Nội san

Rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thông qua hoạt động thảo luận theo chủ đề

27 Tháng Mười Một 2018

Ngô Thị Hòa [*]

Khả năng giao tiếp và truyền tải thông điệp bằng tiếng Anh được xem là thước đo quan trọng của các nhà tuyển dụng nhưng thực tế hiện nay sinh viên Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh tối thiểu sau khi ra trường. Trong khi đó, trên ghế giảng đường, việc sinh viên không tham gia tích cực nói trong giờ học nói tiếng Anh là một vấn đề khá phổ biến. Nguyên nhân có thể do sinh viên chưa có thói quen chia sẻ ý kiến, có hội chứng sợ đám đông, hay giảng viên chưa tìm được phương pháp tổ chức giảng dạy phù hợp… Việc sử dụng hoạt động thảo luận theo chủ đề được đánh giá là một hoạt động học tập hợp tác phù hợp với lớp học đông đồng thời giúp sinh viên cảm thấy tự tin hơn khi đứng trong tập thể. Trước đây, khi đề cập đến dạy nói tiếng Anh, người dạy nghĩ đến việc truyền đạt những kiến thức về đơn vị từ hay cấu trúc cụ thể mà quên đi vai trò quan trọng của nghĩa dụng học phát sinh từ các hoàn cảnh giao tiếp trong hoạt động nói; hoặc mặc định rằng kỹ thuật thảo luận chỉ dành cho những sinh viên trình độ cao. Do đó, mặc dù sử dụng hoạt động thảo luận là một trong những phương pháp hữu hiệu trong học giao tiếp tiếng Anh nhưng trong môi trường giáo dục hiện nay, hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức trong các giờ học ngôn ngữ tại các trường không chuyên ngữ.

  1. Cơ sở lý luận
    1. Khái niệm về kỹ năng nói

Kỹ năng nói là kỹ năng dùng âm thanh để diễn tả ý nghĩ, ý kiến, lời nói của mình nhằm mục đích bày tỏ ý kiến, trò chuyện, giao tiếp với người nghe. Thông qua cuộc trò chuyện người nói với người nghe trao đổi thông tin lẫn nhau. Theo Florez (1999: 98), nói là một quá trình tương tác mà người học sản sinh thông tin và tiếp nhận thông tin để tạo ra ý nghĩa. Theo Thornbury (2005: 78), nói bằng ngôn ngữ thứ hai khác với nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ do người học thiếu vốn từ vựng và kiến ​​thức ngữ pháp; quá trình sắp xếp ngữ pháp và các từ không tự động trong việc tạo ra ngôn ngữ thứ hai. Harmer (2001: 23) đã nói rằng nói có nhiều khía cạnh khác nhau bao gồm hai loại chính, cụ thể là tính chính xác và lưu loát. Độ chính xác là sự tương ứng giữa lời nói của người học và những gì họ thực sự nói khi sử dụng ngôn ngữ đích và việc sử dụng chính xác từ vựng, ngữ pháp, cách phát âm được thực hiện thông qua các hoạt động có hướng dẫn. Lưu loát là khả năng duy trì nói một cách tự tin, ít có sự do dự hay tạm dừng không tự nhiên, hoặc phải tìm kiếm từ (Bailey, 2003). Vì vậy năng lực nói sẽ xảy ra khi người nói có khả năng giao tiếp bằng cách trao đổi thông tin một cách chính xác và trôi chảy với cách lựa chọn và sử dụng từ vựng và cấu trúc phù hợp. Nói là khả năng thể hiện một điều gì đó bằng cách sắp xếp ý tưởng thành lời để mọi người hiểu được thông điệp được truyền tải; là khả năng thực hiện kiến ​​thức ngôn ngữ trong giao tiếp thực tế để thể hiện ý tưởng, cảm giác, suy nghĩ và nhu cầu của một người.

  1. Khái niệm về thảo luận

Larson (2002) cho rằng thảo luận là sự tham gia và thực hành các hoạt động tư duy và giao tiếp. Thảo luận được mô tả như một cuộc trò chuyện có cấu trúc giữa những người tham gia trình bày, kiểm tra, so sánh và hiểu các ý kiến về một vấn đề. Thảo luận cũng có thể được coi là một kỹ thuật giảng dạy hữu ích để phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao hơn (các kỹ năng cho phép sinh viên giải thích, phân tích và thao tác thông tin).

  1. Điểm mạnh và điểm yếu của hoạt động thảo luận theo chủ đề đối với việc rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh

Thuận lợi

Hoạt động thảo luận theo chủ đề có nhiều điểm mạnh để phát triển kỹ năng nói như sau:

  • Rèn luyện sinh viên hợp tác tốt với người bạn khác.
  • Rèn luyện sinh viên mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình.
  • Sinh viên cảm thấy hứng thú với các chủ đề thảo luận và tích cực tham gia.
  • Nâng cao khả năng nói tiếng Anh của sinh viên.

Sau khi thực hiện khảo sát với đối tượng sinh viên, lợi ích chính mà sinh viên nhận được sau hoạt động thảo luận là tự tin thuyết trình ý kiến của bản thân trước cả lớp và thúc đẩy chất lượng câu trả lời bằng tiếng Anh. Khi khảo sát với đối tượng giảng viên, họ cho rằng thông qua hoạt động thảo luận theo chủ đề sinh viên phát triển được nhiều về kỹ năng hợp tác và sự tự tin thuyết trình trước đám đông. Mặc dù sinh viên còn cảm thấy nhiều khó khăn khi thuyết trình vì khả năng nói tiếng Anh còn hạn chế, nhưng họ cũng chia sẻ rằng bản thân học được thêm nhiều điều sau hoạt động thảo luận như  học được từ mới về mỗi chủ đề, cách xây dựng bài khoa học, nâng cao sự tự tin khi thuyết trình, khi đứng trước đám đông, không còn ngại nói tiếng Anh mặc dù chưa nói chuẩn, quản lý được bản thân khi làm việc chung, mở rộng nhiều kiến thức về chủ đề nói, cải thiện được trình độ nói tốt hơn, học được kỹ năng lãnh đạo, phát triển ngôn ngữ cơ thể, cách phát âm rõ và chính xác hơn, cách làm việc theo nhóm.

Khó khăn

Bên cạnh những điểm mạnh, hoạt động thảo luận theo chủ đề cũng còn một số điểm yếu như sau:

  • Thảo luận chỉ được sử dụng cho một số chủ đề nhất định.
  • Thảo luận cần thời gian dài và cần sự chuẩn bị.
  • Thảo luận đòi hỏi năng lực ngôn ngữ tương đối tốt.

Đối với giảng viên, những khó khăn được đề cập đến như sinh viên không tương tác cao, thiếu vốn từ vựng, sinh viên làm việc riêng không để ý đến công việc của nhóm, không đồng đều về trình độ, những sinh viên khá giỏi sẽ lấn át sinh viên yếu, lớp đông sẽ khó khăn cho giảng viên bao quát lớp. Đối với sinh viên, phần lớn những khó khăn sinh viên chia sẻ đều liên quan đến hoạt động phân chia công việc trong nhóm như các thành viên trong nhóm không hợp tác, người làm ít làm nhiều, còn đùn đẩy trách nhiệm trình bày do còn ngại nói hoặc do chưa nói tốt nên không tự tin đảm nhận nhiệm vụ, không thống nhất được ý kiến giữa các thành viên trong nhóm. Ngoài vấn đề nhóm còn cần đề cập đến tổ chức trong lớp học, nhiều sinh viên chưa tự giác lắng nghe bài thuyết trình của nhóm khác, thường ngồi nói chuyện riêng, chưa có sự tương tác tốt giữa các nhóm trong việc đặt câu hỏi thảo luận. Về chất lượng nội dung thảo luận, nhiều sinh viên phát âm còn chưa chuẩn, nói bé dẫn đến các bạn sinh viên khác khó nắm bắt được ý kiến được đưa ra. Rất nhiều sinh viên chia sẻ là bản thân không biết tiếng Anh nên học phát âm từ hay học bài thuyết trình thấy khó khăn, thiếu tự tin trước đám đông, tâm lý sợ phát âm sai.

  1. Các bước thực hiện hoạt động thảo luận theo chủ đề
  • Người dạy đưa ra các chủ đề thảo luận.
  • Người dạy chia lớp thành các nhóm (3-4 người/ một nhóm) và yêu cầu chọn chủ đề thảo luận, đưa ra quan điểm một phía (đồng ý/không đồng ý với chủ đề).
  • Người dạy yêu cầu nhóm minh họa ý kiến bằng hình ảnh và sử dụng từ ngữ đơn giản. (giảng viên chữa bài nói trên giấy để sinh viên có định hướng cho bài nói, cung cấp ngôn ngữ thuyết trình bằng tiếng Anh).
  • Người dạy yêu cầu nhóm trình bày quan điểm về chủ đề thảo luận trước cả lớp.
  • Sau khi nghe ý kiến của nhóm trình bày, các sinh viên trong các nhóm khác thảo luận tại chỗ và đưa ra quan điểm phản bác hoặc đặt câu hỏi lại nhóm trình bày.
  • Nhóm trình bày có thể chấp nhận quan điểm của nhóm khác hoặc phản bác lại nhóm khác bằng lý lẽ/ dẫn chứng.
  • Người dạy đưa ra nhận xét chung về buổi thảo luận.
  1. Kết luận và đề xuất

            Từ tất cả các phân tích dữ liệu về việc sử dụng hoạt động thảo luận theo chủ đề để cải thiện kỹ năng nói của học sinh có thể kết luận:

  • Việc sử dụng hoạt động thảo luận theo chủ đề đã được ủng hộ bởi người dạy và người học trong quá trình dạy và học. Hoạt động này được sinh viên quan tâm và muốn tiếp tục được giảng viên sử dụng để cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh. Sinh viên có nhiều cơ hội để thực hành nói và trở nên tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động thảo luận. Hoạt động này còn giúp sinh viên biết cách làm việc theo nhóm, thống nhất các quan điểm khác nhau trong nhóm.
  •  Dạy nói thông qua hoạt động thảo luận theo chủ đề là trải nghiệm thú vị cho cả giảng viên và sinh viên. Trên thực tế, sinh viên có thể cải thiện kỹ năng nói của họ sau khi được giảng viên hỗ trợ chỉnh sửa nội dung, cung cấp ngôn ngữ thảo luận hiệu quả. Động lực để nói tiếng Anh trong lớp đã được nâng cao.Trong việc dạy và học tiếng Anh ở trường đại học, giảng viên phải tạo ra tình huống thú vị để lôi cuốn sinh viên tham gia thảo luận.

Để cải thiện năng lực nói tiếng Anh cho sinh viên là bài toán lớn của hầu hết các trường đại học Việt Nam hiện nay và cần thời gian lâu dài, sự kiên trì nỗ lực cố gắng của người học, người dạy và nhà trường. Do đó, tác giả có kiến nghị một số đề xuất như sau:

Đối với nhà trường, cần đầu tư hơn về cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, tạo môi trường thuận lợi để sinh viên đạt kết quả cao trong học tập và có khả năng áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Đối với người dạy, cần liên tục động viên, khuyến khích, hướng dẫn người học tham gia vào các hoạt động nói tiếng Anh trên lớp, nhận biết rõ các vai trò của người dạy trong một lớp học ngôn ngữ để trao quyền được nói tiếng Anh cho sinh viên. Đối với người học, cần mạnh dạn, tự tin và cố gắng thực hành nói tiếng Anh nhiều nhất có thể, cần xóa bỏ tâm lý tự ti, ngại ngùng không dám nói tiếng Anh.

Tài liệu tham khảo

  1. Florez, M. C. (1999). Improving adult English language learners' speaking skills. Eric Digest.
  2. Thornbury, S. (2005). How to teach speaking: Longman Harlow
  3. Harmer, J. (2001). The practice of English language teaching. Harlow: Pearson education.
  4. Bailey, K. M. (2003). Speaking - Practical English language teaching. NY: McGraw Hill companies, Inc.
  5. Larson, B. E.  and Keiper, T. A. (2002). Classroom Discussion: Learning in two arenas- Contemporary Issues in technology and Teacher Education. Western Washing University.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ