Nội san

Luyện hát chuyển giọng và hát chính xác cho học sinh nữ lứa tuổi 14-15 tại Trung tâm phát triển Nghệ thuật Ánh Huyền, Quận Hà Đông, Hà Nội

12 Tháng Chín 2019

                                                                                       Trần Thị Khanh   [*]

 

Trung tâm phát triển Nghệ thuật Ánh Huyền là một cơ sở hoạt động dạy học nghệ thuật tư nhân, nằm trên phố Nhuệ Giang, phường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội. Kinh doanh độc lập trong sự cạnh tranh của nhiều cơ sở dạy học âm nhạc không chuyên, Trung tâm quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng dạy học nhằm tạo dựng uy tín, thương hiệu riêng để thu hút người học.

           Dạy học hát cho học sinh (HS), đặc biệt là HS lứa tuổi 14-15, ngoài các kiến thức, kỹ năng ca hát thông thường, cần có những đổi mới trong từng thao tác dạy nhất là vấn đề hát chuyển giọng và hát chính xác. Nếu chúng ta có phương pháp cho HS biết cách hát thì các em hát được với âm vực rộng hơn, hát không bị mệt, bị đau cổ; hát được nhiều bài kỹ thuật khó; sang giai đoạn tuổi trưởng thành sẽ hát chuyển giọng một cách dễ dàng…

 Chúng tôi nhận thấy cần thiết có những biện pháp để khắc phục khó khăn cũng như hạn chế trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, phát huy năng lực cho HS, xây dựng nền tảng vững chắc để HS có thể độc lập tự xử lý một tác phẩm mớicho HS nữ lứa tuổi 14-15 tại Trung tâm phát triển Nghệ thuật Ánh Huyền, Quận Hà Đông, Hà Nội.

1. Vấn đề chuyển giọng

 Nếu không học kỹ thuật ca hát thì nhiều HS chỉ biết hát bằng giọng tự nhiên với một âm vực hạn chế, thường hát bằng giọng cổ, đến các nốt cao thì hát to như gào, hát nhiều sẽ bị khản tiếng, mất tiếng. Đó là do chưa biết cách hát bằng giọng óc hay còn gọi là giọng chuyển với khoảng vang trên đầu. Giọng này có thể giúp cho HS lên được các nốt cao dễ dàng, không bị mất tiếng, khản cổ. Trong ca hát, điều tối kỵ là hát bằng giọng cổ, kể cả khi hát các âm thấp người ta cũng hạn chế âm thanh ở cổ mà phải tạo khoảng vang ở ngực.

Nhiều khi người ta gọi giọng tự nhiên là giọng thật và giọng óc là giọng giả hay giọng gió, giọng chuyển. Hai giọng này thường khó đều màu, nhất là khi mới học hát càng dễ bộc lộ sự khác biệt. Hát giọng đầu gần như là bắt buộc với giọng nữ, đặc biệt là với nữ cao. Giọng nữ trung và trầm sử dụng ít nốt ở khoảng vang đầu hơn nhưng để mở rộng âm vực, hát được những nốt cao thì vẫn cần phải hát giọng này. Ngay cả khi hát nhạc nhẹ, các ca sĩ cũng phải luyện tập để hát được giọng chuyển, giọng pha để hát được các nốt cao. Quá trình tập luyện sẽ làm cho giọng óc trở nên đẹp, vang hơn, gần với giọng tự nhiên.

          Vấn đề khó nhất trong luyện giọng đó là làm sao hát được giọng óc đều màu với giọng tự nhiên, người nghe không phân biệt được sự thay đổi từ thanh khu tự nhiên sang thanh khu giọng chuyển. Để làm được điều đó cần phải tập luyện kỹ lưỡng để đạt đến đồng nhất âm sắc và vị trí âm thanh giữa các âm khu trong giọng hát. Trong quá trình luyện tập cần chú ý đến các nốt chuyển giọng để nối liền giữa các âm khu.

            Để thực hiện kỹ thuật chuyển giọng cho HS, ở phần luyện thanh, quan trọng nhất là khi luyện dần lên cao, làm sao để HS có thể mở rộng được âm vực, lên được các nốt cao và khi hát các âm ở nơi giao thoa giữa các âm hát bằng giọng tự nhiên với các âm hát giọng chuyển cần hát phần pha giọng. Ban đầu, giáo viên (GV) làm sao cho các em có thể hát được âm chuyển. Đa phần khi lên cao hẳn, những em nào chuyển được giọng thì các em lại hát dễ dàng và thuận lợi hơn hẳn các âm ở khu giữa của âm vực, nơi giao thoa phải hát bằng giọng pha. Ở khu này, có thể rất rõ sự khác nhau giữa âm thanh tự nhiên với âm chuyển giọng, âm thanh dễ bị mờ, những người hát chuyên nghiệp nói hiện tượng đó là không đều màu giữa các âm khu. Đây chính là điều khó nhất của học thanh nhạc đối với cả người học chuyên nghiệp chứ chưa nói tới người học không chuyên. Từng ngày, từng ngày, mỗi ngày luyện một ít, vấn đề hơi thở, khẩu hình và vị trí âm thanh chuẩn sẽ là phương tiện đắc lực để giọng hát đều màu. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều mà làm được, đối với HS lứa tuổi 14-15 có lẽ còn khó khăn hơn bởi cơ quan phát âm chưa thực sự hoàn thiện, chất giọng chưa hoàn toàn rõ màu. Có những em rất thuận lợi trong chuyển giọng song có những em lại rất khó khăn, nhất là các em thiên về giọng nữ trung, thiên về hát nhạc nhẹ.   

Nếu kiên trì luyện tập đúng kỹ thuật (tập không đúng rất dễ dẫn đến hư giọng) thì sẽ giải quyết được vấn đề hát chuyển giọng. Khi học hát, GV cần xác định âm vực cũng như loại chất giọng của HS, đồng thời chỉ ra các ưu điểm, khuyết điểm cho HS nắm được. Sau đó, GV hướng dẫn các kỹ thuật luyện thanh (Lấy hơi, đẩy hơi, ngân, rung, phát âm…) và hướng dẫn các bài hát để HS luyện tập phát triển âm vực của mình. Nếu HS tập luyện trong thời gian dài, đúng kỹ thuật, thì có thể mở rộng âm vực của mình khoảng 1- 1,5 cung, thậm chí mở rộng thêm tới vài cung. Nhiều em khi hát bằng giọng tự nhiên không lên được nốt c2, tự cho mình thuộc loại giọng trung trầm, sau khi chuyển được giọng đã có thể lên tới b2 mở rộng được nhiều hơn tới gần 1 quãng 8.

            HS cần luyện tập kiên trì, ban đầu hát nhỏ, sau đó to dần, không gắng dùng sức, sự dùng sức có thể dẫn đến hư hại giọng hát. Lưu ý về hơi thở, khẩu hình, vị trí âm thanh, các kỹ thuật đã được hướng dẫn để làm sao hát nhẹ nhàng. Kiên trì tập luyện trong thời gian dài như vậy, âm thanh sẽ dần vang to hơn, âm vực sẽ dần được mở rộng hơn.

            Khi mới học luyện chuyển giọng không nên chọn những bài có tầm âm rộng, lên cao xuống thấp nhiều mà nên chọn những bài có nhiều âm ở âm khu cao như bài Ru em (Dân ca Xê đăng), Hát ru (F. Schubert). Các bài hát này chủ yếu ở âm khu trung và cao, ít âm xuống âm khu trầm nên dễ dàng giữ được âm thanh ở một vị trí.

Ví dụ số 1:                   HÁT RU

                                               (Trích)                        F. Schubert

                                                                         Lời dịch: Trung Kiên

         Ca khúc Hát ru là một tác phẩm có giai điệu mềm mại, thiết tha. GV hướng dẫn HS kỹ thuật hơi thở, hít hơi thật sâu, nén chặt hơi thở. Kỹ thuật chuyển giọng liên tiếp xuyên suốt tác phẩm trong bài, cần giữ chắc âm thanh ở một vị trí để âm thanh vang, sáng. 

Để mở rộng dần âm vực, bên cạnh kỹ thuật luyện thanh, học hát thì HS nên học thêm xướng âm. Luyện xướng âm với nhiều bài ở nhiều loại tầm âm, âm khu sẽ tốt cho việc hát chuyển giọng, khi đó HS buộc phải hát chuyển giọng để đọc được các nốt cao của bài xướng âm bởi nếu đọc bằng giọng thật sẽ rất mệt. Dù không phải là học chuyên nghiệp song đã yêu thích ca hát thì HS ở Trung tâm PTNT Ánh Huyền nên luyện tập hát, luyện thanh hàng ngày. Với bài hát, có thể tập theo dạng hát cao hơn ½ đến 1 cung so với tone thích hợp, sau đó mới hạ thấp hát ở tone giọng thích hợp, những nốt lên cao đã được luyện cao hơn đến khi đó sẽ dễ hát hơn. 

2. Luyện hát chính xác

2.1. Luyện thẩm âm

Thẩm âm là khả năng nghe và lặp lại âm thanh/giai điệu chính xác hay không. Luyện tập thẩm âm là giáo viên thực hiện trên đàn một giai điệu nào đó, học sinh nghe và nhắc lại giai điệu đó bằng âm “la”.

Luyện thẩm âm có thể chỉ cho luyện riêng cao độ hoặc cũng có thể kết hợp bao gồm cao độ, trường độ. Luyện tập thẩm âm giúp HS cải thiện được khả năng nghe tốt về độ cao và cả tiết tấu được lồng ghép trong giai điệu nếu có sự luyện tập một cách thường xuyên và bài bản. Thực hiện các mẫu âm từ dễ đến khó để các em HS có sự thích nghi dần. 

Dưới đây là một số mẫu có thể cho HS luyện thẩm âm. Ban đầu chỉ luyện riêng cao độ:

  Ví dụ số 2:

  Ví dụ số 3:

Các mẫu luyện trên đều cùng một dạng trường độ là nốt đen và hướng dẫn HS chỉ tập trung vào nghe và nhắc lại cao độ cho đúng. Luyện với giọng C-dur, ban đầu chỉ là những nét ngắn, cao độ thuận tai, chủ yếu với những âm ổn định trong C-dur (chức năng T). Sau đó mới thực hiện các nét dài hơn, cao độ có sang phía của chức năng S và D. Khi đã luyện tốt có thể cho những mẫu xen kẽ giữa âm ổn định và không ổn định, giai điệu khó hơn:

Ví dụ số 4:

Sau khi luyện riêng cao độ, cho luyện giai điệu có cao độ kết hợp trường độ. Có thể cho một dãy cao độ giống nhau kết hợp với các dạng tiết tấu khác nhau để HS luyện phản xạ phân biệt sự khác nhau: 

  Ví dụ số 5:

2.2. Luyện tiết tấu

Khả năng tiết tấu là nghe và gõ lại, hát hoặc đàn lại một âm hình tiết tấu hay thực hiện tiết tấu trong giai điệu có chính xác hay không. Trong chương trình học hát, có rất nhiều bài hát sử dụng tiết tấu khó như đảo phách, phách phân 3… Vì vậy, GV cần hướng dẫn kỹ để các em hát chính xác tiết tấu của bài. Ví dụ như trong bài hát Pretty boy có sử dụng nhiều tiết tấu đảo phách liên tiếp rất khó hát. Nếu không luyện tập tốt tiết tấu thì không thể hát được:

Ví dụ số 6:            PRETTY BOY

                                     (Trích)        Bottolf Lodemel & Nora Skaug

Luyện tập tiết tấu nên được đi đôi cùng luyện thẩm âm và cũng theo phương châm từ dễ đến khó.

Việc hát chuyển giọng, hát chính xác trong học hát hiện nay là một vấn đề rất cần thiết giúp HS hát tốt hơnnếu như giáo viên biết cách hướng dẫn HS sẽ mang lại hiệu quả rất tốt ngoài việc tạo hứng khởi trong giờ học hát còn làm cho HS biết cách xử lý bài hát, tác phẩm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp này cũng cần có sự tiếp thu, khả năng học tập của các em HS Trung tâm.

 

                                          Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội-Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội.
  2. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.