Tin tức – Sự kiện

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội đền Và, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội

26 Tháng Mười Hai 2018

Trần Đức Bảo [*]

Trong tâm thức của người dân, lễ hội là những hoạt động không thể thiếu được trong chu trình sản xuất, họ tổ chức lễ hội với mong muốn thỉnh cầu đức Thánh, các lực lượng siêu nhiên trợ giúp cho mưa thuận gió hoà, âm dương tương hợp, cầu cho sức khoẻ an lành, dân khang vật thịnh, một phần là để tạ ơn thánh thần - trời đất đã mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng cư dân nơi đây. Trong lễ hội, các trò chơi dân gian được tổ chức, mọi người đến đây cùng tham gia vào những trò chơi, giao tiếp tận hưởng những ân đức mà trời đất, thánh thần đã mang lại. Lễ hội đền Và diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 tháng Giêng đến 15 tháng Giêng Âm lịch hàng năm và cứ 3 năm lại tổ chức lễ hội lớn.

1. Giới thiệu về lễ hội đền Và

Trong lễ hội đền Và, có 8 làng cùng tham gia, bao gồm: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (Vĩnh Phúc). Như vậy, quy mô của lễ hội đền Và được xem là lễ hội liên làng (liên 2 xã là xã Viên Sơn và xã Vĩnh Phúc). Trong ngày đầu lễ hội được bắt đầu bằng lễ “tước thảo” (lễ cắt cỏ) và dọn dẹp vệ sinh; ngày 14 tháng Giêng làm lễ phong triều y (mặc áo, đội mũ) cho đức thánh ở trong Hậu cung, sau đó mới dựng cờ và mở cửa chính ở Nghi môn; ngày 15 tháng Giêng tổ chức lễ rước kiệu. Riêng đối với cộng đồng trong lễ hội đền Và, ngoài sự tham gia của cư dân sở tại của các làng (08 làng thuộc 02 xã) còn có khách du lịch về tham dự khá đông. Các gia đình trong xã đều có mâm lễ để dâng lên đức Thánh. Họ luôn thể hiện lòng biết ơn và cầu mong đức Thánh Tản phù hộ độ trì cho cá nhân và gia đình họ. Nhiều đoàn khách du lịch cũng thực hành tín ngưỡng tại di tích và dâng các đồ lễ rất đa dạng, phong phú.

Trong phần hội, có các trò chơi, trò diễn dân gian như đấu vật, đánh cờ người...

Ngoài ra, tại đền Và còn có lễ Rằm tháng Chín (Âm lịch) được diễn ra ở các thôn: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai cùng ra sông Tích để bắt cá về dâng lễ thánh. Như vậy, thông qua lễ hội tại đền Và giúp chúng ta nhận thấy: Lễ hội ngày nay về cơ bản đã đi theo đúng diễn trình của lễ hội xưa và còn bảo lưu được  những tục lệ lâu đời của người Việt cư trú ở vùng chân núi Ba Vì. Đây còn là nơi cố kết mọi người với nhau, cùng nhau tìm về nguồn cội tổ tiên, cội nguồn của văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc xứ Đoài.

2. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đền Và

Lễ hội đền Và trong lịch sử cũng như hiện nay được tổ chức với một tấm lòng thành kính của cộng đồng cư dân địa phương và khách thập phương. Trên thực tế, lễ hội chính được tổ chức vào mùa xuân theo quy định cứ ba năm tổ chức một lần chính hội, các năm tổ chức theo lễ hội thường niên.

Về phương diện tổ chức quản lý lễ hội có thể nhận thấy sự khác biệt giữa trước năm 2016 và sau năm 2016 khi lễ hội đền Và đã được nhà nước đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết 28 - NQ/TU ngày 29/5 năm 2008 của Ban thường vụ Thị ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chuẩn bị cho mùa lễ hội, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành kế hoạch về chỉ đạo, tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thị xã Sơn Tây, trong kế hoạch có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan đặc biệt là UBND các xã, phường, nơi có lễ hội diễn ra. Xác định rõ một trong những yêu cầu đầu tiên trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thị xã Sơn Tây nói chung và lễ hội đền Và nói riêng là phải đảm bảo trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tránh phô trương, hình thức. Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội đền Và đã tổ chức đúng quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước năm 2016, UBND phường Trung Hưng đã thực hiện hai nhiệm vụ cần thiết bao gồm: 1/ Ra quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội đền Và bao gồm các đại diện của lãnh đạo phường và thủ từ đền Và, đại diện các tổ chức chính trị xã hội đại diện cho người dân; 2/ Ban tổ chức sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đền Và với các chi tiết đầy đủ cho quy trình tổ chức lễ hội. Kế hoạch sẽ được báo cáo lên phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây được biết và cho ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay khi lễ hội đền Và được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, việc tổ chức lễ hội (vào năm chính hội) về phương diện quản lý đã có thay đổi so với trước. Để chuẩn bị cho lễ hội, UBND thị xã Sơn Tây đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo lễ hội đền Và, UBND phường Trung Hưng ra quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội đền Và, theo thông lệ Ban tổ chức sẽ lập kế hoạch và sẽ được ban chỉ đạo lễ hội của thị xã thông qua. Ban chỉ đạo và Ban tổ chức lễ hội đã phân công trách nhiệm cho các thành viên khá cụ thể, tổ chức và điều hành các hoạt động diễn ra trong lễ hội, xử lý các vi phạm và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cấp trên.

Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây là đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa có trách nhiệm giúp UBND phường Trung Hưng và Ban tổ chức lễ hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động của lễ hội thực hiện đúng quy định của nhà nước.

Khảo sát phân tích việc tổ chức và quản lý lễ hội đền Và từ năm 2016 tới nay đã được thực hiện tốt từ những hoạt động rất cụ thể như: 1/ Tuyên truyền quảng bá về lễ hội và giá trị của lễ hội đền Và đến với đông đảo quần chúng nhân dân và khách du lịch; 2/ Đảm bảo an ninh an toàn cho khách tham dự lễ hội. Nhìn chung trong nhiều năm qua mặc dù khách tham dự lễ hội ngày một tăng song Ban chỉ đạo và Ban tổ chức lễ hội đã luôn huy động được lực lượng an ninh để thực thi việc đảm bảo an toàn cho khách; 3/ Trong khi tổ chức lễ hội, các vấn đề dịch vụ như trông giữ xe ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống, các dịch vụ phục vụ cho lễ hội đã được chuẩn bị khá chu đáo. Cụ thể như vào những ngày bình thường có 30 quầy hàng phục vụ nhu cầu khách tham quan hay đi lễ. Trong những ngày lễ hội đã có thêm 10 quầy hàng bày bán thêm tại đây. Ngoài ra trong dịp lễ hội còn có các cá nhân đến dựng quầy bán hàng, đồ chơi ở khu đất sau đền, tổ chức khu vui chơi cho trẻ em; 4/ Trong những ngày tổ chức lễ hội, vấn đề vệ sinh môi trường luôn được quan tâm. Các thùng rác di động được đặt tại các địa điểm tập trung đông người, có đơn vị chuyên trách về vệ sinh môi trường; 5/ Tổ chức lễ hội đền Và đã kết hợp hiệu quả giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng sở tại. Cộng đồng đã được huy động tham gia vào các nghi thức, nghi lễ của lễ hội, vào các trò chơi, trò diễn trong lễ hội, tiêu biểu là nghi thức “đả ngư” ngày 15/9 (âm lịch) đều là do người dân của các thôn có liên quan tham gia rất tích cực đảm bảo thành công nghi lễ quan trọng để dâng lên Đức Thánh sản phẩm đặc biệt. Người dân tự nguyện đóng góp kinh phí cho tổ chức lễ hội, từ đó khẳng định vai trò của chủ thể văn hóa, là hạt nhân tích cực cho quy trình tổ chức lễ hội. Thông qua vai trò tổ chức, đóng góp, quản trị sẽ chuyển tải những thông điệp về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đánh giá về tổ chức lễ hội, anh Phùng Văn Hiền - cán bộ văn hóa phường Trung Hưng cho biết: “Về phương diện nhà nước, các cơ quan quản lý các cấp đã thực thi các quy trình thực hiện quản lý khá bài bản đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình. Về phương diện cộng đồng sở tại đã được huy động tối đa khả năng và tiềm năng của người dân trong tổ chức quản lý lễ hội”. Bà Nguyễn Thị Dung - cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây đã cho biết: “Nhìn chung việc quản lý lễ hội đền Và trong những năm gần đây đã diễn ra rất tốt. Cần và nên đề cao vai trò của cộng đồng trên mọi phương diện để lễ hội thành công, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của cộng đồng”.

Tài liệu tham khảo

  1. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (1999), Lễ hội cổ truyền Hà Tây, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Xuân Diên (2017), Tản Viên Sơn Thánh - Di tích và lễ hội đền Và, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  3. Phạm Thị Lan Anh (2003), Giá trị văn hóa nghệ thuật của đền Và trong hệ Tứ cung, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2015), Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 về Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.    
  5. Bùi Quang Thanh, Quản lý văn hóa và văn hóa quản lý đối với lễ hội cổ truyền ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, ngày 15/3/2016.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa