Nội san

Xây dựng phương pháp tính thời gian cắt vải theo sơ đồ giác mẫu trong quá trình sản xuất may công nghiệp

27 Tháng Mười Một 2018

Nguyễn Triều Dương [*]

 

Xác định thời gian cắt vải theo sơ đồ giác mẫu trong quá trình sản xuất may công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc lập kế hoạch. Phương pháp bấm giờ và phương pháp ước lượng hiện nay được sử dụng trong sản xuất để tính thời gian cắt vải, tuy nhiên còn một số hạn chế về độ chính xác và thời gian thực hiện. Phương pháp tính thời gian cắt vải theo sơ đồ giác được nghiên cứu dựa trên phương pháp phân tích thao tác quá trình cắt. Quá trình cắt được phân tích thành các thao tác sản xuất nhỏ hơn. Thời gian cắt vải là tổng thời gian thực hiện các thao tác này. Phương pháp tính thời gian cắt vải theo sơ đồ giác mẫu này có độ chính xác đảm bảo và có thể áp dụng tính toán trước khi đưa vào sản xuất. 

Đặt vấn đề

Trong quá trình hội nhập, ngành May mặc Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ yêu cầu các công ty phải liên tục nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Trong sản xuất may công nghiệp, công đoạn cắt vải được thực hiện trước nhằm tạo ra bán thành phẩm cho công đoạn may. Các chi tiết của sản phẩm được sắp xếp trên sơ đồ giác mẫu bằng máy tính sao cho tiết kiệm diện tích vải nhất. Sơ đồ giác mẫu sẽ được in lên giấy và gắn cố định lên trên bàn vải sau khi trải. Vải sau khi trải sẽ được chuyển qua bàn cắt dưới sự trợ giúp hệ thống đẩy hơi. Quá trình cắt vải là quá trình sử dụng công cụ cắt để phân chia các chi tiết sản phẩm trong sơ đồ giác mẫu trên bàn vải đã trải. Máy cắt được điều khiển để cắt vải theo hình dạng các chi tiết sản phẩm đã được in trên sơ đồ giác mẫu. Vải thường được cắt phá, tách rời các chi tiết, sau đó tiến hành cắt tinh, hiệu chỉnh các chi tiết đạt độ chính xác cao nhất. Tùy theo tính chất của từng loại vải, yêu cầu số lượng của từng đơn hàng, cũng như khả năng cắt của từng loại thiết bị, số lớp vải tối đa có thể cắt được cán bộ kỹ thuật xác định và tiến hành trải cắt vải. Số lớp vải càng nhiều thì mỗi lần cắt sẽ được nhiều chi tiết bán thành phẩm hơn.

Việc tính toán thời gian cắt theo sơ đồ giác có ý nghĩa quan trọng trong việc lập kế hoạch, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất. Phần lớn các công ty may ở Việt Nam vẫn sử dụng máy cắt đẩy tay. Các công ty này tính toán thời gian trải cắt dựa trên phương pháp bấm giờ khi đã đưa vào sản xuất, phương pháp này có độ chính xác cao. Tuy nhiên, khi cần tính thời gian trải và cắt vải để lập kế hoạch trước khi đưa vào sản xuất thì không sử dụng được phương pháp bấm giờ. Các công ty thường ước lượng thời gian trải và cắt vải dựa theo kinh nghiệm và tốc độ cắt trung bình của nhà máy. Phương pháp này có tính chính xác không cao do sự phức tạp của sơ đồ giác, tính chất của các loại vải khác nhau, làm ảnh hưởng đến năng suất và tiến độ sản xuất. Yêu cầu cần có một biện pháp tính toán thời gian trải cắt vải chính xác hơn, hiệu quả hơn.

Phân tích thao tác quá trình cắt vải

Phương pháp tính toán năng suất quá trình cắt được dựa trên phương pháp phân tích thao tác quá trình cắt. Quá trình cắt sẽ được phân tách thành những thao tác sản xuất nhỏ hơn (nguyên công cơ bản). Thời gian thực hiện quá trình cắt T là tổng thời gian thực hiện nguyên công cắt và thời gian thực hiện các nguyên công cơ bản liên quan.

Công nhân cắt vải trong nhà máy may công nghiệp

(Nguồn: tác giả)

Thời gian thực hiện nguyên công cắt:

  • Cắt đường thẳng liên tục: Thời gian thực hiện nguyên công cắt đường thẳng liên tục được tính bằng tổng độ dài đường thẳng (l) trên sơ đồ giác nhân với thời gian tiêu tốn trung bình (a) khi cắt một đoạn thẳng có độ dài 1m.
  • Cắt đường cong: Thời gian thực hiện nguyên công cắt đường cong được tính bằng tổng độ dài đường cong (l) trên chi tiết nhân với thời gian tiêu tốn trung bình (a) khi cắt một đoạn thẳng có độ dài 1m, cộng với tích của số điểm dừng (k) trên toàn bộ sơ đồ nhân với thời gian dừng trung bình (b).
  • Rút dao chuyển hướng: Thời gian rút dao ra khỏi chi tiết để đưa dao vào cắt theo một vị trí mới được tính bằng tổng số lần rút dao (h) khi cắt toàn bộ sơ đồ nhân với thời gian rút dao trung bình (c).

Nguyên công cơ bản khác:

  • Nguyên công phụ thuộc vào sơ đồ giác mẫu và tính chất vật liệu: Để đơn giản trong phương pháp tính toán, thời gian thực hiện những nguyên công cơ bản này sẽ không tách rời thành những nguyên công cơ bản (như thời gian kẹp chi tiết, thời gian bỏ phế phẩm, thời gian chuyển bán thành phẩm cắt...). Thời gian thực hiện các nguyên công cơ bản này sẽ được tính bằng tổng thời gian q thực hiện toàn bộ các nguyên công. Thời gian q tỉ lệ thuận với số chi tiết trên sơ đồ giác và tăng giảm phụ thuộc vào tính chất của vật liệu khi cắt.
  • Thời gian thực hiện các nguyên công không phụ thuộc sơ đồ giác mẫu và tính chất vật liệu: Các nguyên công này thường là nguyên công chuẩn bị, không chịu ảnh hưởng của sơ đồ giác mẫu và tính chất vật liệu cắt. Thực hiện các nguyên công này tiêu tốn một lượng thời gian w trong tổng thời gian thực hiện T của quá trình cắt.
  • Với mỗi loại vải, tính chất của vật liệu sẽ ảnh hưởng khác nhau đến quá trình cắt. Sự ảnh hưởng của tính chất vật liệu sẽ làm tăng hoặc giảm một lượng p% thời gian so với tổng thời gian thực hiện quá trình cắt. Những vật liệu cắt khó sẽ có hệ số p lớn hơn và ngược lại.
  • Yêu cầu kĩ thuật của từng loại vải, số lượng đơn hàng sẽ quyết định số lớp vải được trải. Khi số lớp vải trải ít hơn, hoặc vải mỏng thì thao tác cắt sẽ khó khăn hơn do vải bị xô trong quá trình cắt. Sự ảnh hưởng của số lớp vải sẽ làm thay đổi một lượng v% thời gian so với tổng thời gian thực hiện quá trình cắt. Cùng loại vật liệu, nếu số lớp vải lớn hơn sẽ có hệ số v nhỏ hơn.

Xây dựng phương pháp tính thời gian cắt một số loại vải theo sơ đồ giác mẫu

Trên cơ sở phân tích thao tác quá trình cắt, tổng thời gian cắt T sẽ được tính như sau:

T= (a.l + b.k + c.h +q.n/m).(1+p+v)+w

Trong đó:

  • T: Tổng thời gian thực hiện quá trình cắt.
  • a: Thời gian trung bình cắt đoạn thẳng có độ dài là 1m.
  • b: Thời gian trung bình dừng chỉnh dao.
  • c: Thời gian trung bình rút dao chuyển hướng.
  • l: Tổng độ dài của các chi tiết trên sơ đồ.
  • k: Tổng các điểm dừng chỉnh dao và số điểm bấm dấu của các chi tiết trên sơ đồ.
  • h: Tổng các cạnh của chi tiết và số điểm chuyển hướng do yêu cầu kĩ thuật cắt.
  • q: Tổng thời gian thực hiện các nguyên công cơ bản khác trong quá trình cắt.
  • n: Số áo trên sơ đồ giác cần tính toán năng suất.
  • m: Số áo trên sơ đồ giác tiêu chuẩn thực hiện nghiên cứu.
  • p: Hệ số ảnh hưởng của vật liệu.
  • v: Hệ số ảnh hưởng của số lớp trải.
  • w: Tổng thời gian thực hiện các nguyên công phụ.

Đơn vị tính thời gian là giây (s), đơn vị tính độ dài là mét (m).

Kết luận

Phương pháp tính thời gian cắt một số loại vải theo sơ đồ giác mẫu trong quá trình sản xuất may công nghiệp dựa trên cơ sở phân tích thao tác quá trình cắt. Nghiên cứu qua thực tiễn sản xuất tại Công ty may Đức Giang và Công ty may Tinh Lợi, phương pháp này tính toán tương đối chính xác, đơn giản và hiệu quả, tuy nhiên cần thời gian xác định thông số ban đầu đối với từng nhà máy. Đồng thời, phân tích thao tác quá trình cắt vải là cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện thao tác của người công nhân, nâng cao năng suất. Xác định được thời gian cắt vải theo sơ đồ giác mẫu giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác lập kế hoạch và theo dõi sản xuất cũng như ký kết hợp đồng. Người công nhân có định mức sản xuất rõ ràng, nâng cao hiệu quả, công bằng trong sản xuất. Phương pháp tính toán này phù hợp và ứng dụng hiệu quả với điều kiện sản xuất của các công ty may tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Trần Thủy Bình (2005), “Giáo trình công nghệ may”, Nxb Giáo dục.
  2. Trần Thủy Bình, Lê Thị Mai Hoa (2007), “Giáo trình vật liệu may”, Nxb Giáo dục.
  3. Nguyễn Triều Dương (2011), “Nghiên cứu thiết lập phần mềm lập kế hoạch và tác nghiệp sản xuất trong công nghiệp may”, Luận văn thạc sỹ Đại học Bách khoa Hà Nội.
  4. Nguyễn Triều Dương, Lưu Ngọc Lan (2012), “Thiết kế kết cấu chi tiết của trang phục ở Hà Nội hiện nay”, Đề tài khoa học cấp Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  5.  Nguyễn Minh Hà (2006), “Quản lý sản xuất ngành may công nghiệp”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  6. Trần Thanh Hương (2007), “Lập kế hoạch sản xuất ngành may”, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
  7. Lê Thị Kiều Liên, Hồ Thị Minh Hương (2003), “Công nghệ may”, Nxb ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
  8. Đỗ Văn Phức (2006), “Quản lý doanh nghiệp”, Nxb Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tiếng Anh

  1.  Harold Carr, Barbara Latham (1994), “The Technology of Clothing manufacture”, Blackwell Scientific Publications.
  2.  Juki Corporation (2003), “The Binran- How to make up a plant of apparel manufacturing factory”, Juki Laboratory.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên khoa Công nghệ may