Nội san

GIỚI THIỆU GIÁO TRÌNH HỌC PIANO CƠ BẢN METHODE ROSE

18 Tháng Chín 2019

 Trần Đức Thắng  [*]

 

            Giáo trình dạy piano Methode Rose có tên đầy đủ là Methode Rose – Premiere Anne de Piano được biên dịch từ giáo trình dạy học đàn Piano nổi tiếng của Pháp Ernes Van de Velde.Đây là quyển sách dành cho người mới bắt đầu. Giáo trình piano Methode Rose – tiếng Việt còn được gọi là “Phương pháp hoa hồng” chủ yếu được sử dụng để giảng dạy trong năm thứ nhất học đàn piano. Giáo trình học piano Methode Rose đã được biên dịch ra  nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nhật và đặc biệt đã được in ra chữ nổi Brai dành cho người khiếm thị. Giáo trình đã được tái bản nhiều lần và được rất nhiều dịch giả dịch sang tiếng Việt. Nhưng một trong những phiên bản dịch được lưu hành rộng rãi và biết đến nhiều nhất hiện nay là phiên bản dịch và chú giải của Hoàng Dũng và Ngô Ngọc Thắng, do Nxb Đà Nẵng phát hành.

Bộ sách piano Methode Rose gồm 3 cuốn: Cuốn 1 có tên là Method Rose (Vỡ Lòng) gồm 2 phần, phần 1 giới thiệu về khoá sol, luyện ngón, bài học về nhịp, khoá pha, cách bấm cách tổ hợp phím, … phần 2 tiếp tục các bài thực hành cho người mới bắt đầu, cuốn 2 và cuốn 3 nói về những kiến thức nâng cao hơn cuốn 1.

Có rất nhiều giáo trình trên thị trường, nhưng phổ biến nhất vẫn là giáo trình học piano cho người mới bắt đầu học piano - MethodeRose,rất nhiều cơ sở dạy Piano sử dụng bộ giáo trình này để giảng dạy. Hiệu quả khi theo học giáo trình cho người mới bắt đầu học piano là rất rõ ràng và đã được kiểm chứng. Qua đó, Methode Roseđã được chứng minh bởi sự phổ biến của nó. Các em học sinh cần tin tưởng và bám sát theo giáo trình mà luyện tập. Quyển 1 sẽ giới thiệu đến các bạn những bài tập rất đơn giản, cung cấp kiến thức nền vững chắc để các bạn có thể phát huy khả năng piano của bản thân.

Phương pháp và chương trình giảng dạy của giáo trình Methode Rose được cấu trúc theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, theo lối móc xích: Học sinh cần nắm vững kiến thức của bài trước rồi mới hiểu và sang bài tiếp theo được. Thông qua giáo trình học sinh sẽ được học kỹ năng nghe, nhận biết, thuộc lòng các ký tự âm nhạc, cao độ, tiết tấu… kỹ thuật chuyển ngón, biểu diễn độc tấu và hòa tấu nhạc cụ. Bộ giáo trình không tuân theo một cấp độ nhất định nào mà chỉ là đưa ra những kiến thức, bài tập theo một trình tự hợp lý. Giáo trình được chia làm 3 phần gồm:

            Phần mở đầu: cuốn sách có giới thiệu cho mọi người làm quen với cây đàn piano, một vài nét về những nhà soạn nhạc nổi tiếng và những bậc thầy về nhạc cụ này như Chambonnières, Clerambault, Francois Cuperin… ở trường phái đàn Clavecin của Pháp; nhạc sĩ người Ý như Frescobaldi, Pasquini, Domenico Scarlatti…; hay những nhạc sĩ người Đức nổi tiếng là bậc thầy của cổ điển Jean – Sébastien Bach, và những nhạc sĩ nối tiếp sau đó Haendel, Mozart, Haydn, Beethoven… cùng nhiều nhạc sĩ các nước khác.

             Phần bài học về kiến thức: với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và rất dễ hiểu giúp người học có được những kiến thức cơ bản đầu tiên trong quá trình học đàn piano: Bài học về khóa Sol, các bài tập với năm ngón, bài học về nhịp, bài học về khóa Fa... Các bài học và bài tập thực hành được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, từ trình độ 1 đến trình độ 6.

            - Trình độ 1: Hướng dẫn người học về tư thế nguồi đàn, bài tập 5 ngón tay, quãng, nhịp, khóa Sol, khóa Fa, các dạng trường độ cơ bản và dấu chấm dôi.

            - Trình độ 2: Các bài tập sử dụng đồng thời hai khóa , dấu luyến và những bản nhạc nhỏ.

            - Trình độ 3: Chương trình học lúc này bắt đầu khó hơn với những nốt có quãng xa hơn, bắt đầu làm quen với những ký hiệu thăng (#), dấu lặng.

            - Trình độ 4: Các bài học dành riêng về dấu móc đơn và những loại nhịp mới, tiết tấu khác nhau và các nốt ngân dài, ký hiệu giáng…

            - Trình độ 5: Các dạng bài tập về kỹ thuật giãn ngón, rút ngón, chuyển ngón, đàn hợp âm (gồm nhiều nốt).

            - Trình độ 6: Bao gồm tất cả các dạng đã học ở năm trình độ trên nhưng được triển khai thêm, kết hợp với những ký hiệu thay đổi sắc thái âm thanh (mạnh – nhẹ) khác nhau và những trích đoạn trong một số tác phẩm nổi tiếng.

            Phần bài tập rèn luyện: Gồm những bản nhạc của Việt Nam, bài hát Việt Nam và nước ngoài được soạn cho piano, những trích đoạn của một số tác phẩm nước ngoài nổi tiếng khác.

Trong giáo trình Piano Methode Rose này, ngoài việc đưa ra những bài tập về kỹ thuật, về những tiết tấu điển hình cần luyện tập và xử lý thuần thục còn có những tiểu phẩm nước ngoài khiến cho các em thêm hào hứng học tập. Trong đó, bản thân học viên thấy có những bài hòa tấu giữa học sinh đi giai điệu bên trên và thầy giáo đệm đàn ở bên dưới. Đây là hình thức học tập có mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò khiến các em thêm hào hứng trong học đàn. Nhìn chung giáo trình Methode Rose đã nghiên cứu và xây dựng được một lộ trình kiên thức hợp lý và khoa học, giúp học sinh có được một kỹ năng chơi đàn tương đối hoàn thiện khi đã học xong quyển giáo trình Methode Rose. Tuy vậy, bất kỳ quyển sách nào cũng có không nhiều thì ít những mặt hạn chế, giáo trình Methode Rose cũng vậy. Quyển giáo trình Methode Rose mặc dù được sử dụng rộng rãi đến như vậy nhưng nhiều giảng viên và học sinh đã nhận ra một vài điểm thiếu sót trong quá trình giảng dạy và học đàn pianoMethode Rose dẫn dắt người học bước ngay vào quá trình tập đàn và không cung cấp nhiều về mặt kiến thức nhạc lý, chính vì thế chúng ta cần có một giáo trình nhạc lý căn bản để học song song với Methode Rose.

- Ưu điểm: Giáo trình Methode đã đưa ra được một hệ thống kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Các bài đầu có quy định số ngón giống nhau từ Đô – Sol giúp cho người học có được cảm giác ngón tay, nhanh làm quen được với phím đàn. Bắt đầu từ trình độ 3 các quy định số ngón mới bắt đầu giãn ra, mở rộng hơn để người học từng bước làm quen “đánh đến đâu chắc đến đấy” về ngón tay, học sinh sẽ không bị quá căng thẳng vì kiến thức được đưa vào dần dần mà không phải mỗi bài một kỹ thuật mới khác nhau.

Ngay từ bài đầu tiên, học sinh đã được làm quen với vị trí các nốt cao (các nốt ở quãng 8 thứ 2),  giúp học sinh đẩy nhanh được tiến độ học tập mà không phải mất thời gian để làm quen lại với những vị trí nốt cao (quãng 8 thứ 2) như một số giáo trình cơ bản khác. Giáo trình Methode Rose rất có tính khoa học ở chỗ mỗi trình độ, mỗi phần đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau (phần sau lúc nào cũng bao gồm cả những kiến thức của các phần trước). Điều này đã tạo nên tính thống nhất cao và khoa học của giáo trình. Lượng kiến thức phân bố đều, không quá nhiều, không quá ít khi đưa kiến thức và kỹ thuật mới vào. Hơn nữa các bài được lựa chọn trong giáo trình đều là những bài có giai điệu hay, dễ thuộc, bám  sát được những nội dung cần học, không để bị loãng, hổng kiến thức cũ và mới.

- Hạn chế: Bên cạnh những ưu điểm nói trên thì giáo trình Methode Rose cũng còn tồn tại  một hạn chế, đó là việc không có hệ thống lý thuyết âm nhạc phù hợp để có thể giải nghĩa cho các hiện tượng mới xuất hiện trong bài một cách  đầy đủ. Bài tập và bài học chỉ tập trung hướng dẫn người học vào bài, cách đánh và xử lý như thế nào mà không giải thích ý nghĩa của những ký hiệu mới, những lý thuyết. Việc này đôi khi cũng gây khó khăn nhất dịnhđối với những học sinh  chưa học qua lý thuyết âm nhạc cơ bản.

            Ngay khi bắt đầu vào trình độ 1, thay vì đưa ra những lý thuyết thì giáo trình Methode Rose đã vào bài tập luyện gần như ngay lập tức nên thường gây khó khăn cho người học, nhất là những người tự học mà không có sự hướng dẫn của giáo viên. Điều này cũng gây khó khăn cả cho giáo viên trong quá trình giảng dạy phải dành một phần thời gian để giảng giải cho học sinh về  những kiến thức nhạc lý cơ bản, giải thích những ký hiệu sau đó mới bắt đầu vào bài mới được, gây ra sự không đồng đều kiến thức giữa những học sinh của mỗi lớp (Vì có giáo viên giải thích kĩ lý thuyết, có giáo viên chỉ giải thích qua, có giáo viên còn mở rộng thêm những kiến thức ngoài… thay vì đi theo một hệ thống nhất định rồi vào bài tập). Vì vậy, khi bắt đầu một bài có kiến thức mới, giáo viên cần căn chỉnh thời gian giới thiệu bài sao cho hợp lý để học sinh vẫn có đủ thời gian tập luyện mà kiến thức không bị thiếu hụt.

            Ngoài ra hệ thống bài tập còn dàn trải, lượng bài tập dày đặc đôi khi gây sự nhàm chán cho học sinh. Ví dụ như khi giới thiệu một kiến thức về dấu chấm dôi cũng có hơn mười bài tập cần phải học để làm quen dấu chấm dôi, chưa kể các bài tác phẩm. Vì thế giáo viên cần nắm bắt được tâm lý học sinh, nên chọn một số bài tập tiêu biểu để học sinh có thể luyện và hiểu được kỹ thuật, nếu thấy học sinh hơi căng thẳng, mệt mỏi hay chán nản thì nên ngưng và cho học sinh chuyển sang luyện các tác phẩm có giai điệu hay và quen thuộc để giải trí song song với bài tập luyện kỹ thuật (có thể lấy bài ngoài giáo trình) và phải theo khả năng của học sinh, không để bài quá khó sẽ gây khó khăn và học sinh nhanh chán, nhưng cũng không nên dễ quá vì về lâu dài học sinh sẽ có xu hướng chỉ thích những bài đơn giản, ít tính nghệ thuật mà ngại học những tác phẩm lớn hơn, có tính nghệ thuật cao hơn.

Với lượng kiến thức phân bố khoa học của giáo trình piano Methode Rose, học sinh sẽ được học theo một lộ trình hợp lý, lượng kiến thức đầy đủ, dưới sự dẫn dắt của giáo viên và bám sát theo giáo trình và chăm chỉ luyện tập các em sẽ sớm nâng cao kỹ năng cơ bản khi chơi đàn piano.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Minh Anh (2007), Sự phát triển nghệ thuật Piano Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tp Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Phạm Vũ Thu Hiền (2013), Xây dựng một số giải pháp gây hứng thú cho học sinh trong các giờ học âm nhạc tại các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế, Luận văn thạc sỹ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Học viện Âm nhạc Huế.
  4. Nguyễn Tài Hưng (2017), Giáo trình Piano & Organ, Go Go piano, Nxb Văn hóa dân tộc.
  5. Hà Mai Hương, Đàn piano trong việc phát triển tư duy âm nhạc và cảm thụ nghệ thuật”, Học viện âm nhạc Huế.
  6. V.A. VA – KHRAME –EP (2001), Lý thuyết âm  nhạc cơ bản,  NxbÂm nhạc.
  7. Thái Thị Liên (Chủ biên) (2004); Phương pháp học đàn Piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  8. Hoàng Long, Hoàng Lân (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc âm nhạc, Nxb Sư phạm.
  9. Vũ Thị Phương Mai (2003), Một số vẫn đề trong việc giảng dạy học sinh Piano nhỏ tuổi ở Việt Nam, luận văn thạc sĩ; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc