Nội san

Giá trị nghệ thuật trong ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông

03 Tháng Mười Hai 2018

Nguyễn Thị Giang [*]

Huỳnh Phương Đông một họa sĩ tài ba, ông đặc biệt được giới yêu nghệ thuật nhớ đến với hình ảnh là họa sĩ vẽ ký họa về đề tài chiến tranh - Cách mạng. Các ký họa của ông thường hay bắt gặp hình ảnh những người nông dân mặc áo lính, những con đường chiến dịch, các cuộc nổi dậy, hay đơn giản là hình ảnh những người lính giản dị thắm đượm tình yêu thương.

 Ông vẽ rất nhiều đề tài phản ánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt. Mỗi đề tài lại có một nét đẹp riêng và một trong những đề tài đáng chú ý trong tập ký họa của ông là đề tài vẽ chân dung những người chiến sĩ cách mạng.

Huỳnh Phương Đông được giới nghệ sĩ nhắc đến với những ký họa về chiến tranh cách mạng, các ký họa của ông được xây dựng công phu thể hiện những chủ đề tư tưởng lớn, khái quát một giai đoạn lịch sử của dân tộc. “Tình cảm họa sĩ” của ông được biểu lộ trong từng nét ký.

Với lòng yêu quê hương đất nước, trong khói lửa của chiến tranh, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình ông ghi lại chân thực, sống động hình ảnh những con người hi sinh vì sự nghiệp của tổ quốc. Các ký họa được ông vẽ rất nhanh tại chiến trường trận địa với xúc cảm đặc biệt, mảng đề tài ký họa chân dung được ông vẽ nhiều và dành nhiều tình cảm nhất. Trong nhiều ký họa chân dung về các anh hùng chiến sĩ, những người cách mạng đều toát lên vẻ đẹp dung dị. Với việc sử dụng ngôn ngữ của hội họa, mà chủ yếu là các yếu tố đường nét, mảng miếng,... ông thể hiện sinh động chân thực những con người bất khuất, kiên cường, đó là các cụ già, em bé, người chiến sĩ cộng sản,… được ông thể hiện sinh động với bút pháp tài tình. Mỗi đường nét trong ký họa của ông đều có đặc tính riêng, tùy từng hoàn cảnh và cảm xúc mà các nhân vật trong tranh ông được thể hiện khi suy tư, nhạy cảm, khi cứng nhắc hay trầm tư... như trong ký họa “Ông Bảy Nhàn” (H1), họa sĩ nhanh chóng ghi lại đặc điểm nhân vật “Ông Bảy Nhàn” - người cha già có bảy người con tòng quân theo cách mạng bằng phương pháp ký nhanh. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ của hội họa, họa sĩ thể hiện thành công hình ảnh một người cha với nhiều hi sinh cao cả. Trong ký họa là sự kết hợp nhuần nhị giữa nét cong và nét thẳng diễn tả sự gai góc trên gương mặt nhân vật, cho ta cảm nhận sự chắc nịch trong nét bút ký của ông, nét ký dứt khoát thể hiện được tính cách vững vàng của nhân vật. Trong đó đôi mắt trầm tư và sâu lắng có vị trí quan trọng trên gương mặt thể hiện nội tâm của nhân vật được họa sĩ tập trung thể hiện.

H1. Ông Bảy Nhàn (có 7 người con tòng quân), Bút chì (18,5 x 24 cm),

1966, Huỳnh Phương Đông

Đường viền bao quanh chân dung nhân vật không làm cho người xem có cảm giác khô cứng. Họa sĩ khéo léo đưa nét bút ký nhuần nhị, lúc nhấn mạnh, lúc buông lỏng kết hợp với việc sử dụng mật độ dày mỏng trong nét bút tạo độ đậm nhạt, gợi không gian xa gần, trước sau, kéo tầm nhìn của người xem vào trung tâm của ký họa. Trong ký họa này, ông không sử dụng màu sắc mà chỉ dùng sự biểu cảm của đường nét để tạo độ đậm nhạt, xa gần khác nhau.

Khi xem ký họa ta nhận ra với sự già dặn, chắc chắn trong từng nét bút, họa sĩ lột tả thành công sự lo toan vất vả, sự hi sinh không thể che lấp, niềm tin vào một chiến thắng vẻ vang, cùng với hi vọng các con sẽ bình an. Đường nét trong ký họa có tác động trực tiếp đến tình cảm, suy nghĩ của người xem thông qua thị giác. Nếu mật độ của nét bút có thể tạo ra cảm giác nặng nhẹ, xa gần ở ký họa “Ông Bảy Nhàn” (H1) thì ở hai ký họa “Anh Năm Phỏa” (H2) và “Em Nguyễn Hồng Huân” (H3) thể hiện tinh thần của những chiến sĩ trẻ đầy lòng nhiệt huyết, ta thấy sự chuyển đổi của nét bút có phần khác. Nét bút lúc này được sử dụng khá đậm, mạnh mẽ và dứt khoát, nét bút ký to, dày, sự phối hợp của nét nằm ngang trên khuôn mặt với nét thẳng của tà áo trong ký họa chân dung “Anh Năm Phỏa” (H2) tạo sự cân bằng, chắc chắn, thể hiện tính cách của một chiến sĩ cách mạng có ý chí và chính kiến của bản thân, cùng là vẽ các chiến sĩ cách mạng, nhưng thể hiện các chiến sĩ trẻ, họa sĩ sử dụng các nét cong với độ đậm nhạt mạnh mẽ và dứt khoát. Sự phối hợp hài hòa nét thẳng, nét cong, nét ngắn, nét dài, nét đứt quãng với liền mạch hợp lý tạo lên một vẻ đẹp khỏe mạnh, cương trực của một người chiến sĩ.

H2. Anh Năm Phỏa (du kích xã An Thạch, Bến Tre), Bút chì (18,5 x 24 cm),

1966, Huỳnh Phương Đông

H3. Em Nguyễn Hồng Huân (con mắt của đội du kích Thơí Sơn, Mỹ Tho),

Phấn màu (18,5 x 24 cm), 1965, Huỳnh Phương Đông

Trong ký họa em “Nguyễn Hồng Huân” (H3), các nét ký đan chéo, nét nghiêng lại thể hiện sự năng động và không ổn định của tuổi trẻ. Ngoài ra trong ký họa này, ta thấy sự xuất hiện của đậm nhạt đa sắc, họa sĩ ký họa bằng phấn màu. Khi xem ký họa màu của họa sĩ ta lại có thêm một cái nhìn mới và thấy được sự tinh tế trong cách xử lý màu sắc của họa sĩ. Cảnh vật, con người xung quanh luôn có sự biến đổi dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Và nó trở thành vật cản tạo nhiều khó khăn cho không ít các họa sĩ tay nghề còn yếu. Nếu tay nghề yếu kém, người vẽ có thể sẽ bị sa lầy trong màu sắc, tác phẩm tưởng như nhiều màu nhưng lại không có màu bởi không hiểu được bản chất, người vẽ khi đó chỉ là tô lại màu mà không tạo được cảm xúc, không tạo được không gian thực tế. Trong ký họa em “Nguyễn Hồng Huân” (H3), họa sĩ có lẽ đã lựa chọn màu rất kỹ để làm nổi bật hình ảnh của một em bé cách mạng ngây, tạo sự tương quan giữa màu đậm của mái tóc với màu nhạt của nước da trên gương mặt, đôi má được nhấn nhá ánh vàng tạo điểm sáng hợp lý, tạo lên cái nhìn thiện cảm. Sự sắp xếp hợp lý của màu sắc cho ta nhận thấy sự mạch lạc của sáng tối, tránh được sự loạn màu và rối mắt.

Trong mỗi nét vẽ mà tác giả sử dụng để diễn tả từng nhân vật lại tạo nên những “tiết tấu” riêng. Nhìn chung các nét bút mà họa sĩ dùng để diễn tả những người con của dân tộc khá khỏe khoắn, mạch lạc và tinh tế đem đến cho người xem cảm nhận rõ sức trẻ trong mỗi con người họ. Dù ký họa trắng hay ký họa màu nhưng để thể hiện tuổi trẻ đầy sức sống họa sĩ đã rất mãnh liệt trong cách ký của mình, mỗi nhân vật đều có nét riêng biệt thể hiện tính cách và thần thái nhưng chung quy lại ta đều nhận thấy vẻ đẹp thời trai trẻ, sự nhanh nhẹn và lòng nhiệt huyết của họ toát ra từ đôi mắt, từ nét mặt.

Có thể nói, Huỳnh Phương Đông coi trọng tính hiện thực. Sự sáng tạo của ông dựa vào sự quan sát cuộc sống để tạo hình. Trong khi lột tả tinh thần nội tại của nhân vật còn nói được cái cảm thẩm mĩ của mình. Nhân vật ông ký họa vừa thể hiện cái đẹp riêng biệt của tính cách, vừa thể hiện cái đẹp của nghệ thuật. Bằng phương pháp ký họa ông đơn giản hóa phần không quan trọng bằng nét vẽ hào phóng của cây bút chì với nhiều nét to nhỏ khác nhau. Nét trong ký họa của ông chỗ đơn sơ thô mộc, chỗ tinh vi xen lẫn đem lại hiệu quả thực tế, sinh động. Ông vẽ khá nhiều ký họa chân dung về những người chiến sĩ cách mạng. Hình ảnh con người qua từng bức họa cho thấy sự gắn bó, tình cảm chân thành của ông dành cho người dân và vùng đất nơi họa sĩ từng đi qua và ở lại.

Mỗi bức ký họa của ông đều mang hơi hướng thẩm mỹ đầy lãng mạn mà đâu đó trong thơ Quang Dũng đã lẩn sâu vào từng nét vẽ ký hoạ với tâm trạng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đã để lại muôn vàn cảm xúc cho người thưởng họa nhiều thế kỷ.

Tài liệu tham khảo

  1. Lindsey Kiang (biên tập) (2006), Huỳnh Phương Đông góc nhìn chiến tranh và hòa bình, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
  2. Phạm Thị Chỉnh (2007), Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.
  3. Nguyễn Quân (2010), Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật.
  4. Nguyễn Trân (2005), Các thể loại và loại hình mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  5. Trần Bảo Yên (2011), Mỹ thuật kháng chiến, Nxb Văn hóa.

--------------------------------------------------------------

[*] ThS, giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật