Tin tức

Hãy dạy sinh viên những gì doanh nghiệp cần

04 Tháng Sáu 2019

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Đây là mục tiêu của hội thảo "Nâng cao năng lực cho sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội – doanh nghiệp" do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 31/5. Tại hội thảo, Nhà trường -  Sinh viên - Doanh nghiệp đã thẳng thắn tranh luận sôi nổi để 3 bên tìm tiếng nói chung trong quá trình đào tạo, sử dụng lao động, cũng như các giải pháp thực hiện.

Sinh viên thích việc nhẹ, yêu vị trí cao

Ông Nguyễn Triệu Thông- Trưởng phòng nhân sự SaiGon Coop thẳng thắn nói: Sinh viên hiện nay có sự lệch lạc trong việc chọn ngành và thiếu nghiêm túc đầu tư cho nghề nghiệp, nhất là những trường tốp trên biểu hiện rõ về vấn đề này.

Đơn cử như chúng tôi là đơn vị bán lẻ, tuyển dụng rất nhiều vị trí bán hàn và quản lý cửa hàng lương 8-10 triệu đồng/tháng nhưng sinh viên các trường tốp không quan tâm, họ thích làm văn phòng, ngồi một chỗ nhưng lương có 5-6 triệu đồng/tháng. ' 'Trường công lập, trường tốp trên sinh viên không chịu làm và chúng tôi phải chuyển hướng sang các trường tư thục để tuyển người. Trong khi đó, thực tế thông kê số lượng sinh viên thất nghiệp lại rất cao"- ông Thông nêu thực trạng.

Chia sẻ với góc nhìn của ông Thông, bà Nguyễn Thị Mai Phương- Giám đốc Công ty dịch vụ Mobifone Khu vực 2 tại TPHCM cho biết: Thực tế nhân viên của tôi thành công và giỏi không phải là những em có kết quả học tập cao, bằng tốt nghiệp xuất sắc mà họ là những em học bình thường ở những trường không tên tuổi.

"Nói như vậy để thấy rằng tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi, ý chí và thái độ là những kỹ năng rất cần thiết phải được rèn luyện cho sinh viên..."-bà Mai nói. 

Trước thực tế nghe có vẻ khập khiễng giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng với mong mỏi của sinh viên,  TS Nguyễn Thanh Tùng- Viện Quản trị tri thức Kmi cho rằng; các trường cần phải thay doanh nghiệp dạy kỹ năng cho sinh viên, chứ không thể đợi các em ra trường, đi làm rồi mới lĩnh hội. 

"Các trường phải dạy dùm kỹ năng này (kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, biết chấp nhận người khác) giúp doanh nghiệp để khi đi làm sinh viên phải biết đặt câu hỏi ngược, lật qua lật lại từng vấn đề để có cái nhìn đa chiều. Thực tế, các trường cũng đang dạy sáng tạo, nhưng hạn chế lớn là họ bị bó và sa vào dạy công cụ trong khi sáng tạo là phải có tư duy đột phá. Đó chính là điểm yếu của chính sinh viên và đơn vị đào tạo hiện nay"- TS Tùng chia sẻ.

Các trường đóng vai trò chính trong dạy kỹ năng cho sinh viên 

 

Vai trò của ba bên ra sao trong bối cảnh mới?

Thẳng thắn và trực diện, TS Nguyễn Thanh Tùng cho rằng để thay đổi vai trò của các trường ĐH là khâu quan trọng  nhất. Các trường cần phải bỏ ngay thói quen dạy học cũ kỹ, thiếu tính thực tiễn để tiệm cận với phương pháp mới, khoa học hơn. Trong đó, các trường phải gia tăng tỉ lệ giảng viên là các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hạn chế dạy lý thuyết suông.

"Tôi đơn cử, dạy sinh viên về phần mềm mà không biết gì, không làm về phần mềm thì làm sao sinh viên hiểu được. Ngay như Pháp hiện nay người ta cũng đã có 40% thời lượng giảng dạy thực tế do các giảng viên từ doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy"- TS Tùng nêu.

Đồng tình với TS Tùng, ông Lê Trương Vĩnh Phú, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) dẫn chứng thực tế của bản thân về sự khác biệt quá lớn trong đào tạo giữa Việt Nam và Singapore.

"Tôi học tại VN và sau đó sang Singapore học tiếp. Sự khác biệt ở đây đó là ở nước bạn người ta dạy thực tế, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta hô hào quá nhiều về CMCN 4.0 nhưng chưa nhìn đằng sau nó là cái gì, 10 năm rồi 20 năm nữa thực tại nhân lực và nhu cầu sẽ cần cái gì. Ví dụ đơn giản như ngành ngân hàng, ngay cả thế giới có những công việc họ vẫn làm thủ công. Do đó, phải đào tạo sinh viên những kỹ năng, kiến thức thực tế và gắn chặt với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo, sau đào tạo- ông Phú nói.  

Nhìn nhận thực tế này, nhiều trường thành viên ĐHQG TPHCM cho biết đúng là cách đây 10 năm chương trình đào tạo không có thực tế. Nhưng hiện nay đã khác, vì hầu hết các trường khi xây dựng chương trình đều có tham khảo ý kiến đóng góp của doanh nghiệp.Tuy nhiên, việc tăng tỉ lệ giảng viên từ các doanh nghiệp là quá khó.

PGS-TS Vũ Hải Quân- Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng chia sẻ: Vấn đề gia tăng giảng viên là các Ceo, doanh nghiệp là điều các trường đã thấy từ rất lâu. Tuy nhiên có một thực tế là việc tăng tỉ lệ doanh nghiệp tham gia giảng dạy là rất khó vì còn nhiều bất cập và quy định cứng ràng buộc từ Bộ GD&ĐT.

"Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là bất lực, buông xuôi, chúng ta ngồi đây chia sẻ thẳng thắn với nhau để biết mình cần phải trang bị thêm kỹ năng, kiến thức gì cho sinh viên. Nhưng có thể nhanh chóng xác định với nhau 4 điểm cốt lõi hiện nay trong đào tạo mà các trường cần phải hướng tới là kiến thức - kỹ năng - thái độ - thực tiễn"-PGS.TS Quân khẳng định. 

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân trong bối cảnh hiện nay, Doanh nghiệp và sinh viên chính là khách hàng của các trường nên các trường buộc phải lắng nghe nhằm có chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo sát thực tế. Đây là trách nhiệm của các trường và nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận để cùng thay đổi thì không thể nào tiến được.

"So với nhiều nước trong khu vực thì chúng ta đã tụt lại rồi, nếu không bước nhanh, tiến nhanh thì chúng ta sẽ tụt xa hơn các nước gần với ta"-PGS.TS Quân chia sẻ. 

Anh Tú