Nội san

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ và lễ hội trên địa bàn Thị Trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương

20 Tháng Năm 2019

                                                                       Trương Thị Toan [*]

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là điều kiện thiết yếu góp phần ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam; bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế…

 Trong hơn một thập kỷ qua, thực hiện chủ trương của Đảng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai và trở thành phong trào sâu rộng trong đời sống xã hội. Qua nhiều năm thực hiện, phong trào này đã và đang được quần chúng nhân dân trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng và tham gia đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Thị trấn Tứ Kỳ nằm ở trung tâm của huyện Tứ Kỳ, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện. Tuy mới thành lập được trên 20 năm nhưng mảnh đất và con người nơi đây đã có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của địa bàn và khu dân cư huyện Tứ Kỳ. Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và phong trào “Xây dựng đô thị văn minh” cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân Thị Trấn Tứ Kỳ luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, trong đó, việc thực hiện nếp sông văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Để đạt được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Xây dựng đô thị văn minh”. Nêu gương, nhân rộng mô hình hay, việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào hương ước, quy ước để thực hiện, là cơ sở cho việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với cách làm này, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ và lễ hội đã nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tiết kiệm và vui tươi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, những giá trị truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy. Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động, do đó, việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong việc hỉ , phần lớn các đám cưới trên địa bàn Thị Trấn đều được tổ chức gọn từ 1 đến 1,5 ngày. Tình trạng ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí mang tính vụ lợi giảm dần. Việc đăng ký và trao giấy kết hôn được tổ chức đảm bảo trang trọng, đúng pháp luật. Ngoài ra, khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới: dùng hình thức báo hỉ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới; không sử dụng thuốc lá trong đám cưới; Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới...Các cá nhân và gia đình khi tổ chức cưới cho bản thân hoặc con, cháu phải thông báo với trưởng thôn, khu dân cư nơi cư trú hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý về quy mô, địa điểm tổ chức tiệc cưới. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tổ chức cưới cho bản thân hoặc con, cháu.

Đối với việc tang, ở tất cả các khu dân cư đã xóa bỏ triệt để những tập tục lạc hậu như: Tổ chức ăn uống, trống kèn quá giờ quy định, khóc mướn, rải tiền, vàng mã trên đường đi. Với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, việc tang ở các khu dân cư đều được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm, duy trì đúng với truyền thống của địa phương, đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường. Các khu dân cư đều thực hiện mô hình “thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang” theo chủ trương, đường lối trong các văn bản chỉ đạo Thủ tướng chính phủ, Bộ Văn hóa thể thao & du lịch và UBND tỉnh Hải Dương. Ngay sau khi tiếp nhận chỉ thị từ các văn bản, Đảng ủy, UBND đã thống nhất với UBMTTQ thành lập và kiện toàn BCĐ mô hình, phân công các thành viên trong BCĐ phụ trách địa bàn các khu. Xây dựng kế hoạch hoạt động, hướng dẫn chỉ đạo cấp ủy, ban Công tác Mặt trận và lãnh đạo khu dân cư xây dựng kế hoạch, thành lập ban lễ tang, xây dựng quy chế hoạt động của mô hình tự quản về việc tang đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch. BCĐ thị trấn do đồng chí chủ tịch UBND làm trưởng ban, các đồng chí cán bộ văn hóa, MTTQ làm phó ban, ủy viên là các tổ chức chính trị xã hội. Ban lễ tang ở khu dân cư do đồng chí chi bộ làm trưởng ban, đồng chí trưởng khu, trưởng ban công tác mặt trận làm phó ban, các ủy viên là đại diện các chi hội đoàn thể, đại diện gia đình, dòng họ gia tang.

Mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu” được cán bộ, các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư trên địa bàn thị trấn đều đồng tình, thực hiện đúng theo quy định của quy chế đã xây dựng. Các gia đình khi có người qua đời đã làm đúng các thủ tục như: khai tử, báo cáo với chính quyền cơ sở. Ban tang lễ khu dân cư phối hợp với gia đình tang chủ tổ chức nghi lễ đảm bảo trang nghiêm, vệ sinh, văn minh tiết kiệm, đảm bảo 5 không trong việc tang: không để người chết quá 24 tiếng (trường hợp đặc biệt cũng không để quá 36 giờ); không làm cỗ linh đình mời khách; không dùng kèn, trống và các âm thanh khác quá 21 giờ 30 và trước 5 giờ sáng hôm sau; không để mê tín dị đoan hoặc các thủ tục lạc hậu diễn ra trong hoạt động tang lễ như: rắc tiền vàng mã, tiền thật trên đường đưa tang, khóc mướn, cúng khấn kéo dài, không đốt đuốc; không xây mộ quá kích thước do UBND thị trấn quy định. Bên cạnh đó, trong việc tang đã thực hiện 4 nên: làm lễ truy điệu ngắn gọn không quá 20 phút nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm; dùng vòng hoa luân phiên; có sổ tang để ghi người phúng viếng thay cho phát biểu; dùng băng, đĩa nhạc hiếu thay cho đội nhạc hiếu trực tiếp. Ngoài ra, ban lễ tang trong từng khu dân cư thực hiện việc mai táng phù hợp với đối tượng cụ thể: đối với nhân dân được tổ chức theo nghi thức truyền thống; đối với cán bộ, đảng viên được thực hiện theo quy định về tổ chức tang lễ cho cán bộ, đảng viên khi từ trần. Các khâu khâm liệm, trang phục mai táng đều nhanh gọn, vệ sinh. Các lễ tiết sau đám tang như cúng 3 ngày, cúng tuần 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày về cơ bản được tổ chức gọn nhẹ trong gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Tứ Kỳ có một số các tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo như đạo Phật, đạo Tin lành...Hàng năm các lễ hội truyền thống, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được duy trì trong các khu dân cư. Các lễ hội lớn trên địa bàn như lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa đình An Nhân, đình La Tỉnh, chùa Diên Khánh, chùa Vĩnh Khánh đều được tổ chức quy củ, trang trọng về phần lễ, văn minh phần hội nhưng vẫn đảm bảo tính linh thiêng, truyền thốngvới các hoạt động chính của lễ hội như nghi thức tế lễ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian như leo cầu thùm, trọi gà, bắt vịt, kéo co... Bên cạnh đó, các lễ hội đều đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp hàng quán khoa học, trong khuôn viên di tích không có hàng quán; bố trí bãi đỗ xe hợp lý, tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách. Đồng thời lễ hội đã khơi dậy và phát huy được truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Thị Trấn thời gian qua rất đáng ghi nhận. Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào chiều sâu, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển. /.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UBND thị trấn Tứ Kỳ (2015), Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
  2. UBND thị trấn Tứ Kỳ (2018), Báo cáo tổng kết về thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của UBND thị trấn Tứ Kỳ qua các năm 2010 – 2018;
  3. UBND thị trấn Tứ Kỳ (2018), Đề án Xây dựng thị trấn Tứ Kỳ đạt chuẩn đô thị văn minh giai đoạn 2018 - 2020         
  4. Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
  5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ 2005 đến 2020.
  6. Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Tứ Kỳ (2013), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Tứ Kỳ (1930 – 2010), Nxb. Chính trị quốc gia
  7. Ban Chấp hành Đảng bộ Thị Trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ (2013), Lịch sử Đảng bộ Thị Trấn Tứ Kỳ , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 – Chuyên ngành Quản lí Văn hóa