công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò giám sát của cộng đồng dân cư thôn Vĩnh Khê. Ngoài ngân sách của Nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sẽ góp phần khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài làng. Qua sự tham gia, đóng góp của các lực lượng xã hội, ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng sẽ dần được nâng lên. Nâng cao vai trò nhận thức của nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Từ việc nghiên cứu thực trạng công tác quản lý di tích đình Vĩnh Khê, nhằm đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử - văn hóa đình Vĩnh Khê là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã An Đồng nói riêng và huyện An Dương nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Hải Phòng (1994), Hồ sơ di tích lịch sử văn hóa đình- chùa Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.

2. Trịnh Minh Hiên (chủ biên), Mạnh Hà, Trần Phương (1993), Hải Phòng - Di tích lịch sử văn hóa, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

3. Trịnh Minh Hiên (chủ biên), Nhuận Hà, Phạm Xuân Thấm (2006), Lễ hội truyền thống tiêu biểu Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

4. Lưu Trần Tiêu (2011), Mấy vấn đề về hoạt động tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, (số 3), tr.3-7.

5. Quốc hội (2001), Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10.

6. Quốc hội (2009), Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 29/6/2009.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa