Tin tức – Sự kiện

Ký kết chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025

09 Tháng Năm 2019

Sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giai đoạn 2019-2025.

Theo nội dung ký kết, trong giai đoạn 2019-2025, Bộ GD&ĐT và Bộ TN&MT sẽ xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025

Tiếp tục rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống sổ tay hướng dẫn, tài liệu điện tử, học liệu, băng đĩa hình… về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó chú trọng nội dung giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường tập trung vào việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Triển khai thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng lĩnh vực giáo dục bảo vệ môi trường.

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TN&MT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần giáo dục cho những công dân trẻ ý thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc giáo dục này phải bắt đầu ngay từ bậc học mầm non, bậc học phổ thông, để đến năm 18 tuổi các em có đầy đủ nhận thức và kỹ năng cần thiết, đây không chỉ trách nhiệm mà còn là quyền lợi của từng em.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại lễ ký kết

“Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế các nội dung về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, thiên tai phù hợp trong từng môn học, cấp học nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Bộ GD&ĐT mong muốn nhận được sự phối hợp, chia sẻ thông tin từ phía Bộ TN&MT để việc trang bị kiến thức về môi trường trở nên gần gũi, hấp dẫn va hiệu quả đối với lứa tuổi học sinh” - Bộ trưởng chia sẻ.

Đề cập tới việc phối hợp giữa hai Bộ về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành tài nguyên, môi trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường là rất quan trọng. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ thực hiện tốt yêu cầu về kiểm định, đảm bảo chất lượng cho 2 trường đại học do Bộ TN&MT là chủ quản, đồng thời kết nối tốt giữa đào tạo và sử dụng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, hai bên cũng cần kết nối chặt chẽ hơn trong nghiên cứu khoa học, cụ thể là nghiên cứu xây dựng luận cứ cho một số đề án lớn trong lĩnh vực GD&ĐT và TN&MT.

Để chương trình hợp tác giữa hai Bộ đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị hai bên sẽ lựa chọn những nội dung điểm nhấn để triển khai theo từng năm và có sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Quá trình triển khai hợp tác cần cộng hưởng nguồn lực giữa hai bên, đảm bảo việc phối hợp thống nhất từ cấp Bộ, đến cấp sở, cấp phòng tại các địa phương.

“Nội dung ký kết hôm nay là khung nguyên tắc, quá trình triển khai hai bên cần thống nhất những chương trình cụ thể, thiết thực và phải thực hiện được” - Bộ trưởng nêu rõ.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục