Nội san

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

26 Tháng Hai 2019

Nguyễn Thị Oanh [*]

Gia Lộc là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh Hải Dương, hiện có 234 di tích lịch sử văn hóa. Một trong những di tích ấy không thể không kể đến là đền Quát - nơi thờ danh tướng Yết Kiêu. Ban Quản lý di tích đền Quát đã triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động như: công tác khảo sát, kiểm kê di tích và di vật; hoạt động trùng tu, tôn tạo... Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy vẫn còn một số hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu di tích. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di tích đền Quát.

1. Đối với các chủ thể quản lý (nhà nước, cộng đồng)

1.1. Nâng cao công tác lãnh đạo quản lý và cơ chế liên quan

UBND xã Yết Kiêu tiến hành rà soát, xây dựng các văn bản pháp lý về công tác quản lý di tích; xây dựng và ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Quát.

UBND huyện Gia Lộc thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đền Quát.

Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc phối hợp với UBND xã Yết Kiêu tổ chức lễ hội đền Quát với quy mô cấp huyện.

Gia Lộc là huyện mới tách ra từ huyện Tứ Lộc cũ nên đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về văn hóa còn thiếu và ít kinh nghiệm nên xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn.

1.2. Đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực

Thực tế cho thấy cán bộ văn hóa ở xã Yết Kiêu không ổn định,thường xuyên có sự thay đổi qua các kỳ bầu của Hội đồng nhân dân. Để công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đạt hiệu quả cao nhất thì phải quan tâm trước hết đến vấn đề lựa chọn những người trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ di tích đền Quát. Tổ quản lý, bảo vệ đền Quát là hội viên Hội người cao tuổi, được dân làng tín nhiệm bầu ra, sự hiểu biết về di tích còn hạn chế, mà chỉ tâm huyết với di tích nên cần xây dựng đội ngũ thuyết minh viên tại di tích để khai thác phục vụ du khách khi đến tham quan di tích.

Cần có chính sách để thu hút, ưu tiên con em địa phương, nhất là con em của Yết Kiêu được đào tạo đúng chuyên ngành quản lý di tích về làm tại địa phương.

1.3. Nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư

Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh… triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di tích đền Quát.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc triển khai đến Ban giám hiệu các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện đăng ký với Ban quản lý di tích, tổ chức cho các em học sinh tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh. Hàng năm tổ chức cho các em học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử văn hóa đền Quát làm phong phú sinh động bài học trên lớp và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương.

Huyện đoàn Gia Lộc triển khai đến các Đoàn thanh niên các xã, thị trấn trong huyện đăng ký đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại đền Quát.

2. Về tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích

2.1. Xây dựng hình thức và nội dung tuyên truyền, quảng bá thiết thực

Tăng cường tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành trung ương về công tác bảo vệ, tu bổ và phục hồi di tích.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân bảo vệ di tích như thiết kế tờ rơi, tập gấp; làm các tấm biển quảng cáo lớn tuyên truyền tại trung tâm huyện Gia Lộc, đoạn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lối rẽ vào huyện Gia Lộc để vừa giới thiệu, vừa tôn vinh giá trị di tích đền Quát.

Xây dựng trang Website về đền Quát nhằm giới thiệu cho đông đảo nhân dân cả nước biết về đền Quát - nơi thờ danh tướng Yết Kiêu với những giá trị to lớn và con người Gia Lộc thân thiện, mến khách. Đài truyền thanh huyện Gia Lộc thường xuyên tuyên truyền về di tích đền Quát, đặc biệt là trong dịp lễ hội.

2.2. Xây dựng cơ sở vật chất để tăng hiệu quả tuyên truyền

Cơ sở vật chất của đền Quát đến nay tương đối khang trang nhưng vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của nhà nước để di tích ngày một đẹp hơn trong con mắt nhân dân và du khách thập phương.

Cải tạo, nâng cấp các trục đường dẫn vào di tích, giúp cho việc tham quan của nhân dân và du khách thập phương được thuận tiện.

Đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điện ngoài trời theo kiểu đèn lồng truyền thống. Thiết kế những cột chìm dưới đất để đèn có thể phát sáng xung quanh.

Ban quản lý lắp đặt các cụm loa ngầm trong khu di tích.

Khu vực bãi bơi trước cửa đền Quát phải thường xuyên được khơi thông dòng chảy, hiện tại mới chỉ có một bên phía đền được kè đá, còn bên phía đồng triều vẫn là bờ đất nên UBND huyện Gia Lộc sớm có kế hoạch kè đá nốt để lòng sông luôn rộng, giữ cho nguồn nước trong lành và đảm bảo hoạt động đua thuyền chải diễn ra trong mùa lễ hội. Quy hoạch khu vực cánh triều bên sông thành khu sinh thái như: hồ thả cá, khu nghỉ của khách. Mặt khác, vẫn để dòng sông mộc mạc nguyên sơ, người dân vẫn đánh bắt cá trên sông.

2.3. Về xã hội hoá hoạt động quản lý di tích

Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Có hình thức khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Nâng tầm tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, các lễ hội văn hóa truyền thống cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn trên địa bàn thành các sự kiện văn hóa du lịch để thu hút khách tham quan du lịch đến địa bàn.

Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh buôn bán trong khu vực đền Quát.

2.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và khen thưởng

Công tác này cần phải có sự phối hợp và vào cuộc của các ban ngành chức năng có liên quan như công an, Ban Tổ chức lễ hội, đội quản lý thị trường, y tế, phòng Văn hóa - Thông tin. Công tác thanh tra phải được tiến hành thường xuyên và liên tục dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn: một số nhà dân làm dịch vụ trông giữ xe tại lễ hội đền Quát lấy giá cao gấp đôi so với ban tổ chức. Hay hiện nay một số hộ xung quanh khu vực di tích có trồng rau trong khuôn viên của đền Quát, gieo mạ bên trong sân văn chỉ, phơi thóc tại sân di tích trong ngày mùa…

Song song với công tác thanh tra, kiểm tra thì công tác thi đua khen
thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý di tích cần được làm thường xuyên. UBND huyện Gia Lộc hỗ trợ thêm mức thưởng cho các hoạt động trong lễ hội, vì đầu tư cho lễ hội là đầu tư cho di tích.

2.5. Gắn quản lý di tích với phát triển du lịch địa phương

Đền Quát là ngôi đền có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa tiêu biểu cho quê hương xứ Đông. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử Đền Quát vẫn giữ nguyên được những giá trị lịch sử của nó. Những giá trị ấy không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch ở huyện Gia Lộc nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Để khai thác tốt các tiềm năng du lịch này cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và nhân dân địa phương.

Tập trung nâng cao chất lượng tour du lịch trong tỉnh Hải Dương với các điểm tham quan tiêu biểu của huyện như: làng nghề giày da (xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc), Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện), đền Tranh (thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang) kết nối với các di tích, điểm tham quan trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch làng nghề...

Kết luận

Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng về công tác tổ chức và quản lý  di tích lịch sử văn hóa đền Quát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần được khắc phục. Những  giải pháp cụ thể về các mặt nhằm phát huy giá trị di tích đã góp phần giảm đi những mặt còn hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đền Quát. Đồng thời, những giải pháp đó sẽ góp phần vào việc phát huy các giá trị của di tích này trong thời gian tới.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban quản lý di tích đền Quát (2018), Báo cáo công tác tổ chức lễ hội đền Quát mùa thu năm 2018, Tài liệu lưu hành nội bộ UBND xã.
  2. Phạm Văn Nhất (2012), Nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội đền Quát, tỉnh Hải Dương, khóa luận tốt nghiệp đại học, thư viện trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  3. Phòng VHTT huyện Gia Lộc (2017), Báo cáo công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện Gia Lộc, Tài liệu lưu hành nội bộ phòng VHTT.
  4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương (2005), Phát triển Du lịch bền vững ở Hải Dương.Tài liệu lưu hành nội bộ Sở VHTTDL.
  5. UBND tỉnh Hải Dương (2003), Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 08/02/2003 về việc phê duyệt Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Quát, Tài liệu lưu hành UBND xã.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa