Nội san

Một số vấn đề về dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực

17 Tháng Giêng 2019

Phạm Thị Thu Hương [*]

       Ngày 26 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kí ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, đánh dấu bước thay đổi từ nền giáo dục theo định hướng truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Theo đó, dạy học Mỹ thuật cũng cần phải có những thay đổi cho phù hợp với xu thế mang tính tất yếu.

       Cách tiếp cận trong giáo dục từ định hướng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học phù hợp theo thực tiễn dạy học được chú trọng trong bối cảnh này, với mục đích giúp người học tích cực hoá về hoạt động trí tuệ, cũng như rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn.

1. Một số vấn đề về dạy học Mỹ thuật và đặc điểm của tiếp cận năng lực trong giáo dục trong bối cảnh hiện nay

       Đối với phương pháp dạy học Mỹ thuật theo chương trình hiện nay, không ít giáo viên chỉ hướng học sinh thực hành những kỹ năng theo các phân môn như: vẽ trang trí, vẽ tranh, vẽ theo mẫu là chủ yếu mà chưa chú ý nhiều đến việc giáo dục cho học sinh năng lực mĩ thuật, vì vậy mục tiêu của môn học Mỹ thuật chưa đạt được ở nhiều tiêu chí, thậm chí có hiện tượng học sinh càng lên bậc học cao không thích học mỹ thuật. Học sinh tiểu học là những chủ nhân của đất nước và bậc tiểu học được ví như là nền móng vững chắc để xây dựng một ngôi nhà tri thức. Môn Mỹ thuật ở bậc tiểu học góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển Đức - Trí - Thể - Mỹ nên rất cần người giáo viên dạy mỹ thuật có phương pháp dạy học phù hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

       Trước bối cảnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông vừa được ban hành cuối năm 2018 đã đưa ra những định hướng, tiêu chí cụ thể cho những thay đổi cần thiết này. Theo đó, tiếp cận năng lực xuất phát từ kết quả mong đợi dưới dạng các năng lực ở đầu ra, chứ không từ mục tiêu, kiến thức, thái độ, kỹ năng,… như trước đây. Do đó, năng lực theo cách tiếp cận này chú trọng đến tập hợp các kết quả học tập, rèn luyện của người học khi kết thúc chương trình học. Theo đó, để hình thành năng lực của người học thì cần phụ thuộc vào một số vấn đề sau:

       Thay đổi mục tiêu giáo dục: cần xác định mục tiêu cụ thể theo hướng định lượng như mô tả cụ thể kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người học cần đạt được sau khi kết thúc chương trình học. Đây sẽ là căn cứ để giáo viên và học sinh có thể hướng tới.

       Việc biên soạn nội dung: chương trình (dạy cái gì?) phải xác định được những kiến thức, các hình thức tổ chức hoạt động dạy và học (học thế nào?) nhất quán, cùng góp phần hướng tới những năng lực theo mục tiêu đã đề ra (kết quả mong đợi ở người học khi kết thúc chương trình phải đạt được).

       Xác định những năng lực đạt được trong quá trình học tập: gắn với những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình học cũng như áp dụng trong đời sống thực tế. Đồng thời những năng lực này phải giúp mỗi cá nhân làm chủ được những kỹ năng cơ bản trong việc hòa nhập tốt vào hoạt động học tập và lao động.

       Như vậy, với những đặc điểm về chuẩn năng lực đầu ra thì việc đánh giá năng lực của người học phải được thực hiện trong công việc thực tế hay khả năng giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đặt ra trong cuộc sống.

2. Mục tiêu hướng đến của dạy học mỹ thuật theo định hướng tiếp cận năng lực

       Việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đặt ra trong bối cảnh nội dung giáo dục theo định hướng trang bị kiến thức sang định hướng phát triển năng lực, hướng đến đáp ứng được khả năng thích ứng của mỗi cá nhân trong đời sống hiện thực, cũng như đủ tâm thế bước vào cuộc sống trong tương lai. Đây được xem là bước chuyển cần thiết trong giáo dục nhằm đáp ứng được sự vận động của đời sống kinh tế, xã hội có những thay đổi cả lượng và chất. Quá trình này có tính bước ngoặt bởi nó hướng đến yếu tố “căn bản và toàn diện” chứ không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về nội dung hay phương pháp một cách thuần túy. Điều này tác động đến cả hệ thống, từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên thực thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng được xu thế biến đổi chung của toàn xã hội, cũng như quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay.

       Qua khảo sát thực tế việc dạy học mỹ thuật theo các phương pháp đã áp dụng tại cơ sở giáo dục nhà trường cho thấy mỗi cách thức dạy Mỹ thuật dù được các chuyên gia nghiên cứu cẩn trọng đến mấy cũng có những mặt tích cực và hạn chế. Trong các phương pháp dạy học Mỹ thuật đã triển khai hiện nay đều sử dụng những phương pháp chuyên ngành (vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh, thưởng thức mỹ thuật, tạo dáng - nặn) và các phương pháp bổ trợ khác (phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp quan sát; phương pháp trực quan; phương pháp đàm thoại gợi mở; phương pháp luyện tập thực hành). Các phương pháp này đều xoay quanh việc truyền đạt ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác như hình, khối, màu sắc, bố cục, trang trí,... Tuy nhiên, việc vận dụng trong từng bài học theo những cách khác nhau nên đem lại kết quả khác nhau. Theo đó, không có một cách thức dạy học Mỹ thuật nào mang tính tối ưu về mọi mặt. Dạy Mỹ thuật theo chương trình hiện hành nặng về kiến thức và mục tiêu đề ra không phù hợp với lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, nhưng phù hợp với việc dạy ở diện rộng, với nhiều thành phần học sinh và lớp học có số lượng quá đông như hiện nay. Dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch thì đa dạng về hình thức, nội dung phong phú, tạo được sự hứng khởi của người học, khuyến khích sự sáng tạo và chấp nhận những hình thức biểu Mỹ thuật này cũng có những hạn chế nhất định về việc tổ chức trong thực tế, bài học diễn ra trong nhiều tuần, cũng như sự chuẩn bị cho mỗi bài học là cả một mối bận tâm đối với nhiều trường trong cả nước. Cách dạy này cũng không thể tổ chức trong một lớp học có số lượng học sinh 50 - 60 em như ở một số trường tiểu học tại thành phố lớn.

       Như vậy, dạy học Mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực cần được xem là một quá trình giáo dục được kiểm soát chặt chẽ, hình thức học tập đa dạng, phong phú, học sinh phải tự làm ra sản phẩm, cũng như có ý thức hợp tác để thực hiện các bài thực hành theo nhóm. Nội dung chương trình cần đi thẳng vào đối tượng của môn học là cảm xúc và các nhóm bài thực hành đều xoay quanh mục tiêu này theo nhiều hình thức thực hành khác nhau như: vẽ, xé - dán, đắp nổi, tạo khối, trình diễn, sắp đặt, thậm chí là kết hợp của nhiều dạng thức thực hành khác nhau. Việc kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học Mỹ thuật là điều phù hợp bởi mục đích của giáo dục chính là tạo nên năng lực của học sinh, thông qua từng môn học, ở môn học này là năng lực mỹ thuật, biểu hiện của năng lực thẩm mỹ trong lĩnh vực mỹ thuật. Do đó, mục tiêu hướng đến của dạy học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực cần hướng đến phải được thể hiện ở một số phương diện sau:

       Học sinh được trải nghiệm và trình bày hiểu biết của mình thông qua tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật.

       Học sinh chủ động tạo ra những sản phẩm mỹ thuật, cũng như hình thành thái độ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong nhóm.

       Học sinh biết cách biểu đạt ý kiến, ấn tượng và cảm giác của các bản thân trước một sản phẩm mỹ thuật, một tác phẩm mỹ thuật.

       Học sinh hiểu, phân tích và diễn giải các yếu tố cấu thành của mỹ thuật theo các mức độ khác nhau.

       Chính những kỹ năng này là điều cần và đủ để hình thành năng lực mỹ thuật cho học sinh, thể hiện ở các kĩ năng và hiểu biết sau:

       Nhận biết cái đẹp. Học sinh nhận biết được cái đẹp/cái xấu trong tự nhiên, đời sống xã hội và nghệ thuật; có cảm xúc và biết bày tỏ cảm xúc trước cái đẹp và cái chưa đẹp trong cuộc sống xung quanh.

       Phân tích, đánh giá cái đẹp. Học sinh mô tả được cái đẹp, biết so sánh, nhận xét về biểu hiện bên ngoài của cái đẹp, cái chưa đẹp với mức độ đơn giản.

       Tạo ra cái đẹp. Học sinh biết mô phỏng, tái hiện được vẻ đẹp quen thuộc bằng hình thức, công cụ, phương tiện, ngôn ngữ biểu đạt,… phù hợp, ở mức độ đơn giản; có ý tưởng sử dụng kết quả học tập/sáng tạo thẩm mỹ để làm tăng thêm vẻ đẹp cho cuộc sống hàng ngày của bản thân.

       Như vậy, từ lý luận đến thực tiễn của việc đổi mới việc dạy học Mỹ thuật trong nhà trường hiện nay, nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của Chương trình giáo dục phổ thông, áp dụng chính thức tại cơ sở giáo dục từ năm học 2020 - 2021, sẽ tập trung vào một số nội dung chính là:

       - Hình thức tổ chức.

       - Sự kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học như phương pháp dạy mỹ thuật cần hướng học sinh đa dạng trong cách giải quyết vấn đề; phương pháp dạy học Mỹ thuật theo tình huống; phương pháp dạy học định hướng hoạt động; phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.

       Do đó,  để việc dạy học Mỹ thuật theo hướng tiếp cận phát triển năng lực đạt hiệu quả rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành giáo dục, từ việc biên soạn sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, tập huấn giáo viên, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của giáo viên mỹ thuật, đó là cần chủ động hơn trong giờ dạy của mình, tăng cường tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, phát triển khả năng sáng tạo của học sinh.

Tài liệu tham khảo

  1. Laurie Schneider Adams (2006), Khám phá thế giới mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  2. Tuấn Nguyên Bình, Võ Quốc Thạch, Nguyễn Thị Ngọc Bích (2007), Mỹ thuật và phương pháp dạy học Mỹ thuật, Dự án phát triển giáo viên tiểu học - Bộ GD&ĐT, Hà Nội.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Dự án Việt - Bỉ (2010), Dạy và học tích cực – một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Mỹ thuật, ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K1 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật