Nội san

Thực trạng dạy học hát dân ca Ê Đê ở trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

02 Tháng Bảy 2019

Nông Thị Thêu [*]

          Môn âm nhạc là môn học đem lại nhiều hứng thú cho học sinh (HS) tiểu học. Với đặc thù là môn nghệ thuật diễn tả sự vật, hiện tượng bằng âm thanh, âm nhạc có khả năng biểu đạt tinh tế cũng như tác động tới những cảm xúc của con người. Dạy học âm nhạc cho HS tiểu học đã trở nên quan trọng trong hệ thống giáo dục của đất nước. Từ nhiều năm nay, trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã đưa dân ca Ê    Đê vào giảng dạy trong hoạt động ngoại khóa của Nhà trường.

 Dân ca Ê Đê là thể loại âm nhạc dân gian độc đáo của vùng Tây Nguyên, nội dung dạy học dân ca trong chương trình chính khóa mang tính đại diện vùng miền, mỗi vùng chỉ được lựa chọn một đến hai bài tiêu biểu. Vì vậy dân ca Ê Đê cũng không được chú trọng nhiều. Như vậy, việc bảo tồn và giáo dục học sinh hát dân ca là phải hướng cho các em được tiếp xúc, được hiểu vốn cổ truyền dân tộc. Việc đưa dân ca Ê Đê vào hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh cảm nhận tốt hơn sắc thái văn hóa tộc người, giúp các em hát được những làn điệu dân ca đang có nguy cơ thất truyền, giúp các em lòng tự hào về nền văn hóa dân tộc. Và giáo viên bộ môn âm nhạc cần phải có những biện pháp khích lệ sự yêu thích và học hỏi, nhằm nâng cao hiệu quả học hát dân ca cho HS trường Tiểu học Nguyễn Du.

Ngoại khóa là dạng hoạt động của học sinh, được thực hiện ngoài giờ lên lớp chính thức. Đây là sự tiếp nối hoạt động dạy học trên lớp, tạo nên sự thống nhất giữa dạy và học, giữa lý thuyết với thực tiễn để giúp các em hình thành và phát triển nhân cách.

Thời gian qua, trường Tiểu học Nguyễn Du đã quan tâm đến hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho học sinh. Các chương trình ngoại khóa thường hướng tới các ngày lễ lớn, được tổ chức định kỳ như: ngày lễ 20/11; khai giảng năm học mới; kết thúc năm học… Các chương trình ngoại khóa thường hoạt động dưới dạng luyện tập chương trình biểu diễn hay giao lưu văn nghệ theo chủ điểm.

Hình thức sinh hoạt ngoại khóa này đã phát huy tính tích cực và thu hút một số HS khối 3, 4 và 5. Tuy nhiên, bài hát trong các chương trình văn nghệ này thường là ca khúc thiếu nhi mới, đôi khi có lựa chọn một số bài dân ca trong chương trình dạy học chính khóa. Việc lựa chọn dân ca Ê Đê hầu như không được chú trọng đưa vào các hoạt động này.

Việc dạy hát dân ca trong hoạt động ngoại khóa cho HS cũng tương tự như trong chương trình chính khóa, giáo viên chú trọng tới dạy thuộc bài hát, nhằm đảm bảo các em học thuộc bài hát để biểu diễn trước toàn trường. Khi dạy, giáo viên có sử dụng các phương pháp  như: hát mẫu và cho HS hát từng câu kiểu móc xích. Tuy nhiên, HS ít được trải nghiệm thực tế, còn giáo viên lại được trang bị về kỹ năng hát theo kiểu hát mới, nên khi hát dân ca, không thể hiện rõ những luyến láy đặc trưng của dân ca, cũng như hạn chế trong cách phát âm, nhả chữ theo thổ ngữ địa phương. Thực trạng đó dẫn đến học sinh hát dân ca bị khiên cưỡng, thiếu mềm mại và tinh tế. Các luyến láy, nhất là thể hiện lời ca mang tính thổ ngữ địa phương của học sinh ít được giáo viên chú trọng. Còn HS lại thể hiện không mấy khó khăn cách phát âm, nhả chữ để rõ tính thổ ngữ địa phương.

Chương trình học hát dân ca trong hoạt động ngoại khóa các em phần lớn hát theo chương trình các hát thiếu nhi, còn những điệu hát Ayray, K’ưt, Muynh… hầu như chưa được đưa vào chương trình hoạt động ngoại khóa nơi đây. Mà thỉnh thoảng chúng tôi chỉ thấy các em học sinh đôi lúc hát thầm, hát trong lúc giải lao giữa giờ hoặc hát trong buổi sinh hoạt sao. Chúng tôi thấy HS thường hát một số làn điệu/bài hát dân ca Ê Đê có đặt lời mới say sưa. Có lẽ về lời ca gần gũi, khá phù hợp với sở thích của các em nên chúng tôi thấy những HS trong buổi sinh hoạt sao, các em ngồi nghe rất thích thú, nhiệt tình nghe bạn hát, hưởng ứng, khen ngợi, khích lệ bạn hát, bên cạnh những khó khăn đã nêu trên cũng có rất nhiều thuận lợi trong dạy và học dân ca Ê Đê mà nhà trường đã đạt được như sau:

          Thuận lợi

Thứ nhất, việc dạy học môn âm nhạc, trong đó có tổ chức dạy học hát dân ca cho học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; giáo viên đạt chuẩn trình độ đại học, biết sử dụng đàn phím điện tử và kỹ năng sử dụng máy tính thành thạo.

Thứ hai, về cơ sở vật chất, nhà trường có đầy đủ phòng học đạt chuẩn cho HS về các môn học văn hóa cơ bản, tuy chưa có phòng học đặc thù để dạy học âm nhạc. Biết rằng Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động ngoại khóa của nhà trường được diễn ra sôi nổi. Nhưng về nội dung chương trình và phương pháp dạy học thì hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên. Vì vậy, khi tổ chức các học tập và rèn luyện các chương trình văn nghệ, trong hoạt động ngoại khóa, giáo viên cùng HS tuy đã cố gắng khắc phục một số khó khăn về nơi luyện tập để hoàn thành nhiệm vụ của trường giao cho, nhưng để phát huy hết năng lực của HS thì đòi hỏi người giáo viên phải tìm ra các phương pháp dạy học tích cực hơn.

Thứ ba, để dạy học môn âm nhạc, giáo viên đã ứng dụng linh hoạt các phương pháp  dạy học. Theo đó, các phương pháp: có thuyết trình, làm mẫu, phân tích, luyện tập hát có đệm bằng đàn Piano điện cũng đã được đưa vào để dạy học, nhưng dạy học dân ca phù hợp với từng nội dung của nó thì chưa.

Thứ tư, HS trường Tiểu học Nguyễn Du đa số là con em tộc người Ê đê, sinh sống xung quanh địa bàn của trường, của xã, vì vậy, các em đi lại không quá khó khăn và tình trạng nghỉ học như trước đây là rất ít.

Kkhăn

 Một là, những kinh nghiệm dạy hát dân ca của giáo viên nơi đây cũng như nhiều giáo viên ở nơi khác còn khá thụ động, rập khuôn theo cách dạy hát ca khúc thiếu nhi cho học sinh tiểu học. Điều đó làm cho những tiết dạy học dân ca buồn tẻ, học sinh thụ động hát nên chưa hứng thú với một số nội dung học tập này. Trong quá trình dạy, giáo viên chưa mở rộng kiến thức để giúp HS hiểu về nội dung cũng như những vấn đề về văn hóa, đời sống được biểu hiện trong bài dân ca (lời ca, tính chất  âm nhạc, giai điệu, nhịp điệu, tiết tấu…). Ngoài ra, giáo viên cũng ít phối hợp tương tác, giao lưu với HS để tạo sự gần gũi với các em. Khi dạy, chưa phát huy hết năng lực của HS khơi gợi những giá trị trong dân gian (ví dụ như cho HS tạo nhạc cụ, đệm nhạc cụ, làm khán giả, phân tích, đánh giá, tự thiết kế và tìm trang phụ, động tác, đội hình biểu diễn). Ngoài ra trong nội dung của bài hát dân ca Ê Đê có những tiết tấu khó (dàn trải, tự do, ngâm ngợi…) hay những luyến láy lên bổng, xuống trầm mang đặc trưng của vùng miền... thì giáo viên phải mất nhiều thời gian và trí lực để sưu tầm, học hỏi mới có thể hướng dẫn được HS. Những tồn tại đó dẫn đến hiệu quả dạy học hát dân ca ở nơi đây chưa đạt hiệu quả cao là tất yếu.

Hai là, do Nhà trường/chương trình dạy học tại đây chưa đưa dân ca vào chương trình hoạt động ngoại khóa nên vấn đề này cần phải có biện pháp thay đổi. Bộ GD&ĐT có khuyến khích và dành thời gian cho các cơ sở dạy học văn hóa, dân ca địa phương. Đây là cơ hội vô cùng thích hợp để đưa dân ca Ê Đê vào hoạt động ngoại khóa  cho các em học sinh  nơi đây. Ngoài ca, các hoạt động ngoại khóa của Nhà trường nói chung chủ yếu hướng vào các ngày lễ trọng đại của địa phương và đất nước. Việc này cũng khá rập khuôn về cách thức tổ chức cũng như lựa chọn các bài hát biểu diễn thường xuyên diễn ra nên làm cho hiệu quả của các chương trình biểu diễn có phần nhàm chán, chưa đặc sắc, vì vậy cũng chưa được đánh giá cao về sự sáng tạo và hình thức tổ chức dạy học của giáo viên.

Thứ ba, trong dạy học dân ca, do dạy theo hình thức hát tập thể nên lớp học khá ồn ào, giáo viên vì vậy khó sửa sai cho HS. Ngoài ra, giáo viên cũng chưa khai thác sự vận động cơ thể khi hát của HS dẫn đến các tiết mục biểu diễn dân ca chưa sinh động. Các tiết mục biểu diễn dân ca trong hoạt động ngoại khóa ít được lựa chọn đưa vào biểu diễn. 

Thứ tư, HS trường tiểu học Nguyễn Du đa phần là các tộc người thiểu số đang cư trú tại đây. Tuy nhiên, trong chương trình dạy học, các em lại chưa được giáo dục và bồi đắp những kiến thức về văn hóa, dân ca của vùng đất Tây Nguyên đặc biệt này.

Thứ năm, việc trải nghiệm thực tiễn về dân ca Ê đê của học sinh chưa được chú trọng, các em không cơ hội được xem, được nghe, cũng như không được tiếp xúc với các nghệ nhân của tộc người mình. Điều đó được phản ánh qua quá trình thực nghiệm, khi trực tiếp dạy học dân ca Ê Đê cho học sinh ở trường tiểu học Nguyễn Du. Như vậy, dân ca Ê Đê chưa được chú trọng đưa vào chương trình ngoại khóa.

Là trường học nằm trong vùng văn hóa Tây Nguyên, các bạn học sinh chiếm phần lớn là người Ê Đê thì dây là một vấn đề còn tồn đọng cần được khắc phục. Để thực hiện dạy học hát dân ca Ê Đê đạt hiệu quả, đòi hỏi giáo viên dạy học không chỉ trang bị cho mình cách hát hay, hát chuẩn về kỹ năng phát âm ngôn ngữ dân tộc bản địa, hát chính xác và tinh tế kỹ thuật luyến láy đặc trưng của dân ca Ê Đê, mà còn phải học hỏi để có kiến thức rộng về văn hóa dân gian của tộc người Ê Đê.

Những nhận xét trên sẽ là cơ sở cho chúng tôi xây dựng các biện pháp dạy học dân ca Ê Đê trong hoạt động ngoại khóa tại trường tiểu học Nguyễn Du. Chúng tôi tin tưởng rằng, hoạt động này, sẽ giúp cho HS không chỉ biết hát những làn điệu dân ca của quê hương mình, mà còn hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của dân ca Ê Đê thông qua hoạt động dạy học.

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Văn Bé (1993), Lược sử âm nhạc Tây Nguyên, Hội Giáo dục Lịch sử, Hà Nội.

2. Hồ Ngọc Đại (1983), Tâm lý dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (2007), Kỷ yếu: Hiệu quả của các hoạt động ngoại khóa đối với việc nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường phổ thông, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

4. Trần Ngọc Sơn (Chủ biên), Huỳnh Ngọc La Sơn, Lưu Văn Minh (2015), Những làn điệu dân ca Tây Nguyên (Lưu hành nội bộ), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

5. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển tiếng việt, NxbVăn hóa - Thông tin, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc