Nội san

MỘT SỐ KỸ THUẬT DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG MÔN MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

29 Tháng Bảy 2019

Trương Thị Khánh Trang [*]

Có thể hiểu kỹ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của giáo viên (GV) trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện quá trình dạy học(QTDH). Các kỹ thuật dạy học là những thành phần của phương pháp dạy học (PPDH) chứ chưa phải là PPDH độc lập.

Có rất nhiều kỹ thuật dạy học tích cực đã được nghiên cứu và đưa ra nhằm hướng học sinh (HS) không chỉ tiếp thu kiến thức tốt mà còn phát triển năng lực sáng tạo, tính tích cực, chủ động trong học tập của các em.

Để áp dụng các phương pháp, kỹ thuật trong dạy học đạt hiệu quả cao, ngoài việc tuân thủ quy trình mang tính đặc trưng của phương pháp, kỹ thuật dạy học còn đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và nghệ thuật sư phạm của người GV trong việc lựa chọn kỹ thuật dạy học phù hợp tuỳ theo từng bài học.

1. Kỹ thuật dạy học theo nhóm XYZ

Quy trình

Kỹ thuật dạy học theo nhóm XYZ là một kỹ thuật làm việc theo nhóm nhằm phát huy tính tích cực của mỗi thành viên trong nhóm và trong đó mỗi nhóm có X thành viên, mỗi thành viên cần đưa ra Y ý kiến trong khoảng thời gian Z. Mô hình thông thường mỗi nhóm có X (6) thành viên, mỗi thành viên cần đưa ra Y (3) ý kiến trong khoảng thời gian Z (5) phút, do vậy, kỹ thuật này còn gọi là kỹ thuật 635.

Trong kỹ thuật này, GV chia nhóm, giao chủ đề cho nhóm, quy định số lượng ý tưởng và thời gian theo đúng quy tắc XYZ.

Các thành viên trình bày ý kiến của mình ra giấy về cách giải quyết 1 vấn đề và tiếp tục chuyển cho ngư­ời bên cạnh,tiếp tục như­ vậy cho đến khi tất cả mọi ng­ười đều viết ý kiến của mình, có thể lặp lại vòng khác.

Sau đó thư ký tổng hợp, sau đó tiến hành đánh giá và lựa chọn.

Con số X, Y, Z có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của từng lớp học.

Sau khi thu thập ý kiến thì HS tiến hành thảo luận và đánh giá các ý kiến của các nhóm.

Chuẩn bị giấy bút cho các thành viên.

Mục đích:

Kỹ thuật này được sử dụng như một trò khởi động trí não.

Qua quá trình thực hiện HS chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức một cách ngắn gọn, nhanh chóng và dễ lĩnh hội.

HS hợp tác giữa các cá nhân theo nhóm trong lớp.

Cân nhắc và chọn lọc giữa các ý kiến, đặc biệt là ý kiến chiếm số đông.

Yêu cầu:

Suy nghĩ nhanh, đưa ra các ý kiến đa dạng và không đào sâu ý kiến.

Chia nhóm với số lượng thành viên phù hợp, lý tưởng là từ 4 - 6 người, khi chia nhóm GV cần xem xét năng lực của mỗi thành viên trong nhóm để có sự phân chia hợp lý.

Cần dành nhiều thời gian cho hoạt động nhóm, nhất là quá trình tổng hợp ý kiến và đánh giá ý kiến.

Chốt vấn đề để HS hiểu rõ.

Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm

Mọi thành viên đều phải tích cực suy nghĩ nhanh để đưa ra ý kiến của mình.

Rèn luyện kỹ năng đánh giá và tổng hợp ý kiến cho HS.

Hạn chế

Vì số ý kiến quá nhiều nên chiếm nhiều thời gian, trong quá trình thảo luận, chọn lọc và tổng hợp ý kiến có thể gây tranh luận làm mất trật tự.

Vận dụng kỹ thuật dạy học theo nhóm XYZ

Kỹ thuật dạy học XYZ được sử dụng trong tất cả các phân môn mỹ thuật ở THCS như vẽ theo mẫu, vẽ trang trí, vẽ tranh, thường thức mỹ thuật.

Ví dụ :

Trong chương trình Mỹ thuật lớp 9, bài 10: Vẽ tranh - Đề tài Lễ hội

Với nội dung bài học như trên, trong dạy học tôi dã kết hợp sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học như: nêu giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, vấn đáp... Tuy nhiên, ở từng nội dung cách vận dụng các phương pháp có sự linh hoạt khác nhau kết hợp với các kỹ thuật dạy học tích cực, và trong đó vận dụng kỹ thuật XYZ ở nội dung: Tìm và chọn nội dung đề tài.

Ở phần 1, Tìm và chọn nội dung đề tài, GV tiến hành cho HS thực hiện hoạt động nhóm theo kỹ thuật XYZ để tìm hiểu nội dung bài học.

GV chia nhóm, mỗi nhóm 6 HS, mỗi HS viết 3 ý kiến trên tờ giấy trong 5 phút về lễ hội mà mình biết và nêu được sơ lược về lễ hội đó, sau đó tiếp chuyển cho người bên cạnh.

Tiếp tục như­ vậy cho đến khi tất cả mọi ng­ười đều viết ý kiến của mình, có thể lặp lại vòng khác.

Sau khi thu thập ý kiến thì tiến hành thảo luận, đánh giá các ý kiến. GV nhận xét và tổng hợp các lễ hội thông qua các phiếu của HS và bổ sung của GV. (Các lễ hội: Lễ hội đua thuyền, lễ hội chọi trâu, lễ hội ném còn, lễ hội đấu vật, lễ hội múa Rồng, lễ hội cờ người, lễ hội chơi đu, lễ hội bài chòi...).

Từ các ví dụ trên cho thấy, nếu kỹ thuật dạy học theo nhóm XYZ là hoạt động học tập hợp tác, thao tác học tập giải quyết một nhiệm vụ mang tính trực diện hoặc cụ thể cho mục tiêu vấn đề, thì hoạt động học tập quá trình nhận thức thông qua kỹ thuật dạy học theo nhóm XYZ là hướng giải quyết nhiệm vụ mang tính hệ quả từ vấn đề đã biết đến mạch tư duy mang tính logic, đồng thời mức độ hợp tác, tương tác được xem là hiệu quả đạt được của nhiệm vụ học tập. Điều này cho thấy rõ ưu điểm của các kỹ thuật dạy học tích cực là thúc đẩy quá trình nhận thức của người học một cách chủ động và hứng thú, mà chủ động, hứng thú là một trong những dấu hiệu góp phần cơ bản thúc đẩy nhận thức trong quá trình học tập và phát triển năng lực ở HS.

2. Kỹ thuật dạy học Ổ bi

Quy trình

Kỹ thuật Ổ bi là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm. Trong đó HS chia thành hai nhóm ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi HS có thể nói chuyện với lần lượt HS ở nhóm khác.

Lưu ý

- Lựa chọn vấn đề phù hợp với khả năng của HS.

- Phân bố thời gian hợp lý cho hai vòng khi thực hiện nhiệm vụ.

- Không gian lớp học đủ điều kiện về diện tích để xếp bàn ghế phù hợp với hoạt động.

Cách tiến hành:

Bước 1: Khi thảo luận, mỗi HS ở vòng trong sẽ trao đổi với HS đối diện ở vòng ngoài, đây là dạng đặc biệt của phương pháp luyện tập đối tác.

Bước 2: Sau một ít phút thì HS vòng ngoài ngồi yên, HS vòng trong chuyển chổ theo chiều kim đồng hồ, tương tự như vòng bi quay, để luôn hình thành nhóm đối tác mới.

Nhận xét, đánh giá.

Trong quá trình hoạt động nhóm, GV quan sát, hỗ trợ để các nhóm hoạt động tốt, hiệu quả cao.

Sơ đồ kỹ thuật Ổ bi

Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm

- Giúp HS hình thành được thói quen tương tác trong học tập.

-  HS khai thác được nhiều khía cạnh của vấn đề từ quá trình thảo luận, hợp tác với bạn.

- Phát triển kỹ năng tư duy đặt câu hỏi, phản biện, mạnh dạn trong giao tiếp, phân tích tổng hợp nội dung vấn đề.

- Giúp học sinh đào sâu ý kiến của mình.

Hạn chế

- Chậm tiến độ của lớp do một số em thiếu kiến thức hoặc kỹ năng;

- Có thể gây lộn xộn trong quá trình di chuyển.

- GV khó kiểm soát từng cá nhân trong quá trình các em hoạt động hợp tác.

Vận dụng kỹ thuật dạy học Ổ bi

Vận dụng kỹ thuật dạy học ổ bi thường được sử dụng ở phân môn thường thức mỹ thuật và một số bài ở phân môn vẽ trang trí, vẽ theo mẫu, vẽ tranh.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch dạy học, bên cạnh việc sử dụng, phối hợp các phương pháp dạy học mang tính truyền thống với các phương  pháp dạy học biểu hiện các dấu hiệu đặc trưng của dạy học tích cực, tôi đã kết hợp sử dụng kỹ thuật dạy học Ổ bi.

Ví dụ:

Ở một nội dung trong chương trình Mỹ thuật 6 - Bài 12: Thường thức mỹ thuật - Một số công trình tiêu biểu của mỹ thuật thời Lý.

Bước 1: Chia lớp học thành 2 nhóm: Một nhóm ngồi ngoài và một nhóm ngồi trong. Đưa ra vấn đề.

- Tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc của thời Lý (Tượng A-di-đà và hình tượng con Rồng thời Lý)

Bước 2: Sau một khoảng thời gian quy định, HS vòng ngoài ngồi yên, HS vòng trong chuyển chỗ theo vòng quay của kim đồng hồ, tương tự như vòng bi quay, để luôn hình thành các nhóm đối tác mới để trao đổi, bổ sung thông tin nội dung bài học.

Giáo viên nhận xét, đánh giá hoạt động của 2 nhóm vòng trong, vòng ngoài và sự tương tác theo từng cặp của HS trong quá trình trao đổi thông tin và thảo luận.

Qua quá trình vận dụng, có thể nhận thấy mỗi kỹ thuật dạy học đều có những đặc trưng và bản chất của nó, nắm được những đặc trưng đó sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình vận dụng trong dạy học. Đặc biệt kỹ thuật dạy học Ổ bi là công cụ đắc lực trong tổ chức dạy học phát huy tính tích cực, chủ động và tự giác của HS.

GV linh hoạt và sáng tạo trong quá trình vận dụng sẽ đem lại sự thành công trong bài giảng và sự thành công đó không những cho GV và quan trọng cho cả người học trong quá trình giáo dục.

Kết luận

Kỹ thuật dạy học là những biện pháp, là cách thức hành động của GV và HS trong các hoạt động nhằm thực hiện giải quyết một nội dung cụ thể. Trong dạy học, để áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học đạt hiệu quả cao, ngoài việc tiến hành theo quy trình mang tính đặc trưng của phương pháp, kỹ thuật dạy học còn đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và mang tính nghệ thuật sư phạm của người GV.

Qua quá trình vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, chúng tôi thấy các kỹ thuật dạy học đã thực sự tạo được không khí học tập tích cực. Kỹ thuật dạy học là đa dạng, mỗi kỹ thuật đều mang lại những hiệu quả nhất định, vì vậy chúng tôi thấy cần phải có sự sáng tạo, linh hoạt và chủ động hơn trong việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học cho thích hợp và hiệu quả, để HS thực sự là chủ thể trong lĩnh hội và phát triển nhận thức, kỹ năng trong các hoạt động học tập và vận dụng vào cuộc sống.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục Mĩ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Hướng dẫn chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Mỹ thuật THCS, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Nguyễn Thị Đông (2016), Phương pháp dạy học mỹ thuật 1, Hà Nội.
  4. Trần Bá Hoành (2006), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thu Tuấn (2012), Giáo trình Phương pháp dạy học mỹ thuật Tập I,II, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  6. http://www.moe.gov.sg/projectwork (truy cập ngày 01 tháng 2 năm 2019).

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật