Nghiên cứu lý luận

DẠY HỌC BỐ CỤC PHẦN ĐỆM TRÊN ĐÀN PHÍM ĐIỆN TỬ CA KHÚC VIẾT VỀ TÂY NGUYÊN CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN CƯỜNG

09 Tháng Chín 2019

Hoàng Anh Tuấn[*]

 

Đàn phím điện tử (Electronic Keyboards, gọi tắt là Keyboard) là một nhạc cụ được tích hợp kỹ thuật điện tử tiên tiến, hiện đại, được phát triển theo hướng thay thế một dàn nhạc qua mô phỏng âm thanh tự nhiên, tái tạo âm sắc của nhiều nhạc cụ khác nhau. Ngày nay, đàn phím điện tử đã trở thành một nhạc khí phổ biến trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

1. Xây dựng phần mở đầu (Introduction)

Phần mở đầu/dạo đầu (Introduction) là phần xuất hiện đầu tiên trong bố cục của bài đệm (sau dạo giữa và phần kết) có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt người hát thể hiện nội dung của ca khúc. Trong đàn phím điện tử hiện nay có cài sẵn phần dạo nhạc cho từng tiết điệu, học sinh chỉ cần chọn nhạc sau đó ấn Introduction thì đàn sẽ tự động dạo nhạc theo chế độ đã được cài đặt sẵn. Tuy nhiên, sử dụng dạo đầu theo phương pháp này sẽ không thể hiện được nội dung, tính chất âm nhạc của ca khúc, dẫn đến hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thậm chí làm lệch lạc đi phong cách âm nhạc của bài hát dẫn đến nhàm chán, không hấp dẫn người nghe, không nâng tầm được cho ca khúc cũng như người hát.

Đối với ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, học sinh cần lựa chọn các phương án hợp lý nhất vì đây là những ca khúc mang đặc thù vùng miền rất rõ ràng, thể hiện được bút pháp sáng tác và phong cách âm nhạc rất riêng của tác giả. Tùy theo trình độ, khả năng tư duy của từng em, giảng viên hướng dẫn học sinh có thể lựa chọn một số phương thức dạo đầu như: Dạo bằng câu cuối của ca khúc, dựa vào điệp khúc, dựa vào vòng hòa âm đặc trưng của bài hát, mô phỏng lại nét đặc trưng của ca khúc...

- Thứ nhất dạo nhạc bằng phương pháp khai thác chất liệu và những nét đặc trưng của câu cuối bài hát. Cách làm này tương đối dễ dàng, được sử dụng rộng rãi trong đệm đàn phím điện tử, rất phù hợp với đối tượng là những em học sinh mới học và làm quen môn đệm hát. Trong phương thức dạo này, học sinh có thể lấy nguyên xi câu cuối của bài rồi đặt hợp âm để làm phần dạo đầu, hoặc có thể thay đổi một vài nhân tố như tạo thêm các đường nét chạy cho câu nhạc, làm cho câu dạo thêm uyển chuyển, phong phú hơn... nhưng nội dung và dáng dấp của câu nhạc vẫn được giữ nguyên.

Ví dụ:

- Thủ pháp dạo đầu bằng phương pháp dựa theo đoạn điệp khúc, đây là đoạn giữa của bài hát/đoạn phát triển chứa đựng nhiều yếu tố tương phản so với đoạn đầu tiên. Do đó, sử dụng phương pháp này sẽ tạo nên được sự khác biệt, lối cuốn để dẫn dẫn dắt người hát vào ca khúc.

- Xây dựng câu dạo dựa vào vòng hòa âm tiêu biểu của bài hát, đây là thủ pháp tương đối khó, đòi hỏi người đệm đàn phải vững vàng trong các kỹ năng về ngón tay, có tư duy sáng tạo, có khả năng ngẫu hứng, phiêu trên các vòng hòa âm đã được định hình sẵn. Trong mỗi ca khúc, khi sáng tác người nhạc sĩ đã tạo ra nhiều vòng hòa âm khác nhau theo tư duy từng đoạn nhạc, câu nhạc. Vì vậy, học sinh nên chọn ra một hoặc hai vòng hòa âm đặc trưng nhất để dùng làm phần mở đầu làm cầu nối giữa người hát và tác phẩm sao cho vừa tạo ra được những nét giai điệu mới, sáng tạo mà vẫn giữ được màu sắc hòa âm của bài hát.

Ví dụ 3:

- Soạn câu dạo đầu dựa vào sự mô phỏng chất liệu âm nhạc của ca khúc là một thủ pháp mang tính chất tổng hợp, có tính nghệ thuật cao. Trong mỗi tác phẩm thường được xây dựng với một số chất liệu, sau đó từ chất liệu đặc trưng đó sẽ phát triển bằng nhiều hình thức như: xé lẻ chất liệu, mô phỏng lại âm hình tiết tấu... Khi lựa chọn phương pháp này để soạn câu dạo đầu, học sinh phải tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ để định hình được các chất liệu chính, đặc trưng của ca khúc cần soạn đệm. Như vậy câu dạo mới có chất lượng nghệ thuật cao, mang tính đại diện cho toàn bài.

Ví dụ 4:

Trong bài Thênh thênh oh ơi của Nguyễn Cường, chất liệu âm nhạc chùm 3 (kép trước, đơn sau) ngân sang hình nốt trắng là chất liệu chính, quán xuyến toàn bộ tác phẩm.

2. Dạo giữa (Interlude)

Mỗi một bài hát đều được trình bày 2 lần, có bài đến 3 lần tùy theo cấu trúc của nó. Sau các lần trình bày đều cần có khoảng cách để người hát nghỉ ngơi, vũ đạo trên sân khấu. Khoảng nghỉ đó được dẫn dắt bằng các đoạn nhạc tạo cho người nghe cảm thấy hứng thú, say mê gọi là dạo giữa.

Dạo giữa có thể xây dựng bằng nhiều thủ pháp khác nhau, thông thường là sử dụng lại câu dạo đầu hoặc tạo ra một câu dạo khác hoàn toàn mới mẻ, có tính chất ngẫu hứng, phiêu trên nền nhạc... Dạo giữa không nhất thiết phải bó buộc trong một phạm vi cấu trúc nào, có thể dài hay ngắn đều được, tuy nhiên cũng cần căn cứ vào mối tương quan với độ dài của ca khúc để xây dựng câu dạo sao cho hợp lý nhất.

- Phương pháp dạo giữa bằng cách sử dụng lại câu dạo đầu: đây là một phương pháp dạo phổ biến, nhanh gọn, học sinh chỉ việc lấy nguyên câu dạo đầu để làm dạo giữa mà không phải mất thời giai để tư duy câu dạo mới. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này sẽ không tạo ra được những màu sắc mới, những yếu tố mang tính đột phá cho bài hát.

- Phương pháp dạo giữa bằng cách tạo ra một câu dạo mới, thay đổi hoàn toàn so với câu dạo đầu: phương pháp này tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải có tư duy sáng tạo, có nền tảng về tay ngón vững vàng cùng với hòa âm và kinh nghiệm thực tiễn. Khi dạo giữa bằng phương pháp này, học sinh có thể tạo ra những giai điệu mới theo cách riêng của mình, tuy nhiên cũng cần dựa trên nền tảng hòa thanh và chất liệu âm nhạc của bài hát nhằm làm rõ thêm hình tượng và chủ đề của bài hát.

Ví dụ 5:

Ở ví dụ trên, câu dạo giữa được xây dựng trên nền tảng hòa âm và chất liệu chùm 4 móc kép của ca khúc đã tạo ra được nhiều màu sắc mới mẻ cho tác phẩm.

3.Phần kết (Ending)

Phần kết là phần cuối cùng để kết thúc một bài đệm cho ca khúc. Cũng giống như phần mở đầu trong bố cục của bài đệm, phần kết cũng được cài đặt sẵn trong mỗi tiết tấu trên đàn phím điện tử, sau khi người hát thể hiện xong ca khúc, học sinh chỉ việc nhấn vào nút Ending là sẽ có một câu dạo kết. Tuy nhiên cách làm này sẽ không thu được hiệu quả như mong muốn, lệch lạc so với tính chất âm nhạc của bài hát. Ngoài ra, phương pháp này sẽ khiến các em trở nên thụ động, thiếu tư duy sáng tạo trong cách đệm.

Thực tế có nhiều phương án để xây dựng câu dạo kết, tuy nhiên cần phụ thuộc vào cách trình bày của tác phẩm cũng như phong cách thể hiện của ca sĩ/người hát. Nhìn chung, trong các ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, học sinh có thể sử dụng một số cách kết như sau:

 - Kết ngân dài cùng câu hát: cách kết này cũng tương đối phổ biến và gọn gàng trong phối khí và đệm hát, đặc biệt là các ca khúc mang phong cách nhạc Rock, âm nhạc thường ngân dài và kết thúc cùng với câu hát tạo nên sự kết ngắt rõ ràng, rành mạch với âm hưởng đầy đặn, khỏe khoắn.

Ví dụ 6:

VÀ TA LẠI THẤY MẶT TRỜI RẠO RỰC TRÊN MÔI EM

(Trích)

 

- Kết bằng một câu nhạc, đoạn nhạc làm nền ngẫu hứng cho người hát, đây là cách kết rất đặc trưng trong các ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, âm nhạc hỗ trỡ đắc lực cho ca sĩ phô diễn kỹ thuật và chất giọng của mình tạo cho người nghe những ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc.

Ví dụ 7:

Ngoài ra, còn nhiều kiểu kết khác như: kết nhỏ dần cùng câu hát, kết giãn nhịp độ, kết ngắt đoạn trước khi về kết hẳn... Khi đệm hát cho các ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, học sinh cần căn cứ theo tính chất, nội dung của từng bài hát để tìm hiểu và lựa chọn các phương thức sử dụng câu dạo kết cho hợp lý và hiệu quả nhất.

4. Soạn các câu chèn, chêm

Trong đệm đàn cho ca khúc nói chung, có nhiều thành phần cấu thành lên bài đệm (như đã trình bày ở trên), mỗi thành phần đều mang các chức năng riêng biệt nhưng luôn hỗ trợ và bổ sung cho nhau để góp phần làm nên sự thành công cho bài đệm.

Một trong những thành phần không thể thiếu trong đệm hát đó là các câu chèn, chêm. Thành phần này có nhiệm vụ chuẩn bị của phần đệm nhằm giúp báo trước sự thay đổi của đường nét giai điệu, chủ đề và hình tượng âm nhạc, chủ yếu được sử dụng ở thời gian nghỉ giữa các câu nhạc, đoạn nhạc. Có nhiều thủ pháp tạo câu chèn, chêm khác nhau như: mô phỏng hoặc diễn lại ý nhạc, rải hợp âm, tiết tấu hóa hợp âm, tạo tiết nhạc độc lập...

Các ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường thường hay sử dụng những câu chèn, chêm do đặc thù các nhóm tiết tấu ngân dài ở cuối câu nhạc, tiết nhạc, đoạn nhạc. Có thể lược qua một số thủ pháp như sau:

-  Diễn lại ý nhạc: là thủ pháp nhắc lại một ý nhạc, nét nhạc sau khi kết thúc, cần thời gian ngưng nghỉ, vũ đạo.

Ví dụ 8:

 

- Tạo một tiết nhạc độc lập: thủ pháp này tương đối đọc đáo, mới lạ, có sức lôi cuốn cao đối với người hát, có thể giúp người hát thăng hoa cùng với giọng hát của mình. Đây là cách mà nhạc sĩ Nguyễn Cường hay sử dụng để chèn, chêm vào trong các ý nhạc, các câu hát tạo nên được những ấn tượng mạnh mẽ, đẩy tác phẩm lên đỉnh điểm của cao trào.

Ví dụ 9:

 

            Các câu chèn, chêm được sử dụng rất đa dạng theo tư duy của mỗi người. Khi đệm các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường, học sinh cần chuyển soạn sao cho hợp lý và phù hợp với khả năng của mình, không nên chọn cách làm khó quá sẽ dẫn đến bài đệm không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Kết luận

Nhìn chung, xây dựng bố cục phần đệm đàn phím điện tử cho ca khúc viết về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường là một trong những việc làm quan trọng, giúp cho bài đệm có một tư duy logic, kết cấu chặt chẽ, khoa học... Bên cạnh đó, để phần đệm trở nên hiệu quả hơn, người đệm đàn cần phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm một số các biện pháp khác như: chọn tiết tấu, âm sắc, đặt hợp âm, xây dựng âm hình đệm... sao cho phù hợp nhất với ca khúc. Có như vậy thì bài đệm mới hay, hấp dẫn người nghe và góp phần nâng tầm cho ca khúc, tạo sự thăng hoa cho người hát...

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Hoa (2013), Giáo trình hòa âm ứng dụng, Nxb, Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Nguyễn Mai Kiên (2003), Hòa thanh nhạc nhẹ, Giáo trình bậc Đại học, Nxb Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Nhung (1991), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  4. Hội nhạc sĩ Việt Nam (1997), Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại, Nxb Hà Nội.
  5. Minh Tiến (1995), Những nhạc phẩm chọn lọc soạn cho đàn Piano và Organ tập 2, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
  6.  Nguyễn Xuân Tứ (2002), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ tập 1, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  7.  Nguyễn Xuân Tứ (2003), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử tập 2, Nxb ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
  8.  Nguyễn Xuân Tứ (2003), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử tập 1,2, Nxb ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh.
  9.  Nguyễn Xuân Tứ (2004), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ tập 2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  10.  Nguyễn Xuân Tứ (2007), Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  11. Sơn Hồng Vỹ (2004), Tự đặt hợp âm cho đàn Guitar và Organ, Nxb Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K9-  Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc