Nội san

Đề xuất một số giải pháp đưa đồng dao vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non

09 Tháng Năm 2019

Hoàng Anh Dũng

 

Trong các loại hình âm nhạc dân gian mà cha ông ta đã truyền lại, thì hát đồng dao là loại hình gắn bó với trẻ em và được sử dụng nhiều nhất ở lứa tuổi này. Trước thực trạng các bài hát đồng dao dần dần mai một, vấn đề đưa các bài hát đồng dao vào chương trình giảng dạy cho giáo sinh khoa Giáo dục mầm non là cần thiết

Với ca từ đơn giản, mộc mạc; nhịp điệu sôi động, nhịp nhàng, các em có thể dễ dàng ghi nhớ và truyền đạt lại cho các bạn chơi cùng trang lứa. Về nội dung, các bài hát đồng dao thường đề cập đến các sự vật, sự việc, hiện tượng cũng như cách đối nhân xử thế xảy ra cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta khó bắt gặp hình ảnh các em nhỏ tụm năm tụm ba, hát và chơi các trò chơi đồng dao mà thay vào đó là các trò chơi trên vi tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Môi trường sống của các em gần như không có sự hiện diện của loại hình nghệ thuật này, đó là một trong những lý do khiến các bài hát đồng dao - ngày nay đã dần dần mai một. Vì vậy, vấn đề đưa các bài hát đồng dao vào chương trình giảng dạy cho trẻ, cụ thể là trẻ mầm non là vô cùng cần thiết.

Để làm được điều này, trước tiên cần đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non có một cơ sở lý luận vững vàng về đồng dao, có khả năng sưu tầm và ứng dụng các bài hát đồng dao để tổ chức trò chơi cho trẻ thông qua các giải pháp cụ thể.

 

  1. Đưa đồng dao vào học phần Thể loại và phương pháp thể hiện bài hát mầm non cho sinh viên

Trước khi đi vào tiến hành dạy hát, để sinh viên có thể hát chuẩn xác theo giọng điệu của bài hát, giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên đọc trục âm và gam theo giọng của bài hát, xướng âm những chỗ cao độ nốt nhạc ở những quãng nhảy, kết hợp gõ phách và ghép lời ca của bài hát. Phần luyện tập được tiến hành theo nhóm 5 sinh viên và kiểm tra luân phiên trong các giờ học. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên những phương pháp tự luyện tập theo nhóm sau giờ học. Ví dụ khi đưa bài hát Bà còng đi chợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì trình tự của hoạt động dạy hát được tiến hành như sau:

Bước 1: Khởi động giọng bằng các mẫu âm luyện thanh.

Bước 2: Giảng viên đàn và hát mẫu bài hát.

Bước 3: Sinh viên xác định giọng cho bài hát: Dựa vào hóa biểu có hai dấu thăng sẽ có hai giọng song song là D-dur hoặc h-moll, nốt kết thúc của bản nhạc là nốt rê. Do đó bài hát được viết ở giọngD-dur.

Bước 4: Sinh viên xác định các dấu nhắc lại có trong bài hát.

Bước 5: Đọc trục và gam theo giọng của bài hát

 

Bước 6: Hướng dẫn chia câu, vị trí lấy hơi ở từng câu hát: Bài hát được chia làm 3 câu. Khi hát cần lấy hơi ở cuối câu (nốt trắng ngân sang nốt đen) và chú ý nhấn vào các chữ ở phách mạnh nhằm thể hiện tính chất nhí nhảnh, khỏe khoắn khi thể hiện bài hát.

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Bước 7: Xướng âm cao độ kết hợp gõ phách ở từng câu nhạc.

Bước 8: Hướng dẫn ghép lời ca. (Chú ý phát âm nhả chữ)

Bước 9: Ôn luyện theo nhóm.

 

  1. Đưa đồng dao vào học phần Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non

Khi đưa đồng dao vào giảng dạy, giảng viên cần cung cấp cho sinh viên nhận biết được vai trò giáo dục của âm nhạc, cụ thể ở đây là các bài hát, trò chơi đồng dao trong quá trình hình thành phát triển nhân cách trẻ. Sinh viên được hướng dẫn cách nắm vững đặc điểm tâm sinh lí liên quan đến sự tiếp nhận âm nhạc và khả năng âm nhạc của lứa tuổi mầm non. Để từ đó, trong quá trình giảng dạy sau này, sinh viên có thể lựa chọn phương pháp phù hợp, linh động cho việc dạy trẻ của mình.

Ngoài việc dạy cho sinh viên các phương pháp học âm nhạc cho trẻ mầm non, giảng viên cũng cần giúp các em nắm vững các phương pháp, biết vận dụng thực tế hoạt động âm nhạc vào giảng dạy cho trẻ mầm non; hát được các bài hát làn điệu dân ca, hát ru, các ca khúc phù hợp cho trẻ, các kiến thức về múa và vận động theo nhạc, các dạng trò chơi  âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non…  Đây là các hoạt động chính của bộ môn giáo dục âm nhạc ở trường mầm non.

 

  1. Tổ chức trò chơi theo lời đồng dao

Khi tổ chức các trò chơi đồng dao, SV sẽ hóa thân thành trẻ mầm non để trực tiếp trải nghiệm các trò chơi đồng dao và tiếp thu phương pháp tổ chức trò chơi cho trẻ.

Trò chơi 1: Thả đĩa ba ba

Mục đích: Rèn luyện khả năng vận động nhanh nhẹn cho trẻ và giúp trẻ phát triển về mặt ngôn ngữ.

Yêu cầu: Tổ chức ở sân trường hoặc phòng thực hành múa hát. Ngoài ra SV đã học thuộc bài đồng dao Thả đĩa ba ba

Chuẩn bị: Dùng phấn vẽ một đường thẳng tượng trưng cho con sông chia hai bờ hai bên.

Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo rồng như suối

Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà đó phải chịu.

Cách chơi:

Sinh viên được phân thành từng nhóm hoặc cả lớp để chơi. Tất cả các thành viên tham gia trò chơi đứng thành vòng tròn giữa sân. Một em thủ lĩnh (người đề xướng ra cuộc chơi ) chọn 1 bạn làm "đỉa". Sau khi chọn xong, cả nhóm cùng đọc bài đồng dao Thả đỉa ba ba, người làm đỉa đi xung quanh vòng tròn, cứ mỗi tiếng người làm đỉa lại lấy tay chỉ vào một bạn, bắt đầu tiếng thứ nhất chỉ vào mình, tiếng thứ hai người kế tiếp, rồi lần lượt đến người thứ 2, thứ 3... nếu chữ đỉa cuối cùng rơi vào bạn nào thì bạn đó phải đứng lại "sông" làm đỉa, còn những em khác chạy nhanh lên "hai bờ sông", nếu người nào chậm chân bị "đỉa" bám ở dưới "sông" thì phải xuống "sông" làm đỉa, còn người làm "đỉa" lại được lên bờ. (Cứ như thế trò chơi lại tiếp tục).

Sáng tạo trò chơi cho trẻ dựa trên lời đồng dao

Trò chơi: Cục ta cục tác

Chuẩn bị: Dùng phấn vẽ một vòng tròn đủ to ở sân trường hoặc phòng thực hành múa hát.

Mục đích: Rèn luyện khả năng vận động và phát triển ngôn ngữ.

Yêu cầu: SV học thuộc bài đồng dao Cục ta cục tác.

Cục ta cục tác

Con diều hung ác

Bay lượn trên đầu

Gà con ở đâu

Mau về mẹ ủ

Mẹ con đông đủ

Chẳng sợ diều hâu

Cách chơi: Chia mỗi nhóm 7 em, trong đó 1 em đóng vai diều hâu, 1 em đóng vai gà mẹ và 5 em còn lại đóng vai gà con. Khi chơi, cả nhóm vừa đi vừa đọc bài đồng dao Cục ta cục tác trong vòng tròn đã vẽ. Vai diều hâu sẽ đi xung quanh viền ngoài để rình bắt gà con còn vai gà mẹ có nhiệm vụ che chở gà con ở phía trong vòng tròn. Gà mẹ và gà con lúc đi sẽ dùng 2 tay của mình đưa lên đưa xuống để mô tả chú gà đang vỗ cánh. Lúc đọc đến câu cuối cùng, vai diều hâu sẽ tìm cách lao vào vòng tròn để chạm tay vào một chú gà con bất kì. Vai gà mẹ có nhiệm vụ giơ ngang hai tay che chắn không cho diều hâu chạm vào con của mình còn gà con sẽ chạy nấp phía sau lưng gà mẹ. Nếu chú gà con nào bị diều hâu chạm tay vào tức là đã bị diều hâu bắt thì phải đổi vai thành diều hâu và ngược lại. Sau đó trò chơi lại tiếp tục.

 

  1. Phổ nhạc cho một số bài đồng dao

Ở học phần này, ngoài việc đặt lời mới hay sáng tạo trò chơi cho các bài đồng dao, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên phổ nhạc một số bài đồng dao quen thuộc của trẻ.

Ví dụ khi hướng dẫn cho sinh viên phổ nhạc cho bài đồng dao Tu hú là chú bồ các, trước tiên, sinh viên phải nắm rõ được nội dung của bài đồng dao muốn truyền tải điều gì; đối tượng sẽ hát là ai. Các bước tiến hành như sau.

Bước 1: Với mục đích phát huy tính sáng tạo của SV, giảng viên có thể cho SV dựa trên nội dung bài đồng dao để đặt tên cho bài hát hoặc giữ nguyên theo tên bài đồng dao. Theo nội dung của bài đồng dao này, giảng viên có thể đặt tên cho bài hát là Họ nhà chim. Đây cũng là cách đặt tên quen thuộc cho các bài đồng dao phổ biến.

Bước 2: Xác định nhịp cho bài hát. Với các bài đồng dao, nhịp điệu thường đi là nhịp đơn, tạo sự khỏe khoắn, linh hoạt cho các bài hát thiếu nhi. Ở bài hát này, chúng ta có thể sử dụng nhịp 2/4.

Bước 3: Xác định sử dụng điệu thức trưởng hoặc thứ cho bài hát. Với tính chất vui tươi, hồn nhiên, chúng ta sử dụng diệu thức trưởng tự nhiên.

Bước 4: Xác định âm vực. Khi phổ nhạc cho trẻ mầm non, tránh những âm vực quá cao hoặc quá thấp.

Bước 5: Xác định cấu trúc bài hát gồm bao nhiêu câu, được viết ở hình thức 1 đoạn đơn hay hai đọan đơn.

Bước 6: Tiến hành phổ nhạc

 

Âm nhạc là một trong những bộ môn quan trọng trong trường Mầm non. Hoạt động âm nhạc là một hoạt động học tập mang tính nghệ thuật, là phương tiện quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, và thể lực cho trẻ. Nó có tác dụng to lớn trong việc giáo dục, phát triển và hình thành nhân cách cho trẻ lứa tuổi mầm non, giúp trẻ phát triển chức năng tâm lý hình thành ở trẻ tình yêu đối với con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Vì vậy, nếu ứng dụng các bài hát đồng dao cũng như trò chơi đồng dao vào chương trình dạy học bộ môn âm nhạc, chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc bảo tồn và lưu truyền loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này cho các thế hệ trẻ thơ mai sau.

 

           TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Bình An (2017), Vai trò, tác dụng của đồng dao trong giáo dục học sinh tiểu học, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc,Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  2. Bộ giáo dục đào tạo (2011), Chương trình giáo dục mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  3. Đỗ Thị Minh Chính (2012), Nghiên cứu, ứng dụng trò chơi - đồng dao người Việt cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học, Luận án Tiến sĩ văn hóa học, Học viện khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thu Hà (2019), Dạy học hát Đồng dao cho học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc,Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2018), Giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non thông qua các sáng tác mới dựa trên thể loại đồng dao, Khóa luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
  6. Trần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu (2002), Đồng dao Việt Nam, Nxb Thanh niên, Tp Hồ Chí Minh.
  7. Ngô Thị Nam, (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáodục, Hà Nội.
  8. Trịnh Thị Hoài Thu (2012), Giáo trình môn lý thuyết âm nhạc cơ bản, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Hà Nội.
  9. Vụ giáo dục mầm non (2004), Trẻ mầm non ca hát, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  10. Hoàng Văn Xuân (2014), Đưa đồng dao vào chương trình giáo dục âm nhạc tại Khoa Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây - Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K8 - Chuyên ngành LL & PP dạy học Âm nhạc