Nội san

Định hướng và công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Quân khu 3 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

01 Tháng Mười Một 2018

Nguyễn Văn Hiếu [*]

Đoàn Văn công Quân khu 3 là đơn vị trực thuộc Cục Chính trị Quân khu 3, có nhiệm vụ chính là biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn 9 tỉnh trong quân khu, nhưng đồng thời cũng là một đơn vị nghệ thuật có chức năng biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ người dân, các cơ quan, đơn vị trong những ngày lễ lớn hay khi có yêu cầu. Trong những năm gần đây, được sự chỉ đạo, quan tâm của Ban chỉ huy Đoàn Văn công Quân khu 3, cán bộ chiến sĩ của Đoàn đã hoàn thành toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ được giao; đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nội dung của các cuộc thi đua do cấp trên phát động, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong Đoàn.

  1. Định hướng chung trong hoạt động của Đoàn Văn công Quân khu 3

Trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến và hội nhập văn hóa quốc tế, nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật được du nhập vào nước ta, với những hình thức mới lạ đã và sẽ thách thức công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn trong việc tổ chức những hoạt động nghệ thuật mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn nhưng theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của Đoàn. Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động văn hóa văn nghệ cũng như biểu diễn nghệ thuật cho người lính, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của người lính đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội, nâng cao đời sống văn hóa trong tình hình mới, các cấp, ngành cần bám sát một số định hướng cụ thể sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nắm vững các quan điểm của Đảng về công tác văn hóa văn nghệ được thể hiện tập trung trong nhiều Nghị quyết quan trọng về văn hóa, văn học, nghệ thuật như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vai trò quan trọng của văn hóa trong giai đoạn mới tiếp tục được các nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”… cùng với đó là các Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực này. Trên cơ sở này, các Cục Chính trị, đoàn văn công tại các Quân khu chủ động phối hợp nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Quân ủy những chủ trương, chính sách về văn hóa văn nghệ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và đặc thù hoạt động của quân đội. Trong đó, trọng tâm là cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp vào từng nội dung, chương trình hoạt động biểu diễn nghệ thuật phù hợp với từng địa bàn, địa phương, đơn vị.

Hai là, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật để tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng sức, đồng lòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và địa phương.

Ba là, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng ở từng đơn vị; năng lực và trách nhiệm của đoàn trưởng, chính trị viên đối với hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung và hoạt động biểu diễn nói riêng; gắn trách nhiệm quản lý, điều hành, tổ chức của người đứng đầu đơn vị nhằm khắc phục biểu hiện xem nhẹ công tác văn hóa văn nghệ.

Bốn là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các hoạt động văn hóa văn nghệ, trong đó có hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Chú trọng huy động hiệu quả sự sáng tạo của chiến sĩ, diễn viên các đoàn văn công trong việc dàn dựng, viết kịch bản những đề tài, chương trình gắn liền với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của chiến sĩ, của nhân dân trong bối cảnh hiện nay.

Năm là, chú trọng thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ chiến sĩ, diễn viên đáp ứng được tình hình mới. Cùng với đó là kiện toàn đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, diễn viên văn hóa văn nghệ trong các đoàn văn công quân đội bởi đây là nhiệm vụ đáp ứng sự phát triển bền vững và ổn định của hoạt động này.

  1. Công tác quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Quân khu 3 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

            Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu 3 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Cục chính trị Quân khu 3 đã đặt ra một số phương hướng, nhiệm vụ cho Đoàn trong thời gian tới là:

            Thứ nhất, tập thể Đoàn cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đảng ủy Quân khu 3, chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật tại một số địa bàn trọng điểm trong từng năm và từng giai đoạn.

            Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo và xây dựng cán bộ, chiến sĩ, diễn viên của Đoàn có ý thức đúng đắn về công việc; bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

            Thứ ba, hoàn thành tốt nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật theo kế hoạch phân công của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân khu và Cục chính trị Quân khu 3; phục vụ các đơn vị, địa phương trên địa bàn quân khu.

            Thứ tư, dàn dựng và tổ chức tốt các chương trình kỷ niệm ngày truyền thống Cục chính trị Quân khu 3 và các ngày quan trọng của quân đội khác trong năm.

            Thứ năm, quản lý, sử dụng ngân sách, quỹ vốn, trang thiết bị phục vụ biểu diễn đúng quy định.

            Thứ sáu, tăng cường biểu diễn nghệ thuật với các đơn vị ký hợp đồng để nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, diễn viên trong đơn vị.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Đoàn Văn công Quân khu 3 rất cần sự phối hợp của nhiều lực lượng từ Cục chính trị Quân khu 3, UBND thành phố Hải Phòng đối với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn. Việc xây dựng các biện pháp phối hợp quản lý thích hợp, tạo lập được mối quan hệ mật thiết giữa Đoàn và các đơn vị hữu quan sẽ có tác động tích cực đến kết quả tổ chức, xây dựng các tiết mục, chương trình nghệ thuật của Đoàn. Trong đó, Đoàn phải chủ động phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để xây dựng hệ thống các quy định thống nhất, nhằm thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, chủ yếu tập trung ở một số phương diện sau:

Với hoạt động biểu diễn phục vụ kế hoạch, nhiệm vụ chính trị trong toàn quân: Đoàn cần thường xuyên nắm bắt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người lính trong bối cảnh hiện nay, để từ đó dàn dựng, viết kịch bản chương trình cho phù hợp, tránh biểu diễn những tiết mục cũ hay sẵn có mà nội dung không ăn nhập với các chủ đề liên quan đến đời sống văn hóa của người lính.

Với hoạt động biễu diễn cho người dân, cũng như phục vụ các hợp đồng dịch vụ: Đoàn cần công khai lịch biểu diễn và số lượng chiến sĩ, diễn viên được huy động tham gia chương trình. Lãnh đạo Đoàn thông báo cụ thể về lịch tập, lịch diễn, địa điểm biểu diễn để mọi thành viên trong Đoàn thuận tiện theo dõi, tạo nên sự minh bạch trong nguồn thu của Đoàn. Với các tiết mục, chương trình này, Đoàn cần dàn dựng cho phù hợp với yêu cầu của đơn vị đã ký hợp đồng, nội dung biểu diễn phải lành mạnh, tuân thủ các quy định của thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực này, kể cả việc xin phép theo đúng quy định.

Việc đổi mới phương thức dàn dựng, biểu diễn của Đoàn cần được nghiên cứu và đổi mới thường xuyên trong từng hoạt động cụ thể, từ việc thăm dò, tìm hiểu thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người lính, người dân cho đến việc biên đạo, dàn dựng chương trình dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Để làm tốt việc này, cần chú trọng đến một số yếu tố sau:

Một là, có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn và các văn nghệ sĩ, cộng tác viên tích cực đổi mới cách thức, nội dung xây dựng chương trình, tiết mục, cần tham khảo thêm các hình thức biểu diễn nghệ thuật đương đại đã và đang xuất hiện trong đời sống nghệ thuật nước nhà.

Hai là, tổ chức những buổi khảo sát, tìm hiểu và có đề xuất những nội dung, hình thức biểu hiện mới trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sao cho lấy đối tượng khán giả là trung tâm và điều chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho phù hợp. Tránh việc biểu diễn những “cái” mình có mà không quan tâm đến “cái” chiến sĩ (hay đối tượng thụ hưởng nghệ thuật) cần.

Ba là, lãnh đạo Đoàn cần xây dựng cơ chế khuyến khích và định hướng các cán bộ, chiến sĩ hình thành thói quen tự học nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ; tự nghiên cứu để xây dựng những tiết mục, kịch bản hấp dẫn, có sức thu hút, hấp dẫn người xem...

Bốn là, giao cho các đội (đội ca, đội múa, đội nhạc) nghiên cứu các hình thức biểu diễn nghệ thuật phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, rèn luyện của người lính, cũng như của người dân đối với các chương trình liên kết, ký hợp đồng. Tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm trong Đoàn để lấy ý kiến, nhận xét góp ý để họa thiện chương trình, tiết mục trước khi đem công diễn.

Năm là, Đoàn cần tăng cường tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ hình thức biểu diễn nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật trong và ngoài quân đội để học tập kinh nghiệm, sao cho tìm được hình thức, nội dung thể hiện gần gũi, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hiện nay.

Với những định hướng đã đặt ra trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Quân khu 3 trong bối cảnh hiện nay đã góp phần tích cực vào việc nâng cao và đa dạng hóa đời sống tinh thần của các chiến sĩ cũng như người dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Những định hướng này đã từng bước đáp ứng được thực tiễn trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật phù hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong tình hình hiện nay, khắc phục được một số yếu tố khách quan, mang tính tất yếu của quá trình vận động, tác động đến công tác tổ chức chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Quân khu 3 trong thời gian qua.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành TW Đảng (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội.
  2. Ứng Duy Thịnh (Chủ biên), Ngô Anh Vui (2001), Năm mươi năm đoàn ca múa Quân đội nhân dân (1951-2001), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  3. Đinh Mạnh Cường (chủ biên), Lê Khánh Khang, Lê Hồng Kỳ (2017), 60 năm Đoàn Văn công Quân khu bốn anh hùng (1957 - 2017), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

------------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa