Sự kiện

Cách tránh 6 lỗi quản lý lớp giáo viên hay mắc dịp đầu năm học

13 Tháng Chín 2019

Để quản lý lớp học được tốt, một trong những nguyên tắc giáo viên cần thực hiện là minh bạch hóa các chế tài. (Ảnh minh họa)

GD&TĐ - Giai đoạn mới khai giảng là thời gian quan trọng, là bước khởi động tạo đà cho cả năm học của cả thầy cô và các em học sinh trong lớp. Bằng cách lưu ý để tránh những sai lầm phổ biến mà giáo viên hay mắc, sẽ giúp thầy cô thiết lập một năm học vui vẻ và hiệu quả.

Dưới đây là một số lỗi phổ biến giáo viên mắc phải vào đầu năm có thể làm giảm hiệu quả giảng dạy hay quản lý lớp học:

1. Không truyền đạt những kỳ vọng rõ ràng

Giáo viên nên truyền đạt kỳ vọng cho học sinh vào những ngày đầu tiên đến trường. Điều này có nghĩa là chia sẻ và xem xét các quy tắc cho lớp học bao gồm cả hình thức xử lý các vi phạm.

Những kỳ vọng cho bất kỳ thói quen nào giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nên được xác định rõ ràng. Một số giáo viên lựa chọn tạo ra bản quy tắc lớp học để học sinh thực hiện và yêu cầu học sinh, phụ huynh ký tên.

2. Không thiết lập mối quan hệ với học sinh

Xây dựng mối quan hệ với học sinh là cách hiệu quả nhất để giáo viên tránh các vấn đề về quản lý lớp học. Khi học sinh có mối quan hệ với giáo viên, chúng sẽ ít gây rắc rối hơn.

Vì vậy, làm quen với các học sinh, nói chuyện với chúng, gặp gỡ từng học sinh một, tìm hiểu những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng và xem liệu bạn có thể giúp đỡ được những vấn đề chúng gặp phải không.

Xây dựng mối quan hệ với học sinh có thể đi một chặng đường dài hướng tới việc tạo ra một lớp học thực sự là một tập thể, một gia đình.

3. Không nhất quán trong thực hiện kỷ luật

Dạy học là một công việc phức tạp đòi hỏi nhiều kĩ năng và phẩm chất. Nếu bạn muốn có một lớp học được quản lý tốt; một môi trường lớp học dân chủ và bình đẳng thực sự; muốn bản thân không phải chịu những hậu quả về việc mất kiểm soát trong quản lý lớp học thì mỗi giáo viên cần cố gắng để hình thành sự kiên định và nhất quán trong hành xử, đặc biệt thái độ và ứng xử đối với các sai phạm.

Hầu hết các học sinh đều có ý thức về hình thức xử phạt các vi phạm được giải quyết trong lớp học. Nếu bạn đã xử lý kỷ luật vi phạm đối với một học sinh nhưng không phạt một học sinh khác với lỗi tương tự, học sinh sẽ xem giáo viên không công bằng và không nhất quán. Và chuyện "nhờn hình phạt" là chuyện đương nhiên xảy ra.

Giáo viên cần theo sát, nắm bắt tâm lý học sinh ngay từ những buổi học đầu năm học. (Ảnh minh họa)

4. Không tạo kế hoạch hành động cho những học sinh kém

Học sinh thể hiện hành vi kém thường không chắc chắn về cách cải thiện nó. Giáo viên nên tạo ra các kế hoạch hành động mô tả rõ ràng các kỳ vọng và phân định các bước mà học sinh có thể thực hiện để thành công.

Khi học sinh bị điểm kém hay yếu môn học nào, giáo viên hãy chỉ ra những nhiệm vụ cho học sinh phải làm để cải thiện điều đó. Có một kế hoạch hành động cụ thể sẽ giúp học sinh khắc phục được những hành vi kém.

5. Đuổi học hay trừng phạt với các vi phạm nhỏ

Mục đích sử dụng kỷ luật là để học sinh rèn luyện tiến bộ trong lớp học. Hành vi vi phạm nhỏ nên có cuộc trò chuyện giữa giáo viên với học sinh để phê bình, rút kinh nghiệm và sau đó là động viên. Vi phạm trung bình giáo viên nên có các cuộc gọi điện hoặc gặp gỡ phụ huynh để trao đổi trực tiếp.

Việc yêu cầu một học sinh rời khỏi lớp học hoặc báo cáo nhà trường chỉ nên sử dụng cho các vi phạm nghiêm trọng. Nếu một giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp quá dễ dàng, thể hiện lớp học không có kỷ luật. Ngoài ra nếu giáo viên báo cáo ngay nhà trường để xử lý kỷ luật những vi phạm nhỏ, thể hiện giáo viên đó không có khả năng quản lý hiệu quả lớp học.

6. Không xử lý vấn đề ngay từ đầu

Hầu hết các vấn đề về hành vi đều có một nguyên nhân cơ bản. Ví dụ: Một giáo viên kể câu chuyện, em học sinh trong lớp có vấn đề về hành vi trong suốt thời gian dài nhưng đến khi học sinh này nổi cơn thịnh nộ trong lớp cô mới tá hỏa.

Khi tìm hiểu thì được biết, hành vi không ổn định đó bắt nguồn từ việc bố mẹ không cho tham gia chơi ở đội bóng rổ của trường. Cô đã gặp bố mẹ để thuyết phục phụ huynh cho em tham gia đội bóng và vấn đề được giải quyết. Như vậy, nhiều vấn đề quản lý lớp học mà giáo viên phải đối mặt có thể xóa bỏ bằng cách tìm hiểu học sinh và tìm ra gốc rễ hành vi.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cach-tranh-6-loi-quan-ly-lop-giao-vien-hay-mac-dip-dau-nam-hoc-4033136-v.html

Bảo Minh