Nội san

Giải pháp nâng cao công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Chèo Bắc Giang

08 Tháng Tám 2019

 Phạm Văn Thành [*]

Để nâng cao hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát Chèo Bắc Giang cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ kế hoạch dài hạn đến kế hoạch ngắn hạn: thay đổi nhận thức nhà quản lý, bổ sung, hoàn thiện chính sách (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ đãi ngộ, bảo hiểm y tế nghề nghiệp, tuổi nghỉ hưu phù hợp với ngành nghề đặc thù, môi trường làm việc của nghệ sĩ được sáng tạo…). Cần xây dựng mục tiêu phát triển nhân lực (con người nghệ sĩ) của tổ chức Nhà hát thực hiện biểu diễn nghệ thuật ổn định, chuyên nghiệp, bài bản các khâu: quảng cáo, marketing, tiếp cận khán giả, lắng nghe sự phản hồi của khán giả về chất lượng nghệ thuật, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất về chất lượng nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Việc quản lý biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát cần được nghiên cứu chuyên môn về giá trị nghệ thuật của Chèo kỹ lưỡng, trình độ hiểu biết về văn hóa trong Chèo là những kiến thức cần phải có của các nhà quản lý tại Nhà hát Chèo Bắc Giang. Quản lý biểu diễn nghệ thuật Chèo phải bắt đầu từ các khâu:

Kịch bản: văn học, ngôn ngữ, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giá trị xã hội, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa…; Âm nhạc: Nhạc cụ, nhạc công, diễn viên hát, kỹ thuật hát, làn điệu, cách sử dụng làn điệu, nhạc nền, nhạc chuyển cảnh, chỉ huy dàn nhạc, sáng tác và đặt lời, lựa làn điệu…  

Biểu diễn: Chọn đạo diễn, thảo luận, chọn nhân vật, phân vai, học kịch bản, lên sàn, luyện tập, sáng tạo, …  Múa: hình thể, múa minh họa, múa chuyển cảnh, múa tính cách…;  Đạo cụ, trang phục, phóng thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu… Công tác quản lý phải được tư duy và triển khai vừa khái quát tổng thể, vừa chi tiết, tỉ mỉ; vừa lý thuyết lại cần thực hành, bắt tay, chỉ việc.  Chèo là nghệ thuật tổng hợp, nên các khâu thuộc vào biểu diễn nghệ thuật Chèo nếu lơ là, làm ẩu một công đoạn rất có thể làm hỏng cả một chương trình. Tất yếu nghệ thuật sẽ không cao, điều này sẽ gây ức chế cho tập thể và cá nhân sáng tạo nghệ thuật đồng thời gây tốn kém tiền của và trí lực của Nhà hát. Thực tế, nếu nhà quản lý giỏi về nghệ thuật Chèo, hiểu sâu sắc về Chèo thì khó có thể làm ẩu về nghệ thuật (múa, hát, diễn); hoặc không dễ dãi trong khâu chọn kịch bản (văn phong lủng củng, ý tưởng không mang tính xã hội, nhân văn, nhân bản…) hoặc không tùy tiện cắt xén, chỉnh sửa tác phẩm hay bỏ đoạn hát này, thêm đoạn hát kia không theo lề lối, quy cách của hát Chèo, diễn Chèo. Có thể sẽ không kích thích, khuyến khích được diễn viên, nhạc công suy nghĩ, sáng tạo cùng đạo diễn, nhà quản lý góp sức, góp nghề để hoàn thiện tác phẩm Chèo có giá trị. Bài học cho thấy, NSƯT Tạ Quang Lẫm, một nhà quản lý lỗi lạc, một nghệ sĩ tài năng và đầy tâm huyết với nghệ thuật Chèo, với Nhà hát Chèo Bắc Giang, ông đã học cách làm Chèo của thế hệ đi trước (phát huy trí tuệ tập thể), đồng thời ông biết phát huy triệt để sức sống, sự sáng tạo của cá nhân từng nghệ sĩ, diễn viên... Thế nên, kịch bản “Hoàng tử và Sơn nữ” do ông dàn dựng, đạo diễn đã đạt rất nhiều giải vàng cho tập thể, cá nhân tại Hội diễn sân khấu Chèo Chuyên nghiệp toàn quốc. Trong quá trình dàn dựng kịch bản, ông luôn động viên, khích lệ anh em nghệ sĩ sáng tác, đặt lời bài hát, đồng thời ông luôn trân trọng và khen ngợi động viên các nghệ sĩ cùng đàm đạo, thảo luận góp ý, chỉnh sửa, gọt dũa… từng chi tiết của nghệ thuật Chèo cả về Múa, Hát, Diễn ở mỗi ngày, để cuối cùng các thành tố nghệ thuật kể trên trong kịch bản “Hoàng tử và Sơn nữ” các ý kiến từ những nghệ sĩ hầu như khá tương đồng, lúc đó ông mới cho ra mắt báo cáo lãnh đạo, biểu diễn phục vụ công chúng. Tuy vậy ông cũng hết sức nghiêm khắc khi các nghệ sĩ sửa văn phong, từ ngữ trong kịch bản của ông. Bởi vì ông đã dày công nghiên cứu sâu sắc từ tổng thể đến chi tiết, soạn lời cho từng nhân vật rất kỹ, chỉnh chu mang tư tưởng rõ nét của nhân vật. Đặc biệt ông là người truyền cảm hứng lòng đam mê Chèo, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp với nghệ thuật vốn giàu bản sắc dân tộc đến với từng nghệ sĩ. Ông thường xuyên khơi gợi, phân tích, trao đổi và truyền cảm những giá trị nghệ thuật (hát, múa, diễn) của kịch bản “Hoàng tử và Sơn nữ” với các nghệ sĩ. Những phương pháp quản lý biểu diễn nghệ thuật kể trên của NSƯT Tạ Quang Lẫm thật đáng trân trọng, mà thế hệ quản lý hôm nay cần học hỏi, trau dồi và đúc rút thêm kinh nghiệm để quản lý biểu diễn nghệ thuật Chèo có chất lượng. Hiện nay tỉnh Bắc Giang đã cho phép Nhà hát Chèo Bắc Giang tổ chức hoạt động nghệ thuật có tính chất tổng hợp (Ca Trù, hát Văn, Quan Họ, Ca-Múa-Nhạc và Chèo), trong đó hoạt động nghệ thuật Chèo là nổi trội nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động nghệ thuật tổng hợp đó có những ưu điểm và nhược điểm sau:

Về ưu điểm:  Giảm được biên chế lãnh đạo đầu mối tổ chức nghệ thuật (đội Diễn viên, đội Nhạc công, Phòng Nghệ thuật). Một người kiêm nhiệm nhiều chức năng,… Phát huy được năng lực đa dạng nghệ thuật của diễn viên như: người nghệ sĩ có thể vừa đàn, vừa hát hoặc vừa diễn Chèo, vừa hát dân ca, hay làm hậu đài, kiêm quản lý… Việc đa dạng hóa chức năng nhiệm vụ của một nghệ sĩ sẽ tạo nên tính năng động, thích ứng với từng vị trí công việc. Nâng cao đời sống vật chất và thu nhập cho Nhà hát, một phần nhỏ cho đội ngũ nghệ sĩ đa ngành, đa nghề này đồng thời góp phần ổn định và bổ sung kinh phí để Nhà hát có điều kiện mua sắm, chỉnh sửa cơ sở vật chất cho Nhà hát.

 Đáp ứng được một phần về thị hiếu khán giả và phần nhỏ về phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của nhân dân, tổ chức cơ quan, làng, xã trong tỉnh (lễ hội, hội nghị, sự kiện, kỷ niệm ngày lễ lớn…). Tận dụng tối đa cơ sở, vật chất (trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng…) thực hiện các buổi biểu diễn ở quy mô nhỏ.

 Nhược điểm và giải pháp khắc phục: Việc trau dồi kiến thức chuyên sâu về nghệ thuật Chèo của các nghệ sĩ là khó thực hiện, thậm chí là mai một kiến thức do họ thực hành nghệ thuật đa dạng các loại hình (hát chèo, hát ca trù, hát văn, quan họ, hát ca khúc mới…). Cho nên, cần nhanh chóng xây dựng các bộ môn nghệ thuật đặc sắc cho Đoàn 2 (Nghệ thuật tổng hợp), có thể phân nhóm, đội hát ca trù, đội ca - múa - nhạc hiện đại… Việc kiểm soát chuyên môn của nhà quản lý rất khó, nếu như sự hiểu biết của họ chưa sâu sắc về tất cả các loại hình, thể loại nghệ thuật. Dẫn đến hậu quả, làm qua loa, cho xong hợp đồng, hết giờ, hết buổi lấy kinh phí và nghỉ không trao đổi, góp ý, rút kinh nghiệm… Nên cần phải có cơ chế (quy định) kiểm soát chuyên môn thông qua việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề cho nghệ sĩ và cho người quản lý. Tính kế hoạch, chuyên nghiệp, chuyên sâu của một loại hình nghệ thuật là không có. Bởi các nghệ sĩ từ hát Chèo chuyển sang hát ca trù, hát quan Họ, hát Văn, hát ca mới… Người quản lý khó thâu tóm, lên ý tưởng, khái quát, xây dựng chương trình nghệ thuật bởi các loại hình nghệ thuật quá đa dạng. Dẫn đến trang phục, đạo cụ, âm thanh, nhạc cụ, ánh sáng… không đồng bộ, mà chắp vá; Kế hoạch luyện tập, biểu diễn bị phụ thuộc. Cần khẩn trương phân loại nghệ thuật, có kế hoạch, định hướng phát triển bền vững cho từng loại hình, thể loại nghệ thuật. Từ đó có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho từng loại hình nghệ thuật. Tuy thu nhập của Nhà hát được nâng cao, nhưng đời sống nghệ sĩ chưa cải thiện, bởi biểu diễn nhiều hay ít, diễn Chèo hay ca múa nhạc… thì nguồn thu đều về Nhà hát, tỉnh quản lý, không bồi dưỡng, động viên và cải thiện đời sống cho nghệ sĩ. Vì thế, dẫn đến tình trạng các nghệ sĩ không hứng thú đi diễn, không có hướng tìm tòi, sáng tạo, không chí thú phấn đấu cho sự nghiệp phát triển một loại hình, thể loại nghệ thuật nào sâu sắc. Cần xây dựng chính sách, đề xuất với UBND tỉnh cho phép có cơ chế bồi dưỡng sau biểu diễn cho nghệ sĩ, đặc biệt phải đảm bảo chính sách làm ngoài giờ, đặc thù… của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần phát huy hiệu quả, khuyến khích các tổ chức, các doanh nghiệp, người dân chung tay xây dựng, bảo trợ và ký kết hợp đồng phát triển văn hóa du lịch, nâng cao sự thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đồng thời có chế độ chính sách bồi dưỡng sau biểu diễn cho nghệ sĩ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các nghệ sĩ, để họ yên tâm công tác sáng tạo nghệ thuật và giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa tỉnh nhà.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch (2004), Quyết định số 47/2004/QĐ-B VTTDL ngày 2/7/2004 về việc ban hành “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”.
  2. Nhiều tác giả (2006), Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn, Nxb Sân khấu Hà Nội.
  3. Lê Thị Thu Hiền (2009), Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hóa trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  4. Trọng Khôi (2009), “Nghệ thuật sân khấu - Thực trạng và tương lai”, Tạp chí Sân khấu, 8/2009.
  5. Nguyễn Phan Thọ (1993), Sân khấu và khán giả trong tình hình đổi mới hiện nay, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
  6. Phạm Phương Thuỳ (2005), Công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Cục nghệ thuật biểu diễn, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại Học Văn hoá Hà Nội.
  7. Trần Trí Trắc (2009), Đại cương nghệ thuật sân khấu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa