Nội san

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động thông tin, cổ động tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

26 Tháng Mười 2018

                                                                                    Doãn Hoàng Quân [*]

Hoạt động thông tin, cổ động luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng nói chung và của ngành Văn hóa, Thể thao thành phố Hải Phòng nói riêng.

Để hiểu rõ hơn về công tác thông tin, cổ động và quản lý có hiệu quả hoạt động trên địa bàn quận Ngô Quyền - “trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ của thành phố Cảng Hải Phòng” [1], chúng ta cần xuất phát từ những cơ sở lý luận chung nhất về “thông tin” và “cổ động”.

Về thuật ngữ “thông tin”, trong cuốn “Bùng nổ truyền thông”, từ Latin “Informatio”, gốc của từ hiện đại “Information” (thông tin)  cho rằng, thuật ngữ thông tin có thể hiểu theo hai hướng nghĩa: thứ nhất, thông tin là nói về một hành động cụ thể để tạo ra một hình dạng; thứ hai, thông tin là nói về sự truyền đạt một ý tưởng, một khái niệm hay một biểu tượng [3].

Trên quan điểm triết học, thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh... hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người. […] Trong đời sống con người, nhu cầu thông tin là một nhu cầu rất cơ bản [2].

Về thuật ngữ “cổ động”, cổ : đánh trống; động: khua động. Cổ động với nghĩa đen là đánh trống để làm cho người ta biết; nghĩa bóng là khua giục làm ầm lên bằng cách gì để cho người ta biết việc gì mình làm, đặng theo [4]. Theo tiếng La tinh, cổ động có nghĩa là Agitation - nghĩa là tiến hành vận động thúc đẩy. Còn A.V. Lunasacxki cho rằng: Cổ động là nghệ thuật làm xúc động quần chúng, tác động vào tình cảm của quần chúng để dẫn dắt quần chúng đi theo mình.

Căn cứ vào các cách giải thích thuật ngữ trên, có thể hiểu: Cổ động là thông tin, giải thích tập trung vào một sự kiện, sự việc cụ thể, thiết thực đang diễn ra trong đời sống xã hội nhằm tạo ra ấn tượng trong một nhóm hay số đông người để cổ vũ, động viên họ đi đến hành động. Hoặc có thể hiểu: Cổ động là hoạt động thông qua những phương thức, công cụ riêng chủ yếu là các biện pháp trực quan tác động trực tiếp vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của quần chúng nhân dân, lôi cuốn họ vào những hoạt động theo mục tiêu đã định.

Hoạt động thông tin, cổ động là sử dụng những thông tin nhằm định hướng nhận thức, tư tưởng của quần chúng theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đoàn thể chính trị ở các địa phương, cơ sở để tập hợp và tổ chức quần chúng hành động hoàn thành từng công việc, nhiệm vụ trong từng hoàn cảnh cụ thể, ở từng thời điểm nhất định.

Trong những năm qua, hoạt động thông tin, cổ động trên địa bàn quận Ngô Quyền đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song nhìn chung, hoạt động này trên địa bàn quận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay, hiệu quả tổ chức chưa cao, vẫn tồn tại một số thực trạng: “Việc treo Quốc kỳ, Hồng kỳ còn thiếu sự thống nhất, đồng đều, đôi khi lại được treo ở những nơi thiếu trang trọng, gây phản cảm; các hình thức cổ động trực quan ít áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế về chiều sâu, thiếu những hình thức cổ động mang tính hiện đại, đa dạng; một vài địa phương còn tiết kiệm, tận dụng pano, khẩu hiệu, phướn bạt… cũ và bạc màu gây ảnh hưởng đến mỹ quan; một số cơ sở tuyên truyền, cổ động không đúng theo nội dung, hướng dẫn, kế hoạch triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự chặt chẽ, dứt khoát; các cán bộ phụ trách chuyên môn, cán bộ quản lý chưa được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực công tác; hoạt động thông tin, cổ động còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách của địa phương; hệ thống loa phát thanh không đồng bộ, chưa đảm bảo về chất lượng; công tác xã hội hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền không đồng đều…” [5].

Vì vậy, để hoạt động thông tin, cổ động trên địa bàn quận Ngô Quyền đạt chất lượng và hiệu quả cao, cần có những nhóm giải pháp đồng bộ sau:

Nhóm giải pháp về nhận thức

            Để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động thông tin, cổ động, những nhà quản lý cần làm tốt công tác tuyên truyền để giúp cán bộ và người dân trên địa bàn quận Ngô Quyền nhận thức đúng đắn và đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động này trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; các nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, súc tích, kiểu chữ tuyên truyền phải chân phương, không rườm rà, tránh tình trạng người xem “hiểu sai, hiểu lệch lạc” nội dung tuyên truyền; kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các cán bộ văn hóa cấp quận, cán bộ phường, trưởng phó khu phố, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố về hoạt động thông tin - cổ động…

Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách

Tăng cường ban hành và chỉ đạo thực hiện thông qua các văn bản chỉ đạo của các cấp: Đây là cơ sở pháp lý để công tác quản lý thông tin, cổ động được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống các văn bản pháp lý cần bám sát những định hướng cơ bản của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Hệ thống văn bản phải đảm bảo không mâu thuẫn, phù hợp với điều kiện về tình hình kinh tế - xã hội của quận Ngô Quyền, để quá trình triển khai đạt hiệu quả.

Đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các tổ chức trên địa bàn: Công tác này cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ theo Quy chế nhất định (do Uỷ ban nhân quận đặt ra) của hệ thống các phòng ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận như: Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Phòng Nội vụ, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ủy ban nhân dân các phường trực thuộc..., các doanh nghiệp đóng trên địa bàn (Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong, Công ty Du lịch Lữ hành D&G, Công ty Cổ phần điện máy tiếp thị và Du lịch CPN, VNPT, Máy tính KTD, một số ngân hàng…).

Nhóm giải pháp về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất: Cần hoàn thiện cơ chế tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý của cơ quan chỉ đạo và hệ thống quản lý tuyên truyền thông tin cổ động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, phân cấp không rõ ràng; trang bị cho các cán bộ quản lý hoạt động thông tin, cổ động những hiểu biết mới về phương pháp quản lý, nâng cao khả năng vận động toàn xã hội, những cán bộ có khả năng về hội họa, tạo phông kiến thức để cán bộ quản lý có khả năng “đón đầu”, “hội nhập” những phát triển của khoa học - kĩ thuật; tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, những buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về các hoạt động văn hóa nói chung và các nghiệp vụ trong hoạt động Thông tin tuyên truyền nói riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền cổ động trực quan.

Hơn thế nữa, các cấp lãnh đạo cần quan tâm đầu tư về kinh phí nâng cấp và đồng bộ hóa trang thiết bị chuyên dùng cho hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan: giá treo phướn, mã treo cờ Tổ quốc, thang, cọc treo... Cùng với đó, các cơ quan phụ trách quản lý cần có những ý kiến đề xuất, phương án bổ sung mới, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất chuyên dùng trong hoạt động, đặc biệt là các loại cờ (cờ đuôi cá, cờ hồng kỳ, cờ đảng, cờ tổ quốc...); có chính sách khuyến khích, hỗ trợ trang thiết bị hiện đại thay thế những thiết bị cũ, hỏng, lạc hậu; đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công nghệ tin học vào công tác thông tin, cổ động; trang bị cho đội thông tin lưu động của quận, ưu tiên đồng bộ về xe thông tin lưu động, ánh sáng, loa đài, máy chụp ảnh, máy quay, máy vi tính… phù hợp với thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Nhóm giải pháp về thanh tra, kiểm tra và thi đua khen thưởng

Công tác thanh tra, kiểm tra và thi đua khen thưởng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động văn hoá - thông tin nói chung và hoạt động thông tin cổ động nói riêng, bởi vậy, cần lưu ý: Tăng cường đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho các cán bộ thanh tra, kiểm tra về công tác thông tin, cổ động; các cơ quan tham mưu phải phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm báo cáo thừờng xuyên kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân quận qua từng đợt thi và qua các năm, đề xuất khen thưởng nhanh chóng, kịp thời, chính xác đối với những đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin, cổ động; tạo điều kiện cho các cán bộ được cập nhật, bồi dưỡng học tập, trao đổi nghiệp vụ, được cấp phát tài liệu, cung cấp thông tin… 

Tựu chung lại, để hoạt động thông tin, cổ động quận Ngô Quyền ngày càng phát triển đa dạng cả về hình thức và nội dung, lãnh đạo các cấp cần phải xây dựng và đưa ra hệ thống giải pháp cần thiết, cụ thể, linh hoạt, có tính khả thi cao phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trên địa bàn cũng như nhu cầu, trình độ dân trí hiện nay, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đề ra trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng (2015), Lịch sử Đảng bộ quận Ngô Quyền, Nxb Hải Phòng.

2. Nguyễn Đình Hậu (2016), “Một số khái niệm cơ bản về thông tin và hiệu quả thông tin”,  https://nguyendinhhau.wordpress.com/2016/02/04/mot-so-khai-niem-co-ban-ve-thong-tin-va-hieu-qua-thong-tin/, truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2018.    

3. Philipe Breton, Serge Proulx (1996), Bùng nổ truyền thông, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

4. Lê Quốc Phòng, đề tài kinh nghiệm “Một số kinh nghiệm, thực trạng, giải pháp trong công tác tuyên truyền, cổ động ở địa bàn miền núi Hướng Hóa”, www.pvhtthuonghoa.gov.vn/dbase/Editor/DE%20TAI%20cua%20Phong.doctruy cập ngày 10 tháng 6 năm 2018.

5. Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận Ngô Quyền (2017), Báo cáo tổng kết hoạt động thông tin - cổ động.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa