Nội san

Vai trò của xây dựng văn hóa công sở tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng

06 Tháng Mười Một 2018

Đặng Thị Thu Hiền [*]

            Đài Phát thanh và Truyền hình (PT - TH) Hải Phòng là cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành phố và các nhiệm vụ chính trị do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố giao; đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Đài PT-TH Hải Phòng vừa thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị và thực hiện tốt chức năng kinh doanh của mình; đồng thời đảm bảo tốt yêu cầu và định hướng phát triển báo chí của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển báo chí thế giới. Trong đó, xây dựng văn hóa báo chí trên nền tảng của văn hóa công sở đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nên thương hiệu, hình ảnh của Đài PT-TH Hải Phòng.

  1. Khái quát về xây dựng văn hóa công sở

   Xây dựng văn hóa cơ sở (VHCS) chính là xây dựng lề lối và nề nếp làm việc một cách khoa học, tuân thủ theo những nội quy và quy định chung của thành phố và chính cơ quan, đơn vị đó. Trong quá trình làm việc và hoạt động, luôn đảm bảo được tính trật tự kỷ cương nhưng không mất đi tính dân chủ, VHCS sẽ dần được hình thành theo đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và mang những sắc thái riêng. Xây dựng VHCS là xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, chuyên nghiệp và hiện đại. Khi thực hiện đầy đủ các yếu tố để xây dựng VHCS sẽ tạo được hứng khởi và bầu không khí cởi mở cho cán bộ, công chức, viên chức hăng say cống hiến, làm việc đạt kết quả cao nhất.

Xây dựng VHCS chính là xây dựng các quy tắc, các chuẩn mực trong ứng xử của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với nhau và với những người xung quanh, với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhằm phát huy tối đa năng lực của những người tham gia giao tiếp để đạt kết quả cao trong công việc. Đồng thời, xây dựng những chuẩn mực trong lựa chọn trang phục đảm bảo lịch sự, kín đáo, công sở phải xanh, sạch, đẹp... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hình thành VHCS của mỗi cơ quan, đơn vị bên cạnh việc tác động đặc điểm văn hóa riêng của từng vùng, miền khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nội dung xây dựng VHCS gồm 4 thành tố cơ bản: giao tiếp, ứng xử, trang phục, bài trí công sở. Ngoài việc ban hành các văn bản quy định về việc thực hiện VHCS, các đơn vị chức năng và đoàn thể cũng tham gia tích cực góp phần thực hiện VHCS.

Vai trò của xây dựng văn hóa công sở đối sự phát triển của Đài PT - TH Hải Phòng

Xác định VHCS giúp xây dựng hình ảnh và thương hiệu của Đài trong bối cảnh hiện nay, qua VHCS để phân biệt sự khác nhau giữa Đài của thành phố này với Đài của các tỉnh, thành phố khác. VHCS cũng giúp cho Đài khẳng định được vị trí của mình trên thị trường, hiện đang phong phú và đa dạng về các phương tiện truyền thông. Chính vì thế, xây dựng VHCS đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Đài PT-TH Hải Phòng.

Để xây dựng VHCS, lãnh đạo Đài luôn khuyến khích, xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ, tích cực và đưa ra các tiêu chí như: khen thưởng kịp thời với những tác phẩm có chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thiết bị máy móc hiện đại, lắp đặt các trường quay mới... Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc thân thiện và cởi mở, xây dựng tác phong chuyên nghiệp cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nâng cao tính đoàn kết giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Khuyến khích tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương trợ lẫn nhau về kinh tế và động viên tinh thần đối với những gia đình trong cơ quan có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua những việc làm đó, thể hiện nét đẹp văn hóa, mọi người cùng hướng đến những điều tốt đẹp góp phần xây dựng một nền VHCS văn minh và hiện đại.

Trong quá trình xây dựng môi trường VHCS tại Đài PT - TH Hải Phòng, Ban Lãnh đạo Đài luôn thực hiện theo tư tưởng chỉ đạo của Đại hội lần thứ X của Đảng: “làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, “xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xây dựng phong cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng, với cấp trên, cấp dưới, phải có phẩm chất đạo đức trong thực thi nhiệm vụ và vấn đề trang phục, bài trí của cơ quan cũng được quan tâm và đưa vào quy chế của Đài.

Trong đó, phòng Hành chính - Tổng hợp, ngoài việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ chính: Tham mưu và giúp Giám đốc Đài quản lý công tác hành chính, quản trị; quản lý, tổ chức và thực hiện các công tác về tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, lao động tiền lương, thi đua khen thưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ viên chức… Tham mưu và giúp Ban Giám đốc xây dựng các tiêu chí về VHCS, nhằm nâng cao VHCS, góp phần thực hiện mục tiêu của cải cách nền hành chính nhà nước là “xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”. Tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao; quy định về phòng cháy chữa cháy; cảnh quan môi trường; Trang phục lịch sự khi đến cơ quan và khi tác nghiệp tại hiện trường…

Đối với Ban Văn hóa xã hội, làm nhiệm vụ tuyên truyền và sản xuất ra các chương trình định hướng người dân cùng thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tại khu dân cư, cũng như tại công sở. Nhiều chương trình thu hút được sự quan tâm của người dân như: Chương trình “Kiến tạo hành động”, truyền tải mọi nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng VHCS. Những cái được từ đám cưới tập thể; chương trình “Phụ nữ Việt”, chương trình “Cùng bàn luận”, chương trình “Văn hóa Thể thao”. Nhiều hoạt động thể thao trong nước và quốc tế được cập nhật liên tục, nổi bật nhất là các đợt thi đấu giao lưu bóng đá, bóng bàn của đoàn viên thanh niên với các đơn vị khác cũng được lên sóng, tạo nguồn cảm hứng và là nguồn động viên tinh thần để mọi người hăng hái hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chương trình “Lao động công đoàn” thường xuyên được đổi mới về cách tiếp cận vấn đề, hình thức thể hiện, tăng cường tiếng nói của người lao động trên các phương tiện truyền thông. Qua các chương trình đã phản ánh được tình hình đời sống, việc làm, điều kiện sinh hoạt, cũng như tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức lao động, biểu dương những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Nhiều chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài như: Cuộc thi văn hóa công sở đối với khối công nhân viên chức; Lao động sáng tạo trong thi đua yêu nước; Vì một nền hành chính văn minh… Bên cạnh đó, chương trình “Đại đoàn kết toàn dân”, cũng được Ban Văn hóa xã hội triển khai với tần suất 2 số/tháng. Qua các chương trình, phát huy tinh thần yêu nước và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nêu gương các điển hình về việc đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; nhất là đối với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang được triển khai rộng khắp trên toàn thành phố…

Gần đây nhất, thực hiện Nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ 2 đầu tiên của tháng mới. Hoạt động này đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên,  công chức, viên chức và người lao động, đoàn viên, hội viên trong các chi bộ, các phòng ban, các tổ chức đoàn thể thuộc Đài, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nhất là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua sinh hoạt dưới cờ, kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực nhằm rèn luyện tác phong, ý thức chấp hành thời gian làm việc, kỷ luật lao động, khích lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện để trở thành người công dân tốt của đất nước.

Xác định được vai trò quan trọng của việc xây dựng VHCS trong sự nghiệp phát triển của Đài, trong quá trình hoạt động lãnh đạo Đài PT - TH Hải Phòng luôn quan tâm và lồng ghép những nội dung của VHCS làm tiêu chí để đánh giá chất lượng các chương trình, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình làm việc. Đây cũng là căn cứ để bình xét thi đua giữa các phòng, ban và cá nhân vào dịp cuối năm hàng năm. Sau thời gian thực hiện nghiêm túc các tiêu chí về VHCS, có thể thấy, các chương trình của Đài được nâng lên về chất lượng, tăng cường nhiều chương trình tuyên truyền về VHCS trên cả hệ thống phát thanh và tryền hình ngày nhiều hơn, ý thức và lựa chọn trang phục chỉn chu hơn,... đã tạo được niềm tin yêu của người dân thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

Như vậy, VHCS có vai trò quan trọng không chỉ đối với mỗi đơn vị cơ quan hành chính mà nó còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ của một thành phố hiện đại. Chính vì thế, từ cá nhân cho đến tập thể nếu cùng đồng lòng thực hiện tốt VHCS sẽ góp phần cho cơ quan, đơn vị và thành phố đó phát triển bền vững nhất. Hải Phòng đang trên đà phát triển, việc coi trọng VHCS sẽ góp phần vào sự phát triển toàn diện về văn hóa, tăng trưởng kinh tế bền vững và xứng đáng là thành phố Cảng xanh, văn minh và hiện đại. Trong đó, xây dựng VHCS đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Đài PT-TH Hải Phòng, khi mà đời sống văn hóa tinh thần trở thành mục tiêu và động lực để sáng tạo và làm việc.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị Quyết số 33 NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội.
  2. Bộ Nội Vụ (2007), Chỉ thị số 01/2007/CT-BNN về việc triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà trong các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Nội vụ, Công báo số 731, 732, tr. 40340-40341.
  3. Bộ Tài chính - Kho bạc Nhà nước (2011), Văn hóa công sở và giao tiếp hành chính.
  4. Văn Đức Thanh (2001),  Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa