Tin tức – Sự kiện

Lễ bảo vệ luận văn của hai học viên Võ Thị Ti Na và Trần Bá Thành (K9) - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

05 Tháng Chín 2019

BBT

          Nhằm đánh giá kết quả học tập của học viên, sáng ngày 30/8/2019 tại Phòng bảo vệ luận văn, khoa Sau đại học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ khóa 9 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

          Sau phần công bố quyết định thành lập hội đồng bảo vệ và lý lịch khoa học của các học viên, các học viên đã trình bày sơ lược báo cáo trước Hội đồng.

          Phần nhận xét của các cán bộ Phản biện, Ủy viên và các thành viên khác trong hội đồng đều tập trung vào toàn bộ nội dung và hình thức của các luận văn. Ngoài những thông tin khoa học, các tác giả đề tài còn được hội đồng góp ý về mặt hình thức trình bày theo đúng trường quy khoa học.

          Dưới đây là một số thông tin về đề tài được bảo vệ:

          Điều hành Hội đồng 1 có: GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Phạm Trọng Toàn - Phản biện 1, TS. Đỗ Thị Minh Chính - Phản biện 2, TS. Nguyễn Đỗ Hiệp - Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai - Ủy viên, Thư ký.

          Đề tài: Truyền dạy cồng chiêng Giẻ Triêng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

          Học viên: Võ Thị Ti Na

          Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Kiều Trung Sơn

          Tóm tắt nội dung: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên hiện nay một số lớp trẻ chưa hiểu hết giá trị nên ít quan tâm tìm hiểu. Bởi vậy việc đưa cồng chiêng Giẻ Triêng vào giáo dục âm nhạc trong nhà trường là việc làm rất đáng chú ý. Tại trường phổ thông dân tộc nội trú Đăk Glei nhà trường đã rất chú trọng nâng cao hiệu quả giáo dục âm nhạc cho học sinh tuy nhiên đến nay việc truyền dạy cồng chiêng Giẻ Triêng là chưa có. Để đưa âm nhạc cồng chiêng vào giảng dạy, đề xuất các phương pháp truyền dạy cồng chiêng hiệu quả, từ đó nâng cao hiểu biết về cồng chiêng Giẻ Triêng cho học sinh, tác giả đã chọn đề tài “Truyền dạy cồng chiêng Giẻ Triêng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đăk Glei, tỉnh Kon Tum” để nghiên cứu.

Học viên Võ Thị Ti Na trình bày luận văn thạc sĩ trước Hội đồng khoa học

          Xếp loại: Khá

          Điều hành Hội đồng 2 có: GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Kiều Trung Sơn - Phản biện 1, TS. Nguyễn Đỗ Hiệp - Phản biện 2, TS. Đỗ Thị Minh Chính - Ủy viên, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai - Ủy viên, Thư ký.

          Đề tài: Dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho giọng nam cao, hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

          Học viên: Trần Bá Thành

          Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Trọng Toàn

Tóm tắt nội dung: Gần một thế kỷ hình thành và phát triển nền âm nhạc mới Việt Nam, nhạc sĩ Trần Tiến đã khẳng định được vị thế của mình. Âm nhạc Trần Tiến không chỉ được các ca sĩ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật mà còn là một phần nội dung chương trình dạy học thanh nhạc. Là một giảng viên thanh nhạc Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, tác giả nhận thấy khi dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho giọng nam cao có những ưu điểm đồng thời còn có những hạn chế. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học hát cho sinh viên giọng nam cao hệ đại học sư phạm âm nhạc tác giả chọn đề tài  “Dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho giọng nam cao, hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” để nghiên cứu.

          Xếp loại: Giỏi

Hai học viên Võ Thị Ti Na và Trần Bá Thành

chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng khoa học