Nội san

Phát huy tính tích cực học tập học môn Tâm lý học Đại cương cho sinh viên khoa TKTT trường ĐHSP Nghệ thuật TW

08 Tháng Mười 2019

 Nguyễn Hương Giang [*]

Tính tích cực học tập là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội tri thức khoa học, kỹ năng kỹ xảo của người học, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy.  Bài viết trình bày thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực học tập của sinh viên trong học tập môn Tâm lý học đại cương. Từ đó, chúng tôi đề xuất một số biện pháp góp phần phát huy tính tích cực học tập môn Tâm lý học đại cương cho sinh viên khoa TKTT.

  1. Mở đầu

Trước nhu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, trong quá trình học tập sinh viên cần phải chủ động tích cực để chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực là một phẩm chất nhân cách của người học giúp họ phát huy, nỗ lực cố gắng, chủ động sáng tạo vươn lên chiếm lĩnh mục tiêu và yêu cầu đào tạo. Tính tích cực học tập giúp người học chuyển những yêu cầu học tập thành nhu cầu tự học tập, khơi dậy sự hứng thú học tập. Môn Tâm lý học đại cương là môn học đa phần là lý thuyết trừu tượng nên nếu như sinh viên không hứng thú, tích cực học tập thì rất khó chiếm lĩnh tri thức. Sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW cụ thể là sinh viên khoa TKTT là những sinh viên đều có năng khiếu về nghệ thuật, ưa hoạt động, mạnh về năng lực quan sát, năng lực phát hiện, khám phá, cảm nhận, rung cảm trước vẻ đẹp của đối tượng quan sát và biết sử dụng đường nét, màu sắc, hình khối nhưng các em gặp khó khăn trong việc tiếp thu các tri thức thuộc các môn học là khối kiến thức đại cương, các môn học có tính chất lý luận. Chí́nh vì̀ vậ̣y, việ̣c nghiên cứ́u thực trạng  học tập và̀ tì̀m ra nhữ̃ng biệ̣n phá́p nhằ̀m phá́t huy tí́nh tí́ch cự̣c trong họ̣c tậ̣p môn Tâm lý́ họ̣c đại cương cho sinh viên khoa TKTT sẽ góp phần nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên.

  1. Cơ sở lý luận về tính tích cực học tập

Khái niệm tính tích cực học tập

         Tính tích cực học tập là sự ý thức tự giác của sinh viên về mục đích của hoạt động học tập, thông qua đó sinh viên huy động ở mức cao chức năng tâm lý để giải quyết các nhiệm vụ học tập có hiệu quả (Đỗ Thị Coỏng, 2004).

         Tính tích cực học tập có vai trò quyết định hiệu quả học tập của sinh viên. Sinh viên chỉ có thể̉ hiể̉u sâu sắc tài liệu học tập và biến nó thành giá trị riêng nếu họ kiên trì và nỗ lực hoạt động trí tuệ trong học tập để tự “khám phá” phát hiện ra tri thức.

         Tính tích cực học tập môn TLHĐC là sự ý thức tự giác của sinh viên về mục đích của hoạt động học tập môn TLHĐC, thông qua đó sinh viên huy động ở mức cao chức năng tâm lý để giải quyết các nhiệm vụ học tập môn TLHĐC có hiệu quả.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực học tập của sinh viên

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực họ̣c tập của sinh viên gồm yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan:

  • Yếu tố chủ quan: người học muốn tích cực học tập trước hết phải có nhu cầu học, động cơ học tập, hứng thú nhận thức, có ý chí vươn lên trong tập. Nhu cầu tìm kiếm tri thức kích thích sự tìm tòi, khám phá, vận dụng tri thức vào thực tiễn. Động cơ học tập sẽ thúc đẩy, lôi cuốn và kích thích người học tích cực hoạt động. Trong quá trình học nếu người học có hứng thú sẽ có tác dụng như một sự thúc đẩy bên trong làm giảm sự căng thẳng, mệt mỏi tăng hiệu quả hoạt động học tập. Hoạt động học tập không phải lúc nào cũng diễn ra trong điều kiện thuận lợi mà luôn gặp khó khăn, trở ngại, do đó người học phải có sự kiên trì, nỗ lực cao về mặt ý chí.
  • Yếu tố khách quan: là yếu tố tác động làm cho sinh viên có hay không có tích cực hoạt động học tập như:

+) Nội dung môn họ̣c: tác động đến tính tích cực họ̣c tập của sinh viên dựa trên cơ sở phù hợp với nhận thức, hữu ích đế́n ngành nghề.

+) Phương pháp giảng dạy: tính tích cực học tập của người học chịu ảnh hưởng rất lớn từ phía người dạy, đặc biệt là phương pháp giảng dạy. Cùng một bài giảng như nhau nhưng giảng viên sử dụng phương pháp dạy học khác nhau sẽ dẫn đến thái độ tiếp thu của sinh viên khác nhau.

+) Ngoài ra yếu tố về điều kiện, phương tiện học tập cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính tích cực học tập của người học.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được  thực hiện khảo sát trên  80 sinh viên năm thứ 4 nhằm đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực học tập của sinh viên khoa TKTT đối với môn Tâm lý học đại cương. Kết quả xử lý số liệu bằng bảng tính excel.

  1. Thực trạng tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên khoa TKTT

Qua kết quả điều tra bằng bảng hỏi, đánh giá về mức độ nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của môn TLHĐC thì đa số sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập môn TLHĐC (chiếm 67,5%). Có 50% sinh viên nhận thấy môn TLHĐC là môn học thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên nhu cầu học tập môn TLHĐC của sinh viên chưa cao chiếm 43,7%. Sinh viên học môn TLHĐC vì nhiều động cơ khác nhau trong đó động cơ “Vì phải hoàn thành môn học trong chương trình để đủ điều kiện tốt nghiệp” xếp vị trí thứ 1 (67,5%), động cơ xếp ở vị trí thứ 2 là “Mong muốn được mở rộng tri thức, nâng cao hiểu biết về kiến thức tâm lý học” (62,5%), xếp ở vị trí thứ 3 là “Mong muốn có cơ hội tìm việc làm tốt khi ra trường” (52,5%). Kết quả này cho thấy sinh viên học môn TLHĐC vì những động cơ xã hội hơn những động cơ chiếm lĩnh tri thức. Mức độ hứng thú của sinh viên đối với môn học chưa cao (chỉ có 18% sinh viên thấy hứng thú, 8% rất hứng thú) điều này cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa mức độ nhận thức và mức độ hứng thú của sinh viên đối với môn TLHĐC. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy môn TLHĐC chưa tạo được sự hứng thú, tâm trạng háo hức của sinh viên cũng như sự tích cực, tự giác học tập. Có sự mâu thuẫn giữa nhận thức và thái độ của sinh viên, sự nhận thức chưa thể chuyển hóa thành những thái độ học tập tích cực ở sinh viên. Sinh viên học vì những động cơ xã hội mới đầu khi nghe môn TLHĐC đều tỏ ra háo hức, chờ đón nhưng sau này trước những khối lượng kiến thức có tính lí luận sinh viên tỏ ra mệt mỏi, ít hứng thú với môn học.

Tính tích cực thể hiện ở 3 mặt nhận thức – thái độ - hành vi để có thể đánh giá được một cách đầy đủ và chính xác về tính tích cực học tập môn TLHĐC thì cũng cần phải tìm hiểu hoạt động học tập của sinh viên ở trên lớp và tự học ở nhà. Kết quả nghiên cứu cho thấy biểu hiện hành động học tập tích cực môn TLHĐC ở trên lớp của sinh viên còn thấp (X: 2.17), lượng thời gian sinh viên dành cho việc tự học môn TLHĐC ở nhà còn ít (dành thời gian học ở nhà <1h chiếm 42%), biểu hiện tính tích cực học môn TLHĐC ở nhà của sinh viên ở mức thấp (X: 2.05). Qua phân tích kết quả nghiên cho thấy sinh viên khoa TKTT chưa tích cực học tập môn TLHĐC.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên trong đó có yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Theo kết quả nghiên cứu sinh viên đánh giá các yếu tố khách quan như bầu không khí trong lớp (chiếm 57,5%), thái độ của giảng viên(chiếm 55%), giảng viên đánh giá kết quả học tập của sinh viên công bằng và khách quan (chiếm 52,5%). Các yếu tố chủ quan: nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập môn TLHĐC (chiếm 67,5%), trình độ và năng lực nhận thức (chiếm 52,5%), kinh nghiệm và vốn kiến thức hiện có (52,5%).

  1. Biện pháp phát huy tính tích cực học tập môn TLHĐC cho sinh viên khoa TKTT

Từ kết quả nghiên cứu thực trạng về tính tích cực học tập môn TLHĐC chúng tôi đưa các biện pháp phát huy tính tích cực học TLHĐC cho sinh viên khoa TKTT:

Biện pháp 1: Giáo dục ý thức, động cơ học tập cho sinh viên.

Động cơ và thái độ học tập đúng đắn quyết định phần lớn đến tính tích cực học tập của sinh viên. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy đa số sinh viên khoa TKTT chưa có động cơ và thái độ đúng đắn đối với việc học tập môn TLHĐC. Để giúp sinh viên hình thành động cơ, thái độ học tập đúng đắn, giáo viên kích thích nhu cầu, khơi gợi hứng thú khám phá tri thức trong tất cả các giai đoạn của tiết lên lớp: đặt vấn đề, tổ chức lĩnh hội tri thức mới, củng cố, hướng dẫn hoạt động nối tiếp...Với cách đặt vấn đề hấp dẫn sẽ quyết định phần lớn sự thành công của tiết dạy và nó kích thích được nhu cầu, khơi gợi được hứng thú học tập ở sinh viên.

Biện pháp 2: Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên

Để nâng cao tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên, giảng viên cần:

- Tăng cường sự kết hợp các phương pháp học tập khác nhau, đặc biệt tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học như: phương pháp dạy học “nêu vấn đề”, thảo luận nhóm, xeemina, tăng cường liên hệ thực tế...cũng như tăng cường sử dụng các phương tiện hiện đại vào dạy học nhằm khơi gợi hứng thú học tập, khả năng tư duy sáng tạo của người học.

- Cụ thể hóa tri thức TLHĐC, tăng cường tính thực tiễn trong nội dung các bài giảng. Những hiện tượng tâm lý là những hiện tượng gần gũi với con người, ở bất cứ ai cũng có những hiện tượng tâm lý đó.

- Hướng dẫn phương pháp học tập môn TLHĐC cho sinh viên. TLHĐC là môn học thuộc khoa học xã hội nhưng để lĩnh hội các tri thức TLH một cách hiệu quả sinh viên không thể học giống các môn chuyên ngành nghệ thuật mà cần phải có cách học phù hợp. Để giúp cho sinh viên có phương pháp học tập TLHĐC phù hợp nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cao trong học tập, người giáo viên phải hướng dẫn cho sinh viên phương pháp học tập.

Biện pháp 3: Xây dựng các nhiệm vụ học tập theo hướng vận dụng kiến thức tâm lý học vào trong thực tiễn

Các hiện tượng tâm lý vừa gần gũi, cụ thể gắn bó với con người nhưng cũng vừa phức tạp, trừu tượng khó hiểu. Vì vậy trong quá trình giảng dạy người giáo viên phải tạo cơ hội cho sinh viên thực hành, vận dụng các kiến thức môn học vào cuộc sống thì sinh viên mới hiểu được nội dung một cách đầy đủ cũng như sinh viên sẽ thấy hứng thú  hơn trong việc học tập. Người giáo viên cần đưa ra các nhiệm vụ học tập cho người học  thường xuyên liên hệ, vận dụng vào thực tế... để đảm bảo việc lĩnh hội tri thức môn học một cách vững chắc, sâu sắc.

Biện pháp 4: Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá

Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá với môn TLHĐC ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW theo học chế tín chỉ được đánh giá thông qua các đầu điểm: điểm chuyên cần, trung bình kiểm tra và điểm học phần. Điểm trung bình kiểm tra được thể hiện thông qua hai bài kiểm tra sinh viên làm việc nhóm và làm bài cá nhân, điểm học phần được thể hiện thông qua bài tiểu luận. Với bài thi học phần hình thức là tiểu luận đã phát huy được tính sáng tạo, tính ứng dụng giữa lý luận và thực tiễn tuy nhiên vẫn còn không ít sinh viên làm bài sơ sài không thực sự đầu tư vào bài làm, có một bộ phận sinh viên còn thuê người làm bài...Vì vậy điểm trung bình kiểm tra không nên chỉ thông qua hai bài kiểm tra làm việc nhóm và bài cá nhân mà nên đánh giá trong suốt quá trình sinh viên tham gia vào môn học, thông qua quá trình sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra như vậy sẽ đánh giá được đúng và toàn diện quá trình học tập của sinh viên.

  1. Kết luận

Tính tích cực là một phẩm chất nhân cách điển hình của con người, có vai trò rất quan trọng trong đời sống và hoạt động, là động lực chủ yếu tạo nên giá trị nhân cách cho mỗi cá nhân. Trong hoạt động học tập, tính tích cực không chỉ là điều kiện để phát triển khả năng tư duy, tưởng tượng, năng lực sáng tạo, các phẩm chất nhân cách mà còn là động lực chủ yếu thúc đẩy người học khám phá, nắm bắt tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách có hiệu quả. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên bao gồm cả những yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Để nâng cao tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên cần phải tiến hành  nhiều biện pháp khác nhau như: kích thích nhu cầu, khơi gợi hứng thú, hình thành động cơ cũng như thái độ học tập đúng đắn cho sinh viên, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, động viên và giúp đỡ sinh viên vận dụng, ứng dụng kiến thức TLHĐC đã học được vào cuộc sống.

                                                     Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Thị Coỏng (2003), Nghiên cứu tính tích cực học tập môn tâm lý học của sinh viên đại học sư phạm Hải Phòng, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  2. Phạm Minh Hạc (1983), Nhập môn tâm học, Nhà xuất bản giáo dục,  Hà Nội.
  3. Phạm Văn Tuân (2011), Tìm hiểu tính tích cực học tập môn TLHĐC của sinh viên hệ đại học trường ĐH Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ Tâm lý học, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Phạm Văn Cường (2011), Tìm hiểu tính tích cực học tập của sinh viên dân tộc thiểu số trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, Tạp chí Giáo dục số 262.
  5. Nguyễn Thị Huyền (2018), Thực trạng tính tích cực học tập của sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Tạp chí Giáo dục số 437.

 

      -------------------------------------------------------------------

     [*] Khoa Giáo dục Đại cương