Nội san

Rèn luyện kĩ năng tự học học phần vệ sinh trẻ em cho sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc Mầm non

20 Tháng Mười Một 2018

Nguyễn Thị Tuyết Nhung [*]

Tự học là một vấn đề thu hút rất nhiều sự quan tâm chú ý của các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu sư phạm. Trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự học không chỉ giúp con người tích lũy kiến thức mà nó còn là một kỹ năng quan trọng, nhất là với sinh viên để dễ dàng thích ứng với những đổi thay của xã hội.

  1. Đặt vấn đề

Chúng ta đều nhận thấy rằng muốn làm tốt một việc gì dù nhỏ, đơn giản cũng cần có sự nỗ lực phấn đấu của bản thân. Tự học vừa mang ý nghĩa củng cố trau dồi tri thức vừa có ý nghĩa mở rộng hiểu biết rèn luyện bản thân. Sinh viên (SV) chỉ thực sự học khi họ chiếm lĩnh kinh nghiệm khoa học và điều chỉnh quá trình lĩnh hội này cho phù hợp với bản thân. Mục tiêu của quá trình dạy học cũng là mục tiêu của hoạt động tự học. Tự học không chỉ tạo ra tri thức bền vững cho SV, mà còn hình thành những phẩm chất cao đẹp cho mỗi người phù hợp với xu thế đi lên của thời đại.

  1. Cơ sở lý luận về rèn luyện kỹ năng tự học học phần Vệ sinh trẻ em cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc Mầm non

Theo Từ điển Giáo dục học, “Tự học là quá trình tự mình lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện kĩ năng thực hành không có sự hướng dẫn của giáo viên và sự quản lý trực tiếp của cơ sở giáo dục đào tạo” [4; tr.296].

Từ định nghĩa như trên về tự học, chúng ta nhận thấy điểm chung của tự học là tự giác, chủ động, độc lập của người học trong quá trĩnh lĩnh hội tri thức. Bản chất của tự học là quá trình chủ thể người học cá nhân hóa việc học nhằm thỏa mãn các nhu cầu học tập, tự giác tiến hành các hành động học tập như: phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, giao tiếp, thực hành, kiểm tra, đánh giá… để thực hiện có hiệu quả mục đích và nhiệm vụ học tập đề ra. Tự học của SV đại học mang đầy đủ các đặc điểm của tự học nói chung nhưng cũng phản ánh đặc trưng riêng của hoạt động học tập ở đại học là tính tự chủ cao và tính nghiên cứu vừa sức.

Ý nghĩa, vai trò của kỹ năng tự học đối với sinh viên

Kỹ năng tự học giúp người học hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc nhờ vào khả năng tự phân tích, tổng hợp tài liệu, từ đó có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới. Đồng thời, kỹ năng tự học giúp người học hình thành được tính tích cực, độc lập tự giác trong học tập cũng như nề nếp làm việc một cách khoa học. Đặc biệt, đối với sinh viên các trường đại học, việc tự học là một hoạt động không thể thiếu và giữ vai trò trọng yếu trong quá trình học tập của họ. Khi phát huy tốt vấn đề tự học, yếu tố đó quyết định sự phát triển các phẩm chất, nhân cách và chất lượng học tập của SV. Tự học rèn luyện cho SV thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống cho mình. Hơn thế, tự học thúc đẩy SV lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn tới những đỉnh cao của khoa học, sống có hoài  bão, ước mơ. Tự học không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách SV. Kỹ năng tự học không chỉ dừng lại sau khi hoàn thành quá trình học tập ở trường chuyên nghiệp mà còn là một kĩ năng thường trực đối với mỗi SV, là phương tiện quan trọng giúp cho mỗi cá nhân trưởng thành hơn, vượt qua trở ngại và thành công trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Rèn luyện kỹ năng tự học

Một kỹ năng được hình thành thường trải qua nhiều giai đoạn: nhận thức đầy đủ về mục đích, cách thức và điều kiện hành động; quan sát mẫu, làm thử và cuối cùng là tiến hành luyện tập. Nói một cách khác, để có được một kỹ năng phải trải qua ba giai đoạn: hình thành, phát triển, luyện tập. Rèn luyện là một hoạt động tiến hành đan xen, đồng thời với ba giai đoạn này. Muốn hình thành một kỹ năng, SV phải làm thử, làm đi làm lại nhiều lần. Khi kỹ năng bước đầu hình thành, tiến hành rèn luyện nhiều lần trong một thời gian nhất định thì kỹ năng mới ổn định và phát triển. Sau đó, phải tiến hành rèn luyện thường xuyên, đều đặn thì kỹ năng mới phát triển thuần thục, tạo sơ cở phát triển thành kỹ xảo. Việc rèn luyện đạt kết quả cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự nỗ lực của người học giữ vai trò quyết định. Kỹ năng tự học cũng chỉ có được khi trải qua giai đoạn: hình thành, phát triển và luyện tập. Rèn luyện kỹ năng tự học là việc luyện tập nhiều lần các kỹ năng tự học cơ bản nhằm nâng cao chất lượng của các kỹ năng này, biến nó thành các kỹ xảo cần thiết cho quá trình học tập suốt đời sau này.

  1. Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng tự học học phần Vệ sinh trẻ em

Từ vai trò ý nghĩa của tự học nói chung và tự học học phần Vệ sinh trẻ em nói riêng trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, chúng tôi xây dựng và đưa ra 5 biện pháp cụ thể để hướng dẫn sinh SV rèn luyện kỹ năng tự học học phần Vệ sinh trẻ em, đồng thời giúp SV củng cố và phát triển kỹ năng này qua hoạt động thực tập sư phạm, tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn giáo dục mầm non, khắc phục những hạn chế chương trình đào tạo trong Nhà trường, có kế hoạch hoàn thiện tay nghề của mình.

Biện pháp 1: Vai trò của giảng viên (GV) đối với việc tự học học phần Vệ sinh trẻ em của SV

            Phương pháp dạy học của GV luôn là yếu tố quyết định phương pháp học tập của SV. Chính vì vậy, để SV có kỹ năng tự học học phần này, vai trò của GV là rất quan trọng. GVcần định hướng để SV xác định được mục tiêu của môn học, lập kế hoạch học tập. Dạy học hướng tới nhu cầu và hứng thú của SV để phát huy tính tích cực nhận thức của các em, hướng dẫn giúp đỡ làm sao để SV biết tự học tự vận dụng; biết liên hệ với thực tiễn; biết hợp tác chia sẻ; biết nghiên cứu, phân tích, đánh giá...

Biện pháp 2 : Giáo dục cho SV nhận thức đúng đắn và ích lợi của tự học

Một trong những phẩm chất quan trọng của mỗi cá nhân là tính tích cực, sự chủ động sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là hình thành phẩm chất đó cho người học. Bởi từ đó nền giáo dục mới mong đào tạo ra những lớp người năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi thị trường lao động, góp phần phát triển cộng đồng. Có thể nói tự học là một điều kiện, kết quả của sự phát triển nhân cách thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại. Tự học là những biểu hiện, sự gắng sức cao về nhiều mặt của từng cá nhân người học trong quá trình nhận thức thông qua sự hưng phấn tích cực. Mà hưng phấn chính là tiền đề cho mọi hứng thú trong học tập. Có hứng thú người học mới có được sự tự giác say mê tìm tòi nghiên cứu khám phá. Hứng thú là động lực dẫn tới tự giác. Tính tích cực của con người chỉ được hình thành trên cơ sở sự phối hợp ngẫu nhiên giữa hứng thú với tự giác. Nó bảo đảm cho sự định hình tính độc lập trong học tập.

Biện pháp 3: Hướng dẫn SV kĩ năng xác định mục tiêu của môn học

Hướng dẫn SV phát triển các kỹ năng tự học hiệu quả môn học: Kỹ năng xác định mục tiêu môn học, kỹ năng nghiên cứu tài liệu học tập, kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng nghe giảng, ghi chép bài trên lớp, kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá...

Biện pháp 4:  Hướng dẫn SV lập kế hoạch học tập môn học

            Sau khi xác định được mục tiêu cụ thể của môn học, từng nội dung trong chương trình. GV hướng dẫn SV lập kế hoạch, dựa trên các tiêu chí sau:

  • Nội dung:  Mục đích, yêu cầu/ Nội dung/Kế hoạch cụ thể.
  • Hình thức và biện pháp thực hiện.
  • Thời gian thực hiện.
  • Điều kiện để thực hiện.

Biện pháp 5: Kiểm tra và đánh giá kết quả tự học của sinh viên.

Dùng các thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu của GV, bản thân tự đánh giá, sự đánh giá nhận xét của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu... Thông qua nó người học tự đối thoại để thẩm định mình, hiểu được cái gì làm được, điều gì chưa thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu để từ đó có hướng khắc phục hay phát huy.

Kết luận

Bằng con đường tự học, mỗi cá nhân sẽ không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến, kể cả những thách thức to lớn từ môi trường nghề nghiệp. Để có được kỹ năng đó, SV cần phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ sâu sắc về các yêu cầu của xã hội, mục tiêu đào tạo của ngành, chuẩn của nghề giáo viên nghệ thuật mầm non, luôn cố gắng nỗ lực trong học tập để trau đồi kiến thức, kỹ năng, nhiệt huyết với nghề mà mình đã chọn.

Tài liệu tham khảo

  1.  A.P. Uxova (1979), Dạy học ở mầm non, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  2.  A.V. Daparogiet (1974), Tâm lý học, người dịch Phạm Minh Hạc, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  3. BERND MEIER - Nguyễn Văn Cường (2014), Lý luận dạy học hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Bùi Hiển (2001), Từ điển Giáo dục học, NXB Từ điển Bách khoa.
  5. Hồ Lam Hồng (2012), Nghề giáo viên mầm non, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  6.  Hoàng Thị Phương (2013), Giáo trình Vệ sinh trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  7. Lê Xuân Hồng (2006), Những kỹ năng sư phạm mầm non, Nxb Giáo dục Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên khoa Giáo dục đại cương