Tin tức – Sự kiện

Đặc điểm trong sáng tác ca khúc của Trần Hoàn

26 Tháng Mười Hai 2018

 

Lê Mai Ly [*]

Trần Hoàn là nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác của ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ điển châu Âu với âm nhạc dân gian tạo nên những giai điệu trữ tình nồng ấm, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người nghe. Ca khúc của ông có giai điệu mượt mà, sâu lắng và giàu hình tượng. Trong đó nổi bật là thể loại trữ tình, trở thành đặc trưng trong âm nhạc của ông. Đa số các bài hát đều có lời ca đẹp, bay bổng, lãng mạn, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước con người, tình yêu đôi lứa.

1.Đặc điểm âm nhạc liên quan đến dạy học thanh nhạc

   Trong dạy học thanh nhạc, việc tìm hiểu các đặc điểm âm nhạc của tác phẩm là một thao tác quan trọng. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những đặc điểm khác nhau về cấu trúc, điệu thức, lối tiến hành giai điệu, lời ca... để phù hợp với mục đích xây dựng nội dung, hình tượng âm nhạc. Từ các đặc điểm âm nhạc của ca khúc, người giảng viên thanh nhạc xác định được hệ thống các phương pháp và kĩ thuật dạy học để giúp cho học sinh có thể đạt được kết quả cao nhất khi học tập cũng như trình diễn tác phẩm.

Cấu trúc và điệu thức là một trong những yếu tố đóng vai trò tiền đề, làm cơ sở trong sáng tác âm nhạc nói chung và với ca khúc nói riêng. Cấu trúc tác phẩm và cách sử dụng điệu thức của Trần Hoàn có những nét khá đặc biệt. 

            1.1. Cấu trúc

   Những ca khúc của Trần Hoàn phù hợp với giọng nữ trung không có cấu trúc phức tạp, đặc biệt sự phân chia tiết nhạc hay sự ngắt giữa các cơ cấu âm nhạc khá rõ ràng. Phân tích cấu trúc âm nhạc có vai trò quan trọng đối với việc xác định các điểm lấy hơi, là tiền đề cho học sinh thực hiện các kĩ năng, xử lí tốt các kĩ thuật thanh nhạc trong khi học.

 Hình thức một đoạn

   Những ca khúc có hình thức một đoạn không nhiều, có thể kể một số bài tiêu biểu như: Ngắt một cành hoa thắm tặng anh, Những đêm da trời xanh, Gửi Trường Sa… Trong đó, cấu trúc ba câu và bốn câu nhạc là chủ yếu, không có hình thức đoạn nhạc hai câu.

 

Ví dụ 1:                  NHỮNG ĐÊM DA TRỜI XANH

(trích)

                                                                            Nhạc: Trần Hoàn

Thơ: Trần Thị Huyền Trang

 

Bài hát ở hình thức một đoạn đơn, có 3 câu nhạc; mỗi câu có hai tiết nhạc; câu thứ 3 được nhắc lại hai lần để kết.

Sơ đồ:

         Câu 1                       Câu 2                         Câu 3

        4n + 5n                     4n + 5n                    4n + 5n

Để thể hiện được tính chất tình cảm của bài hát, với cách tiến hành giai điệu như trên không cho phép tìm điểm ngắt để lấy hơi ở giữa các tiết nhạc làm gián đoạn tính liền mạch của giai điệu.

            Hình thức hai đoạn

Các ca khúc của Trần Hoàn được viết ở hình thức hai đoạn đơn khá nhiều. Trong đó, điểm đặc biệt trong cấu trúc âm nhạc của ông chủ yếu có hình thức hai đoạn đơn không tái hiện, ở dạng phát triển hoặc tương phản. Một số ca khúc có phần mở đầu hoặc coda. Những ca khúc tiêu biểu như: Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Mưa rơi, Thăm bến nhà Rồng, Một mùa xuân nho nhỏ,

Ví dụ 2:

THĂM BẾN NHÀ RỒNG

(trích)

Trần Hoàn

 

Bài hát viết ở hình thức hai đoạn đơn không tái hiện, ở dạng phát triển, có phần mở đầu và nét nhạc nối.

Sơ đồ cấu trúc:

Mở đầu

Đoạn a

Nối

Đoạn b

 

Câu 1

câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

33n

4n + 4n

4n + 4n

4n

4n + 4n

4n + 4n + 4n

4n + 4n

 

Với bài hát này, giáo viên vẫn hướng dẫn học sinh lấy hơi theo tiết nhạc. Tuy nhiên, mỗi tiết nhạc có 4 nhịp và ở nhịp độ chậm nên yêu cầu kĩ năng nén giữ hơi cần được chú trọng.

 Các hình thức khác

Có thể nói, đối với Trần Hoàn, ca khúc được hình thành chủ yếu dựa trên cơ sở phát triển xúc cảm. Điều đó tạo nên sự phong phú trong cấu trúc ở các ca khúc của ông. Các tác phẩm có hình thức ba đoạn hay hai phần… cũng được tìm thấy nhiều trong những sáng tác của Trần Hoàn như: Sơn nữ ca, Tình ca mùa xuân,Những khúc ca vui (liên đoạn), Nếu em lên thăm sông Đà, Tìm em…

 

Ví dụ 3:                                         SƠN NỮ CA

                                                               (trích)

Trần Hoàn

 

Bài Sơn nữ ca có cấu trúc gồm hai phần A - B. Mỗi phần có hai đoạn nhạc. Các đoạn nhạc ở phần A được nhắc lại với sự thay đổi về lời ca. Đoạn hai của phần B sử dụng chất liệu đoạn hai của phần A. Các câu nhạc trong toàn bài có cấu trúc tiết nhạc với số ô nhịp như nhau tạo nên sự cân phương giữa các đoạn, phần.

Sơ đồ cấu trúc:

Phần A

Phần B

Đoạn a

Đoạn b

Đoạn c

Đoạn b’

câu 1

câu 2

Câu 3

câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 3’

Câu 4’

2n + 3n

2n + 3n

2n + 3n

2n + 3n

2n + 3n

2n + 3n

2n+ 3n

2n+ 3n

 
 
            1.2. Điệu thức

Điệu thức là một trong những yếu tố đóng vai trò tiền đề, làm cơ sở trong sáng tác âm nhạc nói chung và với ca khúc nói riêng. Trong ca khúc của Trần Hoàn, bên cạnh những tác phẩm được viết trên điệu thức 7 âm của âm nhạc phương Tây thì điệu thức 5 âm trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng được ông khai thác, sử dụng khá nhiều.

            Điệu thức 7 âm

Trần Hoàn có nhiều ca khúc được viết ở điệu thức 7 âm. Đó là những tác phẩm có phong cách hiện đại, gắn liền với các vũ điệu của châu Âu như tango, valse, boston... Có thể kể tên một số ca khúc tiêu biểu gồm: Sơn nữ ca, Tình ca mùa xuân, Tìm em, Tiếng gọi mùa xuân, Chỉ còn anh và em, Nhớ mùa thu Hà Nội, Một chiều xa anh, Chiều buồn...

Ví dụ 4:

SƠN NỮ CA

(trích)

Trần Hoàn

 

 

Bài hát được viết ở giọng rê trưởng (d-dur), nhịp 4/4, âm hình tiết tấu phù hợp với nhịp điệu của điệu tango. Ở các ô nhịp 26 và 31, ông còn sử dụng biến âm gis (bậc IV tăng nửa cung) tạo sức hút dẫn về âm bậc V (a1) Cùng với các thủ pháp sáng tác như mô tiến, mô phỏng… tư duy hòa thanh phương Tây được Trần Hoàn vận dụng vào rất nhiều ca khúc, thể hiện rõ hơn ở những ca khúc được ông viết cả phần bè như: Tình ca mùa xuân Em có nghe sông Đà

Kết hợp 7 âm với 5 âm

Bên cạnh một số ca khúc được ông sử dụng trọn vẹn điệu thức 5 âm, vẫn xuất hiện các ca khúc có sự đan xen, kết hợp với điệu thức 7 âm. Nhiều ca khúc với sự kết hợp điệu thức như thế đã trở nên quen thuộc với đông đảo người yêu âm nhạc trên cả nước như: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Mưa rơi, Thăm bến Nhà Rồng, Nắng tháng Ba, Về Đồng Lê, Tiếng đàn trên đường Chín, Nhớ Nhật Lệ, Lời Bác dặn trước lúc đi xa,

Ví dụ 5:

LỜI RU TRÊN NƯƠNG

(trích)

                                                               Nhạc: Trần Hoàn

                                                        Lời: Phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm

Ca khúc Lời ru trên nương được viết ở hình thức hai đoạn đơn. Đoạn a có 2 câu, sử dụng chủ yếu điệu thức của dân ca Tây Nguyên gồm 5 âm: a - c# - d - e - g#, có kết hợp với giọng la trưởng. Cuối câu 2 của đoạn b có li điệu sang giọng khác nhưng cũng là điệu thức của dân ca Tây Nguyên: e - g# - a - h - d#.

Phương thức sử dụng xen kẽ, kết hợp giữa hai loại điệu thức 7 âm và điệu thức 5 âm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam được tìm thấy trong khá nhiều ca khúc của Trần Hoàn. Ngay cả những bài rất đậm chất Nam Bộ như Thăm bến Nhà Rồng cũng được ông khéo léo sử dụng điệu thức 7 âm đan xen vào. Có thể nói, sự kết hợp điệu thức là một thế mạnh trong sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn.

Ví dụ 6:

THĂM BẾN NHÀ RỒNG

(trích)

                                                                                                Trần Hoàn

Ca khúc Thăm bến Nhà Rồng mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ. Điệu thức được Trần Hoàn sử dụng chủ yếu là kết hợp giữa điệu Oán 1 (g - b - c - d - e) và điệu Oán 2 (g - h - c - d - e). Đoạn b có sự kết hợp giọng sol thứ hòa thanh, xuất hiện nốt fis.

Ví dụ 7:

THĂM BẾN NHÀ RỒNG

(trích)

                                                                                                Trần Hoàn

Các nốt cảm âm tạo quãng nửa cung như thế vẫn thường gặp trong dân ca Nam Bộ, chẳng hạn như trong câu hò Bạc Liêu dưới đây.

Ví dụ 8:

HÒ BẠC LIÊU

(trích)

                                                                          Kí âm: Trần Kiết Tường

Chính sự đan xen điệu thức và vận dụng một cách tinh tế chất liệu dân ca đã làm cho các ca khúc của Trần Hoàn luôn tạo những điểm nhấn đặc biệt về khả năng biểu đạt cảm xúc.

Ca khúc Trần Hoàn có cấu trúc khá phong phú. Tùy thuộc vào nội dung chuyển tải mà ông chọn những hình thức âm nhạc phù hợp, từ hình thức một đoạn đơn, hai đoạn đơn, ba đoạn đơn và hình thức liên đoạn được xây dựng theo cấu trúc từng phần đều được ông sử dụng. Về điệu thức, Trần Hoàn sử dụng cả điệu thức 7 âm và điệu thức 5 âm. Đặc biệt, chất liệu âm nhạc dân gian được ông khai thác rất tinh tế, nhạy bén. Nghe toàn bộ các ca khúc của Trần Hoàn, chúng ta có thể gặp được âm hưởng của nhiều vùng miền, trong đó nổi bật lên vẫn là âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, Huế, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tất cả không chỉ có giá trị nghệ thuật cao về mặt âm nhạc mà còn thể hiện một tư duy văn học sắc bén, khúc chiết.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Hoàn (2001), Lời người ra đi - 111 Tình khúc, Nxb Hà Nội.
  2. Trần Hoàn (2005), Lời ru cho anh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Phạm Tú Hương (2005), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội - Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 1,2, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  6. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam - Truyền thống và hiện đại, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

---------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K8 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc