Nghiên cứu lý luận

ĐƯA NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN BÍCH HỌA CỔ AI CẬP VÀO DẠY HỌC PHÂN MÔN VẼ TRANG TRÍ TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC SỞ NGUYỄN TRÃI, HUYỆN TÂN KỲ, TỈNH NGHỆ AN

23 Tháng Chín 2019

Trần Thị Thanh Mai [*]

Ai Cập cổ đại là một nền văn minh lâu đời và nổi tiếng trên thế giới nằm ở Đông Bắc châu Phi, tập trung dọc theo lưu hạ sông Nin. Trong quá trình phát triển người Ai Cập cổ đại đã tạo ra những di sản văn hóa quý báu và đồ sộ trên tất cả các lĩnh vực vực như văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng. Đặc biệt, Ai Cập được biết đến với những kim tự tháp sừng sững và những bức bích họa nổi tiếng.  

Bích họa Ai Cập là một trong những kì quan của thế giới cổ đại nó gắn liền với kiến trúc, điêu khắc. Tranh bích họa được vẽ trên tường hay trên chất liệu gốm cổ thể hiện những hình ảnh sinh động về cuộc sống sinh hoạt của người dân Ai Cập cách đây hàng ngàn năm.

Trang trí là nghệ thuật làm đẹp, nó giúp cho cuộc sống con người thêm phong phú và hoàn thiện hơn. Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Mĩ thuật tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn trãi, Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, tác giả nhận thấy trong chương trình dạy phân môn trang trí, các bài vẽ trang trí cơ bản hay trang trí ứng dụng chưa có gì mới lạ. Các họa tiết trang trí là những họa tiết còn quá quen thuộc, các em chưa được khám phá tìm hiểu thêm những loại hình nghệ thuật trang trí khác trên thế giới. Vì vậy, tác giả mạnh dạn đưa nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập vào giảng dạy phân môn vẽ trang trí tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn trãi, Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nhằm tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập.

Nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập gồm những mô típ trang trí có vai trò quan trọng trong văn hóa người Ai Cập nói riêng và nhân loại nói chung. Trên bích họa Ai Cập có nhiều mô típ trang trí khác nhau, chúng đa dạng về mặt nội dung và thể loại. Từ những mô típ trang trí đó thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đời sống văn hóa cũng như đời sống tâm linh của họ được hiện lên một cách rõ nét, chúng tạo nên một bức tranh về cuộc sống văn hóa sinh động của người dân Ai Cập. Mô típ trang trí trên bích họa Ai Cập được sáng tạo ra từ những gì gần gũi và thân quen nhất trong cuộc sống của họ như: cảnh săn bắn, hái lượm, các nghi thức, lễ hội… Mỗi một mô típ hoa văn ngoài chức năng trang trí còn có những vai trò và ý nghĩa khác nhau mà chúng phản ánh nhưng nhìn chung chúng đều phản ánh nét văn hóa của đất nước đó.

Mô típ trang trí hình người: Trong nghệ thuật tạo hình ta thường quen thuộc với hình ảnh con người, hình ảnh con người là đối tượng được phản ánh khá là phổ biến Trên bích họa Ai Cập, con người luôn là đề tài xuyên suốt và là hình tượng chủ đạo chiếm số lượng nhiều nhất về tác phẩm cũng như chiến vị trí nhiều nhất. Trong những bức tranh chủ yếu khắc họa hình tượng con người trong cuộc sống hàng ngày. Nguyên tắc vẽ người trong nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập được thể hiện theo một nguyên tắc nghiêm ngặt, chân dung con người được thể hiện dưới cái nhìn hai chiều.

Mô típ trang trí hình các vị thần: Trong các bức tranh bích họa hay phù điêu của người Ai Cập chúng ta thấy họ vẽ rất nhiều vị thần khác nhau thể hiện rõ cuộc sống tâm linh, các lễ nghi phong tục của họ. Người Ai Cập họ đã sáng tạo ra nhiều hình tượng thần bí, siêu thực, họ quan niệm các vị thần là người có sức mạnh siêu nhiên có thể cầu xin sự giúp đỡ. Nguyên tắc vẽ các vị thần cũng giống như nguyên tắc vẽ hình người.

Mô típ trang trí hình động vật: Trên bích hoại Ai Cập vẽ hình ảnh những loài động vật khác nhau gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ. Nhiều loại động vật được coi là hóa thân của các vị thần trong truyền thuyết như: sư tử, rắn, bọ hung, mèo, chim ưng... Ta thấy hầu hết những mô típ trang trí hình động vật được các họa sĩ lấy cảm hứng thực tế, được sử dụng phổ biến trong các bức bích họa trên tường với các cách thể hiện và đề tài khác nhau. Mô típ trang trí hình động vật cũng được thể hiện theo quy luật nghệ thuật Ai Cập cổ đại đó là: hình các con vật thể hiện theo cách nhìn hai chiều, thường thể hiện theo lối hiện thực hay biểu tượng, một số hình con vật thì được tả rất chi tiết bên cạnh đó cũng có những hình con vật mang tính cách điệu rất cao.

Mô típ trang trí trên trang phục, trên trang sức, mũ: Trang phục của người Ai Cập cổ đại thường đa dạng màu sắc và trang trí cầu kì với nhiều đồ dùng trang sức quý giá. cách ăn mặc thể hiện rõ ràng về địa vị xã hội và sự giàu có. Trang phục họ may thường là xếp nếp, họa tiết trên trang phục của người dân Ai Cập chủ yếu đơn giản chỉ là những đường viền sáng hay những đường kẻ dích dắc, đôi lúc có cả viền màu sáng, tối xen kẽ được trang trí bằng những đồ vật trang trí nhỏ. Màu sắc được ưa chuộng nhất là màu trắng, họ cũng thường trang trí quần áo bằng cả hạt cườm và lông vũ.

Mô típ trang trí chữ tượng hình: Chữ tượng hình là một thành phần thiết yếu tạo thành một phần của bức bích họa, mảng chữ thường được bố cục ở một góc của bức tranh. Khi nhìn vào bảng chữ viết Ai Cập cổ ta thấy các hình vẽ như người, động vât, cây cối, mặt trời, núi non… chúng là những hình vẽ có tính biểu tượng và tính cách điệu trang trí cao.

Để đưa mô típ trang trí trên bích họa Ai Cập vào chương trình giảng dạy phân môn trang trí  tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn trãi, Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đầu tiên tôi xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với trình độ học sinh cũng như điều kiện thực tế của nhà trường đảm bảo được các mục tiêu chung và nội dung của chương trình dạy học. Xác định rõ mục đích khi vận dụng nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập vào trong giảng dạy là gì để từ đó xây dựng thiết kế bài dạy bảo đảm được các mục đích đó. Trước khi đưa mô típ trang trí trên bích họa Ai Cập vào trong giảng dạy bản thân tôi đã nghiên cứu kĩ về nội dung. Lập kế hoạch cụ thể cho từng bài dạy. Ngoài ra một phần quan trọng nhất đó là xác định một số phương pháp giảng dạy được vận dụng trong bài dạy của mình. Một số phương pháp dạy học vận dụng trong bài dạy: Phương pháp trực quan, phương pháp gợi mở, phương pháp luyện tập, thực hành, phương pháp trò chơi, phương pháp thảo luận nhóm.

Trong chương trình Mĩ thuật Trung học Cơ sở tôi vận dụng nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập để áp dụng trong các tiết học phân môn vẽ trang trí ở khối lớp 6 tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An. Thực nghiệm trên 104 học sinh khối lớp 6 cụ thể: lớp 6A gồm 35 học sinh, lớp 6B gồm 32 học sinh, lớp 6C gồm 37 học sinh. Địa điểm thực nghiệm tại trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi là một trường nằm ở trung tâm thị trấn huyện Tân Kỳ. Thời gian thực nghiệm trong năm học 2018-2019. Nội dung thực nghiệm trong khuôn khổ thời gian và quy mô của luận văn tôi chỉ tổ chức nghiên cứu hai nội dung bài học được thiết kế theo hình thức dạy học áp dụng vào bài học cụ thể như sau: trang trí ứng dụng vận dụng vào bài trang trí hình vuông và trang trí đường diềm, trang trí cơ bản vận dụng vận dụng vào bài trang trí chiếc khăn để đặt lọ hoa.

Trong bài trang trí hình vuông: Giáo viên cần lưu ý cho học sinh sắp xếp các hình mảng đậm nhạt, họa tiết, màu sắc sao cho phù hợp với đặc điểm của nó, làm nổi rõ trọng tâm. Khi làm một bài trang trí hình vuông cần chú ý bố cục và cách phân chia mảng. Hướng dẫn học sinh sử dụng bố cục đăng đối hoặc tự do... Trong bài trang trí hình vuông ta có thể khai thác các họa tiết hình người, hình các vị thần hay họa tiết con vật vào làm họa tiết chính chạy theo đường chéo hoặc chạy theo khoảng trống chia các ô của đường chéo. Họa tiết chính thì phải vẽ to rõ ràng có thể tập trung vào chính giữa tâm hình vuông hoặc nằm ở khoảng giữa và có thể nằm ở các góc. Họa tiết hoa sen, chùm nho, bông lúa… trên bích  họa Ai Cập có thể đưa vào trang trí mảng phụ của hình vuông. Ta có thể lấy một họa tiết hay một cụm họa tiết. Sau bài giảng học sinh cần đạt được những kiến thức sau: hiểu được vẻ đẹp vai trò của trang trí hình vuông trong cuộc sống. Biết cách làm được một bài trang trí hình vuông, biết lựa chọn và sử dụng các họa tiết và màu sắc được ghi chép trên bích họa Ai Cập đề vận dụng vào bài vẽ trang trí của mình.

Trang trí đường diềm: Giáo viên lưu ý cho học sắp xếp các mảng họa tiết vận dụng các nguyên tắc trang trí cơ bản để tạo thành một dải trang trí kéo dài, liên tục, hài hòa hấp dẫn và đẹp mắt về đường nét, mảng hình, màu sắc, đậm nhạt. Sau bài giảng học sinh cần đạt được những kiến thức sau: học sinh hiểu được vẻ đẹp vai trò của trang trí đường diềm trong cuộc sống. Học sinh có kiến thức cơ bản về trang trí, cách nhìn, hiểu biết về bố cục đường nét, hình mảng, màu sắc, đậm nhạt để tạo ra được một bài trang trí đẹp. Trong giờ học kích thích được sự hứng thú, sự sáng tạo của các em để các em biết cách vận dụng màu sắc, họa tiết, bố cục, cách tạo hình trên bích họa Ai Cập để làm bài trang trí đường diềm phù hợp với yêu cầu bài học. Có kiến thức chung về nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập để vận dụng vào bài trang trí đường diềm, biết cách vẽ được một bài trang trí đường diềm đẹp về bố cục và màu sắc.

 Trong trang trí chiếc khăn để đặt lọ hoa: Giáo viên lưu ý học sinh trang trí như trang trí những hình cơ bản. Sau bài giảng học sinh cần đạt được những kiến thức sau: học sinh biết được vẻ đẹp tầm quan trọng của trang trí ứng dụng trong cuộc sống, biết vận dụng những kiến thức chung, cách sử dụng màu vẽ, cách vẽ họa tiết phân biệt được bài trang trí cơ bản và trang trí ứng dụng. Học sinh biết cách vẽ được một bài trang trí ứng dụng đẹp, biết lựa chọn và vận dụng các họa tiết và màu sắc ghi chép được trên bích họa Ai Cập đề vận dụng vào bài vẽ trang trí của mình, biết xác định rõ đề bài, yêu cầu của bài học. Đồng thời các em học sinh hiểu được giá trị, nét đẹp và độc đáo của  bích họa Ai Cập, từ đó học sinh thêm yêu quý trân trọng cái đẹp, yêu thích phân môn vẽ trang trí hơn.

Có thể nói, việc vận dụng nghệ thuật trang trí trên bích họa Ai Cập vào học phân môn vẽ trang trí đã thực sự nâng cao kết quả và tạo được hứng thú học tập cho học sinh kích thích được sự sáng tạo của các em. Bài vẽ của các em đã có sự thay đổi đáng kể về màu ý tưởng, màu sắc. Thông qua thực nghiệm học sinh có những trải nghiệm và những kiến thức mới rất bổ ích. Học sinh có hứng thú và yêu thích hoạt động sáng tạo và tìm hiểu một nền văn minh mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Bộ Giáo Dục và đào tạo (2008), “Đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo giáo viên Âm nhạc - Mĩ thuật cho trường phổ thông”, Hội thảo khoa học.
  2. Tuấn Nguyên Bình, Võ Quốc Thạch, Nguyễn Ngọc Bích (2007), Giáo trình Mĩ thuật và phương pháp dạy học mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Huế.
  3. Đặng Thái Hoàng - Nguyễn Văn Đỉnh (2006), Giáo trình lịch sử nghệ thuật tập 1, Nxb Xây dựng, Hà Nội.
  4. Vũ Dương Ninh (2009), Lịch sử Văn minh Thế giới, Nxb. Giáo dục, Hà Nội
  5. Minh Quang (2011), Ai Cập sinh tử kỳ thư, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

 

-------------------------------------------------------------------

 [*] Lớp cao học K2 -  Chuyên ngành LL&PP dạy học Bộ môn Mĩ thuật