Nội san

Quản lý nhà nước đối với dịch vụ kinh doanh karaoke tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng - Thực trạng và giải pháp

01 Tháng Mười Một 2018

Lại Đình Long [*]

Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật nhà nước để điều chỉnh hành vi hoạt động của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển xã hội. Đối với hoạt động kinh doanh karaoke - một hình thức kinh doanh dịch vụ văn hóa, việc quản lý nhà nước bằng các công cụ pháp luật lại càng cần thiết.

Lê Chân là một trong các quận có hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa sôi động nhất tại Hải Phòng. Theo số liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Lê Chân, năm 2017, trên địa bàn quận có 48 nhà hàng kinh doanh dịch vụ karaoke nằm trên khắp các tuyến phố như đường Hai Bà Trưng (4 nhà hàng), đường Nguyễn Công Hòa (5 nhà hàng), đường Nguyễn Văn Linh (4 nhà hàng), đường Trần Nguyên Hãn, đường Vòng Hồ Sen, đường Vòng Cầu Niệm, đường Hoàng Minh Thảo...[5]. Do đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh này trên địa bàn quận được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

  1. Thực trạng quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke tại quận Lê Chân

Hoạt động kinh doanh karaoke tại quận Lê Chân chịu sự quản lý trực tiếp của Phòng Văn hóa - Thông tin quận trên cơ sở các văn bản pháp lý được Nhà nước ban hành.

Trên cơ sở các văn bản quản lý của Nhà nước về hoạt động kinh doanh karaoke, đặc biệt ngay sau khi Nghị định 103 được ban hành, có hiệu lực và từ khi “Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2007 - 2020” theo Quyết định số 1247/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung trong quy hoạch, không cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường cho các điểm không nằm trong quy hoạch, công tác phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường thường xuyên, liên tục. Từ đó, hoạt động nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố dần đi vào trật tự, góp phần tích cực trong việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của thành phố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh và nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quận Lê Chân cũng như các quận, huyện khác triển khai công tác quán triệt, phổ biến nội dung Nghị định 103/2009/NĐ-CP tới tất cả các đơn vị, ngành, đoàn thể thuộc quận và tới 100% các phường trên địa bàn quận. Thường xuyên chỉ đạo đài truyền thanh các phường tăng cường công tác phát thanh, tuyên truyền các văn bản, quy định của nhà nước đối với hoạt động karaoke với tổng số 50 buổi.

Để hoạt động quản lý có hiệu quả, trong 05 năm, từ 2012 đến 2017, phòng Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với phòng Kinh tế và Ủy ban nhân dân các phường triển khai rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke, tổchức 05 buổi họp mời các chủ kinh doanh karaoke đến phổ biến nội dung các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh karaoke và tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh karaoke [2], [3], [4], [5].

Phòng Văn hóa - Thông tin cũng phối hợp với thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, quán bar, vũ trường. Năm 2016, trong số 11 cơ sở được kiểm tra đã lập biên bản xử lý 8 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy [4].

Đối với việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, các đơn vị chức năng của quận đã có sự kết hợp chặt chẽ trong công tác cấp phép cũng như kiểm tra xử lý vi phạm. Phòng Văn hóa - Thông tin thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, cấp mới, gia hạn giấy phép kinh doanh karaoke theo đúng trình tự và thủ tục quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Lê Chân còn bộc lộ những tồn tại. Thứ nhất, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke hiện nay ở quận Lê Chân chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước với công tác phát triển sự nghiệp văn hóa dẫn tới sự lẫn lộn và chồng chéo trong quá trình chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động tại địa bàn, làm giảm hiệu lực quản lý. Thứ hai, các văn bản quản lý được ban hành nhưng khi áp dụng vào thực tiễn còn bộc lộ những thiếu sót, bất cập, chưa theo kịp nhịp độ phát triển phong phú, đa dạng của cuộc sống. Thứ ba, tòn có sự nể nang, bao che và nương nhẹ của cơ quan quản lý cho những vi phạm của các cơ sở kinh doanh. Thứ tư, hoạt động thẩm định cấp, đổi, gia hạn giấy phép kinh doanh tuy làm đúng trình tự và thủ tục nhưng vẫn còn tiêu cực tạo điều kiện cho các đối tượng “cò” hoạt động. Bên cạnh đó, sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra chưa rõ ràng, gây khó khăn, phiền hà cho người kinh doanh. Những hạn chế này khiến cho công tác quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke trở nên khó khăn hơn, khi mà số lượng các nhà hàng có xu hướng gia tăng.

  1. Một số giải pháp quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke tại quận Lê Chân

Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke thực chất là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể quản lý (nhà nước) và đối tượng quản lý (cá nhân, tổ chức kinh doanh karaoke và người sử dụng karaoke). Hiện nay, mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng quản lý có những điểm chưa thống nhất. Do đó, để công tác quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke tại quận Lê Chân có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới, cần nghiên cứu và triển khai một số giải pháp như:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, thống nhất giữa các văn bản về hướng dẫn thực hiện và xử lý vi phạm.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu lực của các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này tại quận Lê Chân dựa trên công cụ quản lý của nhà nước đã được ban hành và đang có hiệu lực. Theo đánh giá của các nhà quản lý văn hóa, bên cạnh những điều còn gây tranh cãi trong quá trình quản lý và xử lý vi phạm, hệ thống văn bản pháp lý mới được ban hành hiện nay rất cụ thể và rõ ràng, có tính thực tiễn cao so với các văn bản trước kia. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý hoạt động kinh doanh karaoke còn lỏng lẻo, chưa làm đúng quy định.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh karaoke. Đội ngũ những người tham gia đội, tổ kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke của quận phải có nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, am hiểu và nắm chắc các điều luật, các quy định hiện hành của nhà nước về từng lĩnh vực mà họ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

      Thứ tư, xây dựng kế hoạch kiểm tra. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra trên địa bàn quận nên xây dựng quy chế phối kết hợp; đề ra phương án kiểm tra chéo giữa các địa bàn phường, xã nhằm phát huy tính tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời phát hiện những vi phạm của cán bộ có biểu hiện tiêu cực, bao che cho những cơ sở kinh doanh thiếu lành mạnh.

Thứ năm, phối hợp quản lý giữa cơ quan quản lý văn hóa với chính quyền cơ sở và người dân. Gắn hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke với quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mặt khác, đối với chủ karaoke phải cam kết với khu phố chấp hành đầy đủ các quy định, trong khi kinh doanh phải đảm bảo hoạt động lành mạnh.

Thứ sáu, nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm xã hội của chủ các cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke và người sử dụng dịch vụ. Cần thường xuyên mở các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa ngắn hạn để cho người kinh doanh dịch vụ karaoke có những kiến thức nhất định về hoạt động kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt - văn hóa. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân.

Nhìn chung, công tác quản lý dịch vụ kinh doanh karaoke tại quận Lê Chân những năm qua đã đạt được những kết quả khả quan song vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả về đội ngũ cán bộ cũng như công cụ quản lý.

Tài liệu tham khảo

  1. Chính phủ (2006), Quy định mới hướng dẫn thi hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Mai Hữu Khuê (2003), Lý luận quản lý Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia.
  3. Ủy ban nhân dân quận Lê Chân (2012), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của UBND quận Lê Chân.
  4. Ủy ban nhân dân quận Lê Chân (2015), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của UBND quận Lê Chân.
  5. Ủy ban nhân dân quận Lê Chân (2016), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND quận Lê Chân.
  6. Ủy ban nhân dân quận Lê Chân (2017), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND quận Lê Chân.

------------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa