Nội san

PHƯƠNG PHÁP DẠY NGHE NHẠC CHO TRẺ 5-6 TUỔI Ở TRƯỜNG MẪU GIÁO

03 Tháng Năm 2019

Trần Thị Duy Bình[*]

          Cảm thụ âm nhạc là phương pháp cho trẻ tập làm quen, tiếp cận với âm nhạc thông qua các hoạt động như nghe nhạc, ca hát, các trò chơi, vận động theo nhạc, chia sẻ cảm xúc, kể chuyện... về âm nhạc. Các hoạt động này sẽ được kết hợp phù hợp với khả năng tập trung ngắn ở trẻ làm trẻ luôn cảm thấy thích thú, hào hứng sau đó trẻ sẽ tiến dần đến sự yêu thích, say mê với âm nhạc.

         Dạy nghe nhạc cho trẻ ở trường mầm non là một trong những nội dung dạy học rất quan trọng và mang đến hiệu quả đặc biệt trong phát triển cảm thụ âm nhạc. Hiệu quả của việc dạy nghe nhạc cho trẻ như thế nào là phụ thuộc vào nhiều yếu tố, năng lực - tai nghe nhạc, hứng thú nghe nhạc của trẻ, việc tổ chức dạy học của giáo viên... mà ở đó vai trò của người giáo viên với những phương pháp dạy học phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của dạy học nghe nhạc cho trẻ.

         Để tổ chức dạy học thành công một nội dung âm nhạc nào đó, người giáo viên cần phải vận dụng tốt phương pháp dạy học. Song đối với dạy nghe nhạc cho trẻ 5-6 tuổi, theo chúng tôi có 3 vấn đề cốt lõi thuộc về phương pháp cần chú ý khi tổ chức dạy học: một là việc chọn bài/bản nhạc; hai là việc vận dụng phương pháp, phương tiện; ba là việc tiến hành các bước cho trẻ nghe nhạc.

1. Lựa chọn bài hát/bản nhạc cho trẻ nghe như thế nào?

         Trong dạy học âm nhạc, đối với dạy nghe nhạc, cảm thụ âm nhạc hiệu quả của nó phụ thuộc nhiều vào việc chọn bài để dạy, bởi lẽ, trẻ nghe nhạc không chỉ là nghe âm thanh, nhịp điệu mà quan trọng hơn là những âm thanh nhịp điệu ấy đến được với trẻ phải được khúc xạ qua lăng kính tâm hồn, xúc cảm của trẻ. Nói một cách đơn giản là trẻ sẽ khó mà bị lôi cuốn và tác động bởi một bản nhạc không phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

         Trẻ 5-6 tuổi đã có thể cảm nhận nhịp điệu, tiết tấu dễ dàng hơn so với độ tuổi khác. Sự tò mò ham hiểu biết, tính hình tượng và sáng tạo là đặc điểm nổi bật. Những thuộc tính cụ thể và sinh động màu sắc, âm thanh…tác động mạnh đến giác quan và tâm trí trẻ, trẻ đang dần phát triển đầy đủ về trí não, thích tưởng tượng, sáng tạo khi học các môn về nghệ thuật. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể nhìn được mặt chữ một ít, nên rất thích đánh vần, thích thể hiện mình biết đọc chữ, biết hát, trẻ nhắc lại được giai điệu của bài hát, cô hát, trẻ nghe từng câu và nghe trọn vẹn bài. Trẻ 5 - 6 tuổi khả năng tập trung chú ý, khả năng cảm nhận âm nhạc cao hơn so với độ tuổi trước đó, trẻ xác định được tính chất của âm nhạc. Do vậy chọn bài cho trẻ nghe cần chú ý sao cho phát huy năng lực tư duy của trẻ để phát triển cản thụ âm nhạc không chỉ là về tiết tấu, nhịp điệu mà còn là khơi gợi và bồi dưỡng những tình cảm, xúc cảm thẩm mỹ đẹp, lành mạnh từ âm nhạc để bồi dưỡng tâm hồn trẻ. Lúc này hoạt động nghe nhạc không đơn thuần chỉ là hoạt động học nhạc mà còn là hoạt động giáo dục bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

         Như vậy, chọn bài phải chú ý các bài hát/ bản nhạc được lựa chọn cần có sự phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sao cho gắn bó với môi trường sống của trẻ để trẻ có đủ năng lực và kiến thức để nghe và cảm thụ âm nhạc tốt nhất.

2. Vận dụng phối hợp phương pháp, phương tiện dạy học như thế nào trong dạy nghe nhạc cho trẻ?

         Nếu chọn bài được coi là thao tác quan trọng đầu tiên - trả lời câu hỏi: cho trẻ nghe cái gì (nghe bài gì)?, để dạy cái gì (cảm thụ và giáo dục điều gì từ bài hát, bản nhạc)? thì thao tác quan trọng tiếp theo là xử lý phương pháp và phương tiện dạy học phù hợp trong dạy trẻ nghe nhạc.

         Mặc dù trẻ 5- 6 tuổi đã có sự phát triển tai nghe đáng kể song thực tế, khả năng tập trung của trẻ còn ngắn (khả năng tập trung của trẻ là 2-3 phút, tối đa là 4-5 phút). Nếu chỉ cho trẻ ngồi nghe nhạc, sẽ ít hiệu quả hơn khi kết hợp thêm hoạt động vận động theo nhạc. Dạy hát, trò chơi âm nhạc...nghe nhạc chủ yếu là tạo bầu khí thoải mái, tự nhiên, giúp trẻ trải nghiệm, cảm nhận âm nhạc.

         Phương pháp nghe nhạc có hiệu quả là nghe nhạc đúng cách sẽ phát triển tai nghe, khả năng tư duy, khả năng thể hiện, khả năng cảm thụ âm nhạc, khi nghe nhạc cần kết hợp cho trẻ xem hình ảnh với vận động, vui chơi. Giáo viên có thể vừa đàn vừa kết hợp với hát, trẻ sẽ hấp dẫn và thích thú hơn. Khi giáo viên trình bày tác phẩm âm nhạc mà không gây ấn tượng thì trẻ mau quên. Trước khi giới thiệu tác phẩm cho trẻ, cần gợi mở cho trẻ hiểu để trẻ hứng thú tham gia. Hoạt động nghe nhạc giúp trẻ cảm thụ được cái hay, cái đẹp tính chất vui, buồn, âm thanh cao thấp, giai điệu lên, xuống… giúp trẻ biết nhận xét và lựa chọn động tác vận động phù hợp và thực hành âm nhạc tốt hơn. Giáo viên nên tạo điều kiện cho trẻ vận động sau khi cho trẻ nghe nhạc và cần đặt câu hỏi gợi mở giúp trẻ khắc sâu ấn tượng về tính chất bài nghe nhạc, giúp trẻ cảm thụ bài trẻ được nghe, nghe độc tấu, xem video…Giáo viên nên thay đổi các hình thức cho trẻ nghe nhạc, cho trẻ xem tranh ảnh, trang phục, phương thức biểu diễn, giúp trẻ yêu thích giai điệu, lời ca, tiết tấu, để trẻ cảm thụ âm nhạc.

         Do tâm lý trẻ không tập trung nghe nhạc được lâu nên giáo viên cần phải luôn linh hoạt trong dạy học sao cho thích hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian nghe, khả năng tập trung của trẻ, nội dung, phương pháp, cách tổ chức cho trẻ nghe nhạc, có sự chuẩn bị chọn lựa bài cho trẻ nghe, kiến thức về âm nhạc và các phương tiện hổ trợ như nhạc cụ, máy chiếu, băng đĩa, hình ảnh sinh động, để trẻ xem hình ảnh trẻ sẽ nhớ và cảm thụ âm nhạc tốt hơn. Sử dụng đàn cho trẻ nghe và cần có những câu hỏi gợi mở để trẻ nói lên sự cảm nhận của mình, trong giờ nghe nhạc quan trọng là cho trẻ cảm nhận âm nhạc, trẻ nghe và kết hợp với vận động, nghiêng sang trái, sang phải...các vận động luôn được thay đổi phù hợp với trẻ. Trong lúc nghe nhạc nên hướng dẫn để trẻ nhận thấy giai điệu đang đi lên hoặc xuống, cho trẻ phân biệt so sánh, giúp trẻ tư duy hay cảm thụ, sáng tạo, làm cho giờ nghe nhạc trở nên hấp dẫn theo hướng học mà chơi, chơi mà học.

3. Tiến hành các bước cho trẻ nghe nhạc như thế nào?

         Tiến hành cho trẻ nghe nhạc là bước quan trọng nhất để hiện thực hóa những nội dung dạy học nghe nhạc cho trẻ sau khi giáo viên đã thực hiện tốt việc chọn bài và lựa chọn phương pháp, phương tiện.

         Việc hiện thực hóa các bước hướng dẫn trẻ nghe nhạc cần được tiến hành theo trình tự sau đây:

         Bước 1 (giới thiệu bài hát): Giáo viên giới thiệu cho trẻ nội dung bài nhạc đàn và nhạc hát, kết hợp với tranh ảnh trên máy chiếu sinh động để dẫn dắt trẻ đến với bài nghe nhạc, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi trên nhạc nền.

Bước 2 (cho trẻ nghe nhạc): Lần 1 giáo viên giới thiệu toàn bộ tác phẩm cách diễn cảm, cho trẻ nghe từ những bài dễ đến khó, giải nghĩa nội dung, tính chất của bài nghe nhạc giúp trẻ nhạc cảm thụ âm nhạc. Lần 2 giáo viên mặc trang phục phù hợp với bài nghe nhạc và múa phụ họa giúp trẻ chú ý lâu hơn, giáo viên gợi ý cho trẻ nhận xét về giai điệu đang đi lên hay đi xuống, tính chất vui, buồn, nhịp điệu nhanh chậm và xem cô múa như thế nào. Từ đó giáo viên tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho trẻ cảm thụ âm nhạc.

         Bước 3 (củng cố ấn tượng, ghi nhớ tác phẩm): Giáo viên mở máy chiếu hay video cho trẻ xem các em thiếu nhi múa trẻ sẽ ấn tượng, trẻ sẽ hưởng ứng theo hóa trang vào nhân vật giúp trẻ tập trung và cảm thụ tốt hơn.

 Ví dụ: cho trẻ nghe bài Ru Con chủ đề Gia đình theo các bước:

         Bước 1: Giáo viên cho trẻ chơi ghép tranh gia đình, giáo viên chia 2 đội, giáo viên chuẩn bị 2 giỏ tranh rời, từng trẻ chọn một mảnh sắp xếp thành bức tranh hoàn thiện, mỗi đội 4 trẻ, kết thúc bản nhạc đội nào nhanh sẽ thắng.

         Bước 2: Giáo viên cho trẻ nghe nhạc gợi ý trẻ nhận xét, cảm nhận của trẻ, giáo viên nói về nội dung bài nghe nhạc cho trẻ hiểu tình cảm của mẹ dành cho con. Lần 2 giáo viên thay trang phục múa cho trẻ xem, trẻ nhận xét, cảm nhận, hưởng ứng.

         Bước 3: Củng cố bài hát

        Để đạt hiệu quả trong tiết nghe nhạc, giáo viên cần phải hiểu được tính chất, sắc thái, giai điệu, lời ca, học thuộc bài hát nhuần nhuyễn, thể hiện động tác phù hợp, biết phối hợp với nhạc cụ, nắm được đặc điểm của từng nhóm trẻ và yêu cầu của tiết học. Mục đích của nghe nhạc là giúp trẻ phát triển tai nghe, hiểu tính chất âm nhạc, thích ứng với các hoạt động âm nhạc, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc. Trên cơ sở đó trẻ thể hiện lại việc nghe nhạc càng chính xác hơn.

        Nghe nhạc đúng cách giúp trẻ phát triển tư duy, trí nhớ và khả năng cảm thụ của trẻ. Trẻ sẽ thuộc và nhớ nhiều bài hát hơn khi được nghe nhạc thường ngày. Tuy nhiên giáo viên phải làm thế nào giúp trẻ nghe một cách hứng thú, lâu dài là cần thiết. Để đạt được tất cả các mục đích này trong dạy học nghe nhạc không phải dễ và cần một quá trình tác động thường xuyên, bài bản bằng các phương pháp linh hoạt với từng đối tượng trẻ bởi “Nghe nhạc trong giáo dục âm nhạc cho trẻ nói chung là một quá trình phức tạp, có định hướng mục đích sư phạm và liên tục” [3, tr.111].

 

                                                Tài liệu tham khảo

  1. Lê Tuấn Đức (2006), Một số biện pháp hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ 5 - 6 tuổi, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
  2. Phạm Thị Hòa (2012), Giáo trình tổ chức hoạt động Âm nhạc cho trẻ Mầm non, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí, Trần Nguyên Hoàn (1996), Âm nhạc và phương pháp giáo dục Âm nhạc tập 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
  4. Ngô Thị Nam (2008), Phương pháp dạy học âm nhạc cho trẻ trước tuổi học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K9 -  Chuyên ngành LL&PPHD Âm nhạc