Nội san

Dàn dựng ca khúc cách mạng trong nghệ thuật quần chúng

12 Tháng Tám 2019

Trịnh Thanh Tuấn [*]

        Với sự phong phú, đa dạng về nội dung và đề tài, dòng ca khúc cách mạng đã đóng vai trò to lớn, quan trọng trong đời sống xã hội, trong lao động và chiến đấu của quân và dân ta. Do đó, nhiều người đã cho rằng, mỗi ca khúc cách mạng là một trang lịch sử bằng âm thanh để thông qua đó cho thế hệ sau có thể thấy lại quá khứ và được trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Trải qua thời gian, dòng ca khúc cách mạng vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nó không chỉ có sức hấp dẫn đối với những người đã trực tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh mà còn được một bộ phận lớn thế hệ ngày nay yêu thích và đón nhận. Những ca khúc cách mạng vẫn được vang lên trong các buổi sinh hoạt tập thể, trong những chiến dịch học sinh - sinh viên tình nguyện, trên các sân khấu ca nhạc, trong các cuộc thi giọng hát hay, các hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên.

           Với những giá trị về tinh thần to lớn mang lại cho đời sống, ca khúc cách mạng sẽ vẫn luôn tồn tại trong đời sống âm nhạc của chúng ta. Mọi người đều có thể say sưa hát một ca khúc cách mạng như một nhu cầu tự nhiên hàng ngày. Ý nghĩa, giai điệu, ca từ của nhiều ca khúc cách mạng vẫn luôn làm say đắm lòng người, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hào hứng hơn và có ý nghĩa hơn.

         Việc thành lập các câu lạc bộ, đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, tổ chức các cuộc thi, liên hoan giọng hát hay về các ca khúc truyền thống sẽ góp phần định hướng đồng thời giáo dục truyền thống cho giới trẻ trong xã hội.

          Đây là dòng ca khúc đòi hỏi người biểu diễn phải có kỹ năng tương đối cao. Do đó cần có sự luyện tập và dàn dựng công phu. Vậy cần các kỹ năng dàn dựng nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động của mình, chúng tôi xin đưa ra biện pháp để dàn dựng ca khúc cách mạng đem lại hiệu quả cao cho chương trình.

           Xây dựng thiết kế chương trình

          - Mở đầu chương trình cần có tiết mục hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, biểu diễn ở hình thức tốp ca hoặc hợp xướng, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Không nên đưa những bài thiếu màu sắc, ý tưởng dàn dựng, hoặc đơn ca không có phụ họa và hát bè ở đầu chương trình. Nên tùy chương trình để lựa chọn bài mở đầu.

      - Kết thúc chương trình cũng cần có tiết mục khí thế, đầy màu sắc, được dàn dựng công phu và có chất lượng cao, biểu diễn ở hình thức tốp ca hoặc hợp xướng cùng tốp múa, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, hùng tráng tạo cảm giác trọn vẹn.

Ngoài ra khi xây dựng chương trình biểu diễn cũng cần lưu ý:

         -  Trong chương trình, các tiết mục cần hài hòa và thống nhất trong không khí chung. Đặc biệt là những chương trình duy nhất về một dòng thời gian cụ thể (Ví dụ: 26/3, 30/4, 19/5, 27/7, 10/10, 22/12 vv...).

          - Những tiết mục biểu diễn sau phải hấp dẫn, khác biệt hơn tiết mục biểu diễn trước về nghệ thuật biểu diễn, ý tưởng biểu diễn, ca hát, phụ họa, phục trang, ánh sáng. (Ví dụ: tiết mục trước là tốp ca nam hoặc nữ không phụ họa thì tiết mục sau có thể là đơn ca, song ca có múa phụ họa).

          - Cần tạo ra tính cao trào trong tổng thể chương trình để càng về cuối chương trình, các tiết mục càng hấp dẫn hơn, như vậy sẽ thu hút người thưởng thức. (Ví dụ: Các tiết mục hay nhất, các nghệ sĩ khách mời hoặc các nghệ sĩ hay nhất về hát, múa sẽ để xuất hiện sau tạo sự tò mò, chờ đợi cho người thưởng thức).                                                                                                                                    -Sắp xếp các tiết mục cần tính toán thời gian hợp lý về sự luân chuyển các diễn viên trong các tiết mục, để diễn viên có thời gian thay đổi trang phục, hóa trang, nghỉ ngơi.

         - Chương trình biểu diễn cần được thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm và thứ tự biểu diễn của các tiết mục cho diễn viên biết để chuẩn bị.

     Chọn chủ đề nội dung ý tưởng

            Đề tài: Phạm vi không gian và thời gian mà tác giả muốn khai thác.

Ví dụ: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Con đường Trường sơn Huyền thoại, Giải phóng Thủ đô, Giải phóng Miền Nam, Ca ngợi Bác Hồ, Ca ngợi người chiến sĩ…

           Chủ đề: Vấn đề chính, chủ yếu trong đề tài mà tác giả muốn đề cập, muốn trình bày, muốn thông tin, giáo dục...

           Ví dụ: Khi lựa chọn chủ đề về người chiến sỹ, thì cần chọn lựa những tác phẩm mà thông qua nó có thể truyền tải tới cho người thưởng thức thấy được vẻ đẹp của người chiến sỹ đó là những chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của người quân nhân cách mạng. Đó là, lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sự gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, tình đoàn kết quân - dân cá nước; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh,…

     Chọn tác phẩm và thể loại trình diễn

  Với chủ đề trên và để khẳng định điều muốn nói (tư tưởng chủ đề) tác giả sẽ trình bày trong kịch bản những vấn đề gì, những sự kiện gì, những nội dung gì, để từ đó ta sẽ quyết định chọn những tác phẩm nào. Ví dụ: Chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, “Rạng rỡ Việt Nam”, “Dáng đứng Việt Nam”... Tư tưởng chủ đề: “ Việt nam hào hùng qua từng giai đoạn lịch sử”, “Hình ảnh người chiến sĩ huyền thoại, bất tử”...

Từ chủ đề và tư tưởng chủ đề đó ta có thể lựa chọn các tác phẩm phù hợp.

ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI

STT

TÁC PHẨM

TÁC GIẢ

BIỂU DIỄN

1

Hò kéo pháo                                         

Hoàng Vân

Tốp ca và tốp múa

2

Chiến thắng Điện Biên                          

Đỗ Nhuận

Tốp ca và tốp múa

3

Những ánh sao đêm                              

Phan huỳnh Điểu

Đơn ca nam

4

Cô gái mở đường                                  

Xuân Giao

Tốp ca nữ

5

Bác đang cùng chúng cháu hành quân 

Huy Thục

Tốp ca nam và tốp múa

6

Nổi lửa lên em

Huy Du

Đơn ca nữ

7

Tiến về sài gòn                                      

Huỳnh Minh Siêng

Tốp ca và tốp múa

8

 Đất nước trọn niềm vui                         

Hoàng Hà

Tốp ca và tốp múa

     Chọn diễn viên và lên kế hoạch tập luyện

Lựa chọn người thể hiện tác phẩm. Không phải thành viên trong Câu lạc bộ cũng thể hiện hay được nhiều các tác phẩm mà tùy theo giọng hát, kỹ năng múa sở trường để lựa chọn người thể hiện phù hợp. Trong quá trình xây dựng chương trình, vì lý do giọng hát hay và người múa tốt nên đạo diễn chương trình có thể chỉ định người thể hiện một tác phẩm quá sức, không phù hợp với sở trường của họ nên tiết mục trở nên gượng ép và do đó không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, khi lựa chọn tiết mục và nhân sự đảm nhiệm tác phẩm cần khai thác tối đa lợi thế của thành viên, của lực lượng hiện có.

          Ví dụ: Người giọng hát trầm không thể bắt hát bài cao và ngược lại, người thể trạng yếu không thể dựng hình tượng khối mà leo trèo, người to béo đứng trên lưng người yếu và gầy nhỏ.

     Dàn dựng phần hát

Nghệ thuật quần chúng, nhất là những người không chuyên, không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp thì người dạy hát không nên dạy các kỹ thuật quá phức tạp, mà cần nắm vững phương pháp dạy hát được tiến hành qua từng bước, sẽ tạo hiệu quả cao hơn khi cố bắt các hội viên học những kỹ thuật khó.

     Dàn dựng phần múa

     -  Giới thiệu cho diễn viên biết tiết điệu của bài hát

       - Động tác, đội hình đơn giản, dễ dàng nhưng không đơn điệu. Tự nhiên mà không cầu kỳ hay quái dị.

       - Động tác biểu diễn phải đi đôi với lời ca.

       - Chú ý từng động tác vận động của đầu cổ, mình, tay chân, bàn chân, ngón tay, ngón chân... làm sao cho nhịp nhàng.

      - Di chuyển nhịp nhàng, có đi có về, tiến bao nhiêu bước thì lùi bấy nhiêu bước.

      - Tập thật thuộc bài hát và hát đúng nhịp, đúng tiết điệu.

      - Người biên đạo phải thuộc kỹ điệu múa, không ngập ngừng.

      - Nhắc và sửa chữa những chỗ khó cho diễn viên.

      - Tập kỹ những động tác của từng câu, từng đoạn, sửa ngay nếu thấy sai.

       - Như cách tập hát, sau mỗi đoạn đã tập, nên quay lại từ đầu để cho bài múa được liền lạc mà diễn viên có thể ghi nhớ.

      - Thoải mái và tự nhiên trong các động tác.

      - Thường xuyên cho học viên ôn lại.

     Thiết kế sân khấu, âm thanh ánh sáng, lựa chọn trang phục

Thiết kế sân khấu chính là một phần vô cùng quan trọng của chương trình biểu diễn, bởi nó tạo ngay ra Hiệu ứng ban đầu khi người thưởng thức thấy. Một sân khấu đẹp và phù hợp với chủ đề biểu diễn sẽ giúp cho chương trình được nâng lên rất cao về mặt chất lượng.

     Trong chương trình biểu diễn văn nghệ, âm thanh ánh sáng có tính chất quyết định đến chất lượng của buổi biểu diễn. Do vậy, khi phân công cần chú ý chuẩn bị âm thanh, loa đài, micro cho hợp lý. Nếu ở hội trường, phòng lớn cần chuẩn bị đèn, ánh sáng vừa đủ. Ánh sáng được sử dụng trong suốt chương trình, điều chỉnh theo từng tiết mục cho phù hợp. Người điều khiển âm thanh phải nắm chắc kịch bản để điều tiết cho phù hợp với từng tiết mục.

   Các công tác chuẩn bị phải có ý tưởng lựa chọn trang phục cho từng tiết mục tốp ca trong chương trình. Kịch bản cần lưu ý đến những chi tiết về hình thức của diễn viên khi ra sân khấu như: tóc, mũ, khăn, quần áo, váy, giày… Mỗi tiết mục đòi hỏi những đạo cụ riêng và chức năng của các đạo cụ đó phải được những người được phân công chuẩn bị nắm rõ để phục vụ cho tiết mục cũng như chương trình thành công.

   Về trang phục thì người được phân công vào nhiệm vụ này phải xây dựng ý tưởng để lựa chon trang phục sao cho phù hợp với nội dung, có tính thẩm mỹ và tạo cho các tiết mục trở nên ấn tượng hơn.

      Tổng duyệt chương trình

      Tổng duyệt là khâu rất quan trọng trong bất kỳ chương trình biểu diễn  nghệ thuật nào, từ chuyên nghiệp đến bán chuyên nghiệp và không chuyên, tổng duyệt giúp cho người đạo diễn bao quát tổng thể chương trình, mà từ đó rút ra được những kinh nghiệm quý báu đồng thời khắc phục và chỉnh sửa từng khâu trong chương trình biểu diễn để nhằm đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

       Việc nắm vững các kỹ năng dàn dựng sẽ đem lại hiệu quả cao trong mỗi chương trình biểu diễn. Từ đó chương trình biểu diễn về chủ đề ca khúc cách mạng sẽ sinh động, hấp dẫn, đem đến sức hút mãnh liệt và thể hiện được giá trị cốt lõi của dòng ca khúc.

Tài liệu tham khảo

1.  Dương Viết Á, Đức Trịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb Giáo dục Hà Nội.

2. Lê Tuấn Anh (2007), Dàn dựng chương trình tổng hợp, Nxb Giáo dục.

3. Nguyễn Bách (2008), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ.

4. Lê Ngọc Canh (2001),100 điệu múa truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin - TT Nghệ thuật múa UNESCO Hà Nội.

5. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc