Tin tức – Sự kiện

Bộ trưởng Nhạ: Chưa quan tâm đúng mức “dạy người”... hiểu lầm gì không?

06 Tháng Chín 2019

Kiến Thức) - “Các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người" – Bộ trưởng có hiểu nhầm gì chăng khi phát ngôn như thế, không lẽ xã hội giờ “con nhiều hơn người”? Bộ trưởng đang đánh đồng hay bi kịch hoá xã hội?

Dạy chữ đi đôi với dạy người mới tạo nên hiền tài đất nước 
Các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người" – là chia sẻ của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với báo chí được tờ báo này đăng tải đúng ngày 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới.
Câu nói trên được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn ra để lý giải việc “còn một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc”.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng thừa nhận một thực tế đã diễn ra trong ngành giáo dục trong suốt thời gian qua như môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh...
Tuy nhiên, việc Bộ trưởng nói rằng, các thầy cô giáo còn coi nặng về “dạy chữ” mà chưa quan tâm đúng mức đến “dạy người” và năm học mới “ưu tiên dạy người” khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên và có nhiều ý kiến phản ứng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Bởi nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo từ trước đến nay không chỉ đào tạo mà còn phải giáo dục, trong khi đó, giáo dục không chỉ giảng dạy tri thức, kiến thức mà còn giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ.
Không phải ngẫu nhiên khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” của các bậc tiền nhân được treo ở vị trí trang trọng nhất tại các nhà trường. Nó là minh chứng và được xem như “triết lý giáo dục” bởi thực tế con người khi khởi đầu sự học thì phải học đạo đức trước để làm người rồi mới đến học tri thức, văn hóa để phát triển một cách toàn diện, trở thành hiền tài, phụng sự tổ quốc.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được Tiến sĩ Thân Nhân Trung thảo ra cách đây 500 năm trước và hiện vẫn được lưu giữ tại Văn bia đá Quốc Tử Giám và từ xưa đến nay, người hiền tài luôn được đánh giá bởi hai yếu tố đạo đức và năng lực, thực tế nhiều người tài đức vẹn tròn đã được lựa chọn qua các kỳ thi để đóng góp sức lực cho đất nước. Do vậy, qua nhiều thời đại, ngành giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu và có ý nghĩa quan trọng trong tuyển dụng "hiền tài".
Trong một lần nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” cũng để nhấn mạnh việc giáo dục là dạy chữ đi đôi với dạy người mới tạo nên hiền tài đất nước.
Mới đây, dự lễ khai giảng của Trường THPT Sơn Tây (TP Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi nói chuyện với nói với các thầy cô, các em học sinh đã nhấn mạnh: “Con người phải có đức có tài mới đóng góp được cho đất nước, cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng”.
Vậy vì sao đến nay, ngành giáo dục và đào tạo dưới nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người"?
Phát ngôn chưa quan tâm dạy người, có hiểu lầm gì chăng?
Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua bản thân ngành giáo dục đã xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận, báo động thực trạng xuống cấp đạo đức không chỉ có học sinh, sinh viên mà ngay cả các thầy cô giáo, vốn được xã hội ví như “mẹ hiền” và những người làm công tác giáo dục.
Điển hình những tồn tại trong công tác quản lý giáo dục là hàng loạt vụ gian lận thi cử diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, tình trạng lạm thu, sự xuống cấp đạo đức nhà giáo trầm trọng khi giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau, giáo viên chỉ đạo cả lớp tát học sinh 231 cái, cô giáo lên lớp im lặng suốt 3 tháng, thầy hiệu trưởng dâm ô hàng loạt nam sinh, học sinh đánh thầy cô giáo, học sinh tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường…
Bên cạnh đó, không chỉ ngành giáo dục tồn tại nhiều vấn đề về đạo đức, xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều tệ nạn cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nhưng đó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội.
Thực tế ngay cả các nước phương Tây, những nước tiên tiến trên thế giới thử hỏi có những tệ nạn tương tự hay không? Xin thưa rằng là có, thậm chí nhan nhản.
Vậy, Bộ trưởng có hiểu nhầm gì chăng khi phát ngôn chưa quan tâm dạy người, không lẽ xã hội giờ “con nhiều hơn người”? Bộ trưởng đang đánh đồng hay bi kịch hoá xã hội?
Chưa quan tâm “dạy người”, tư lệnh ngành giáo dục có phải chịu trách nhiệm?
Dư luận đặt câu hỏi, Bộ trưởng nói rằng các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người", xin hỏi: Bộ trưởng đang là tư lệnh, là “thủ lĩnh” ngành giáo dục con người, cá nhân của Bộ trưởng có thấy mình phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Chính phủ và toàn dân vì để các trường học giáo dục “lệch chuẩn” không?
Bởi thực tế, là tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thầy cô, nhà trường, phụ huynh đều mong muốn, giáo dục học sinh vừa giỏi, vừa ngoan, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời Bộ trưởng trao đổi với báo chí.
Và tất nhiên, Bộ trưởng cũng thừa hiểu những thực trạng đang diễn ra trong ngành giáo dục cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực còn tồn tại. Nếu thực trạng, giáo viên coi nặng “dạy học”, xem nhẹ “dạy người” thì sao đến tận năm học mới này, ngành giáo dục mới xác định ưu tiên việc 'dạy người', dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh và quyết tâm triển khai hiệu quả.
Cách đây 3 năm, ngay khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn”, đồng thời viện dẫn triết lý giáo dục của UNESCO: “Học để sống với nhau, học để làm việc, học để biết, học để làm người” để khẳng định “Mục tiêu của giáo dục phải là con người”.
Nhưng thực tế 3 năm qua, dưới nhiệm kỳ của Bộ trưởng, những tiêu cực của ngành giáo dục thường xuyên diễn ra như bê bối bạo lực học đường, đạo đức một bộ phận giáo viên, học sinh suy giảm, xuống cấp, gian lận thi cử, công tác quản lý còn nhiều bất cập và nay, Bộ trưởng lại cho rằng, học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức là do giáo viên xem nhẹ việc “dạy người”.
Với vai trò là tư lệnh ngành lẽ ra việc “dạy người” phải được thường xuyên quan tâm trong các năm học chứ không phải khi xã hội diễn ra quá nhiều vụ việc xuống cấp đạo đức mới giật mình nhìn ra theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nếu giáo viên xem nhẹ “dạy người” dẫn đến “một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc” là tư lệnh ngành giáo dục, tất nhiên Bộ trưởng phải có trách nhiệm chứ không chỉ nói chung chung về nguyên nhân do “môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh”. Nói như thế khác gì đổ lỗi trách nhiệm cho giáo viên, cho môi trường xã hội mà không có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục?
 
Tâm Đức