Nghiên cứu lý luận

Rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho sinh viên trong học phần Tâm lý học Quản lý văn hóa nghệ thuật

02 Tháng Mười 2019

Nguyễn Quỳnh Trang[*]

Học hợp tác là một quan điểm học tập rất phổ biến ở các nước đang phát triển và đem lại hiệu quả giáo dục cao. Học hợp tác là một định hướng giáo dục mà trong đó sinh viên cùng làm việc trong những nhóm nhỏ gồm nhiều sinh viên khác nhau. Quan điểm học tập này yêu cầu sự tham gia, đóng góp trực tiếp của sinh viên vào quá trình học tập, đồng thời yêu cầu sinh viên phải làm việc cùng nhau để đạt được kết quả học tập chung. Trong quá trình hợp tác, mỗi cá nhân sinh viên tìm thấy lợi ích cho chính mình và cho tất cả các thành viên trong lớp nghĩa là thúc đẩy sự ảnh hưởng tích cực lẫn nhau trong tập thể sinh viên, tạo nên môi trường hợp tác giữa trò - trò, thầy - trò, sinh viên sẽ là trung tâm của quá trình dạy học.

  1. Đặt vấn đề

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là một mục tiêu quan trọng của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta, đặc biệt trong xu thế chuyển đổi từ đào tạoniên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ thì sinh viên có nhiều cơ hội phát huy tính tích cực tự giác, tính năng động, trí sáng tạo cũng như đòi hỏi phải có những kỹ năng học tập nhất định. Giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chú trọng đến đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao vai trò chủ động, tăng cường sử dụng các phương pháp và hình thức dạy học theo hướng tạo ra môi trường mới, điệu kiện để sinh viên được cùng nhau tự khám phá, tự chiếm lĩnh kiến thức và rèn luyện kỹ năng, trong đó kỹ năng học hợp tác có khả năng giúp sinh viên thích ứng với đặc điểm của đào tạo theo học chế tín chỉ.

          Học phần Tâm lý học Quản lý văn hóa nghệ thuật được đưa vào khung chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học Quản lý văn hóa – Trường ĐHSPNTTW, đối với sinh viên ngành Quản lý văn hóa, kỹ năng học hợp tác còn tác động lâu dài đến sự phát triển nghề nghiệp của họ bởi sinh viên của ngành là những người được đào tạo để chuẩn bị cho việc thực hiện các hoạt động của một cán bộ phụ trách văn hóa. Họ phải là người chủ động, tích cực biết thiết lập các tinh thần hợp tác và các ý tưởng sáng tạo, tuy nhiên trong quá trình giảng dạy cho thấy đa số sinh viên không chủ động giao tiếp với thầy cô, rất hạn chế trao đổi trong các giờ hoạt động nhóm làm giảm sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong nhóm. Từ thực tế này đòi hỏi giảng viên cần lựa chọn phương pháp – phương tiện dạy học phù hợp với nội dung môn học, nhằm tổ chức, định hướng cho học sinh thu thập thông tin, chinh phục kho tàng tri thức một cách hiệu quả. Vậy nên việc rèn luyện kỹ năng học hợp tác không chỉ đáp ứng yêu cầu học tập hiện tại của sinh viên mà còn là biện pháp thực hiện thành công chuẩn đầu ra của nhà trường.

  1. Cơ sở lý luận về rèn kỹ năng học hợp tác cho sinh viên trong học phần Tâm lý học Quản lý văn hóa nghệ thuật

Học hợp tác

Theo nhiều tài liệu quốc tế với thuật ngữ tiếng Anh “cooperative learning” có nghĩa tiếng Việt là “học tập hợp tác”, nhấn mạnh vai trò chủ thể của người học trong hoạt động học. Đây là quan điểm học tập rất phổ biến ở các nước đang phát triển và đem lại hiệu quả cao. Quan điểm học tập này yêu cầu sự tham gia đóng góp trực tiếp của người học vào quá trình học tập, đồng thời yêu cầu người học phải làm việc cùng nhau để đạt kết quả học tập chung.

Theo Nguyễn Lăng Bình (2018), “Trong dạy học hợp tác, giáo viên là người tổ chức cho học sinh học tập trong nhóm nhỏ, học sinh cùng thực hiện một nhiệm vụ nhất định trong thời gian nhất định. Trong nhóm dưới sự chỉ đạo của nhóm trưởng, học sinh kết hợp giữa làm việc cá nhân, làm việc theo cặp, theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng nhau để giải quyết nhiệm vụ được giao” [1; tr.62]

Học hợp tác là cách thức học tập trong đó người học được tổ chức thành các nhóm làm việc cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ học tập, giữa họ có sự tương tác, hỗ trợ, phụ thuộc lẫn nhau, từ đó thói quen và các kỹ năng hợp tác được hình thành và phát triển.

Kỹ năng học hợp tác

Kỹ năng học hợp tác là khả năng con người thực hiện những hành động, kỹ thuật học tập một cách đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả trên cơ sở vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm học hợp tác với giáo viên, bạn học nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra trên cở sở có sự tương tác trực tiếp, sự phụ thuộc lẫn nhau, trách nhiệm của các cá nhân trong nhóm.

Như vậy chúng ta thấy được rằng nói đến kỹ năng học hợp tác là nói đến khả năng thực hiện có kết quả thao tác, kỹ thuật hoạt động học tập của người học trên cơ sở sự tương tác và phối hợp một cách tự nguyện, tự giác bình đẳng tôn trọng lẫn nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.

Các nguyên tắc rèn luyện kỹ năng học hợp tác

Nguyên tắc đảm bảo tính mục đích: Chất lượng, hiệu quả của một hoạt động phụ thuộc vào việc xác định mục đích ban đầu. Chính vì vậy mà khi tổ chức hoạt động học hợp tác cho sinh viên ở bất kỳ mặt nào kiến thức hay kỹ năng nào đó người dạy phải quan tâm rèn cho các em những kỹ năng tương ứng.

  • Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống: Ứng dụng nguyên tắc hệ thống trong việc xây dựng các biện pháp rèn luyện kỹ năng học hợp tác sẽ được tiến hành một cách chỉnh thể bao gồm các giai đoạn các bước rèn luyện kỹ năng chúng được liên kết gắn bó, thống nhất và tương tác với nhau và phụ thuộc lẫn nhau trong một trình tự nhất định.
  • Nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất: Tính thống nhất ở đây được hiểu là sự thống nhất giữa việc lĩnh hội tri thức về kỹ năng học hợp tác và luyện tập thực hiện các hành vi, thái độ, hành động học hợp tác.
  •  Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả: Có thể được ứng dụng rộng rãi vừa có khả năng tạo ra những hiệu quả về việc rèn luyện kỹ năng học hợp tác.
  •  Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn: Phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, đáp ứng nhu cầu của sinh viên và phù hợp với xu hướng trong lĩnh vực giáo dục.
  1. Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng học hợp tác cho sinh viên QLVH trong dạy học học phần TLHQLVH

Biện pháp 1: Giáo dục nhu cầu, thái độ tích cực của sinh viên QLVH về học hợp tác và rèn luyện kỹ năng học hợp tác

         Biện pháp này nhằm cung cấp, bổ sung, nâng cao và hoàn thiện những tri thức kinh nghiệm về học hợp tác và kỹ năng học hợp tác của sinh viên đồng thời giáo dục nhu cầu, thái độ tích cực, hiểu được những nét đặc trưng trong giao tiếp, ứng xử cùng nhau. Đây là cơ sở quan trọng để các em tự rèn luyện và làm việc cùng nhau.

Biện pháp 2: Thiết kế nhiệm vụ học tập để rèn luyện kỹ năng học hợp tác

         Yêu cầu giảng viên và sinh viên thiết kế các nhiệm vụ hợp tác trong học tập theo mức độ khác nhau nhằm rèn luyện các kỹ năng học hợp tác và phát huy tính sáng tạo, tư duy ... trong việc giải quyết các nhiệm vụ học tập đề ra.

Biện pháp 3: Hướng dẫn sinh viên học hợp tác có hỗ trợ công nghệ thông tin

         Giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thông qua mạng internet sử dụng các phần mềm zalo, facebook, telegram... để tạo các nhóm thảo luận từ đó Giảng viên – Sinh viên, Sinh viên – Sinh viên có thể trao đổi thông tin, tài liệu, giáo trình, video clip dạy học... Giảng viên giao nhiệm vụ cho từng nhóm, đặt ra nội quy, điều khoản tham gia. Sinh viên tham gia nhóm như đã phân công, đưa nội dung học tập của cá nhân lên nhóm, từ đó trao đổi, thảo luận và thống nhất nội dung bài học của nhóm. Qua đó, giảng viên cũng có thể đánh giá quá trình tích cựu tham gia và năng lực của sinh viên thông qua số lần truy cập các phần mềm trên.

Biện pháp 4: Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng phát triển kỹ năng học hợp tác.

Ở biện pháp này chúng tôi đề ra 2 phương pháp kiểm tra, đánh giá: kiểm tra, đánh giá cá biệt hóa trong nhóm và kiểm tra, đánh giá kết quả chung của nhóm.

  • Phương pháp kiểm tra, đánh giá cá biệt hóa trong nhóm: mục tiêu kiểm tra, đánh giá được năng lực của từng sinh viên trong nhóm, đảo bảo tính công bằng, khách quan và tính cá biệt hóa trong dạy học. Đồng thời cũng xây dựng được sự phụ thuộc tích cức giữa các thành viên nhóm. Với phương pháp này, mỗi sinh viên thực hiện một bài kiểm tra với nội dung riêng, nếu tất cả các thành viên đều đạt điểm khá trở lên thì mỗi một thành viên trong nhóm đó sẽ được cộng thêm điểm thưởng.
  • Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả chung của nhóm: Điểm của nhóm sẽ lấy làm điểm học tập chung của tất cả các thành viên, thông qua phương pháp này nhằm tăng cường sự nỗ lực của mỗi cá nhân nhưng cần kết hợp chặt chẽ với nhau giữa các thành viên để nhóm cùng nhau đạt được kết quả cao nhất.
  1. Kết luận

Các kỹ năng học hợp tác của sinh viên là một yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng học của người học và còn tác động lâu dài đến sự phát triển nghề nghiệp của họ vì thế sinh viên cần được rèn luyện một hệ thống kỹ năng học hợp tác. Qúa trình rèn luyện kỹ năng học hợp tác là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi quy trình chặt chẽ khoa học, đồng thời việc rèn luyện cần phải được tiến hành thường xuyên và liên tục, theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp để việc rèn luyện đạt được kết quả cao nhất.

                                                     Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Lăng Bình (2018), Dạy và học tíc cực – Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
  2. Nguyễn Bá Dương (Chủ biên) (2003). Tâm lý học quản lý dành cho người lãnh đạo.  NXB Chính trị quốc gia Hà Nội
  3. Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm.

4.   Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (2004), Lý luận dạy học đại học, Nxb ĐH sư phạm, Hà Nội.

  1. Platonov K.K (1963), “Về tri thức, kỹ xảo và kỹ năng”, Tạp chí khoa học Xô Viết, số 11

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Khoa Giáo dục Đại cương- Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương