Nghiên cứu lý luận

Lễ Kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2018

22 Tháng Mười 2018

Lê Thị Hằng [*]

            Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2018 đã diễn ra vào tối ngày 24/4 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Mục đích hoạt động kỷ niệm và lễ hội nhằm tuyên truyền đậm nét về vị trí vai trò và giá trị lịch sử to lớn của nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc tới nhân dân trong nước và quốc tế, đồng thời, thông qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua yêu nước, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XII và đại hội Đảng bộ Ninh Bình lần thứ XXI.

            Theo như kế hoạch, Lễ hội Hoa Lư diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 24/4/2018 đến hết ngày 27/4 /2018. Riêng Lễ mở của đền được thực hiện vào sáng ngày 23/4/2018 và Lễ dâng hương thực hiện vào chiều cùng ngày. Lễ khai mạc kết hợp với chương trình kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt đã diễn ra long trọng theo kế hoạch vào tối ngày 24/4/2018 tại sân Lễ hội, khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, xã trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tới dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các vị khách quốc tế; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhan dân, Anh hùng lao động và đông đảo người dân, du khách thập phương…Tại Lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã phát biểu khẳng định những giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc qua 86 năm với 3 triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý. Những giá trị lịch sử, văn hóa của thời kỳ ấy trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh, của quốc gia, đồng thời, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, trong những năm qua luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

            Đi ngược dòng lịch sử, vào màu xuân năm 968, cách đây 1050 năm, trên mảnh đất Hoa Lư, vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, sau khi hoàn thành sứ mệnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đã lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra một trang sử vẻ vang cho dân tộc sau hơn 1000 năm đấu tranh giành độc lập. Trải qua 86 năm với 3 triều đại: nhà Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, nhà nước Đại Cồ Việt đã có vai trò vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc. Đặc biệt, ngay từ buổi đầu thành lập, với việc xưng Đế, dựng kinh đô, đặt quốc hiệu, định niên hiệu, cho lưu hành đồng tiền riêng, xây dựng thiết chế, vua Đinh Tiên Hoàng đã lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta, mở ra một trang sử mới, trang sử vẻ vang của đất nước - thời kỳ độc lập, tự chủ, lâu dài, xuyên suốt của các nhà nước phong kiến Việt Nam sau này. Qua bao thăng trầm của đất nước, mảnh đất cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa với  giá trị vật chất và tinh thần vô cùng quý báu của nước Đại Cồ Việt xưa và dân tộc Việt Nam ngày nay.

Cảnh quan trước cổng trào đền Vua Đinh-Vua Lê tối ngày 24/4/2018

(Nguồn: sưu tầm)

            Cũng tại buổi lễ đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đối với 2 long sàng thuộc đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Trong buổi lễ, chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Hành trình 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc” diễn ra hết sức đặc sắc với sự tham gia của 500 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên và nhân dân địa phương. Nội dung câu chuyện kể của một lão ông với các cháu thiếu niên được dàn dựng, thể hiện bằng các lớp đối thoại gắn với những cảnh quay về quá trình dẹp yên và thu phục 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh, hình thành và xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử của dân tộc đã khẳng định vị trí, vai trò của vua Đinh Tiên Hoàng - người đã lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

            Kết thúc buổi lễ là màn bắn pháo hoa tưng bừng như khơi dậy khí thế hào hùng của dân tộc và khai màn cho Lễ hội Hoa Lư trong những ngày tiếp theo.

            Ngoài không gian hoành tráng của buổi lễ, các gian hàng quảng bá sản phẩm du lịch địa phương được sắp xếp quy mô và đẹp mắt, tuy nhiên người dân và du khách đánh giá là chưa phong phú và đặc sắc.

            Mặc dù buổi lễ diễn ra vào buổi tối nhưng người dân khắp nơi trong đã về đây với tinh thần phấn chấn, mang chút hào khí quốc gia dân tộc. Không chỉ tham gia vào buổi lễ khai mạc, người dân và du khách thập phương vẫn tiếp tục về thăm lại cố đô Hoa Lư, tham quan và dự lễ hội Hoa Lư truyền thống. Dự Lễ hội với khí thế tưng bừng phấn khởi, trong lòng mỗi người dân cũng cảm thấy trỗi dậy niềm tự hào dân tộc. Lễ hội vẫn tiếp tục diễn ra hết sức sôi động và kết thúc vào hết ngày ngày 27/4/2018.

Tưng bừng Lễ hội Hoa Lư (Nguồn: sưu tầm)

            Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm, song năm nay diễn ra với quy mô cấp tỉnh cùng với buổi đại lễ kỷ niệm 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt đã để lại trong lòng công chúng và du khách trong nước cũng như quốc tế những ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm khó phai khi về du lịch nơi đây. Tổ chức lễ hội này cũng đã góp phần quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, về đất và người Cố đô Hoa Lư Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung. Hy vọng, thông qua Lễ hội sẽ thu hút đầu tư, khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển các hoạt động thương mại du lịch, thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Lễ hội cũng đã khơi dậy truyền thống yêu nước,lòng tự hào tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sựu nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo

1. Công văn số 5688-CV/VPTW ngày 29/12/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt

2. Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh Ninh bình về tổ chức kỷ niệm 1050 nhà nuwocs Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018.

3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cố_đô_Hoa_Lư

4. http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Long-trong-ky-niem-1050-nam-Nha-nuoc-Dai-Co-Viet/334979.vgp

5. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-du-le-ky-niem-1050-nam-nha-nuoc-dai-co-viet-445666.html

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa