Nội san

DẠY HỌC MÔN ĐỌC- GHI NHẠC CHO SINH VIÊN CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG KON TUM

09 Tháng Năm 2019

Trần Kim Trọng Nghĩa [*]

Ký- xướng âm (Đọc- Ghi nhạc) là học phần trang bị cho người học hiểu, nắm vững hệ thống ký hiệu ngôn ngữ dành cho âm nhạc, diễn tả qua 5 dòng kẻ chính (và những dòng kẻ phụ) cùng nốt nhạc. Sự khác biệt giữa người học với không học âm nhạc thông qua cách đọc lưu loát, chính xác các nốt nhạc ghi trong bản nhạc. Đây là yếu tố cốt lõi của nội dung môn Đọc- Ghi nhạc.

Dạy và học Đọc- Ghi nhạc là một quá trình mang tính đặc thù, chuyên biệt, ghi nhạc giúp người học chuyển đổi từ trạng thái nghe âm nhạc vang lên sau đó viết thành nốt nhạc trên 5 dòng kẻ, đảm bảo sự chính xác, đúng sắc thái, cao độ, trường độ, cường độ... ngoài ra có thể phân biệt được từng loại nhạc cụ diễn tấu, giọng hát (đơn ca, tốp ca, hợp ca...). Với người học âm nhạc chuyên nghiệp, môn Đọc- Ghi nhạc (Ký- Xướng âm) được rèn luyện từ những năm đầu tiên hệ trung cấp dài hạn, kéo dài tới trình độ đại học (kết thúc ở năm thứ 2). Đây là quá trình học tập lâu dài, gian khổ với nhiều mức độ từ dễ đến khó. Như vậy, Đọc- Ghi nhạc là điều kiện tiên quyết, cơ bản trang bị cho người học hiểu, cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, nội dung âm nhạc được trình bày trong những bản phổ khác nhau.

Tại Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum, các giáo viên (GV) luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên (SV) đạt mục đích cao nhất của môn học. Theo tôi cần bổ sung 3 vấn đề sau:

1. Tích hợp, bổ sung làn điệu dân ca Tây Nguyên

Là tỉnh hiện nay có có 25 tộc người cùng sinh sống lâu đời, Kon Tum trở thành miền đất gìn giữ, bảo lưu nhiều làn điệu dân ca đặc sắc của người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ- Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu, Rơ Măm... Với môn Đọc- Ghi nhạc trong chương trình âm nhạc trình độ CĐSP Âm nhạc, ý tưởng tích hợp, bổ sung các làn điệu Tây Nguyên vào dạy học là yêu cầu thực tế, đáp ứng mục tiêu sau:

- SV tiếp cận nhiều làn điệu dân ca tộc người, tăng cường hiểu biết và sử dụng vào dạy học âm nhạc phổ thông sau khi ra trường. Đây là phương pháp bảo tồn giá trị dân ca hiệu quả trong đời sống xã hội hiện đại. Đồng thời nâng cao nhận thức SV về giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam.

- Đưa làn điệu dân ca Tây Nguyên vào xướng âm tạo cho SV hứng thú học tập hơn khi cảm nhận dân ca Tây Nguyên có vị trí xứng đáng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Ví dụ 1: Ơ mêm leh yang/Tiếc quá trời ơi (dân ca Ba Na) (trích)

Việc tích hợp, bổ sung làn điệu dân ca Tây Nguyên trong dạy học Đọc- Ghi nhạc là yếu tố mới. Trong quá trình lên lớp, các GV đã sưu tầm, biên soạn một số làn điệu giúp SV tăng cường cảm thụ âm nhạc, học tập hào hứng, nhanh hơn.

2. Sử dụng, luyện tập một số thang âm Tây Nguyên

Quá trình dạy học Đọc- Ghi nhạc, các loại giọng luôn được GV trình bày ngay đầu giờ lên lớp. Đây là quy trình giúp SV luyện tập, đọc nhiều lần để ổn định bậc âm trong điệu thức diatonic (7 âm). Khi xuất hiện một số làn điệu dân ca Việt Nam, những thói quen đọc gam, hợp âm rải dễ bị lạc điệu do khác biệt giữa điệu thức 7 âm và 5 âm. Xướng âm làn điệu dân ca Tây Nguyên cần đến sự hiểu biết số lượng, chất lượng, quãng các thang âm đặc thù của Tây Nguyên.

- Thang âm Giẻ- Triêng: là thang âm được nhiều nhạc sĩ sử dụng trong sáng tác về Tây Nguyên. Các bậc âm trong thang âm chuyển động như 1 giai điệu, khi giới thiệu, SV tỏ ra hứng thú và tiếp thu nhanh.

Ví dụ 2: thang âm Giẻ- Triêng

Các bậc âm từ dưới lên trên khi SV đọc trôi chảy, lưu loát. Nhưng chuyển thành các dạng bài luyện tập, tăng độ phức tạp với sự thay đổi vị trí âm kết hợp tiết tấu tạo thành những âm hình khác nhau, trở thành bài luyện tập bổ ích, giúp SV nhiều cảm nhận mới trong môn Đọc- Ghi nhạc.

Ví dụ 3: thang âm Giẻ- Triêng kết hợp tiết tấu chùm 3, móc kép, đơn.

  - Thang âm Xơ Đăng: trong công trình Trật tự âm thanh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, các tác giả viết: “Người Xơ Đăng có nền âm nhạc dân gian phong phú, bao gồm nhạc hát và nhạc đàn”. Đồng thời nêu dạng thang 5 âm phổ biến dưới đây:

Ví dụ 4: thang âm Xơ Đăng

Về bậc âm và quãng, thang âm Xơ Đăng cấu tạo trùng khít với thang 5 âm Xuân của người Việt. Đọc thang âm Xơ Đăng đi lên và đi xuống giúp SV nắm vững quãng, hiểu cấu tạo thang âm (gồm 3 âm nối nhau liên tiếp). Trong quá trình luyện tập, GV đưa vào một số nhóm tiết tấu, loại nhịp, yêu cầu SV xác định, tự đọc thành thạo.

Ví dụ 5: thang âm Xơ Đăng và âm hình, tiết tấu

- Thang âm Ba Na: cấu taọ thang âm Ba Na trong Trật tự âm thanh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam nêu rõ: “thang 4 hay 5 âm khác nhau gồm nhóm hạt nhân 3 âm có cấu trúc quãng: 2 trưởng + 3 trưởng”. Nhóm hạt nhân: 2T + 3T khi bậc âm nối liên tiếp từ thấp lên cao xuất hiện biến đổi âm 1 di động giữa tự nhiên (phía dưới) và tăng 1/2 cung (phía trên).

Ví dụ 6: thang âm Ba Na

Khi giới thiệu thang âm Ba Na, GV luôn chồng xếp 3 âm (2T + 3T) nối tiếp nhau để SV luyện tập. Do đó SV tiếp thu kiến thức nhanh, không gặp khó khăn trong đọc âm 1 di động (tự nhiên và tăng 1/2 cung). Tính phức tạp xuất hiện khi GV biên soạn thang âm Ba Na thành các bài luyện tập kết hợp giữa vị trí bậc âm với trường độ, tiết tấu. Dưới đây là thang âm Ba Na có bổ sung nhịp 2/4 với trường độ nốt đơn, kép.

Ví dụ 7: thang âm Ba Na ở nhịp 2/4 với nốt đơn, kép

3. Vận dụng âm hình, tiết tấu nhạc nhẹ trong Đọc- Ghi nhạc

Sử dụng âm hình, tiết tấu nhạc nhẹ trong dạy học Đọc- Ghi nhạc không chỉ đáp ứng nhu cầu, thực tế xã hội mà còn là hoạt động nghề nghiệp của SV SPAN sau khi ra trường.

- Ballad (tiếng Pháp: Ballade): được giải nghĩa “là tác phẩm viết cho hát hoặc khí nhạc có tính sử thi”. Trong nhạc nhẹ, từ Ballad chỉ định nhóm tiết tấu/group styles chơi ở tốc độ chậm hoặc chậm vừa, làm nền cho ban nhạc điện tử đệm hát. Ballad có nhiều biến thể phong phú, phù hợp tính chất âm nhạc tự sự, trữ tình, kể chuyện. Đây là loại tiết tấu để SV làm quen, luyện tập theo phong cách nhạc nhẹ.

Ví dụ 8: tiết tấu Ballad

Khi tập tiết tấu Ballad, yêu cầu SV sử dụng 2 tay phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác, tương tự như gõ trống, rất thuận tiện dùng bộ trống/drum trên đàn Keyboard để luyện, tạo âm hưởng thành nhịp trống Ballad. Cách luyện tiết tấu đàn Keyboard là hướng mở rộng, tạo điều kiện cho SV bật tiết tấu trống và sử dụng ngón tay chơi như diễn tấu bộ trống.

- Slow và Slow Rock: là loại tiết tấu ở nhịp độ chậm, chậm vừa. Khác với Ballad, Slow thường kết hợp với lối nhấn âm mạnh mẽ của Rock thành Slow Rock, do đó, giữa tiết tấu Slow và Slow Rock có mối quan hệ gần gũi. Phiên ngữ sang tiếng Việt, Slow nghĩa là chậm, thong thả, ở 2 loại nhịp phổ biến: 4/4 và 6/8. Trong nội dung này trình bày 2 loại tiết tấu có mối liên hệ gần gũi: Slow, Slow Rock ở nhịp 4/4 để SV làm quen, luyện tập, thực hành.

Ví dụ 9: tiết tấu Slow và Slow Rock

Những biến thể nhóm tiết tấu Slow, Slow Rock có nhiều, được ứng dụng từng trường hợp cụ thể khi đệm ca khúc, diễn tấu ban nhạc. Khi vận dụng, GV đưa ra cách luyện tập tiết tấu cơ bản, đặc trưng của Slow, Slow Rock giúp SV có thể thực hành mọi lúc mọi nơi.

- Valse: là tiết tấu phù hợp trình độ, khả năng SV trong học Đọc- Ghi nhạc, có thể vận dụng vào nhiều ca khúc thiếu nhi và trong dạy học âm nhạc phổ thông.

Ví dụ 10: tiết tấu Valse

Ở tốc độ/tempo nhanh, nhịp Valse tạo sự khác biệt so với loại nhịp chậm khi SV luyện tập tiết tấu. Yêu cầu gõ đều, chính xác, đúng nhịp khi phối hợp 2 tay là quá trình tự học tập đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trên thực tế, Valse có nhiều kiểu loại khác nhau (từ tốc độ vừa đến nhanh, rất nhanh).

- Swing: là một loại nhịp đóng vai trò cơ bản, hình thành kỹ năng nhạc nhẹ. Tiết tấu Swing tại các nước Âu, Mỹ dùng để nhảy (nhảy Swing) với các động tác lắc lư, nhún nhảy thịnh hành từ những năm 30 thế kỷ XX. Âm hình tiết tấu gốc gồm 1 nhóm âm có trường độ đặc trưng giữa nốt đơn chấm dôi và nốt kép. Từ nhân tố chủ đạo, Swing mở rộng với nhiều âm nhấn kết hợp đảo phách tạo tính chất âm nhạc nhảy múa rõ nét.

Ví dụ 11: tiết tấu nhịp Swing

 Trong ví dụ 11, Swing gốc (1) tạo vai trò hình thành nhiều tiết tấu Swing khác, phù hợp từng ca khúc Âu, Mỹ (như biến thể 2, 3). Âm hình tiết tấu Swing đưa vào áp dụng dạy học toàn bộ các giọng trong môn Đọc- Ghi nhạc, từ 0- 3 dấu hóa.

Từ thực trạng dạy học môn Đọc- Ghi nhạc, để đạt hiệu quả tích cực, bên cạnh tinh thần cố gắng là trình độ không nừng nâng cao của GV cố gắng truyền cảm hứng học tập cho SV, trang bị hệ thống kiến thức âm nhạc cơ bản qua thực hành, luyện tập, giúp SV nắm vững phương pháp đọc, nghe, hiểu ngôn ngữ biểu hiện, phương tiện diễn tả âm nhạc. Qua đó, SV hoàn thiện kỹ năng đọc nhạc, gõ tiết tấu, ghi nhạc nhằm ứng dụng vào các môn trong chương trình âm nhạc, tiêu biểu là môn Hát, đàn Keyboard, Hình thức và thể loại âm nhạc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Tú Hương, Hoàng Hoa, Phạm Thanh Vân (2004) Xướng âm trình độ 5, 6, 7, Hệ trung học âm nhạc chuyên nghiệp, Nhạc viện Hà Nội.

2. Nguyễn Mai Kiên (2001), Thang âm phương pháp luyện tập và ứng dụng, Khoa kiến thức nghệ thuật cơ bản, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

3. Nhiều tác giả (1999), Thông báo khoa học 1999, số 1, Nxb Viện Âm nhạc, H.

4. Đỗ Xuân Tùng (2002), Giải thích thuật ngữ âm nhạc quốc tế thông dụng, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.

5. Phạm Tuyên (1999), Âm nhạc với trẻ em, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

________________________

[*] Lớp Cao học k9 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc