Tin tức

Cô gái H’MÔNG vượt khó của NUAE

10 Tháng Tư 2019

                                                                                     TS. Đào Thị Thúy Anh

Cứ Thị Sư là người dân tộc H’Mông  sinh ngày 16/2/1995 ở Thông Giàng - La Pán xã Bản Mù huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình 15 anh chị em, là người con duy nhất được bố mẹ cho đi học nhưng chưa kịp học xong lớp 5 do hoàn cảnh gia đình nên bố mẹ buộc phải để em phải bỏ học vì không có tiền để đóng học phí.

Căn nhà đơn sơ của Cứ Thị Sư ở Thông Giàng - La Pán xã Bản Mù

Khi không còn được đến trường, trở về nhà một thời gian và may mắn có một nhóm từ thiện lên quê hương vùng cao giúp đỡ người nghèo, lúc đó Sư đã kể về mong muốn của mình cho cô trưởng nhóm tên Nguyễn Thị Ly. Cô đã xin phép bố mẹ cho Sư đi theo về thành phố Bắc Ninh. Xuống với cô Ly thời gian đầu em phụ trồng rau, gom đồ giúp người nghèo. Rồi tối đến, em được con của cô Ly dạy học. Khoảng hơn một năm, cô Ly nhận thấy bé gái H’Mông Cứ Thị Sư rất thông minh và tiếp thu bài học khá tốt nên đã xin cho em được đi học. Từ đó sáng đi học về chiều tối lại trồng rau, bán rau thêm cùng cô phụ vào số tiền đóng học phí cho mình. Lên lớp 9, em trở thành thiếu nữ xinh xắn. Cứ Thị Sư được cô Ly cho về quê thăm gia đình, niềm vui chưa được là bao thì nỗi buồn đã ập đến khi bố mẹ đã không cho em quay trở lại Bắc Ninh mà bắt em phải lấy chồng trong lần trở về quê này.

Những lời tâm sự nhẹ nhàng và thủ thỉ như tiếng núi rừng của Cứ Thị Sư làm tôi bị cuốn theo câu chuyện như một thước phim đầy tình tiết ly kỳ với nút thắt nút mở; Thật khâm phục ý chí quyết tâm của em vượt lên những hủ tục của bản làng, em cưỡng lại việc tảo hôn để tiếp tục được đi học. Tự mình trở lại Bắc Ninh em tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để quên đi những chuyện buồn nơi quê nhà. Với năng khiếu thiên bẩm, Cứ Thị Sư đã đạt một số giải về nghệ thuật do nhà trường và Tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Nhưng từ trong giấc mơ chưa bao giờ em dám nghĩ đến chuyện thi và học tại trường Nghệ thuật. Cứ Thị Sư tường thuật lại câu chuyện với giọng điệu đượm buồn nhưng khuôn mặt em bỗng bừng sáng khi Sư kể về việc cô chủ nhiệm gặp em khuyên em thi đại học. May mắn đã mỉm cười khi Sư được thầy cô bạn bè ủng hộ về tinh thần giúp em tìm được trường ĐHSP Nghệ tuật TW. Nói đến ngôi trường Nghệ thuật trong mơ em đã hào hứng kể việc đến với khoa Sư phạm Mỹ thuật cũng thật tình cờ, mặc dù trong sâu thẳm lòng mình em rất thích thời trang, vì ở quê hương Thông Giàng - La Pán em đã từng được tự tay dệt và khâu được nhiều cái váy truyền thống xinh đẹp mà có khi thế hệ trẻ H’Mông bây giờ nhiều người không để ý việc thêu, dệt, may mặc.

Cứ Thị Sư (người ngồi hàng trước)

Cùng mẹ và hai em trong những chiếc váy do em tự khâu

Và những lúc Cứ Thi Sư phụ giúp gia đình

Thầy Quang, người thầy đầu tiên dạy em luyện vẽ ở Thị trấn Thị Cầu, Bắc Ninh giúp cho em từ lúc em chưa biết tới trường ĐHSP Nghệ thuật TW-  ngôi trường Nghệ thuật đã đào tạo hàng ngàn lượt giáo viên nghệ thuật. Chính thầy đã hướng cho em vào khoa Sư phạm Mỹ thuật khi biết năng khiếu và hoàn cảnh của em. Bởi khi được học ở khoa Sư phạm Mỹ thuật của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, em sẽ được miễn đóng học phí và  có cơ hội được học bổng. Khi tốt nghiệp Cứ Thị Sư có cơ hội trở thành giáo viên dạy mỹ thuật về dạy lại cho chính những em bé vùng cao có hoàn cảnh như  mình.

Tháng 7- mùa thi đại học cũng đến… Cứ Thị Sư kể về cái ngày đấy với đôi mắt buồn xa xăm… mắt em rưng rưng lệ như chuyện vừa mới đây thôi. Bởi lúc đó các bạn được bố mẹ đưa đón động viên thi đại học còn mình em lủi thủi tự đến trường thi. Hạnh phúc đã mỉm cười với Cứ Thị Sư – với nét vẽ tài hoa, em đã được Hội đồng tuyển sinh ghi nhận và gửi giấy báo trúng tuyển. Đó có thể nói là ngày vui nhất của em, rồi niềm vui vỡ òa chưa trọn vẹn thì nỗi sợ hãi buồn tủi lại ùa về vì biết lấy đâu ra tiền để đi học? cũng không thể dựa dẫm vào ai khi không được sự ủng hộ từ gia đình?…

Bốn năm học với bao khó khăn, vất vả có cả tủi hờn nhưng vượt lên tất cả là sự quyết tâm của cô học trò nhỏ Cứ Thị Sư, mọi sinh hoạt phí Sư đều phụ thuộc vào việc làm thêm như: trông trẻ, gia sư, phụ giúp hàng quán…Với sự chăm chỉ của mình, không những Sư có tiền để trang trải học tập mà em còn chắt bóp dành dụm được chút tiền gửi về giúp bố mẹ lo cho các em ở quê.

Cứ Thị Sư tâm sự: “ Trong thời gian học ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, các thầy cô tốt lắm. Các thầy cô đều truyền đạt cho em những kiến thức bổ ích, rất hay mà từ bé tới chưa từng được đón nhận. Em thích nhất cách dạy của thầy Nguyễn Quang Hải, cô Nguyễn Thị May, cô Lưu Hồng Điểm, Vũ Kim Vân... môn Phương pháp của cô Trần Thị Vân, đặc biệt môn hoạt động Mỹ thuật ngoài giờ lên lớp của cô Đào Thị Thúy Anh, đã làm chúng em hiểu nhiều hơn về vai trò của Mỹ thuật cũng như vai trò của mình trong hoạt động Mỹ thuật ở trường phổ thông…”

Năm học thứ 3, Sư xin đi trợ giảng ở trung tâm Sky Art cùng bạn. Đến nay em là sinh viên năm cuối, em luôn hoàn thành tốt các học phần của chương trình đại học và vẫn bố trí thời gian đi dạy, thời gian hoàn thiện tranh sáng tác, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp để đón nhận khởi đầu mới của cô giáo trẻ người vùng cao trong tương lai gần.

Được dạy em, được biết đến em với những tâm sự đời tư, tôi yêu quý em hơn, cô trò nhỏ của chúng tôi với vẻ ngoài dịu dàng song đầy quyết tâm, tự tin và không kém phần duyên dáng. Chúc em luôn tự tin vững bước trên đường đời và con đường em đã lựa chọn về nghề giáo. NUAE luôn tự hào với bề dày lịch sử đào tạo người làm nghề sư phạm nghệ thuật. NUAE luôn là cái nôi nuôi dưỡng tài năng và nuôi dưỡng đạo đức người thầy mọi thế hệ.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW dự kiến tuyển 200 chỉ tiêu cử nhân Đại học Sư phạm Mỹ thuật  trong đó thí sinh sẽ tham gia xét tuyển môn văn hóa và thi tuyển môn năng khiếu. Đối với thí sinh theo học cử nhân Sư phạm mỹ thuật hoặc Sư phạm mỹ thuật mầm non sẽ thi môn hình họa (vẽ  tượng chân dung) và môn vẽ màu.

 

Một số hình ảnh của Cứ Thị Sư trong thời gian học tập tại NUAE

Cô giáo Cứ Thị Sư bên học sinh tại trung tâm SkyArt

Trang trí gian hàng Hội chợ quê  (Cứ Thị Sư và các bạn)

Cứ Thị Sư  chững chạc bên học sinh trong kỳ thực tập sư phạm