Nội san

XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN ĐIỀN KINH CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW

02 Tháng Mười 2019

Bùi Thị Huyền [*]

Nếu trong thể thao, Bóng đá được mệnh danh là "môn thể thao vua" thì Điền kinh được gọi là "môn thể thao Nữ hoàng". Điền kinh là một tập hợp các môn thể thao cạnh tranh bao gồm đi bộ, chạy các cự ly, nhảy cao, nhảy xa, ném lao, ném đĩa, đẩy tạ và nhiều môn phối hợp khác. Với việc cần ít các thiết bị đi kèm và tính đơn giản của các môn này đã khiến Điền kinh trở thành các môn thể thao được thi đấu nhiều nhất trên thế giới. Điền kinh chủ yếu là môn thể thao cá nhân, với ngoại lệ là các cuộc thi tiếp sức và các cuộc thi mà kết hợp biểu diễn.

Cơ sở của môn Điền kinh chính là các động tác tự nhiên có tác dụng phát triển toàn diện về thể lực và tăng cường sức khỏe. Chính vì vậy điền kinh được xem là rất quan trọng trong giáo dục thể chất cũng như trong chương trình tập luyện vì sức khỏe của mọi người. Nó là môn thể thao cơ bản và bắt buộc trong tất cả các chương trình giáo dục thể chất ở các cấp học.

Điền kinh là môn thể thao rất đa dạng và phong phú bao gồm các hoạt động tự nhiên của con người như: Đi bộ, chạy, nhảy, ném, đẩy và nhiều môn phối hợp. Điền kinh giữ vai trò quan trọng trong nền giáo dục thể chất trong trường học nói chung và trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng, đặc biệt là trường đặc thù về nghệ thuật như Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Với đặc thù riêng, bộ môn Giáo dục thể chất Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã lựa chọn đưa vào chương trình môn học giáo dục thể chất những môn thể thao phù hợp với đặc điểm sinh viên, định hướng nghề nghiệp cũng như điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường như thể dục nhịp điệu, chạy cự ly ngắn, Thể dục Aerobics, Võ thuật, Cầu lông và Khiêu vũ thể thao. Nội dung Điền kinh là một nội dung học trong học phần bắt buộc – học phần Giáo dục thể chất 1 của trường. Đây là môn thể thao nền tảng của tất cả các môn thể thao khác. Tuy nhiên, định kiến của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh, sinh viên luôn nghĩ rằng học giáo dục thể chất là sự bắt chước, làm theo những động tác, kỹ thuật. Đây là một quan niệm sai lầm, môn Giáo dục thể chất cũng giống như các môn học thực hành khác bao giờ cũng là lý thuyết đi đôi với thực hành để giúp các em hiểu rõ được bản chất vấn đề mà không phải chỉ nhìn theo bắt chước một cách không có chủ đích. Mặt khác không phải tất cả sinh viên đều có thể học thực hành môn giáo dục thể chất vì những lý do như sức khỏe yếu, chấn thương bất ngờ hoặc đôi khi còn do điều kiện thời tiết không cho phép, mưa kéo dài hoặc nắng gay gắt triền miên. Những vấn đề này năm học nào cũng có và các giảng viên môn giáo dục thể chất tạo điều kiện cho các em bằng cách cho các em thay vì thực hành thì cho các em làm bài lý thuyết và đa số các câu hỏi mà giảng viên đưa ra chỉ thể hiện được một phần nào đó của nội dung môn học. Điều này chưa giúp cho sinh viên hiểu được, biết được bản chất của vấn đề nên các em có thiên hướng học tủ, học vẹt một nội dung nào đó. Chính vì vậy, lựa chọn phương pháp kiểm tra trắc nghiệm là lựa chọn hàng đầu để khắc phục tình trạng đó.

1) Phương pháp trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn: gồm hai bộ phận là câu dẫn và câu chọn. Trong câu chọn chia thành hai loại: câu đúng hoặc câu sai phải lựa chọn và câu nhiễu.

- Câu dẫn: Ở đầu câu kiểm tra có thể viết dưới dạng một câu trực tiếp hay một cách phát biểu không đầy đủ. Điều này có tác dụng như cách phát biểu để tạo ra một sự gợi ý câu trả lời cho SV.

- Câu chọn (Câu trả lời): thường từ 3 đến 5 câu là hợp lý, câu lựa chọn không nên quá ít lựa chọn (2 câu), hoặc quá nhiều (8-10 câu).

+ Câu đúng hoặc câu đúng nhất: Là đáp án đúng nhất trong các đáp án lựa chọn.

+ Câu sai: Là câu kém chính xác nhất hoặc không có liên quan gì đến câu dẫn.

+ Câu nhiễu: Là câu trả lời có vẻ hợp lý, chúng có tác động nhiều đối với SV có năng lực tốt và có tác dụng thu hút đối với SV có năng lực kém, quyết định vội vàng.

2) Phương pháp trắc nghiệm khách quan đúng – sai

Loại phương pháp này là cách lựa chọn giữa 2 đáp án đúng – sai, có – không. Nếu câu hỏi cung cấp một  nhận định và SV được hỏi để xác định điều đó thì câu trả lời thường là “đúng hoặc sai”. Hoặc có thể hỏi trực tiếp để được câu trả lời “ có hoặc không”. Đôi khi chúng được nhóm lại dưới một câu dẫn, các phương án trả lời thích hợp để gợi nhớ lại kiến thức được kiểm tra một cách nhanh chóng.

3) Phương pháp trắc nghiệm khách quan ghép đôi

Loại câu này thường có hai dãy thông tin là câu dẫn và câu đáp, chúng thường ghép đôi với nhau theo dạng tương ứng 1-1. Hai dãy thông tin này không nên có số câu bằng để cho cặp ghép cuối cùng chỉ đơn giản gắn kết của sự loại trừ liên tiếp. Nhiệm vụ của SV là ghép chúng lại một cách thích hợp.

4) Phương pháp trắc nghiệm khách quan điền khuyết

Đây là loại câu hỏi đòi hỏi phải điền hay liệt kê một hoặc nhiều từ để hoàn thành một câu hỏi trực tiếp hay một nhận định chưa đầy đủ. Với dạng câu hỏi này SV cần hiểu câu trả lời đúng hơn là nhận ra câu trả lời đúng.

Căn cứ vào nội dung môn học Điền kinh

Xác định các nội dung về kiến thức và kỹ năng cần đánh giá để đưa vào kiểm tra phải dựa trên những mục tiêu cụ thể đã ghi trong chương trình môn học. Xác định nội dung kiểm tra có thể được thực hiện theo các bước cụ thể như sau: chia nội dung chương trình học, mục tiêu bài học, nội dung môn học.

Căn cứ vào kỹ thuật xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan

Kỹ thuật xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan gồm hai phần: phần “gốc” - “câu hỏi”, và phần “lựa chọn” - “đáp án”

Căn cứ vào quy trình xây dựng câu hỏi

Quy trình nghiên cứu cơ sở lý thuyết một số tài liệu về kỹ thuật xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách qua gồm 7 bước.

Bước 1: Xác định mục tiêu của bài trắc nghiệm khách quan.

Bước 2: Xác định mục tiêu nội dung kiến thức của bài trắc nghiệm khách quan.

Bước 3: Thiết lập dàn bài trắc nghiệm

Bước 4: Xây dựng các loại câu hỏi trắc nghiệm khách quan

Bước 5: Thực nghiệm kiểm định những câu hỏi trắc nghiệm khách quan đã xây dựng.

Bước 6: Chỉnh sửa những câu hỏi có chất lượng thấp hoặc chưa phù hợp với nội dung môn học.

Bước 7: Sử dụng phần mềm Testpro để có thể đảo được nhiều đề trắc nghiệm khách quan.

Thông qua những hiểu biết về phương pháp kiểm tra trắc nghiệm khách quan, việc nắm vững nội dung, chương trình môn Điền kinh và đối tượng sinh viên nghệ thuật, tác giả đã xây dựng được 92 câu hỏi về 3 mảng của nội dung Điền kinh (chạy 100m) đó là: Nhóm câu hỏi khái quát về môn Điền kinh (32 câu), nhóm câu hỏi về nội dung môn Điền kinh nội dung chạy 100m xuất phát thấp (38 câu) và nhóm câu hỏi về luật Điền kinh liên quan đến nội dung chạy (22 câu). Dựa trên hệ thống câu hỏi đã biên soạn, chủ nhiệm đề tài đã sử dụng phần mềm đảo đề Testpro để cho ra 25 đề trắc nghiệm khách quan; mỗi đề 40 câu hỏi bao gồm cả ba nhóm câu hỏi đã được trộn lẫn. Phương pháp kiểm tra này giúp các em SV có cách làm việc độc lập, quyết đoán hơn, tư duy học bài với phương pháp kiểm tra này cũng giúp các em có cái nhìn khái quát, tổng thể hơn về môn Điền kinh. Phương pháp kiểm tra này còn giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc ra đề, kiểm tra và chấm bài thông qua việc áp dụng công nghệ thời kỳ 4,0; điểm số chính xác đến 0.25 nên rất công bằng, văn minh và hiện đại.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bạch Thị Lan Anh (2016), “Nghiên cứu biên soạn hệ thống câu hỏi môn Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ”
  2. Nguyễn Thị Thu Hằng (2008), “Biên soạn hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong dạy học về phương pháp tọa độ trong không gian – Lớp 12 THPT”. Luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục, Trường Đại học Thái Nguyên
  3. Nguyễn Thị Hường (1998), “Nghiên cứu câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng để đánh giá kiến thức hóa học hữu cơ phần đại cương hóa học hữu cơ dành cho hệ cao đẳng và đại học sư phạm”, Luận văn thạc sĩ khoa học hóa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
  4. Dương Thiệu Tống (2005), Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập (phương pháp thực hành), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5.  Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa tập 2, NxbTừ điển Bách khoa.
  6.  Trịnh Cường Thanh (2012), “Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho môn Điện kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt – Hưng”, Luận văn thạc sĩ, tác giả đã đánh giá được thực trạng kiểm tra đánh giá ở Khoa Điện – Điện tử Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt – Hưng
  7.  Trần Văn Thạnh (2003), “Nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn để kiểm tra đánh giá kêt quả học tập phần tĩnh điện trong chương trình vật lý đại cương của sinh viên hệ cao đẳng Trường Đại học An Giang”, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
  8.  Lê Quang Thiệp (1994), Những cơ sở của kiểm tra trắc nghiệm (tài liệu sử dụng nội bộ - Bộ GD-ĐT, Vụ đại học).

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Khoa Giáo dục Đại cương- Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương